Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Quốc hội cần quyết liệt hơn nữa trong phòng chống tham nhũng // “Trị” tham nhũng: Cần minh bạch

(NLĐ) – Ngày 29-11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị số 1, TPHCM tiếp xúc với hơn 800 cử tri quận 3 và quận 4 - TPHCM để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2. Phần lớn cử tri bày tỏ mong muốn QH và Chính phủ quyết liệt hơn trong phòng chống tham nhũng, kéo giảm tai nạn giao thông và nâng cao chất lượng giáo dục…

Báo cáo một số vấn đề quan trọng theo kiến nghị của cư tri, Chủ tịch nước cho biết về vấn đề tham nhũng, Trung ương Đảng sẽ có tổng kết, đánh giá vào tháng 4 năm sau. Về kiến nghị của cử tri xoay quanh chế độ chính sách đối với cán bộ phường, xã, Chủ tịch nước cho rằng cần phải có sự tính toán lại để giải quyết căn cơ những bất hợp lý còn tồn tại.
Đối với băn khoăn của cử tri về quản lý lao động nước ngoài, Chủ tịch nước khẳng định luật đã ban hành khá đầy đủ, song cơ quan sử dụng lao động, kể cả địa phương, đã quản lý hết sức lỏng lẻo. Vì thế, Bộ LĐ-TB-XH và các cơ quan chức năng đang rà soát lại; trên cơ sở đó có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. 
Cùng ngày, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã có buổi tiếp xúc với cử tri TP Hà Tĩnh và cử tri xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Trước sự quan tâm của cử tri Hà Tĩnh về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, Chủ tịch QH khẳng định Đảng, Nhà nước chủ trương gìn giữ, tạo lập môi trường hòa bình, chính trị ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đồng thời sẵn sàng bảo vệ chủ quyền; giải quyết các vấn đề tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình.
V.Tùng – T.Nga – N.Duy
 http://nld.com.vn/20111129115932135p0c1002/quoc-hoi-can-quyet-liet-hon-nua-trong-phong-chong-tham-nhung.htm

“Trị” tham nhũng: Cần minh bạch

Thứ Ba, 29/11/2011

Chính phủ Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để đẩy lùi tham nhũng đang có chiều hướng phát triển nhanh và tinh vi hơn

“Sau 5 năm thực hiện phòng chống, tham nhũng đã được hạn chế. Việc phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng ngày càng có hiệu quả, kịp thời, đến nơi đến chốn. Tuy lĩnh vực này rất nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng ở một mức độ nào đó đã mạnh dạn hơn trong ngăn chặn tham nhũng, bước đầu tạo được niềm tin trong nhân dân” - Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định tại buổi Đối thoại Phòng chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 10 tại Hà Nội ngày 29-11.
Khởi tố 280 vụ tham nhũng mỗi năm
Đối thoại lần này là cơ hội để Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển quốc tế xác định những biện pháp quyết liệt và mang tính đột phá để cùng nhau đấu tranh chống tham nhũng.


Cái đại biểu Việt Nam và nước ngoài tại buổi Đối thoại Phòng chống tham nhũng ngày 29-11

Đánh giá về tác động, hiệu quả của 9 kỳ đối thoại PCTN trước đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đối thoại là kênh quan trọng để Chính phủ Việt Nam hoàn thiện các cơ sở pháp lý và tìm hiểu căn nguyên của tham nhũng. Từ năm 2006, Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường tính minh bạch, ngăn chặn tham nhũng để tạo môi trường đầu tư, cạnh tranh bình đẳng.        
Từ năm 2006-2010, đã phát hiện, kiến nghị xử lý, thu nộp cho Nhà nước 80.130 tỉ đồng từ công tác PCTN. Mỗi năm trung bình khởi tố 280 vụ án/hơn 600 bị can liên quan đến tham nhũng. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã được triển khai. Riêng năm 2011 có 61 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong phạm vi mình quản lý; triển khai đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm 6.000 tỉ đồng/năm cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định trong bối cảnh hiện nay, tham nhũng vẫn đang có chiều hướng phát triển nhanh và tinh vi hơn, vì vậy Chính phủ Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để đẩy lùi tham nhũng. “Việt Nam hoàn toàn hiểu rằng tham nhũng là rào cản lớn trên con đường phát triển. Không thể có hình mẫu cho mọi quốc gia nhưng Việt Nam thể hiện sự tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm của quốc tế để hoàn thiện con đường phát triển của mình” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Dễ tham nhũng ở doanh nghiệp Nhà nước
Với tư cách đồng chủ tịch đối thoại, Đại sứ Anh tại Việt Nam - TS Antony Stokes - nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tiếp cận thông tin trong việc thúc đẩy tính minh bạch và tính giải trình. “Năm 1946, khi các đại biểu Quốc hội Việt Nam chất vấn Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chính phủ sẽ dùng luật pháp mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”. Tuy nhiên, 55 năm đã trôi qua, tham nhũng vẫn là một vấn đề mang tính hệ thống. Tham nhũng đe dọa sự phát triển và ổn định của đất nước cũng như uy tín của Việt Nam. Đồng thời, tham nhũng làm tổn thương người nghèo và những người dễ bị tổn thương”.
Theo báo cáo của ông Renwwick Irvine, Bộ Phát triển Quốc tế Anh, tham nhũng vẫn đang là tệ nạn gây nhức nhối, có hệ thống nhưng mới giải quyết được khoảng 30%. Đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam chỉ ra rằng một trong hai lĩnh vực dễ bị “dính” tham nhũng nhất là các doanh nghiệp Nhà nước do tính cạnh tranh kém và dễ “ăn xổi”.  
Đại sứ Anh nhấn mạnh Việt Nam cần đạt nhiều tiến bộ hơn nữa về vấn đề minh bạch và giải trình, trong đó có việc cần sớm ban hành Luật Tiếp cận thông tin, cho phép báo chí thông tin một cách có trách nhiệm về vấn đề tham nhũng. Đại diện của điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta, kiến nghị cần mở rộng sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự và truyền thông.

Phải quyết tâm mới chống tham nhũng hiệu quả
Đại diện của sứ quán Mỹ khẳng định có thể PCTN hiệu quả nếu Chính phủ thể hiện quyết tâm và thực hiện đến cùng. “Giữa những năm 2000, tôi còn nhớ khi người đi xe máy trên phố không đội mũ bảo hiểm, Chính phủ và các tổ chức liên quan vào cuộc với quyết tâm xử lý vụ việc đến cùng. Giờ đây, hầu như ai cũng đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy” - vị đại diện này cho biết.
Bài và ảnh: Bích Diệp 
http://nld.com.vn/2011112911343240p0c1002/tri-tham-nhung-can-minh-bach.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét