Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Nói nhân dân không cần luật Biểu tình là sai

SGTT.VN - Bài báo Từ “chống chính phủ” đến “xúc phạm nhân dân” trên trang Góc nhìn của báo Sài Gòn Tiếp Thị ra ngày 18.11.2011 và toàn văn bài phát biểu của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (tựa Phát biểu như thế là xúc phạm đến người dân) và đại biểu Hoàng Hữu Phước (tựa Biểu tình là để chống lại chính phủ nước mình) đã nhận được số lượng phản hồi đột biến của bạn đọc trong hai ngày cuối tuần.
Hàng trăm ý kiến bạn đọc gửi về toà soạn xoay quanh ba bài viết này, với sự phẫn nộ, đều phản đối ý kiến của đại biểu Hoàng Hữu Phước cho rằng “Đa số công dân sẽ không ủng hộ luật Biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn”. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến đáng chú ý của bạn đọc:
Ông Phước không đại diện cho ý muốn của người dân:
• Xem bài đăng đàn phát biểu của ông mới hay ông chưa từng đọc qua Hiến pháp, bởi nếu đọc rồi ông phải thấy công dân có năm quyền cơ bản trong đó có quyền tự do lập hội cũng như quyền tự do biểu tình (Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992). Ông cũng chưa từng đọc luật Mặt trận tổ quốc nên còn nhầm lẫn về khái niệm Mặt trận tổ quốc và lập hội (khoản 1, điều 1 luật Mặt trận tổ quốc).
Nguyễn Văn Trãi (trainguyen...@gmail.com)
• Tôi chẳng bao giờ viết nhận xét, nhưng đọc bài phát biểu của đại biểu Phước tôi cảm thấy rất bức xúc, phẫn nộ và buồn bực. Nếu nói là quan điểm cá nhân phân tích lợi hại thì còn thấy chấp nhận được, nhưng phát biểu kiểu này thì đúng là trình độ của đại biểu chưa đủ để đại diện nhân dân.
Anhminhs (Anhminh...@yahoo.com.vn)
• Ông Phước nói: vì dân trí Việt Nam còn thấp nên chưa thích hợp có luật Biểu tình... Câu nói này coi thường nhân dân.
Bùi Minh Nhật (minhnhatbui...@yahoo.com)
• Ông Phước đang đại diện cho quyền lợi và trách nhiệm của ai để tự ứng cử vào Quốc hội? Nếu ông Phước nói ông là đại biểu của dân thì chính ông đã xúc phạm nhân dân đúng như ý kiến của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.
Vũ Khánh Lan (vukhanh...@yahoo.com.vn)
Cần có luật Biểu tình
• Nói cuộc biểu tình đầu tiên trong lịch sử loài người là do Gandhi tổ chức năm 1913 là không chính xác, ít nhất phải là từ ngày 1.5.1886 với cuộc biểu tình của công nhân Chicago. Không phải biểu tình nào cũng chống chính phủ mình hoặc chính phủ nước khác; cũng không phải biểu tình nào cũng bạo lực. Chẳng có từ điển nào định nghĩa “demonstration” là biểu tình chống chính phủ. Luật Biểu tình của ta rất cần để cụ thể hoá quyền cơ bản của công dân đã được ghi trong Hiến pháp, là hành lang pháp lý để dân biết mà “sống theo pháp luật”. Năm 1946 đa số dân ta mù chữ mà quyền này đã được ghi nhận, vậy không thể nói nay dân trí thấp nên chưa cần có luật Biểu tình. Có luật Biểu tình sẽ có lợi cho tất cả các bên liên quan, đâu phải để tiếp tay cho kẻ phá hoại.
Nguyễn Tử Siêm (siem...@yahoo.com)
• Hình như ông Phước chưa hiểu mục đích của biểu tình, biểu tình khác nổi loạn. Người dân có nhu cầu bày tỏ nguyện vọng, mong muốn lợi ích chính đáng mà Nhà nước công nhận. Lắng nghe và thấu hiểu là điều cần thiết đối với nhà lãnh đạo.
Trah (...hah@yahoo.com)
• Ông Phước căn cứ vào đâu để kết luận: “Đa số công dân sẽ không ủng hộ luật Biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn?” Để kiểm tra ý kiến chủ quan của ông Phước chính xác đến đâu rất mong quý báo làm một cuộc điều tra trên mạng.
Linh Nguyen (phusi...@yahoo.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét