Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

'Người chống tham nhũng dễ bị trả thù, trù dập'

(VNExpress.net) Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng Lê Văn Lân nhận định, người đi tố cáo thường yếu thế hơn người bị tố cáo nên dễ bị trù dập, trả thù. Các biện pháp bảo vệ người chống tham nhũng còn chung chung, chưa phát huy hiệu quả.
> Người phụ nữ bán nhà chống tham nhũng/ Tham nhũng là vấn đề bức xúc nhất hiện nay

- Hiện nay, người chống tham nhũng đang tự phải bảo vệ chứ chưa nhận được nhiều sự can thiệp của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
- Không riêng Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới, người chống tham nhũng nói chung và người tố cáo các hành vi tham nhũng nói riêng thường đứng trước nhiều mối đe dọa, chịu sức ép trả thù hay trù dập... Ngay cả cán bộ của cơ quan phòng chống tham nhũng cũng chịu áp lực này. Vì vậy, nhiều nước đã có những biện pháp bảo vệ không chỉ cho người đứng ra tố cáo mà còn cả thân nhân của họ.
Các biện pháp bảo vệ người chống tham nhũng ở Việt Nam có nhiều nhưng chung chung, việc áp dụng còn nhiều hạn chế. Tới đây, tôi hy vọng chúng ta xây dựng được luật tố cáo mới (tách từ Luật khiếu nại tố cáo năm 1998 trước đây), trong đó có chương riêng quy định bảo vệ người tố cáo.
Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung tương về phòng, chống tham nhũng Lê Văn Lân. Ảnh: Hà Anh.
Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng Lê Văn Lân. Ảnh: Hà Anh.

- Vậy có thể hiểu, người đi tố cáo có phần yếu thế trước người bị tố cáo. Các cơ quan chức năng phải làm gì để khuyến khích người dân tích cực tham gia phòng chống tham nhũng?
- Đúng là hiện nay, người tố cáo yếu thế hơn người bị tố cáo. Ví dụ, cán bộ công chức tố cáo lãnh đạo của mình thì nhiều khi sẽ gặp bất lợi. Người có chức có quyền sẽ lợi dụng địa vị, khả năng kinh tế để trả thù, trù dập người tố cáo: Nhẹ thì phân công những công việc không phù hợp, nặng có thể buộc thôi việc...
Luật phòng chống tham nhũng cũng có quy định bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên đến nay, việc này chưa được cụ thể hóa nên quá trình áp dụng còn gặp khó khăn.
Theo các quy định hiện hành, công an sẽ là đơn vị chủ công bảo vệ người tố cáo. Ngoài ra, chính quyền địa phương, cơ quan thanh tra, cơ quan tiếp nhận các nguồn tố cáo cũng phải có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo.
- Hôm nay tại Hội thảo quốc tế "Bảo vệ người tố cáo tham nhũng", các nước đã đưa ra nhiều kinh nghiệm phòng, chống loại tội phạm này. Việt Nam học hỏi được gì từ họ?
- Tôi tâm đắc với quan điểm muốn bảo vệ người tố cáo trước hết là phải xử lý thông tin nhanh chóng kịp thời triệt để. Nếu không giải quyết ngay, người bị tố cáo sẽ có các ưu thế, điều kiện để trả thù, trù dập người tố cáo. Theo tôi, đây là giải pháp quan trọng nhất trong phòng, chống tham nhũng.
Ví như ở Trung Quốc, người bị tố cáo tham nhũng có bằng chứng tương đối cụ thể thì sẽ được "cách ly" ra khỏi xã hội để tránh giao tiếp với những người khác hay không còn điều kiện để trả thù người tố cáo. Đây cũng là kinh nghiệm chúng ta có thể tham khảo. Ngoài ra, việc giữ bí mật cho người tố cáo cũng cần được coi trọng.
- Để hạn chế tham nhũng, ông đánh giá gì về biện pháp minh bạch tài sản?
- Theo tôi minh bạch tài chính là nội dung rất quan trọng trong phòng ngừa tham nhũng. Luật phòng chống tham nhũng của chúng ta quy định công khai minh bạch các hoạt động của cơ quan tổ chức đơn vị, trừ bí mật nhà nước và nội dung Chính phủ quy định không được công khai. Song thực tế, tôi thấy việc công khai minh bạch còn hạn chế.
Nhiều người vẫn lạm dụng quy định bí mật của nhà nước để không công khai nội dung không phải bí mật. Ngay cả với những nội dung không đóng dấu mật nhưng nhiều người dân bình thường vẫn không thể tiếp cận được. Chúng ta còn phải phấn đấu nhiều để ngày càng công khai minh bạch thông tin, tài sản. Lúc đó, tham nhũng không còn chỗ để phát triển.
- Ông đánh giá gì về vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng?
- Nếu vụ việc được báo chí phanh phui tôi nghĩ dư luận rất đồng tình ủng hộ, người đi tố cáo sẽ nhận thêm tiếng nói. Nếu chúng ta bưng bít không đưa công khai, người bị tố cáo sẽ coi thường các biện pháp đấu tranh của người tố cáo.
- Mới đây có dự thảo quy định cơ quan báo chí khi nhận được tố cáo không được điều tra mà phải chuyển đến cơ quan chức năng. Theo ông, việc này ảnh hưởng thế nào đến tiến trình chống tham nhũng?
- Theo tôi quy định như vậy cũng phù hợp với pháp luật hiện nay bởi điều tra các vụ tham nhũng rất phức tạp, phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng như thanh tra, cơ quan điều tra hay cơ quan chức năng khác.
Còn cơ quan báo chí, tôi hiểu cũng có chức năng điều tra tuy nhiên chỉ trong phạm vi của luật báo chí.
Hà Anh ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét