Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Sao lại đẩy lỗ sang dân?

Tác giả: PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện
Lỡ vì lý do gì đó mà làm ăn thua lỗ, thì phải xác định cho được nguyên nhân và rút kinh nghiệm để làm lại cho năm kế tiếp, chứ không thể xé cam kết với xã hội và tăng giá bán để đẩy lỗ sang người tiêu dùng.

Khoản lỗ kinh doanh của EVN, ước tính hơn 10.000 tỷ đồng, có thể sẽ được bù đắp bằng cách tăng giá điện. Một thứ trưởng Bộ Công thương đã nói như thế trong khuôn khổ một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí.
Nếu chính người tiêu dùng điện đã từng hưởng lợi để EVN chịu lỗ, thì có thể tìm cách để lý giải việc tăng giá điện, dựa vào nguyên tắc công bằng số học, một trong những chủ đạo của luật cơ bản, dù cách này thực ra chẳng thuyết phục gì mấy.
Theo nguyên tắc công bằng số học, thì bất kỳ ai mất thứ gì có giá trị mà không phải do lỗi của mình, cũng không phải do ông trời, đều có quyền đi tìm cho được người đã gây ra thiệt hại để đòi đền bù.
Nói rằng cách này không thuyết phục, bởi EVN bán điện và nhận tiền do người tiêu dùng chi trả trên cơ sở hợp đồng, nghĩa là trên căn bản có sự ưng thuận tự nguyện. Thậm chí ai cũng biết rằng trong quan hệ hợp đồng cung ứng điện, EVN luôn là bên giữ thế thượng phong; còn người tiêu dùng quen với vị trí người chấp nhận mà không có sự lựa chọn, theo kiểu "trong nhờ, đục chịu": người tiêu dùng điện mới là người yếu thế, chứ không phải bên bán điện.
Ảnh Dân Việt.

Dẫu sao, qua các phát biểu công khai của những người có trách nhiệm, có thể tin rằng chẳng ai có ý định quy kết cho cộng đồng người tiêu dùng trách nhiệm về việc hưởng lợi không công bằng  khiến EVN bị lỗ nặng.
Những người có trách nhiệm cũng không chỉ rõ các nguyên nhân lỗ, ngoài nguyên nhân rất chung chung là thực hiện nhiệm vụ chính trị. Xã hội, công luận, về phần mình, không có điều kiện tiếp cận các nguồn thông tin độc lập để tìm hiểu do đâu mà lỗ. Không ai biết chắc lỗ tại ai, tại cái gì, do đó, không thể nói được cần phải làm gì để bù đắp. Rốt cuộc, người tiêu dùng lãnh lấy hậu quả.
Nếu có thể bù đắp lỗ lã bằng cách tăng giá bán sản phẩm, thì chắc chắn tất cả các nhà kinh doanh sẽ chọn cách bù lỗ này, bởi nó dễ nhất, khoẻ nhất và đơn giản nhất. Nhưng thực ra chẳng có nhà kinh doanh nghiêm túc nào trong một nền kinh tế lành mạnh nghĩ đến, chứ đừng nói cân nhắc về khả năng áp dụng nó trong thực tiễn.
Đơn giản, trong điều kiện kinh doanh không độc quyền, hạ giá mới là một trong những biện pháp cạnh tranh giành thị phần; đối với mặt hàng có cùng chất lượng, ai bán với giá cao hơn sẽ đứng trước nguy cơ mua bán ế ấm và thua lỗ.
Ngay cả trong trường hợp không có ai để cạnh tranh, thì nhà kinh doanh vốn bị ràng buộc bởi trách nhiệm của doanh nhân đối với xã hội, cũng không thao túng, tăng giá vô tội vạ để vơ vét. Đạo đức kinh doanh đòi hỏi doanh nhân phải đưa ra và tôn trọng cam kết cung ứng cho xã hội sản phẩm có chất lượng với giá hợp lý. Mua và bán mà cả người bán và người mua đều vui vẻ, thì người bán được tiếng tốt và sẽ có điều kiện mở rộng thị phần, khuếch trương cơ nghiệp; còn nếu người bán cứ nghiến răng chặt chém, người mua bấm bụng chi trả mà buồn bực, bức xúc, thì, suy cho cùng, xét về bản chất của việc trao đổi, cuộc mua bán chẳng khác một vụ cướp.
Vả lại, chẳng có tình trạng độc quyền nào bền vững trong đời sống kinh tế đương đại, bởi cũng giống như tình trạng đồng huyết, nó luôn chứa đựng các nhân tố thoái trào, trì trệ. Hơn ai hết, các nền kinh tế dựa vào độc quyền nhà nước không những hiểu rõ mà còn đã học được nhiều bài học  đắt giá từ việc duy trì tình trạng độc quyền trong kinh doanh. Xoá độc quyền là xu thế tất yếu trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế.
Và cứ hình dung: đến lúc nào đó có nhiều người xuất hiện trên cùng một chợ, mà mình cứ giữ tác phong nặng nề, vênh váo, quan liêu, bất cần thì cầm chắc cái thua. Tình trạng làm ăn kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước so với doanh nghiệp, công ty tư nhân trong cùng lĩnh vực, mà ai cũng thấy, là minh chứng.
Nói khác đi, nhà kinh doanh giữ vị thế độc quyền phải luôn trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng gia nhập sân chơi nhiều người, đặc biệt là phải luôn trau dồi các phẩm chất của một doanh nhân luôn chịu sức ép cạnh tranh để tồn tại và tự khẳng định. Nếu lỡ vì lý do gì đó mà làm ăn thua lỗ, thì phải xác định cho được nguyên nhân và rút kinh nghiệm để làm lại cho năm kế tiếp, chứ không thể xé cam kết với xã hội và tăng giá bán để đẩy lỗ sang người tiêu dùng.
Với logic suy nghĩ đó, thì việc chấp nhận cho EVN bù lỗ bằng cách tăng giá điện chỉ càng khiến EVN chìm sâu trong cơn hoang tưởng triền miên của kẻ quen đứng một mình một chợ.
Kiểm soát độc quyền
Độc quyền chia làm 2 loại, độc quyền tự nhiên theo Luật cạnh tranh đã quy định và độc quyền nhà nước. Mỗi loại này công cụ can thiệp khác nhau, công cụ có thể là chính sách kinh tế, tài chính, công cụ có thể là hành chính hoặc kết hợp cả hai hoặc chỉ có một là hành chính, tùy theo loại trường hợp. Chúng ta thấy rằng đối với loại hàng hóa, dịch vụ công cộng thì các công cụ quản lý là cái gì? Đối với loại độc quyền tự nhiên thì công cụ là cái gì? Độc quyền nhà nước thì công vụ là cái gì?
Phải rành mạch để chúng ta thấy rằng nhà nước có vai trò thế nào trong vấn đề giải quyết mối quan hệ nhà nước và thị trường.
Chúng ta phải tập trung nhiều hơn về vấn đề chống độc quyền, chống đầu cơ, chống lũng loạn. Làm sao dần dần chúng ta kiểm soát được loại độc quyền tự nhiên mà trong Luật cạnh tranh và độc quyền cũng đã quy định. Độc quyền tự nhiên nó trái với quy luật của thị trường, chúng ta phải chống nó.
ĐB Trần Du Lịch phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội về Luật Giá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét