Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

Rửa tiền ở ta quá dễ

(Dân Việt) - Giao dịch của ta chủ yếu bằng tiền mặt, như vậy muốn rửa tiền chỉ cần ôm khoản tiền đó ném vào thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán... thì tự nhiên đã trở thành tiền “sạch”.

Chiều 9.11, Quốc hội thảo luận tổ về Dự án Luật Phòng chống rửa tiền và Dự án Luật Tài nguyên nước. Về Dự án Luật Phòng chống rửa tiền, nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng ở VN, dường như tình trạng rửa tiền chưa thực sự bức xúc...
Xây dựng luật cho hợp thông lệ quốc tế
ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) chứng minh ngay sự chưa cần thiết của luật này: “6 năm qua, kể từ khi ta gia nhập WTO, có Nghị định 94 (nay nâng lên thành Luật) về Phòng chống rửa tiền nhưng trên thực tế, chúng ta chưa phát hiện được vụ rửa tiền nào”.
Theo các đại biểu Quốc hội, khó chống tội phạm “rửa tiền” nếu nền kinh tế vẫn sử dụng quá phổ biến tiền mặt (ảnh minh họa).

Về điểm này, ĐB Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) cũng đồng tình và xác nhận, 6 năm qua, lực lượng công an chưa phát hiện được một vụ rửa tiền nào tại VN. ĐB Thảo phân tích thêm, ở VN, tiền “bẩn” chắc chắn có, và rửa tiền cũng có nhiều cách, qua ngân hàng chỉ là một kênh. Hành lang pháp lý về điều chỉnh tình trạng này đúng là cần, nhưng thực chất ở VN vẫn không giải quyết vấn đề gì dù có nâng lên thành luật.
Theo ĐB Thảo, tiền “bẩn” được sinh lời từ hoạt động buôn lậu, buôn bán ma túy... rồi trở thành tiền “sạch” ở VN quá dễ. Bởi thực tế giao dịch của ta chủ yếu bằng tiền mặt, như vậy muốn rửa tiền chỉ cần ôm khoản tiền đó ném vào thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán... thì tự nhiên đã trở thành tiền “sạch” mà không cần thông qua hệ thống ngân hàng. Nếu nền kinh tế vẫn chủ yếu sử dụng tiền mặt như hiện tại chắc chắn luật này chỉ được xây dựng cho hợp với thông lệ quốc tế chứ không có tác dụng chống tội phạm rửa tiền.
ĐB Phạm Huy Hùng (Chủ tịch HĐQT Vietinbank) cho rằng, nếu quy định đơn vị chống rửa tiền chỉ là một tổ chức trực thuộc Ngân hàng Nhà nước là chưa phù hợp, vì hoạt động rửa tiền thường liên quan đến tội phạm. Do vậy cần quy định tổ chức này phải bao gồm cả các cơ quan pháp luật như Bộ Công an, Bộ Tư pháp… thì hoạt động kiểm soát mới hiệu quả.
ĐB Trịnh Thế Khiết - Chủ tịch Hội ND TP. Hà Nội cũng đồng tình và đề nghị, Tổ chức Phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước chỉ nên là cơ quan đầu mối, nắm bắt thông tin, còn để có hiệu quả phải có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, đặc biệt là công an.
Không nên thu thuế nước sản xuất nông nghiệp
Một điểm được nhiều ĐB quan tâm và đề nghị là cần đưa nước biển ven bờ vào phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật Tài nguyên nước. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), ĐB Trần Đình Long (Đăk Nông) cho rằng, dự thảo nêu quản lý tài nguyên nước trên toàn lãnh thổ mà không nói quản lý nước thuộc vùng lãnh hải là thiếu sót vì lãnh hải vùng là một bộ phận của lãnh thổ đất nước.
Dự thảo Luật Tài nguyên nước cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức làm thiệt hại đến kinh tế, đời sống nhân dân ở các vùng hạ lưu và cộng đồng dân cư, phải có trách nhiệm bồi thường kinh tế bên cạnh việc phải tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, hồ đập.
Theo hai ĐB này, việc quản lý tài nguyên nước ven bờ không những là vấn đề quản lý tài nguyên, mà còn thể hiện vấn đề chủ quyền lãnh thổ ngay trong luật này.
Vấn đề thủy điện xả lũ gây thiệt hại cũng được các ĐB nhiều lần nhắc đến. Sau khi dẫn ra nhiều vụ việc thủy điện xả lũ gây thiệt hại nặng cho người dân vùng hạ du, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho biết dự thảo chưa có điều nào, nội dung nào liên quan đến trách nhiệm của các chủ đầu tư, các tổ chức này làm thiệt hại kinh tế đối với đời sống dân sinh và đề nghị bổ sung.
Theo ĐB Huỳnh Văn Tiếp (TP.Cần Thơ), nhiều cử tri là các hộ nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL đề nghị xem xét không nên, hoặc chưa thu thuế tài nguyên nước đối với nước nuôi trồng thủy sản vì bà con nuôi cá chưa đảm bảo lợi nhuận lâu dài. ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cũng cho rằng khu vực sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn nên phải được ưu tiên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét