Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Financial Times: Môi trường đầu tư Việt Nam đang kém hấp dẫn hơn

    Chủ nhật, 27/11/2011
Tăng trưởng trong nước quá nóng và suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhiều nhà đầu tư ngần ngại khi rót vốn vào thị trường Việt. (Ảnh: Đ.Hà).

(DVT.vn) - Việt Nam từng được coi là đứa “con cưng” của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, giờ đây, giới đầu tư đang cân nhắc khi rót tiền vào thị trường Việt.

Chỉ 5 năm trước, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn thứ 2, chỉ sau Trung Quốc, đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn tìm kiếm 1 thị trường đang phát triển. 

Các nhà sản xuất lớn trên khắp thế giới từ Mỹ, Nhật, Đức,... ồ ạt tiến vào quốc gia có tới 90 triệu dân và sở hữu lợi thế lao động giá rẻ. 

Hàng chục nhà sản xuất Hàn Quốc và Đài Loan trong nhiều ngành nghề, từ đồ nội thất đến hàng may mặc, cũng di dời nhà máy từ miền Nam Trung Quốc, nơi mà mức lương lao động cao gấp 3 lần, sang Việt Nam. 

Đến năm 2010, Việt Nam là nước sản xuất các sản phẩm của Nike lớn nhất thế giới. 

Tốc độ tăng lạm phát hàng năm của Việt Nam (đường màu đỏ) so với các nước đang phát triển khác ở châu Á (màu xanh).

Tốc độ tăng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ năm 2000 - 2011 (dự kiến). Đơn vị: Tỷ USD

So với USD, tỷ giá đồng nội tệ Việt Nam tăng nhanh thứ 2, sau Ấn Độ (tính từ 31/12/2010).

(Nguồn: IMF, EIU, Thomson Reuters, Datastream).
Tuy nhiên, sự xuất hiện ngày càng nhiều những thương hiệu xa xỉ như Bentleys, iPhones hay Louis Vuitton tại Hà Nội và TPHCM lại là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang mất cân bằng. 

Sự tập trung của chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng khiến lạm phát tăng cao, tiền tệ mất ổn định và hệ thống ngân hàng đứng trước nguy cơ khủng hoảng. 

Lạm phát tăng nhanh khiến các chủ doanh nghiệp phải đối mặt với sức ép tiền lương liên tục tăng. Tuy nhiên, trình độ người lao động lại chưa tăng tương xứng khiến các nhà đầu tư nước ngoài đặt ra nhiều câu hỏi về sự hiệu quả của đồng vốn. Phần lớn sản phẩm được sản xuất đều là hàng gia công, giá trị gia tăng thấp do nguyên liệu nhập khẩu chiếm phần lớn giá thành sản phẩm.

Không chỉ Việt Nam, mà cả Malaysia, Thái Lan và 1 số quốc gia đang phát triển khác cũng đang đối mặt với tình trạng trên khi có lợi thế lao động giá rẻ nhưng không sản xuất được nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Đối với nhiều nhà phân tích, một số nước trong khu vực, thậm chí là cả các nước châu Âu và Mỹ có thể sẽ vấp phải tình trạng tương tự như Việt Nam, khi trình độ người lao động không theo kịp với chi phí nhân công mà các chủ doanh nghiệp bỏ ra do lạm phát không ngừng tăng cao. 

Tình trạng xảy ra với các chủ nhà máy ở khu công nghiệp Thăng Long - Nội Bài, Hà Nội là một ví dụ điển hình.

Kể từ khi được thành lập năm 2000, khu công nghiệp Thăng Long đã nhanh chóng thu hút các công ty nước ngoài đến đặt cơ sở sản xuất tại đây. 

Với lợi thế nhân công giá rẻ, khu công nghiệp này đã được lấp đầy vào năm 2009 khi có tới gần 100 công ty, chủ yếu là đến từ Nhật Bản và 55.000 công nhân làm việc ngày đêm. 

Ở đây quy tụ hầu hết các thương hiệu lớn của cường quốc châu Á này như Canon, Panasonic, nhà máy linh kiện cho máy bay Boeing 737,... và được coi là cơ sở sản xuất thay thế của Trung Quốc. 

Tuy nhiên, lạm phát tăng cao, tới 20% so với cùng kì năm trước khiến không ít nhà máy tại khu vực này và nhiều khu công nghiệp khác trên khắp cả nước, bị ảnh hưởng bởi các cuộc đình công tự phát. 

Kể từ đầu năm, đã có ít nhất 10 nhà máy xảy ra tình trạng trên. 

Mặc dù hiểu rằng công nhân lao động phải vật lộn để tồn tại với mức lương tối thiểu 2 triệu đồng/tháng nhưng các công ty vẫn ngần ngại tăng lương vì lợi nhuận đang ngày càng giảm sút bởi khủng hoảng toàn cầu. Canon, thương hiệu máy ảnh hàng đầu thế giới cũng đang đau đầu với việc tuyển thêm lao động khi những người cũ liên tục xin nghỉ. Ngoài mức lương 2,9 triệu đồng/tháng, công ty này đưa ra cam kết tăng lương 2 lần/năm, sắp xếp chỗ ở giá rẻ và cung cấp 5 kg gạo/tháng cho người lao động.

Giá lương thực đã tăng 32% kể từ đầu năm. Còn mức lương dành cho lao động phổ thông lại chỉ tăng chậm chạp.

Người lao động, dù vẫn thất vọng với mức lương thấp nhưng buộc phải chấp nhận làm việc vì không muốn bị thất nghiệp. 

Sự xuất hiện ngày càng nhiều những thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton tại Hà Nội và TPHCM là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang mất cân bằng. Ảnh: Financial Times.

Bên cạnh lạm phát thì lãi suất tăng nhanh, khó tiếp cận vốn,... là những lí do cơ bản được các doanh nghiệp đưa ra khi rơi vào tình trạng thua lỗ, làm ăn cầm chừng, thậm chí là phá sản. 

Ngân hàng thế giới World Bank dự đoán, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng chậm lại, từ mức trung bình 8,1% trong giai đoạn 2003-2007 xuống còn 6% trong 5 năm tiếp theo. Điều này cho thấy triển vọng kinh tế trong nước có phần ảm đạm.

Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu vẫn đang đương đầu với 1 loạt thách thức: khủng hoảng nợ công ở châu Âu, thất nghiệp cao ở Mỹ, kinh tế Nhật phục hồi chậm chạp,... khiến kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực như giày da, dệt may, gạo, cà phê,... đều bị ảnh hưởng. 

Trước tình hình bất ổn trong nước, người dân đổ xô đi mua vàng, bất chấp giá vàng trong nước có thời điểm cao hơn giá thế giới tới 10%. Tới thời điểm này, Việt Nam là một trong số những nước có lượng vàng nắm giữ/người cao nhất thế giới.

Ben Bingham, người từng giữ cương vị đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF ở Việt Nam trong 4 năm cho biết: “Chính phủ Việt đang phải đối mặt với môi trường kinh tế khó hơn nhiều so với dự đoán khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO năm 2007”. 

Tăng trưởng trong nước quá nóng, cùng với suy thoái kinh tế toàn cầu đã buộc nhiều nhà đầu tư nước ngoài và cả Việt Nam xem xét lại quan điểm của họ về triển vọng nền kinh tế

Đức Minh
Theo Financial Times
 http://dvt.vn/20111126103541963p85c116/financial-times-moi-truong-dau-tu-viet-nam-dang-kem-hap-dan-hon.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét