Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Tái cấu trúc kinh tế: Hóc bài toán lợi ích

Tác giả: TS TRẦN VINH DỰ

Bài toán thống nhất lợi ích sẽ xuất hiện trong tất cả mục tiêu cải tổ của Chính phủ, từ câu chuyện cắt giảm đầu tư công, cải cách DNNN đến sắp xếp lại hệ thống ngân hàng. Với bất kỳ mục tiêu gì, sẽ có các nhóm lợi ích tìm cách ngăn cản không cho nó thành công - TS. Trần Vinh Dự.
Tái cấu trúc kinh tế thật ra đã được nhắc đến ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Và cũng đã có nhiều ý kiến phân tích, đánh giá, góp ý, tư vấn về tái cấu trúc kinh tế Việt Nam, tựu trung ở yêu cầu tăng hiệu quả (và vì thế tăng tính cạnh tranh) của nền kinh tế.
Điều đó thể hiện sự đồng điệu giữa tầm nhìn của xã hội với tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách. Câu chuyện còn lại là làm như thế nào?
Cuộc đổ vỡ trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2007 đã làm nhiều người dần thức tỉnh khỏi giấc mộng dài về triển vọng một sớm một chiều hóa rồng của nền kinh tế. Cộng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu dai dẳng tới tận ngày nay... Dao động cộng hưởng của cả các yếu kém nội tại lẫn môi trường quốc tế bất lợi đã khiến cỗ máy kinh tế Việt Nam liên tục trong bốn năm trải qua rất nhiều khó khăn.
Việt Nam đang phải đương đầu với những cặp nghịch lý như tăng trưởng thấp nhưng luôn quá nóng, tiền tệ và tín dụng bị thắt chặt nhưng lạm phát vẫn cao, nhập siêu vẫn là hội chứng mãn tính và có xu hướng ngày càng nặng.
Áp lực về chi phí liên tục tăng và thị trường đầu ra bị thu hẹp khiến hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, bị ép cả từ hai phía và phần đông hầu như chỉ còn thoi thóp thở. Trong khi đó, một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, thậm chí thua lỗ nặng nề như trường hợp Vinashin hay EVN. Đời sống của đại bộ phận dân chúng đang ngày càng trở nên vất vả hơn do sức mua bị bào mòn vì trượt giá đồng tiền.
Để năng suất nền kinh tế hiệu quả hơn, đòi hỏi tỉ lệ thất thoát trong đầu tư xây dựng phải giảm mạnh. Trong ảnh: cảng Phú Hữu, Q.9, TP.HCM (là cảng mới để di dời cảng Bến Nghé) đến nay vẫn chưa có đường vào cảng, mỗi năm vẫn phải trả 50 tỉ đồng nợ gốc và lãi vay.
Người đứng đầu Chính phủ hôm khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII đã nêu ra một trong những mục tiêu trọng điểm của các năm tới là "đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh".
Riêng trong năm 2012, Chính phủ coi nhiệm vụ hàng đầu là tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát động phong trào tiết kiệm trong toàn xã hội. Mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 2012-2015 đã được giảm xuống, trung bình còn 6,5-7%, trong đó riêng năm 2012 chỉ đặt mục tiêu 6-6,5% (trong đó ưu tiên cho phương án 6%).
Tái cấu trúc thế nào?
Trong rất nhiều ý kiến phân tích, đánh giá, góp ý, và tư vấn về tái cấu trúc kinh tế Việt Nam, câu chuyện được nhiều người bàn tới nhất là cắt giảm bớt đầu tư công (trên cơ sở cho rằng đầu tư công là thiếu hiệu quả), cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước (đặc biệt là các tổng công ty và các tập đoàn kinh tế), cải tổ thị trường tài chính, chuyển đổi mô hình kinh tế từ tăng trưởng dựa vào thâm dụng vốn và tài nguyên sang mô hình dựa vào tăng năng suất lao động và giá trị gia tăng, thay đổi hệ thống luật về đất đai (bao gồm cả việc nhìn nhận lại vấn đề quyền sử dụng đất), cải cách hệ thống tiền lương và thi tuyển công chức...
Một phần lớn các nội dung này đã được Nhà nước nhìn nhận và đưa vào chương trình hành động. Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã chỉ ra rằng trong năm năm tới cần tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng nhất là tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.
Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tuần qua cũng cho thấy với nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ xác định ba khu vực trọng tâm là đầu tư công (tập trung thực hiện nghị định 11), doanh nghiệp nhà nước (tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty) và hệ thống tài chính (tập trung vào ngân hàng).
Đây là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự đồng điệu giữa tầm nhìn của xã hội với tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách. Câu chuyện còn lại là làm như thế nào?
Động cơ và lợi ích của các bên tham gia
Những gì thể hiện ra tính tới thời điểm này vẫn là các mục tiêu hơn là một kế hoạch hành động. Ngay cả khi có một kế hoạch hành động thì vẫn chưa có gì bảo đảm là sẽ thành công. Thí dụ, khi đội tuyển bóng đá quốc gia tham gia giải đấu vô địch Đông Nam Á với mục tiêu giành cúp vàng. Kế hoạch hành động trong trường hợp này là sơ đồ chiến thuật chiến lược về sử dụng các cầu thủ của huấn luyện viên trưởng.
Kinh nghiệm mà người Việt Nam thấy được ở đội tuyển bóng đá nước nhà là thua nhiều hơn thắng trong các giải này. Và vấn đề được nhắc tới là chuyện cầu thủ đá không hết mình, thậm chí bán độ.
Đây chính là vấn đề cần bàn: động cơ của các cầu thủ, nói cách khác, lợi ích của các cầu thủ có gắn chặt với lợi ích của đội tuyển hay không? Các cầu thủ có phải có động cơ mạnh mẽ nhất, và duy nhất, là giành chiến thắng cho đội tuyển hay không? Họ có thể gắn bó với nhau để thay vì chơi cuộc chơi tỏa sáng của từng cá nhân, tập trung vào chơi cuộc chơi của đội bóng với tư cách là một tập thể thống nhất hay không?
Một cơ chế cho phép thống nhất các lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm với lợi ích của cả đội tuyển, hay trong trường hợp tái cơ cấu kinh tế, là lợi ích của cả quốc gia, là chìa khóa để bảo đảm rằng các mục tiêu và kế hoạch cải tổ có thể đạt được. Nhưng khi nói tới lợi ích, không thể duy ý chí giống như việc kêu gọi các phong trào và tinh thần tự nguyện của các bên tham gia. Để thống nhất lợi ích, cần có cơ chế nối kết.
Trong trường hợp của đội tuyển bóng đá, đó là cơ chế thưởng nhiều dựa trên thành tích đạt được của cả đội, phạt nghiêm khắc nếu có tinh thần rã đám, chơi cá nhân hoặc bán độ. Quan trọng không kém nữa là tạo hành lang an toàn, bí mật và có lợi để các cầu thủ khi phát hiện đồng đội chơi xấu có thể báo lãnh đạo đội tuyển xử phạt.
Một trong những điều có thể nói là thành công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình gần đây là việc giữ lãi suất tiền gửi ở đúng mức trần 14%/năm. Trước ông, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần muốn thực hiện việc này nhưng không làm được. Hai trong những bí quyết quan trọng của thống đốc là quyết định xử phạt thật nặng tất cả vi phạm và tạo đường dây nóng để bất kỳ ai khi phát hiện vi phạm lãi suất tiền gửi có thể ngay lập tức phản ảnh lên Ngân hàng Nhà nước.
Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước còn khuyến khích và bảo vệ các ngân hàng dám đứng ra "tố" ngân hàng bạn vi phạm. Thống đốc đã thành công trong việc tạo một cơ chế, trong đó lợi ích của các ngân hàng thương mại gắn chặt với mục tiêu của chính sách: các ngân hàng thương mại tuân thủ quy định 14% chắc chắn không muốn các ngân hàng khác cạnh tranh bằng cách huy động trên 14%, vì thế, việc "tố" các hành vi vi phạm này là lợi ích của họ, và lợi ích này trùng khớp với lợi ích của chính sách mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra.
Bài toán thống nhất lợi ích sẽ xuất hiện trong tất cả mục tiêu cải tổ của Chính phủ, từ câu chuyện cắt giảm đầu tư công, cải cách doanh nghiệp nhà nước đến sắp xếp lại hệ thống ngân hàng. Với bất kỳ mục tiêu gì, sẽ có các nhóm lợi ích tìm cách ngăn cản không cho nó thành công. Trong trường hợp đầu tư công, nó là câu chuyện lợi ích của ngành, lợi ích của địa phương, thậm chí là của các nhóm cá nhân hưởng lợi từ các dự án của Nhà nước.
Trong trường hợp sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước, đó là sự mâu thuẫn giữa lợi ích của các bộ ngành chủ quản, của các bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp này, thậm chí là của các cá nhân có trách nhiệm dẫn tới những sai lầm, thất thoát, thua lỗ của các doanh nghiệp này trong quá khứ. Trong trường hợp của hệ thống ngân hàng, đó là lợi ích của các "quyền lực ẩn" đằng sau các ngân hàng này và các doanh nghiệp mà sự sống chết của họ gắn liền với sự hưng vong của các ngân hàng có chức năng bơm máu.
Và như vậy, sau khi Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định về các mục tiêu cải tổ nền kinh tế, hai câu chuyện tiếp theo, quan trọng không kém, là có những kế hoạch triển khai thông minh và tạo ra các cơ chế để đảm bảo sự thống nhất giữa lợi ích của các bên chịu tác động từ các chương trình cải tổ. Không có sự thống nhất này thì các nỗ lực và mục tiêu vênh nhau chắc chắn sẽ làm chương trình cải tổ bị lệch đường ray.

Nguyenthoai123 Moderator 2 tuần trước
Xã hội luôn phát triển đi lên (kể cả yếu kém cũng phát triển, lộ diện), do đó luôn phải  tái cấu trúc kinh tế. Cũng giống như một em bé đang lớn, luôn luôn phải thay mới giày và quần áo mới.
     Một điều vô cùng quan trọng thường bị lãng quên là cũng phải tái cấu trúc chính trị, vì chính trị đưa ra các chiến lược và quyết sách mới cho kinh tế.
     Chính trị và kinh tế luôn phải đi đôi với nhau như hình với bóng.
  • lê tiến dũng Moderator 2 tuần trước
    một lời nói nịnh nọt chẳng có gì hay cả. hãy nhìn vào cuộc sống thực tế của người dân đi rồi nói.
  • Buinhantho Moderator 2 tuần trước
    Đã đến lúc chúng ta không nên bàn chung chung nữa, cũng không nên kỳ vọng vào việc phải có được một quy trình cụ thể về tái cấu trúc, ví dụ quy trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Theo tôi bây giờ cần đưa ra một dạng kiểu dự án và cho tất cả cùng tham gia bao gồm cả các nhà tư vấn độc lập viết nên dự án, nếu chương trình được viết ra trong dự án của một Tư vấn nào đó mà, được áp dung (tất nhiên cần công khai) thì Chính phủ trả tiền cho dự án đó. Ví dụ: Cần chương trình tái cấu trúc cho Vinashin - và đăng quảng bá trên báo, cá nhân hay tổ chức viết dự án khả thi tốt thì Nhà nước trả tiền. Phía chính phủ chỉ cần công khai các khiếm khuyết của Vinashin hay nói cách khác là công khai lý lịch của Vinashin hiện tại ..v..v.,
    (Edited by a moderator)



  • Mục đích của việc 'cái cấu trúc' là gì? Đơn
    thuần là cứu vãn nên kinh tế, cứu vãn hệ thống Doanh nghiệp Nhà nước trong giai
    đoạn trước mắt hay xa hơn là định hướng một nền kinh tế mang tính thị trường
    hơn?


    Trong số các đại biểu Quốc hội có ai nghi
    ngờ tính đúng đắn của cụm từ này không? Tại sao phải là ‘tái cấu trúc’? Vẫn giữ
    nguyên mô hình tập đoàn, Tổng Công ty dù thực tế đã chỉ rõ tính kém hiệu quả
    của nó.


    Nếu bây giờ tiếp tục đổ tiền “tái cấu trúc”,
    giả sử kết quả không như mong đợi, liệu có đợt “tái cấu trúc” tiếp theo ?


    Tại sao chúng ta không đưa
    ra câu hỏi: Việt Nam cần làm những gì để cứu vãn tình hình hiện tại và định
    hướng cho một nền kinh tế phát triển ổn định, thực sự phát huy tối ưu tiềm lực
    của Việt Nam mà lại đi giải quyết một đề bài định sẵn là ‘tái cấu trúc’ ?







    (Edited by a moderator)
  • AnhDung_1050 Moderator 2 tuần trước
    Thiết nghĩ nhũng lý thuyết suông tái cấu trúc nền KT này cũng như trước đây đề ra quyết sách chống tham nhũng quyết liệt ...hay hãy nói không với bệnh thành tích trong học tập và thi cử ,,,,Cũng như trong bóng đá trên sân bóng có 2 đội bóng 4 mặt sân  đều có khán giả của 2 đội ...công khai giữa thanh thiên bạch nhật, có trọng tài chính ,trọng tài bàn ,trọng tài biên,ban tổ chức thi đấu ,ban giám sát ,phóng viên ảnh ,phóng viên báo viết ,bình luận viên , các quan chức liên đoàn bóng đá ...có cả các quan chức cộm cán  v v...nhưng trên sân cỏ vẫn chơi lối chơi thiếu văn hóa , thiếu trung thực do bán độ...nhường điểm ,bạo lực thô bạo ,gian lận dùng tiểu xảo ...nhằm tìm kiếm phạt đền ...trọng tài có lúc bị mua chuộc bắt thiên vị thiếu trung thực, xảy ra vừa qua mà bầu Kiên đã  dám phát giác bóc mẽ... vì quá bức xúc việc lùm xùm ,gian lận ,xin , mua điểm ..thao túng chi phối nền bóng đá nước nhà hàng chục năm nay không cải thiện ,là do thế lực ngầm hay nhóm lợi ích từ bóng đá đễ hưởng lợi..không loại trừ cò môi giới chuyển nhượng cầu thủ làm đảo lộn thị trường CN.... Bầu Kiên có ý kiến  phát hỏa làm thay đổi phần nào nền bóng đá nước nhà .cũng phát xuất từ lợi ích của các ông bầu bỏ tiền ra làm bóng đá, mà không thu được như mong muốn, còn bị xem thường hay bị      " qua mặt" ..nhưng kết quả thu được bao nhiêu % thì sẽ chờ đợi mùa bóng đến mới đánh giá được kết quả...Liên quan đến tái cấu trúc nền KT hiện nay ...nói thì dễ... nhưng đi vào thực hiện không hề dễ , vì vướng phải nhóm lợi ích...đang có mối  quan hệ dây mơ rễ má từ rất lâu ...và cốt lõi là ai chịu hy sinh cái lợi ích đó, khi mà quyền lực cũng bị chi phối mà NLI có dám rứt ra một cách dễ dàng khi nền KT thiếu minh bạch ..Trong lúc cộng đồng xã hội thì đã nhìn thấy rõ là nền KT lao dốc đi xuống nhưng việc làm thì không đáp ứng ..bão giá ...lạm phát không dừng .Số đông nhân dân VN sẽ đối phó với tình trạng nền KT ( Thắt rồi thì lại nới ) ra cho đến bao giờ ...đến khi nào mới có chính sách của một nền KT hoàn thiện  đúng nghĩa mà xã hội đang cần ?
  • Chưa bao giờ kinh tế VN nhắc đến từ NHÓM LỢI ÍCH nhiều như thời gian gân đây, đã thấy rõ nguyên nhân rồi chỉ cần chờ có 1 Bao Thanh Thiên thôi
  • Muốn cơ cấu lại cái gì thì cũng phải đặt lợi ích cá nhân đi kèm với trách nhiệm cá nhân để có hướng quản lý tài sản công. Nếu còn tiếp tục dùng lợi ích cộng đồng làm tiêu chí thì bức bình phong lợi ích chung sẽ thừa sức chống lại mọi nỗ lực chống tham nhũng.
    (Edited by a moderator)
  • ** Bây giờ vậy chúng ta phải làm sao cho dân giàu đây ??? Chí công vô tư,chống tham nhủng trước và lo cho dân bằng cả quả tim của mình ! Vậy chắc là nước mạnh ! Thấy CHINA mới mạnh vào thập niên 80 thôi.
    Vậy mình cố gắng học hay của các nước thứ ba trên Thế Giới.Không có nghĩa là a dua !
  • Trường Hải Moderator 2 tuần trước
    Con thuyền muốn tới bến phải có người cầm lái, các chuyên gia, bộ ngành... chỉ là người chéo thuyền, người cầm lái đề thuyền đi có hướng, có địch phải là Thủ tướng chính phủ ,
  • Bạn có một giấc mơ thật đẹp
  • Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét