Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Bi kịch trong chuyển dịch đất đai

(TuanVietNam) - Chuyên gia Đặng Hùng Võ đề xuất 6 giải pháp chuyển đổi sử dụng đất để hạ màn những bi kịch và mang lại sự bình yên hơn cho xã hội.
Công nghiệp hóa và đô thị hóa để phát triển kinh tế là cách thức để làm cho dân giầu, nước mạnh, tìm kiếm sự giầu có cho đất nước, cho dân tộc. Đương nhiên, đó là con đường chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, làm cho thu nhập từ mức thấp lên mức cao. Con đường đó là con đường dốc, muốn tốc độ phát triển càng nhanh thì đường càng dốc, đi càng khó khăn.
Con đường mang tên chuyển dịch cơ cấu kinh tế này được xây dựng trên nền của chuyển đổi cơ chế từ kinh tế bao cấp chỉ huy tập trung sang kinh tế thị trường, phương tiện đi trên đường đó là các cỗ xe chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất, cơ cấu lao động, cơ cấu vốn đầu tư với năng lượng là tri thức và công nghệ. Việc chuyển dịch cơ cấu lao động có phần việc của hiện tại và có phần việc của tương lai. Chuyển dịch cơ cấu lao động hiện tại luôn gắn với chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất. Cụ thể là việc chuyển dịch một phần đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp có thể kéo theo việc chuyển dịch một phần lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp.
Thực tế chuyển dịch đất đai những năm qua
Trong giai đoạn 2000 - 2010, chuyển dịch đất đai ở Việt Nam diễn ra rất sôi động, có được và cũng có chưa được, cụ thể như sau:
1.     Đất ở tăng ở mức trên 24.000 ha mỗi năm, trong đó trung bình đất ở tại nông thôn tăng gần 18.000 ha mỗi năm, đất ở tại đô thị tăng hơn 6.000 ha mỗi năm. Đất ở nông thôn tăng do đáp ứng nhu cầu phát triển gia đình ở nông thôn, đất ở tại đô thị tăng chủ yếu do giao đất cho cho các dự án xây dựng kinh doanh nhà ở và do chuyển các khu dân cư nông thôn sang đô thị theo quy hoạch.  Diện tích đất xây dựng đô thị của cả nước tăng nhanh, năm 2010 tăng gấp gần 2 lần so với năm 2000. Năm 2000, chúng ta có 629 đô thị với diện tích 990.276 ha đất với cư dân chiếm 24% dân số cả nước; năm 2010, số lượng đô thị tăng lên 752 với 1.372.038 ha đất và 30% dân số cả nước; quy hoạch đến năm 2020 sẽ có 1.000 đô thị với khoảng 2.000.000 ha đất và 50% dân số cả nước.
2.    Đất làm cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tăng lên khoảng 19.000 ha mỗi năm. Đất khu công nghiệp tăng 77 nghìn ha và đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh riêng lẻ cũng tăng tới 78 nghìn ha.
Từ khi bắt đầu thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư (năm 1991) cho tới cuối tháng 12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập 267 khu công nghiệp, chiếm 72 nghìn ha đất, trong đó 46 nghìn ha làm mặt bằng sản xuất đã lấp đầy được 46%. Hệ thống các cụm công nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập gồm khoảng 650 cụm đã có quyết định thành lập với 28 nghìn ha đất, tỷ lệ lấp đầy đạt 44%. Theo quy hoạch đến năm 2020, cả nước sẽ có 558 khu công nghiệp với diện tích 200 nghìn ha, tăng 128 nghìn ha so với năm 2010. Theo quy hoạch của các tỉnh, đến năm 2020 cả nước sẽ có 1.872 cụm công nghiệp, sử dụng 76.520 ha đất.
Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp còn quá thấp, trong khi diện tích mặt bằng sản xuất, kinh doanh ngoài khu công nghiệp vẫn được giao đất, cho thuê đất với một diện tích tương đương như tổng các khu công nghiệp. Đây là một khuynh hương không tốt đang diễn ra trên thực tế.
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển các khu công nghệ cao, khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế - quốc phòng và đã quyết định thành lập nhiều khu công nghệ cao, khu kinh tế. Hiện nay, cả nước có 2 khu công nghệ cao là Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với tổng diện tích 1.586 ha và Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh với tổng diện tích 913 ha; 23 khu kinh tế cửa khẩu đã được thành lập, đang xây dựng, hoạt động, quy hoạch đến năm 2020 tăng lên thành 30 khu kinh tế cửa khẩu trên phạm vi cả nước; 15 khu kinh tế ven biển đã được thành lập. Tổng diện tích đất đai chiếm trên 2 triệu ha. Theo dư luận hiện nay, mới chỉ có một vài khu kinh tế hoạt động có hiệu quả, hầu hết đang chiếm giữ nhiều đất nhưng triển khai chậm, không thu hút được đầu tư, chưa tạo được động lực phát triển.
3.    Đất sử dụng vào mục đích công cộng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tăng lên khoảng 41.000 ha mỗi năm, trong đó đất giao thông tăng khoảng 16.000 ha mỗi năm. Sự thực, hạ tầng kỹ thuật nước ta đã đóng góp nhiều vào tạo cơ hội phát triển nhưng đầu tư còn thiếu trọng tâm. Tỉnh nào cũng muốn có sân bay, tỉnh ven biển nào cũng muốn có vài cảng nước sâu.
Về tổng diện tích đất đã thu hồi, theo báo cáo của 49 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong giai đoạn từ 2004 tới 2009, đã thu hồi khoảng 750.000 ha để giao hoặc cho thuê cho khoảng 29.000 dự án đầu tư, trong đó khoảng 600.000 ha là đất nông nghiệp, 300.000 ha là đất chuyên lúa thuộc 2 vùng kinh tế trọng điểm gắn với Hà Nội và tp. Hồ Chí Minh. Như vậy, có thể thấy trong giai đoạn này Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã quyết định thu hồi trung bình mỗi năm khoảng 100.000 ha đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích công nghiệp hóa và đô thị hóa. Quá trình phát triển các khu đô thị và các dự án bất động sản, các khu công nghiệp, các khu kinh tế ở Việt Nam được khắc họa như dưới đây. Con số về diện tích đất bị thu hồi ở đây có vẻ nhiều hơn con số chuyển dịch đất đai ở trên ghi nhận theo kết quả kiểm kê đất đai.
Những bi kịch
Pháp luật hiện hành của ta có quy định cụ thể về các cách thức làm để chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất. Cách làm thứ nhất là chuyển dịch tự nguyện, dựa trên thương thảo trực tiếp giữa nhà đầu tư dự án phi nông nghiệp với những người đang sử dụng đất nông nghiệp để có đất cho dự án đầu tư thông qua nhận chuyển nhượng hoặc thuê hoặc nhận góp vốn trong mối quan hệ dân sự. Cách làm thứ hai là chuyển dịch bắt buộc, dựa trên quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để lấy đất của những người đang sử dụng đất nông nghiệp giao cho nhà đầu tư để thực hiện dự án đầu tư trong mối quan hệ hành chính, người bị Nhà nước lấy đất được bồi thường về đất và tài sản gắn liền, được hỗ trợ để ổn định cuộc sống và sinh kế, nếu bị thu hồi nơi ở thì được giải quyết tái định cư. Cách làm này vẫn được gọi tên là cơ chế Nhà nước thu hồi đất.
Mỗi cách làm hiện nay đều có bi kịch riêng.
Cách làm bắt buộc được thực hiện từ xưa cho đến nay. Trước Luật Đất đai năm 2003, doanh nghiệp chưa được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nên nhà đầu tư chỉ còn một cách nhờ đến cậy chính quyền địa phương thu hồi đất để giao cho mình. Mặc dù Luật Đất đai 1987 hay 1993 đều quy định rằng Nhà nước thu hồi đất khi rất cần thiết để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công công, quốc phòng, an ninh, nhưng Nhà nước vẫn thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư để thực hiện các dự án chỉ vì lợi nhuận của nhà đầu tư. Lúc đó được giải thích rằng khuyến khích đầu tư là lợi ích quốc gia.
Luật Đất đai 2003 đã đưa ra quy định thu hẹp cơ chế chuyển dịch đất đai bắt buộc lại. Nhà nước chỉ thu hồi đất để giao cho các dự án vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh và các dự án phát triển kinh tế trong một số trường hợp như các dự án có xây dựng hạ tầng sử dụng chung, các dự án có vốn đầu tư lớn thuộc nhóm A và các dự án có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Đây là những quy định làm rõ thế nào mới thực là lợi ích quốc gia, thế nào là lợi ích của nhà đầu tư, cần làm rõ cho dân hiểu.
Cơ chế Nhà nước thu hồi đất luôn chứa các bi kịch sau đây:
Bi kịch 1: Các địa phương hay thị vào quyền lực hành chính, đưa quyết định thu hồi đất xuống dân như một mệnh lệnh, người dân bàng hoàng nên không đồng thuận. Nhiều người bực mình không bàn giao đất, thế là cưỡng chế xẩy ra. Có nơi không chỉ cưỡng chế thi hành mà còn ghép cho tội chống người thi hành công vụ, thế là vào khung hình sự. Đang là chuyện phát triển kinh tế cho dân giầu, nước mạnh mà có người lại phải vào cảnh khốn cùng.
Bi kịch 2: Thu hồi đất thì phải bồi thường cho người bị thu hồi. Giá đất để tính bồi thường thường thấp hơn rất nhiều so với giá mà người bị thu hồi đất có thể chuyển nhượng được. Mất tài sản, mất tiền nên sót của. Có người mất cả nhà cửa mà không tìm được nơi ở mới. Sinh kế cũ không còn, nghề nghiệp cũ không còn, nơi ở cũ không còn, cũng là bức bách.
Bi kịch 3: Người dân đang sống yên lành mà bị đảo lộn, bồi thường không đáng so với tài sản bị mất đành đi khiếu kiện. Việc khiếu kiện dân đâu có muốn nhưng oan khuất thì phải kêu lên trên. Huyện im lặng, tỉnh im lặng thì phải lên Trung ương, Trung ương lại trả về tỉnh, tỉnh lại trả về huyện. Vòng quay lên đến vài năm vẫn chưa được quan tâm là bao nhiêu.
Bi kịch 4: Người dân cầm tiền bồi thường một lần, dẫu ít cũng được món quá nhiều so với mức kiếm được trước đó. Làm gì với số tiền này để khôi phục sinh kế, ổn định cửa nhà cũng là một bài toán khó. Buông thả một chút thì có thể lấy tiền đó để sống cho sung túc một thời gian, mua đồ đắt tiền, ăn nhậu, thậm chí cờ bạc.... Thế là tiêu tan tất cả.
Cách làm tự nguyện mới được quy định trong pháp luật từ Luật Đất đai năm 2003. Trước đó không được thực hiện vì doanh nghiệp chưa được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp. Một số nhà đầu tư năng động đã thương thảo với người đang sử dụng đất để nhận chuyển nhượng không hợp pháp. Người đang sử dụng đất nhận được tiền nhiều hơn tiền được bồi thường nên rất vui. Nhà đầu tư đã có đất, đến nói với chính quyền địa phương để xin được thuê đất, thủ tục xong sớm nên cũng rất vui. Cả hai bên đều mong muốn chính thức hóa cơ chế tự nguyện.
Luật Đất đai 2003 đã có quy định về cơ chế chuyển dịch đất đai tự nguyện. Khi có cơ chế rồi thì người đang sử dụng đất lúc này có cơ "lên mặt" để đòi giá cao hơn cả thị trường. Nghiệp đời vẫn vậy. Bi kịch trong cơ chế này dành cho nhà đầu tư.
Bi kịch 5: Nhiều người đang sử dụng đất trong cơ chế tự nguyện lại muốn lợi ích cho mình nhiều hơn, ép nhà đầu tư phải tự nguyện với giá đất rất cao. Đa số các dự án loại này đều gặp phải trường hợp đã thỏa thuận được khoảng 70 - 80% đất đai nhưng phần còn lại không thể thỏa thuận nổi. Đi cũng dở vì tiền đã đọng ở phần đất đai đã thỏa thuận rồi, ở cũng không xong vì không thể thỏa thuận được phần đất đai còn lại.
Làm gì cho bi kịch hạ màn
Tất cả những bi kịch nêu trên đều có nguyên nhân từ việc chuyển dịch đất đai mà chúng ta đều phải làm vì một ngày mai tốt đẹp cho cả dân tộc. Cũng đã có khá nhiều người có ý kiến rằng hãy quay về chỉ một cơ chế Nhà nước thu hồi đất bắt buộc để tạo công bằng giữa những người bị thu hồi đất. Không thể làm như vậy vì nhiều lý do có lý. Thứ nhất, trước Luật Đất đai 2003, chúng ta đã chỉ áp dụng một cơ chế Nhà nước thu hồi đất và những bất cập nẩy sinh đã buộc chúng ta phải đổi mới theo hướng hạn chế phạm vi áp dụng của cơ chế này. Thứ hai, chúng ta hãy nghĩ tới sự công bằng giữa mọi người, đừng chỉ nghĩ tới công bằng giữa những người bị thu hồi đất và chúng ta hãy nghĩ xem mình sẽ làm gì khi bị rơi vào hoàn cảnh bị thu hồi đất. Thứ ba, chúng ta không thể bỏ đi 1 bi kịch mà nhà đầu tư gặp phải trong cơ chế tự nguyện để tiếp tục chấp nhận 4 bị kịch mà người bị thu hồi đất gặp phải trong cơ chế Nhà nước thu hồi đất, đó mới là bất công bằng giữa nhà đầu tư và người bị thu hồi đất. Thứ tư, sự can thiệp hành chính của cơ chế Nhà nước thu hồi đất luôn chứa đựng nguy cơ lãng phí và tham nhũng. Bốn lý do này cho thấy lời giải cần đi theo hướng khác.
Bản chất của 5 bi kịch nêu trên đều có nguồn gốc từ lợi ích của các dự án đầu tư. Lời giải phải bắt đầu từ việc xem xét chia sẻ lợi ích này sao cho công bằng. Trước hết nhà đầu tư có lợi thì họ mới đầu tư, vậy để tạo môi trường đầu tư thuận lợi thì phải xem xét toàn diện các mặt của môi trường đầu tư, không chỉ đặt vào ưu đãi về đất đai. Thứ hai, đất đai là một nguồn nội lực cho đầu tư, đừng để mất thế mạnh về nguồn nội lực này. Thứ ba, bài toán đầu tư phải được xem xét sao cho phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, không nên ưu ái tất cả các dự án đầu tư, như thế sẽ làm tăng vốn đầu tư ở những ngành kinh tế không cần ưu tiên phát triển. Thứ tư, mọi quan hệ kinh tế giữa các bên tham gia vào quá trình chuyển dịch đất đai phải được giải quyết trên cơ sở đồng thuận xã hội.
Bài toán chia sẻ lợi ích sẽ diễn ra tốt đẹp hơn nếu chúng ta cải thiện theo những giải pháp sau đây:
1. Các doanh nghiệp thực hiện cơ chế chuyển dịch đất đai tự nguyện phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức thuê dịch vụ định giá đất. Khi nhà đầu tư đã thương thảo được với những người đang sử dụng đất để nhận được trên 80% diện tích đất cho dự án và đạt được đồng thuận của trên 80% người đang sử dụng đất thuộc phạm vi dự án mà không thể tiếp tục thương thảo thành công thì Nhà nước áp dụng cơ chế thu hồi đất đối với phần đất còn lại.
2. Khi áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất bắt buộc, cần bảo đảm các yêu cầu: (1) giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải do một Hội đồng định giá độc lập với bộ máy hành chính quyết định trên cơ sở hồ sơ định giá đất do một hoặc vài tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất thực hiện; (2) toàn bộ quá trình thu hồi đất, định giá đất đai và tài sản, thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải được thực hiện công khai, minh bạch và có sự tham gia của cộng đồng nơi có đất.
3. Ranh giới giữa hai cơ chế chuyển dịch đất đai tự nguyện và bắt buộc cần được xác định lại theo nguyên tắc: (1) Nhà nước chỉ thu hồi đất theo dự án đầu tư đối với các dự án thực sự vì lợi ích quốc gia, lợi ích công công, quốc phòng, an ninh, không áp dụng đối với các dự án vì lợi ích của nhà đầu tư; (2) Cơ chế Nhà nước thu hồi đất được áp dụng đối với phần đất còn lại thương thảo không thành công khi nhà đầu tư đã áp dụng cơ chế tự nguyện; (3) Nhà nước áp dụng chủ yếu cơ chế thu hồi đất theo quy hoạch và tiến hành công khai giới thiệu địa điểm đầu tư, đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất. Có thể thành lập các tổng công ty phát triển quỹ đất quốc gia hoặc theo vùng để thực hiện cơ chế thu hồi đất theo quy hoạch.
4. Để tạo bình đẳng trong áp dụng cơ chế chuyển dịch đất đai tự nguyện, cần đìều chỉnh lại quy định về quyền của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài sao cho công bằng. Nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều được thuê đất của Nhà nước trả tiền một lần hoặc trả tiền hàng năm, có thời hạn, kể cả đối với đất ở. Tiền thuê trả theo loại đất nhưng mọi loại dự án đầu tư chỉ được thực hiện có thời hạn. Nhà đầu tư nước ngoài cũng được nhận quyền sử dụng đất từ hộ gia đình, cá nhân thông qua chuyển nhượng, thuê hoặc nhận góp vốn trong phạm vi dự án. Nếu đất nhận được thuộc loại đất mà hộ gia đình, cá nhân sử dụng không thời hạn thì hết thời hạn thực hiện dự án, nhà đầu tư được nhận lại giá trị đất đó thông qua chuyển nhượng cho người khác hoặc nhận bồi thường khi Nhà nước thu hồi.
5. Thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là một nội dung quan trọng nhất khi thực hiện cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Không áp dụng cơ chế bồi thường bằng tiền một lần, bồi thường xong coi như nhà đầu tư cũng như Nhà nước hết trách nhiệm với người bị thu hồi đất. Phải đa dạng hóa cách thức thực hiện bồi thường, có thể bằng đất cùng loại, bằng đất khác loại hoặc bằng tiền. Quá trình có thể diễn ra dài ngày. Nhà đầu tư có trách nhiệm hỗ trợ cho cộng đồng từ lợi ích thu được của dự án đầu tư trong cải thiện cuộc sống, nâng cấp hạ tầng, hưởng sản phẩm của dự án với giá ưu đãi, v.v. Thu hồi đất để phát triển hoặc chỉnh trang khu dân cư cần kết hợp với quy hoạch khu dân cư để bồi thường bằng đất sau quy hoạch. Không được ưu tiên lợi ích của nhà đầu tư, xem nhẹ lợi ích của người bị thu hồi đất.
6. Việc giải quyết các bức xúc, khiếu nại của người bị thiệt hại do dự án gây ra phải được giải quyết đúng và nhanh. Nhà đầu tư dự án cũng phải cung cấp chi phí để trợ giúp, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện quyền khiếu nại của mình sao cho phù hợp với quy định của pháp luật. Việc trợ giúp ở mức dự án là một bộ lọc tốt để làm giảm lượng bức xúc, khiếu kiện của người bị thiệt hại.
Hy vọng vào ngày mai
Những giải pháp trên đã được thực hiện ở nhiều nước, được các tổ chức phát triển quốc tế nghiên cứu và kiến nghị áp dụng. Thực hiện sáu giải pháp này sẽ mang lại sự bình yên hơn trên con đường chuyển dịch cơ cấu kinh tế đầy sôi động và phức tạp. Các bi kịch sẽ được hạ màn. Cái đích chúng ta cần đi đến là một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Cơ chế Nhà nước thu hồi đất cũng cần bảo đảm các tiêu chí của dân chủ, công bằng, văn minh.
  • Đặng Hùng Võ

Khát vọng "sạch" cần được khích lệ

(VNN) Nguyên nhân chính là chúng ta đã làm bẩn bóng đá. Biến một môn thể thao đẹp đẽ, cao thượng, đầy sức mạnh và sự khéo léo thành một loại bi hài kịch... hổ lốn.
Sau phát biểu gây sốc của ông Nguyễn Đức Kiên tại Hội nghị tổng kết mùa giải bóng đá Việt Nam 2011, từ "sạch" được báo chí nhắc đến thường xuyên. Nhiều người bày tỏ mong muốn có bước chuyển biến mạnh mẽ, rõ ràng trong việc tổ chức, điều hành hoạt động bóng đá. Không những thế, người ta còn mong muốn khát vọng "sạch"làm cho con người sống đàng hoàng hơn.
Ai làm "bẩn" bóng đá Việt?
Bóng đá được xem là môn thể thao vua. Có lẽ hơn một nửa dân số trên trái đất say mê bóng đá. Kỳ lạ là bóng đá Việt Nam rất... lẹt đẹt, xếp hạng thứ 129 gì đó, nhưng tình yêu bóng đá của người Việt Nam được xếp vào loại nhất nhì, ngang ngửa với dân Brazil và một vài dân tộc khác...
Ngày nay, bóng đá đã trở thành một phần quan trọng của cuộc sống.Ở Brazil người ta đã làm điều tra và chỉ ra rằng, khi đội tuyển bóng đá quốc gia chiến thắng, năng suất lao động của cả nước tăng lên đáng kể. Còn khi đội tuyển thua, năng suất lao động giảm, tai nạn lao động tăng. Rất may là đội tuyển bóng đá Brazil thường xuyên thắng.
Đội tuyển bóng đá Brazil giàu thành tích (5 lần vô địch thế giới), là đội duy nhất được tham dự cả 19 lần thế giới tổ chức giải. Đội bóng này chơi hay tới mức người ta đã nói: "Người Anh sáng tạo ra môn bóng đá, và người Brasil đã hoàn thiện nó".
Nhưng Brazil không phải là quốc gia có nền bóng đá mạnh nhất ngay từ trước. Giải vô địch thế giới lần đầu tiên tổ chức năm 1930, mãi tới năm 1958, tại giải lần thứ 6, Brazil mới giành được chức vô địch lần đầu tiên. Nhưng sự kiện vào loại quan trọng nhất đối với bóng đá Brazil xẩy ra ở lần thứ 4 mà Brazil là nước chủ nhà.
Brazil lọt vào tới trận chung kết, đối thủ là Uruguay. Người Brazil, ai cũng đinh ninh là đội mình sẽ trở thành nhà vô địch, pháo hoa đã được bố trí sẵn để ăn mừng. Nhưng đội vô địch năm đó lại là ... Uruguay. Người Brazil bị tổn thương nặng nề.
Chỉ thua một trận bóng đá nhưng cả nước Brazil như rơi vào một đại họa, hàng triệu người khóc lóc, rầu rĩ. Có một cậu bé 9 tuổi cũng khóc cạn nước mắt, nhưng lại tràn đầy quyết tâm. Cậu lầm lũi đi trong đêm và thầm hứa sẽ chơi bóng thật giỏi để giúp đội Brazil chiến thắng. Đó chính là "Vua bóng đá" Pele!
Năm 1998, đội tuyển bóng đá Việt Nam cũng lọt vào trận chung kết Giải vô địch Đông Nam Á. Chúng ta cũng là đội chủ nhà, được chơi trên sân Hàng Đẫy. Đối thủ của chúng ta chỉ là Singapore nên ai cũng nghĩ ta sẽ chiến thắng, nhưng đội nâng cao Cúp vô địch năm đó lại là Singapore. Chua xót làm sao?
Có nhà doanh nghiệp đã nghĩ tới cách nâng tầm bóng đá Việt Nam từ đó. Tiền bạc đã được đổ vào, cầu thủ, huấn luyện viên nước ngoài cũng được mời tới, nhưng bóng đá Việt Nam vẫn chưa "cất cánh". Nguyên nhân vì đâu?
Ông Nguyễn Đức Kiên đã thẳng thắn chỉ ra: Chúng ta, nhất là những người có trách nhiệm, chức tước cao trong Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã làm "bẩn" bóng đá. Nhiều người cũng đồng ý với ý kiến này. Một khi nền bóng đá đã nhiễm bẩn thì không thể phát triển tốt được.
Tình yêu bóng đá của người Việt Nam được xếp vào loại nhất nhì
"Trận ngày mai, bọn em phải... thua"(?)
Đã có những lúc bóng đá Việt Nam sạch sẽ, cuốn hút hàng triệu khán giả tới sân. Mấy chục năm trước, tôi đã chứng kiến hình ảnh một người đàn ông cởi phăng cái đồng hồ Nhật trên tay để đổi lấy cái vé vào sân Hàng Đẫy xem bóng đá.
Ấy vậy mà bây giờ các sân cỏ của ta vắng hoe, kể cả những trận Đội tuyển Việt Nam thi đấu.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng nguyên nhân chính là chúng ta đã làm bẩn bóng đá. Biến một môn thể thao đẹp đẽ, cao thượng, đầy sức mạnh và sự khéo léo thành một loại bi hài kịch... hổ lốn.
Tôi là người Nghệ nên ít nhiều quan tâm đến đội bóng Sông Lam. Tôi buồn nhiều hơn vui. Một lần cách đây khá lâu, khi cầu thủ Phạm Văn Quyến mới bắt đầu nổi, tôi đến Khách sạn Kim Liên và tình cờ gặp Quyến. Tôi hỏi: "Chiều nay đá thế nào? Quyết tâm thắng chứ?". Quyến: "Để cháu đi hỏi các chú đã!".
Rất nhiều người đã lên tiếng phanh phui cái bẩn của bóng đá Việt Nam. Tựu trung là những quan chức quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam kém cỏi, để cho đồng tiền, cho bệnh thành tích thao túng nền bóng đá, khiến bóng đá mất đi vẻ đẹp đích thực của nó.
Còn trước đấy mấy năm, một cầu thủ tầm cỡ (có thời mang băng đội trưởng) của SLNA đến chỗ tôi chơi. Trong câu chuyện, cậu ta nói: "Em rất muốn mời anh ra sân xem bọn em thi đấu, nhưng trận ngày mai, bọn em phải thua nên không dám mời".
Chỉ cần thông qua vài sự việc như thế, tôi hiểu là bóng đá Việt Nam đã bị những người có chức, có quyền lũng đoạn.
Bao nhiêu năm người ta nói về cái bẩn của bóng đá, nhưng chỉ nói ở quán nước hay trên báo. Còn vừa rồi ông Kiên nói trực diện ngay tại Hội nghị của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
Rất nhiều người đã lên tiếng phanh phui cái bẩn của bóng đá Việt Nam. Tựu trung là những quan chức quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam kém cỏi, để cho đồng tiền, cho bệnh thành tích thao túng nền bóng đá, khiến bóng đá mất đi vẻ đẹp đích thực của nó.
Vì vậy, thay vì được xem những trận bóng đá trung thực, gay cấn, căng thẳng, đẹp mắt; người hâm mộ thường phải chứng kiến những màn kịch vụng về. Điều này khiến nhiều người chán nản, không xem bóng đá Việt Nam nữa, chỉ xem bóng đá của nước ngoài qua truyền hình. Điều này đáng buồn và đáng lo.
Thật vui khi có người dũng cảm và thẳng thắn nói lên khát vọng "sạch", nhưng niềm vui chưa trọn vẹn khi thấy các quan chức bóng đá ú ớ thanh minh. Sau những lời thanh minh của họ vẫn ẩn chứa những... âm mưu.
Nhưng có vẻ những người yêu cái sạch lần này rất kiên quyết. Họ được sự cổ vũ của đông đảo quần chúng nên quyết tâm làm cuộc "cách mạng sạch" trong bóng đá. Tuy nhiên, lòng quyết tâm là rất đáng quý, nhưng để có thành công thực thụ, phải có sự hiểu biết và sự công tâm. Trong thể thao, có thể coi đó là "tinh thần thượng võ".
Các đại gia "chơi bóng đá" vẫn thiếu một chút cao ngạo
Tôi rất hoan nghênh, thậm chí là biết ơn một số nhà doanh nghiệp lớn (thường được gọi là đại gia), như ông Nguyễn Đức Kiên, Đoàn Nguyên Đức, Đỗ Quang Hiển, Võ Quốc Thắng, Lê Tiến Anh... Họ đã bỏ rất nhiều tiền vào bóng đá.
Những người này và nhiều người có tiền khác nữa yêu bóng đá nồng nhiệt, không tiếc tiền. Nhưng tôi cũng xin nói thẳng là họ vẫn thiếu một chút cao ngạo trong cách tiêu tiền cho bóng đá! Hơn nữa, họ là những thương gia tài năng nhưng lại không biết quý trọng thương hiệu đã nổi tiếng trong bóng đá Việt Nam.
Tại sao người ta thay đổi tên gọi của đội bóng đó một cách vô tội vạ, không giữ thương hiệu, không giữ truyền thống, không tôn trọng màu cờ sắc áo của từng đội bóng? Cần phải hiểu rằng, bóng đá là của chính những người hâm mộ, mà người hâm mộ thường có đội bóng cụ thể để gắn tình yêu vào đó.
Nhiều người suốt đời chỉ yêu một đội bóng, sống hết mình vì nó dù nó vô địch hay bị xuống hạng. Thế mà bây giờ tên các đội bóng bị thay đổi xoành xoạch, biết đặt tình yêu vào đâu?
Rất mong những đại gia yêu bóng đá nhiệt tình, bỏ ra nhiều tiền để nâng tầm bóng đá, suy nghĩ cho thấu đáo. Tại sao cứ bắt đội bóng đá mà mình là chủ phải thay tên? Trên thế giới người ta có làm thế đâu? Ví dụ, tỷ phú người Nga Abramovich bỏ tiền ra mua đội bóng Chelsea của Anh, nhưng ông ta có đổi tên đội bóng ấy đâu?
Hay nước Nga đã trải qua những biến động ghê gớm, tất cả những đội bóng lớn của nước Nga đều đã thay đổi chủ sở hữu, nhưng các đội bóng đó không thay tên: Vẫn còn đó Spartak, CSKA, Dinamo, Lokomotiv...
Trong khi ở Việt Nam, những tên tuổi quen thuộc của những đội bóng nổi tiếng như Thể Công, Công An Hà Nội, Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn... nay chỉ còn trong ký ức người hâm mộ. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà hiện nay có phong trào vận động thu thập 1 triệu chữ ký để thành lập lại đội bóng Thể Công của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tên tuổi một đội bóng gắn với tình yêu bóng đá của nhiều thế hệ, nó thiêng liêng chứ không đơn thuần chỉ là tên gọi thể hiện sự sở hữu của ai đó. Cần phải có một chút cao ngạo để bỏ tiền ra nhưng không gắn tên mình hay tên công ty vào đó.
Cần khích lệ tinh thần bóng đá "sạch"
Sau Đại hội Đảng lần thứ XI, nguyên Uỷ viên Bộ CT Hồ Đức Việt "im hơi, lặng tiếng" trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ấy vậy mà bây giờ ông lên tiếng vì bóng đá! Ông đã nhận lời làm Chủ tịch danh dự của Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội. Ông nói thẳng thắn, rõ ràng: "Tôi nhận lời anh Kiên là để khích lệ tinh thần bóng đá!".
Ông Hồ Đức Việt là người say mê và hiểu biết bóng đá (ông đã từng giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam) nên bây giờ ông tham gia việc làm bóng đá "sạch" là điều đáng mừng.
Tuy nhiên, để làm cho bóng đá Việt Nam trở lại sạch sẽ thì không chỉ trông chờ vào nỗ lực của những cá nhân (cho dù đó là những đại gia và những người nổi tiếng!), mà cần phải có sự ủng hộ mạnh mẽ của toàn thể xã hội.
Trước hết, chúng ta yêu cầu những người khảng khái, trung thực, hiểu biết và đam mê bóng đá hãy dũng cảm đứng ra đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong bộ máy điều hành bóng đá Việt Nam.
Tiếp theo, chúng ta mong muốn các cầu thủ phải tỏ ra chuyên nghiệp cả về chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp. Bóng đá là một môn thể thao huy động nhiều tố chất ở con người- không chỉ chơi bóng bằng chân mà còn bằng ngực, bằng đầu... Đấu bóng là để giành chiến thắng, nhưng phải chiến thắng một cách trung thực.
Người Việt Nam sẵn có tình yêu bóng đá nồng nhiệt, lại có tố chất khéo léo, thông minh. Nếu chúng ta quyết tâm làm bóng đá "sạch" thì trong tương lai không xa, ta có thể thi đấu ngang ngửa với các nước trong châu lục. Và bóng đá có thể làm cho xã hội đoàn kết và trưởng thành hơn.
Hồ Bất Khuất

PN&HĐ: Tù mù- minh bạch, và "Tam đại đồng đường!

(VNN) Cơ chế quản lý doanh nghiệp tù mù hay minh bạch, thi toán quốc tế với bài toán quốc gia, và nghề… làm quan, là những lát cắt buồn vui của Phát ngôn và Hành động tuần này mong được chia sẻ, đồng cảm và trao đổi của quý bạn đọc gần xa.
Tù mù- minh bạch và... "Tam đại đồng đường"?

Sự kiện nổi bật trong tuần này là bức tranh kinh tế- xã hội được các đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế QH chiều 24/9 (T/p HCM) nhận xét "đang ở giai đoạn cực kỳ khó khăn". Còn chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh thì cho rằng "xấu nhất từ năm 1991 đến nay".
Ngày 23/9, VnEconomy có bài viết dưới đầu đề: "Kinh tế vĩ mô bất ổn đến mức nào?". Đặt câu hỏi vậy, nhưng bài viết đã là câu trả lời khi đưa ra hiện trạng các doanh nghiệp Nhà nước- đứa con trưởng của nền kinh tế đang "ốm đau". Cũng là đánh giá của TS Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế VN):
"Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể lỗ 11.669 tỷ đồng (2010 lỗ 23.647 tỷ), Tổng công ty Xăng dầu (Petrolimex): 1.200 tỷ đồng. Tập đoàn Công nghiệp và Tàu thủy (Vinashin): 3.092 tỷ; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines): 613 tỷ đồng... Thiếu vốn đầu tư ngành chính nhưng đầu tư ngoài ngành hơn 22.590 tỷ. Lĩnh vực được chuộng nhất là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với 13 đơn vị, tổng vốn hơn 10.700 tỷ..."
Tức là vốn đầu tư ngành chính của các DNNN thì lỗ, nhưng vốn đầu tư các ngành phụ, mang tính chất mì ăn liền, nhiều rủi ro và mất an toàn, lại khá lớn. Nói một cách dân dã, tiền chi tiêu cho "bồ" của đứa con trưởng này không ít. Hiệu quả ra sao?
Nhìn toàn cảnh, người ta dễ dàng nhận thấy lạm phát tăng, tăng trưởng giảm, bội chi ngân sách, thâm hụt thương mại, giá trị đồng tiền Việt Nam giảm.... Đương nhiên, niềm tin của người dân vào sự kinh doanh và điều hành của các DNNN cũng giảm theo.
Các chuyên gia cũng đưa ra nhiều giải pháp, nhưng người viết bài rất tâm đắc với nhận định của TS Lê Đăng Doanh rằng, đặc trưng của nền kinh tế hiện nay có nhiều bệnh, mà nguồn gốc sâu xa gắn liền với thể chế kinh tế, chính sách của Nhà nước. Để khắc phục các căn bệnh đó, không thể không cải cách bộ máy quản lý của Nhà nước, các chính sách kinh tế.
Nhận định này không mới, nhưng rất bản chất, phản ánh rõ trong những bất ổn của nền kinh tế hiện nay. Và nó không chỉ phản ánh ở kinh tế, mà còn ở cả những mảng xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa...
Vì sao? Vì tuy đổi mới cơ chế quản lý kinh tế- xã hội đã hơn 20 năm, nhưng ai dám bảo đảm tư duy của con người trong điều hành đã thật sự mới, thoát được thói quen của một cơ chế bao cấp xin- cho vốn ăn sâu trong tiềm thức, từ cả lý luận lẫn thực tiễn?
Sự minh bạch thể hiện trong con số lỗ hàng nghìn tỷ đồng, phung phí biết bao mồ hôi nước mắt của dân
Nhưng sự tù mù vẫn còn nằm ở tư duy, ở cung cách quản lý và điều hành các cấp, lúc kiểu thị trường, lúc kiểu bao cấp, rất khó cho cả 2 phía doanh nghiệp và cho người dân. Rút cục, sẽ luôn có một nhóm lợi ích hưởng lợi
Trước đó, ngày 19/9. Diễn đàn Kinh tế VN có bài "Quản lý thì đừng sở hữu", một bài viết rất đáng suy ngẫm về hiện trạng cơ chế quản lý các DNNN hiện nay.
Trong thông điệp đầu nhiệm kỳ mới 2011-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đổi mới cơ chế quyền chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN theo hướng, cơ quan hoạch định chính sách không đồng thời thực hiện chức năng chủ sở hữu DN. Thực chất là tách chức năng quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng chủ sở hữu DN, tránh hiện tượng quản lý theo kiểu Nhà nước "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Luật DN cũng quy định rõ nguyên tắc này.
Để bảo đảm luật định đưa vào cuộc sống, Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước đã ra đời để thi hành quyền chủ sở hữu một cách chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả nhất.
Thế nhưng, giữa luật và thực tiễn quả là bao giờ cũng có một khoảng cách khá xa. Vì "Mọi lý thuyết đều mầu xám. Chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi". Tiếc thay, ở đây thực tiễn cũng... xam xám nốt. Bởi cho đến giờ, Tổng Công ty (SCIC) vẫn than vãn, riêng khâu đầu tiên- chuyển vốn về để quản lý đã trắc trở, rất khó khăn. Việc đổi mới cung cách quản lý DNNN rất trì trệ, thì hiệu quả hoạt động và chất lượng DNNN cũng rất ì ạch.
Thực tiễn này khiến người viết bài đặt 3 câu hỏi:
-Chúng ta đang quá "hổng" mảng lý luận mang tính nền tảng, định hướng cho kinh tế thị trường?
- Tư duy quản lý kinh tế kiểu bao cấp xin- cho vẫn ngự trị, luồn lách ngay trong cung cách điều hành quản lý Nhà nước?
- Lợi ích nhóm chi phối khéo léo?
Cả 3 yếu tố này đều có quan hệ ràng buộc và là nguyên nhân của thực trạng kinh tế bất ổn hiện nay.
Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế đặt vấn đề lợi ích nhóm nhiều hơn. Cứ nhìn bức tranh kinh tế thị trường hiện tại sẽ thấy rất rõ.
Bên cạnh DNNN có DN cổ phần hóa, DN tư nhân. Bên cạnh DN trong nước, có DN liên doanh vốn nước ngoài. Bên cạnh DN lớn, có doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Vậy nhưng nếu các DN vừa và nhỏ loay hoay chống đỡ cơn bão lạm phát, tìm vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm, thì các DN lớn lại luôn "làm mình, làm mẩy", hoặc có thua lỗ "Nhà nước vẫn chìa tay" - theo cách nói của các đại biểu QH tại cuộc thảo luận sáng 4/8 (Kỳ họp QH khóa XIII) về tình hình kinh tế - xã hội.
Đến độ có đại biểu nêu: "DNNN cần huy động vốn thì báo lãi, cần tăng giá lại báo lỗ... Vậy bản chất kinh doanh lãi hay lỗ, lãi thật hay giả, lỗ thật hay giả?".
Điều đó, tạo nên sự bất bình đẳng giữa các DN, chứ không phải tài năng hơn kém giữa họ.
Ngay cả các chuyên gia kinh tế nước ngoài của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng tư vấn, thúc giục phải tiếp tục cải cách khu vực kinh tế này.
Giật mình, quốc gia đang tiến tới hội nhập văn minh, vậy nhưng cách điều hành và quản lý kinh tế của chúng ta lại "Tam đại đồng đường" kiểu ... "Hai lúa"! Đứa con trưởng- DNNN có kém cỏi, làm thiệt hại Nhà nước đến mấy vẫn được ưu ái, yêu chiều, bởi nó là cây gậy?
Hay bởi vị thế và cả những khuyết tật của nó đang tạo ra lợi ích của không ít người?
Thi toán quốc tế và bài toán quốc gia

Đỉnh điểm của những bất ổn trong cơ chế quản lý kinh tế- khiến các DNNN làm mưa làm gió, được đánh dấu bằng cuộc khẩu chiến hiếm có giữa Bộ Tài chính và Bộ Công thương, cùng DN xăng dầu lớn nhất- Petrolimex, tại hội thảo "Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở VN hiện nay" (ngày 20/9 tại Hà Nội).
Có lẽ trước áp lực dư luận xã hội, 2 Bộ- Tài chính và Công thương mới đây đã trần tình trên báo chí rằng, không có bất đồng trong điều hành giá xăng dầu. Nhưng bản chất của chuyện khẩu chiến tại hội thảo vừa qua vẫn là... không đồng tình với nhau về giá xăng, giữa 2 bộ, và các DN trực thuộc Bộ Công thương.

Một bên dọa bỏ cuộc không kinh doanh và một bên...không hề sợ, với tuyên bố sắc như móng tay nhọn bóc vỏ quýt dày: "Nếu doanh nghiệp nào không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước". Phải được chiều chuộng, ưu ái đến thế nào thì một DN mới dám dọa cả Nhà nước?
Xét cho cùng, nó là hệ lụy của một nền kinh tế thị trường nhưng không có cạnh tranh?
Thế nên người viết bài cho rằng, sẽ không thể có khẩu chiến về giá xăng tại hội thảo, nếu như trong thực tế, xăng dầu-  lĩnh vực cốt tử của quốc gia, không chỉ do 3 DNNN lớn-  Petrolimex, Saigon Petro và PVOil- độc quyền, chiếm tới 80-90% thị phần. Chỉ vì thế độc quyền, và chưa có thị trường cạnh tranh, các DNNN thả sức với dân:"Bắt cởi trần phải cởi trần/ Cho may ô mới được phần may ô"
Sẽ không thể có khẩu chiến, nếu như sự giải trình lỗ, lãi của  DNNN lớn như Petrolimex không có sự tù mù kỳ lạ và khó hiểu. Liên tục kêu lỗ, nhưng khi để trở thành một công ty cổ phần, trong bản cáo bạch tài chính thu hút các nhà đầu tư, người ta lại thấy Petrolimex công bố liên tục lãi. Năm 2008: Hơn 900 tỉ đồng, năm 2009: Gần 3,000 tỉ đồng, năm 2010: Lãi 81 tỉ đồng, và năm 2011: Dự kiến lãi khoảng 600 tỉ đồng.
Hóa ra kinh doanh lỗ, lãi phụ thuộc vào... "cái lưỡi", không phụ thuộc vào lợi nhuận thực chất.
Đến người dân thường cũng không thể tin vào cách tính kiểu này, chưa nói đến Bộ trưởng Tài chính, một người có thâm niên và kinh nghiệm trong kiểm toán.
Sẽ không thể có khẩu chiến, nếu như không có câu trả lời tù mù của đại diện Petrolimex, về câu hỏi xăng lỗ bao nhiêu, dầu lỗ bao nhiêu? Đây là 2 mặt hàng chủ đạo của họ, mà với cách tính thiếu khoa học- gói trọn tổng doanh thu của tất cả các mặt hàng chủ đạo và phụ trợ, trừ đi tổng chi phí để tạo ra một kết quả lỗ chung của DN, Bộ trưởng Tài chính phải nghi ngờ Ban Quản trị của Tổng Công ty có vấn đề.
Sự can thiệp và không đồng ý tăng giá xăng của Bộ trưởng Tài  chính không chỉ chứng tỏ ông đứng về phía lợi ích của hơn 80 triệu dân. Mà ông còn phải làm nhiệm vụ của chính Bộ mình- gắng kiềm tỏa lạm phát đang lồng lộn phi mã. Nếu giá xăng lên, sẽ kéo theo rất nhiều mặt hàng khác tăng theo, có thể con ngựa lạm phát đứt dây cương, thật nguy hiểm.
Duy nhất có một người, biết làm cho bạn đọc... cười vì cái sự hơi ít văn hóa. Đó là ông N.L.A, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương). Có vẻ như ông này muốn "xả thân" bênh vực các sếp của mình, bênh vực chủ trương đòi tăng giá xăng của các DN đến tận cùng, khi mỉa mai: "Tôi nghe tin cứ nghĩ Bộ Tài chính bị làm sao".
Và để mọi người biết về trí thông minh của mình, ông khoe mẽ: "Tôi không giỏi nhưng cũng đi thi toán quốc tế...". Hơi buồn cười cho ông vì chả hiểu làm sao, mới đây Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD (Bộ GD) cho biết năm 1982, không có học sinh nào đi thi Olimpic toán Quốc tế có tên như ông (chỉ có 4 người: Lê Tự Quốc Thắng, Trần Minh, Ngô Phú Thanh và Nguyễn Hữu Đoàn).
Cũng có thể ông mới ở trong đội tuyển chọn thì... bị loại từ trong nước.
Đến nước này, thì bạn đọc lại bảo: "Ông Vụ phó này làm sao í nhỉ?". Chả trách Bộ trưởng Vương Đình Huệ dạy lại ngay tại hội thảo: "Dù học nhiều nhưng cần có kiến thức thực tế". Chí lý!
Dẫu sao, người viết bài vẫn tin ông là người thông minh, tuy "nổ" không phải chỗ. Nếu từng đi thi toán quốc tế, xin ông thử giải bài toán cấp quốc gia và... cấp DN:
Vì sao giá cả, trong đó có giá xăng tăng vùn vụt đến chóng mặt, còn giá trị văn hóa, con người, giáo dục, giá trị đạo lý xã hội, giá trị niềm tin lại...tụt nhanh đến thế?
Vì sao người dân không chỉ hoài nghi về cách tính giá xăng tù mù, thiếu minh bạch của DN, người dân còn hoài nghi về "lợi ích" được mất xung quanh chuyện bảo vệ cho việc tăng giá này?
Vì sao Bộ Công thương cũng không thể kiểm soát được hiện tượng các cửa hàng bán xăng luôn ăn cắp, ăn bớt xăng của khách hàng. Giá đã cao, khách hàng lại bị bòn rút, rút cục, họ bị thua thiệt tới 2 lần?
Dù vậy, chuyện khẩu chiến giữa 2 bộ và các DNNN xăng dầu có thể sẽ qua đi. Nhưng nếu sự độc quyền kinh doanh của các DN lớn vẫn tồn tại, nếu cơ chế quản lý chồng chéo đầy bất ổn vẫn hiển nhiên và đằng sau nó là các "con tin" của các đại gia, như cách nói của một nhà báo có tên tuổi, thì đương nhiên sẽ có những Bộ trưởng như ông Vương Đình Huệ.
Nhưng có một Bộ trưởng thẳng thắn vẫn không bằng có một cơ chế quản lý phù hợp thực tiễn kinh tế xã hội, được lòng dân và thực sự vì dân.
Làm quan: "Lập danh, lập nghiệp, lập ngôn"
Có lẽ vì tâm đắc với những phát ngôn thẳng thắn của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, trong dàn những Bộ trưởng của Chính phủ mới, trên Vnexpress ngày 27/9 có bài viết : "Các tân Bộ trưởng đã dám thể hiện cá tính".
Chợt nghĩ tới câu tổng kết của dân gian: "Lập danh, lập nghiệp, lập ngôn".
Trong 3 lập ấy, lập ngôn là khó nhất. Khó vì "ngôn" phải tỉnh táo, sáng suốt, khôn ngoan, để thiên hạ "người trên trông xuống, người ta trông vào" tâm phục, khẩu phục khỏi cười chê.
Làm người có 3 cái lập ấy đã khó, làm quan còn khó đến đâu!

Đứng dưới ít người, đứng trên muôn người, có danh, có tiếng, có quyền, có lợi, làm quan quả là nghề hấp dẫn. Chả thế từ cổ chí kim, bao tấn bi hài kịch xoay quanh cái nghề đặc biệt này.
Nhưng làm quan cũng lắm khổ ải. Vinh đấy, và tủi hổ đấy! Quyền đấy, và bất tín đấy!
Có những vị quan "lập ngôn" quá dễ dãi, ngớ ngẩn, khiến thiên hạ cười chê-  IQ cao! IQ cao lẽ ra phải là sự ngợi khen, lại là sự chê cười. Tại sao?  Hay... cái nước Việt mình nó thế! (mượn lời cố GS Hoàng Ngọc Hiến)
Nhưng hãy chú ý hiện tượng này: Nếu sự "lập ngôn" của các quan chức vốn rất dè dặt, mang đặc điểm của một cơ chế lãnh đạo tập thể. Thì dường như càng ngày, sự "lập ngôn" của các quan chức càng mang đặc điểm cá tính, năng lực tư duy và trách nhiệm cá nhân của họ, nhất là với lĩnh vực dân đang bức xúc. Đó là điểm đáng mừng.
Một đặc điểm khác: Họ đều xấp xỉ 50- 51, cái tuổi đã tích lũy nhiều kinh nghiệm sống, được đào tạo bài bản, lại kinh qua nhiều nhiệm vụ từ cơ sở. Thời đại thế giới phẳng cho họ rất nhiều thông tin, và tư duy buộc phải luôn trẻ hóa, để thích ứng với bổn phận.

Hãy thử nghe Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng thẳng thắn: "Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành, phải cho tôi toàn quyền...Bộ GT sẽ tập trung giải quyết 3 khâu đột phá chiến lược. Thứ nhất, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.Thứ hai, tình trạng tai nạn giao thông. Thứ b, ùn tắc giao thông... Tôi cho rằng khi đất nước có đủ điều kiện mới làm đường sắt cao tốc.... Sẽ ưu tiên đầu tư đường bộ cao tốc Bắc Nam, nâng cấp đường sắt hiện có, cân đối phát triển đường quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn". Những phát ngôn của ông khá ấn tượng và rõ ràng khá hợp lòng dân.
Và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: "Sẽ đưa lãi suất về 17-19% trong vòng hai tháng kể từ ngày nhậm chức".  Đi kèm với thông điệp mạnh mẽ về lãi suất, ông đưa ra một loạt chính sách, biện pháp mạnh tay đối với những cá nhân và tổ chức vi phạm. Kết quả, lãi suất cho vay đã bắt đầu hạ dù chưa thiết lập một mặt bằng ổn định.
Còn khi Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ không chấp nhận tăng giá xăng, lục lại phát ngôn của ông sau nhậm chức, thấy rằng ông đang thực hiện những điều đã tuyên bố: Sẽ lập lại trật tự trên thị trường xăng dầu, công khai minh bạch các khoản lỗ, lãi trong lĩnh vực vốn nhạy cảm, rất tác động tới đời sống nhân dân này.
Dĩ nhiên, mới 2 tháng trôi qua- một đoạn rất ngắn của nhiệm kỳ. Từ phát ngôn ấn tượng đến hành động ấn tượng cũng còn cần rất nhiều sự kiểm chứng của thực tiễn.
"Lập danh" đã thành. "Lập ngôn" nhiều Bộ trưởng đã có. Nhân dân đang trông chờ vào sự "lập nghiệp"- hành động cụ thể của các Bộ trưởng trong Chính phủ mới. Nhân dân vốn "nghìn mắt, nghìn tai" và nhân dân cũng luôn biết sát cánh với những Bộ trưởng biết vì nước, vì dân.
Một Bộ trưởng thực tài, thực tâm không bằng một cơ chế quản lý văn minh và minh bạch. Nhưng chắc chắn sẽ hữu hiệu hơn nữa, nếu một cơ chế quản lý văn minh, minh bạch có các Bộ trưởng thực tài, thực tâm.
Kỳ Duyên

Nước Mỹ mạnh nhờ giới lãnh đạo tài năng, có tầm nhìn

(VNN) Trên mộ bia vị tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ có dòng chữ: "Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của Thomas Jefferson, tác giả của bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ, của Đạo luật Virginia về tự do tín ngưỡng, và là cha đẻ của trường Đại học Virginia".
Trụ cột thứ hai là những nhà lãnh đạo tài năng, có tầm nhìn
Điển hình nhất cho những nhà lãnh đạo này là Alexander Hamilton. Ngoài ra có thể liệt kê gồm John Marshall, Chánh án tòa án tối cao Mỹ, được coi là Chánh án vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ vì đã thiết lập được một hệ thống tòa án, tư pháp độc lập và thực sự mạnh mẽ, đối trọng và cân bằng với chính quyền. Với 36 năm điều hành và làm Chánh án Tòa án tối cao, Mashall đã thực sự là người cha của hệ thống tư pháp Mỹ.
Quan điểm của Hamilton là để phát triển một quốc gia thì một bản hiến pháp tốt là chưa đủ, nó cần phải được thực thi bởi những cá nhân xuất sắc và với tư tưởng xuất sắc, có tầm nhìn...và cả một thế hệ lãnh đạo
Làm gì? Nghiềm ngẫm về những gì rồi đây nước Mỹ sẽ phải làm. Ông biết trước Washington làm Tổng thống, có thể mình sẽ thành Bộ trưởng Tài chính, vì thế, ông đã nghiền ngẫm rất nhiều sách lược, xây dựng một tầm nhìn, phát triển ê kíp lãnh đạo và hoạch định chiến lược về kinh tế, tài chính. Chính ông là người dựng ra tầm nhìn cả 100 năm cho nước Mỹ với rất nhiều hành động phi thường như lập ngân hàng quốc gia, thống nhất tiền tệ, thuế khóa, thúc đẩy sản xuất trong nước, tìm kiếm liên minh và quan hệ với nước Anh... thậm chí tham gia/góp phần chọn lựa Jeffferson làm Tổng thống, tác động đến chính sách của chính phủ dù không còn tham chính.
Hamilton là tiêu biểu cho cả một thế hệ lãnh đạo khai sáng, chân chính... Ông nỗ lực làm tất cả những gì có thể, sáng tạo ra những quan điểm mới và chính sách mới, thậm chí diễn giải hiến pháp để bào chữa và bênh vực cho chính sách mà ông sẽ làm...
Nhân vật tiêu biểu Alexander Hamilton (1755-1804)
Alexander Hamilton (11 tháng 1 năm 1757?-12 tháng 7 năm 1804) là một sỹ quan quân đội, nhà khai quốc, luật sư, chính trị gia, chuyên gia tài chính người Mỹ. Ông là Bộ trưởng Ngân khố đầu tiên của Hoa Kỳ, người đã thiết lập hệ thống tài chính - ngân hàng, đặt nền móng cho nền kinh tế Mỹ, khi trở thành Bộ trưởng Ngân khố ông mới 32 tuổi. Ông là một trong những luật sư lập hiến đầu tiên của Mỹ, là một lãnh đạo trong Hội nghị Lập hiến Hoa Kỳ năm 1787; ông là một trong hai tác giả chính của The Federalist Papers (Người liên bang), một tác phẩm xuất sắc nhất của Hamilton, được viết chung với James Madison. Những tư tưởng lớn lao chứa đựng trong đó đã đưa tác phẩm này sánh ngang với những danh tác chính trị của nhân loại, làm nền tảng, giải thích rõ ràng về ý nghĩa và mục đích của Hiến pháp Hoa Kỳ.
Do đặc biệt quan tâm đến việc củng cố chính quyền trung ương, nên vào năm 1786, ông đại diện cho tiểu bang New York tại Hội nghị Annapolis. Tại đây, ông cùng Madison thúc giục Quốc hội Hợp bang triệu tập Hội nghị Lập hiến nhằm soạn thảo mô hình chính quyền mới cho liên bang.
Năm 1787, Hamilton tham dự Hội nghị Lập hiến tham gia Ủy ban soạn và có đóng góp rất lớn.
Năm 1789, khi chính quyền mới được thành lập, Washington đã bổ nhiệm Hamilton giữ chức Bộ trưởng Tài chính, bộ quan trọng nhất trong giai đoạn đầu dựng nước. Được coi là kiến trúc sư của nền tài chính, kinh tế, và cả chính trị ngoại giao Mỹ thời kỳ lập quốc, xây dựng nền tảng cho một nhà nước hùng mạnh. Ông đề nghị thành lập Ngân hàng Đệ nhất Hoa Kỳ, để tài trợ cho các khoản nợ của liên bang; đảm trách các khoản nợ của các tiểu bang và khuyến khích sản xuất. Để chống lại Jefferson, Madison và Ðảng Cộng hòa - Dân chủ, Hamilton đã xây dựng Ðảng Liên bang và là lãnh tụ xuất sắc nhất của đảng này.
Trụ cột thứ ba là hệ thống giáo dục khai sáng, thực tiễn để đào tạo ra các thế hệ công dân tốt, và hình thành sự tiếp nối của các thế hệ lãnh đạo
Vĩ nhân tiêu biểu và là lãnh tụ đóng góp lớn nhất cho quan điểm này chính là Thomas Jeffferson, Tổng thống thứ 3 và tác giả Tuyên ngôn Độc lập. Jefferson cho rằng việc có bản hiến pháp tốt là chưa đủ, việc có các nhà người lãnh đạo giỏi, có tầm nhìn... cũng chưa đủ đảm bảo cho một quốc gia bền vững và thịnh vượng. Bởi khi thế hệ lãnh đạo đó mất đi, nếu không có thế hệ lãnh đạo tài năng mới thì thể chế đó cũng sớm lụi tàn. Vì thế, ông cho rằng cần nhiều thế hệ lãnh đạo tài năng, kế tục, nối tiếp nhau, như một ngôi nhà cần phải được xây dựng bằng nhiều lớp gạch... Và xa hơn, cần một dân tộc được khai sáng, cần những thế hệ công dân có giáo dục...
Ảnh: ndhmoney.vn

Quan điểm của Thomas Jeffferson đặc biệt hấp dẫn và có tầm nhìn rất xa. Trong lịch sử Việt Nam và thế giới, chúng ta cũng thường chứng kiến rất nhiều triều đại, nhiều quốc gia được sáng lập bởi các vị vua anh minh nhưng rồi lại tàn lụi khi không còn người lãnh đạo giỏi. Vì thế, điều then chốt là phải tạo dựng một nền giáo dục thực sự khai sáng. Cần một dân chúng tốt, được khai sáng...để họ có thể lựa chọn được nhà lãnh đạo tốt... mạnh dạn, dám nói, dám làm và chính từ họ mới nảy sinh những nhà lãnh đạo...
Ông đã làm gì? Xây dựng ngôi trường Virginia, cải cách hệ thống giáo dục
Một chính quyền tốt không chỉ cần một vài nhà lãnh đạo ở cấp cao nhất mà còn cần tổng thể rất nhiều lãnh đạo ở các cấp độ khác nhau. Ông hình dung nếu chỉ có Tổng thổng và Nội các giỏi chưa đủ mà sự khai sáng cần lan tỏa đến tất cả những người lãnh đạo trên khắp nước Mỹ. Để có được thế hệ lãnh đạo đó nhất định cần một dân tộc được khai sáng và một nền giáo dục tiến bộ, phát triển và đào tạo ra được những nhà lãnh đạo tương lai. Bới chính thế hệ lãnh đạo trưởng thành lên từ chính người dân...
Jeffeson đã nỗ lực phát triển hệ thống thư viện rộng khắp. Ông đã tặng toàn bộ thư viện 6000 cuốn sách hay nhất, hữu ích nhất của mình cho thư viện Quốc hội Mỹ và lan tỏa ý tưởng phát triển một hệ thống thư viện khắp cả nước. Trường đại học Virginia đi đầu trong việc cải cách chương trình giáo dục...
Trong tâm trí Jefferson, một câu hỏi luôn đặt ra, đó là liệu nhà nước cộng hoà Mỹ vừa được thiết lập sẽ duy trì sự tồn tại và phát triển như thế nào? Ông thuộc thế hệ đã làm nên cuộc Cách mạng Mỹ và là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước có nhiệm vụ thiết lập chính quyền trên nền tảng mới nhưng chính ông lại nghi ngờ rằng những thể chế chính quyền dù được thiết lập hoàn hảo cũng không đủ bảo đảm tự do, độc lập và thịnh vượng lâu dài trên đất nước Mỹ bởi ông tin rằng phải chính những người dân được học hành, có kiến thức mới bảo vệ được quyền lợi và sự tự do của mình.
Jefferson viết "Giáo dục làm người ta ý thức được cội nguồn dân tộc, biến đổi những thói xấu cố hữu thành những đức tính tốt đẹp, có lòng nhân ái. Không phải ai khác mà chính từng thế hệ, kế thừa kiến thức của những người đi trước, bổ xung vào đó những điều mới mẻ, không ngừng nâng cao kiến thức và thịnh vượng cho nhân loại..." Jefferson tin rằng giáo dục và quyền công dân là không thể tách rời và khẳng định những điểm mấu chốt nhất về vấn đề này là: (1) dân chủ không thể tồn tại lâu dài nếu không có sự khai sáng (dân trí, kiến thức); và (2) dân chủ không thể được thi hành đúng đắn nếu không có những viên chức chính quyền khôn ngoan và trung thực.
Ông viết: "Không bao giờ và sẽ không bao giờ một quốc gia ngu dốt lại giành được sự tự do". Với ông, sự ngu dốt và sự dân chủ và thịnh vượng của quốc gia không bao giờ cùng tồn tại, cái này sẽ phá hỏng cái kia hoặc ngược lại. Một chính quyền chuyên chế sẽ kìm kẹp và cướp đi quyền tự do của dân chúng nếu họ ngu dốt.
Với ông, giáo dục phổ thông rất quan trọng và là sự bổ xung cần thiết cho một chính quyền tự do vì "Mọi chính quyền đều sẽ thoái hoá và suy đồi nếu chỉ dựa vào tầng lớp cai trị. Bản thân dân chúng mới là bức tường thành duy nhất bảo vệ nền dân chủ và đảm bảo sự phát triển bền vững. Nhưng để xã hội được an toàn thì trí tuệ và kiến thức của họ phải được cải thiện đến một mức độ nào đó vì những người bỏ phiếu cần phải được chuẩn bị sao cho anh ta có thể trình bày được ý kiến của mình một cách đúng đắn bằng chính lá phiếu".
Ông tin rằng giáo dục tiểu học quan trọng hơn nhiều so với giáo dục bậc đại học, "bởi điều đó sẽ đảm bảo một xã hội an toàn hơn khi toàn bộ dân chúng có được trình độ học vấn một cách tương đối hơn là nếu chỉ một ít có trình độ rất cao nhưng đa số lại dốt nát như ở Châu Âu" vì bằng việc biết đọc, biết viết, mọi người dân đều trở thành những "người bỏ phiếu" có chất lượng, được thông tin đầy đủ và hiểu được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Thậm chí, Jefferson cho rằng cần phải tước quyền bầu cử của những công dân lười biếng, không chịu tiếp cận nền giáo dục do chính quyền tạo ra. Nâng cao dân trí của nhân dân nói chung sẽ xoá bỏ sự chuyên chế và áp bức về vật chất lẫn tinh thần, như thể những ý tưởng đen tối lộ rõ trước buổi bình minh.
Để thực hiện tư tưởng của mình, ngay từ khi cuộc Cách mạng Mỹ nổ ra (1776), Thomas Jefferson đã muốn cải cách trường William & Mary, nơi ông học trước đây. Ông muốn biến cơ sở giáo dục buồn tẻ và yếu kém này thành một "vườn ươm" nuôi dưỡng các thế hệ mới sôi nổi, nhiệt thành và gắn bó với mục tiêu xây dựng một xã hội tốt đẹp. Với ông, chỉ thông qua khoa học các kiến thức mới mẻ sẽ được phát hiện và việc áp dụng các kiến thức này sẽ dẫn tới sự tự trị và sự khai sáng của loài người. Ông cho rằng trong khi tài năng phân bố ngẫu nhiên trong toàn xã hội bất kể giàu nghèo, địa vị, tầng lớp thì năng lực thực sự chỉ xuất hiện khi được giáo dục cẩn thận.
Là Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ (1801-1808), cảm thấy bổn phận phải cống hiến và xây dựng đất nước, Jefferson đã đệ trình Quốc hội một điều khoản sửa đổi Hiến pháp nhằm buộc chính quyền phải có trách nhiệm đối với giáo dục. Trong bức Thông điệp Liên bang ngày 2/12/1806, ông viết "Giáo dục cần phải được coi là mối ưu tiên của toàn xã hội... Tôi nghĩ rằng đạo luật quan trọng nhất trong toàn bộ hệ thống pháp luật của chúng ta chính là qui định bắt buộc phổ biến kiến thức cho mọi người dân. Không nền tảng nào đảm bảo tự do và hạnh phúc của dân chúng bằng nền tảng giáo dục". Chính phủ phải có trách nhiệm, chính xác hơn là bổn phận thiêng liêng hỗ trợ giáo dục.
Ông cũng đề xuất cải cách hệ thống giáo dục toàn diện trên khắp tiểu bang Virginia. Từ năm 1814, Jefferson đã vận động thành lập một trường đại học thật sự đầu tiên của nước Mỹ, đó chính là trường Đại học Tổng hợp Virginia. Với ông, trường đại học này không chỉ đào tạo ra các giáo sư và các nhà khoa học mà còn phải tạo ra các nhà lãnh đạo tương lai của đất nước. Ông muốn thiết lập một hệ thống để đảm bảo rằng những tài năng sẽ có cơ hội thể hiện và được xã hội phát hiện...và giáo dục phổ thông là yếu tố sàng lọc cần thiết loại bỏ những thứ vô giá trị của tầng lớp đặc quyền, thúc đẩy giới tinh hoa của đất nước nổi lên.
Trong suốt 6 năm làm Hiệu trưởng của trường, Jefferson hoàn toàn dành mọi công sức để xây dựng nên "trường Đại học thật sự đầu tiên của nước Mỹ" như sau này nhiều người gọi trường Virginia. Ông đã vận động quyên góp tiền, phác thảo bản vẽ kiến trúc trường, thuê người xây dựng, cẩn thận chọn lựa đội ngũ giáo viên, phát triển chương trình dạy học, đề ra nội qui của trường và nhiều cải tiến khác: thiết lập các môn học không bắt buộc, cắt bỏ sự ràng buộc giữa nhà trường và nhà thờ, chuyển chương trình học kinh điển sang các môn khoa học thực tiễn, nới lỏng kỷ luật của trường, phát triển các ngành mới. Ông muốn tạo ra một môi trường tự do và tiến bộ cho các giáo sư và sinh viên cùng nhau nghiên cứu và tìm tòi kiến thức.
Việc chọn lựa các môn học của ông cũng được cân nhắc kỹ càng. Ông cho rằng, để tạo ra những con người yêu nước tất yếu việc giáo dục phải bao gồm lịch sử và luật pháp vì theo ông trong khi khoa học là "mũi giáo", là công cụ phát hiện thế giới bên ngoài thì lịch sử là "tấm áo giáp" chống lại sự chuyên chế, đồng thời sẽ mang lại cho con người tầm nhìn xa, trông rộng và sự điềm tĩnh, phát hiện mọi tham vọng xấu xa. Việc hiểu biết lịch sử sẽ là rất cần thiết để duy trì nền cộng hoà còn việc học luật pháp là nhằm xây dựng trật tự cho các hoạt động của xã hội. Không chỉ dừng lại đấy, Jefferson còn thành công trong việc truyền tải tư tưởng về một nền giáo dục tự do và rộng khắp vào Thư viện Quốc hội Mỹ, biến nơi đây thành một nơi lưu trữ và bảo tồn lớn nhất mọi dạng tri thức của nhân loại và dễ tiếp cận cho mọi người dân...
Nhân vật tiêu biểu
Thomas Jefferson (1743-1826) là tổng thống thứ 3 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, người sáng lập ra Đảng Dân chủ-Cộng hòa Hoa Kỳ và là một trong những người theo chủ nghĩa tự do nhiệt thành lớn nhất thời cận đại. Ông sinh ngày 13 tháng 4 năm 1743 tại Shadwell, bang Virginia, lúc đó còn là vùng biên giới hoang vu, trong một gia đình kĩ sư gốc Anh. Thuở nhỏ, ông học ở quê nhà, rồi sau đó vào trường Đại học William & Mary (1760-1762). Năm 23 tuổi, ông trở thành luật sư. Bảy năm sau, ông thôi hành nghề với một tài sản kha khá và với mối ác cảm sâu sắc về giới luật sư, rồi sống cuộc sống của một nhà quý tộc nông thôn độc lập.
Trên mộ bia được ông chọn từ trước, có dòng chữ: "Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của Thomas Jefferson, tác giả của bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ, của Đạo luật Virginia về tự do tín ngưỡng, và là cha đẻ của trường Đại học Virginia".
Nguyễn Cảnh Bình - Giám đốc Công ty Sách Alpha, Alpha Books

Vì sao người trẻ lui về?

(TBKTSG) - LTS: Tiếp theo bài viết “Khi người trẻ tính chuyện lui về” của Nguyễn Nguyên Thảo đăng trên TBKTSG ngày 15-9-2011, đề cập xu hướng “lui về, vui thú điền viên” ở nhiều người trẻ trong độ tuổi hai mươi, ba mươi, tuần này, TBKTSG tiếp tục giới thiệu tâm sự của một trong những người đã từng “nuôi” ý hướng này...
Trong bài viết “Khi người trẻ tính chuyện lui về”, tác giả Nguyễn Nguyên Thảo đã có những luận bàn về một xu hướng đang hiện hữu ngày một rõ ràng hơn trong một bộ phận không nhỏ những người trẻ chúng tôi. Tôi có những người bạn đã lui về. Họ là những người từng giữ những chức vụ cao trong các công ty toàn cầu, nhưng cuối cùng, họ đã bỏ lại hết và chọn cách sống “ẩn cư”. Người thì sang Indonesia tu trì chính niệm, người tìm đến những thiền viện heo hút ở Đà Lạt, Daklak... “Gặp nhau” qua những dòng e-mail, tôi được họ kể việc “đi tu” ra sao, có người còn bày tỏ cảm giác hạnh phúc khi đã “thoát ly hiện thực” thành công. Tuy nhiên, cũng nên bàn thêm về những nguyên nhân “bức” một số người trẻ lui về, và ảnh hưởng của xu hướng này đến những người trẻ khác.
Vì sao phải lui về?
Cách đây bốn năm, sau khi thất bại trong chuyện làm ăn, tôi gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và tinh thần đi xuống trầm trọng. Do chỉ là một anh chàng “tinh hoa ngoại tỉnh” (cách dùng từ của Đỗ Trung Quân), tôi thực sự không biết phải hành xử ra sao với tương lai của mình khi không còn vốn liếng, mất dần niềm tin để đứng dậy đi tiếp. Tôi đọc “Quy khứ lai từ” của Đào Tiềm và dự định sẽ lui về. Lui về đối với tôi trong thời điểm đó như thể là lối thoát duy nhất. Về quê, tôi sẽ dễ dàng tìm được một việc làm, có mảnh đất sau nhà để trồng rau hái cà, có không gian thoáng đãng để “xả hơi” đầu óc đã quá căng sau mười năm bon chen ở một vùng đất có quá nhiều sự cạnh tranh.
Nhưng tôi đã không lui về được. Có thể là do tôi không kiên định, cũng có thể vì tôi không muốn chôn vùi bao nhiêu năm vất vả (và mưu toan) để theo đuổi mục tiêu “công thành danh toại” của mình. Nhưng quan trọng nhất, tôi không thể ích kỷ chỉ vì mình mà “dứt áo”, bỏ mặc những người thân trong gia đình với nỗi lo sinh kế. Dù vậy, tôi có thể tạm giải thích những nguyên nhân khiến người trẻ lui về bằng vài trường hợp của bạn bè.
Phúc là một người có nhiều thứ mà người khác phấn đấu cả đời cũng chưa có được. Sau nhiều năm làm việc ở vị trí quản lý cao cấp ở một công ty tầm cỡ của Việt Nam về công nghệ thông tin, thay vì đầu quân vào một công ty nước ngoài, anh quyết định đi Úc sinh sống bằng việc hái nho và viết sách. Anh không còn muốn cứ phải xoay theo cái guồng máy nặng nề của cơ chế mà theo anh “không có người giỏi, chỉ có những nhân viên được cơ cấu sẵn”, hoặc phải đầu tắt mặt tối chạy theo những ông chủ người nước ngoài luôn muốn “ép xác” nhân viên người Việt. Tôi cho rằng anh quyết định lui về vì cảm thấy tài năng của mình không được trọng dụng. Một khi tài năng của người trẻ không được đánh giá đúng mức hoặc không được tạo điều kiện để phát triển nghề nghiệp lên một tầm cao mới, tâm lý bất mãn kéo dài dễ dẫn đến việc họ có những hành xử theo khuynh hướng rút lui.
Liên, trước khi về Việt Nam, là một nhân viên xuất sắc của một tập đoàn công nghệ ở Canada. Sau những cú sốc lớn trong đời sống tình cảm, anh tìm đến thiền, chính xác hơn là “đi tu” trong sự ngỡ ngàng của nhiều người, vì anh đã bỏ hết những thành công mà anh đã nhiều năm dài cày cục để kiến tạo. Nguyên nhân khiến Liên lui về không phải là áp lực của cuộc sống, cũng không phải là những bất mãn trong công việc, mà chính là do anh không vượt qua nổi chính mình.
Tôi còn gặp nhiều người trẻ khác cũng đang muốn lui về, vì nhiều nguyên do khác nhau, và có vẻ như tình trạng chưa dừng lại.
Lui về trong con mắt người ngoài cuộc
Tôi không dám phê phán sự lựa chọn này của bạn bè và những ai đang muốn theo xu hướng này. Nhưng không phải bất kỳ sự lui về nào cũng được hoạch định trước, chuẩn bị trước.
Tác giả Nguyễn Nguyên Thảo đã đúng khi nói: “... cứ để họ dìu nhau bay”, bởi những người ngoài cuộc khó mà thay đổi được chủ kiến của người trong cuộc. Và rất có thể chính những-người-không-còn-trẻ đã khiến những người trẻ thiếu sự vững tin để khơi dậy nhiệt huyết và đem tài năng đóng góp cho gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, tôi - một người giờ là “người ngoài cuộc”, thiển nghĩ, lui về không chắc là bạn sẽ thấy cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Số tiền tích cóp được liệu có đủ để trang trải trong suốt những năm tháng không thu nhập? Và để tiếp tục sống, có khi bạn lại phải ù về cái “ổ” cũ để xin đi làm lại, và có chấp nhận những ánh nhìn đối với một đứa “thoát ly” nửa mùa...
Lui về cũng không hẳn là bạn sẽ thoát ly được quá khứ của mình (với những hành động xấu xa hay tâm lý chán nản, cô độc...). Liệu bạn có thể “quên” việc “hết ngày dài lại đêm thâu” than thân trách phận hoặc giả là “ngày mai tôi sẽ...”? Và khi không xây dựng được “hình mẫu lui về” như khi bạn quyết định thoát ly, có thể bạn sẽ có cảm giác mình không còn là mình nữa mà là một chú hề vô lối, và trở nên căm ghét chính mình?
Đi tu, tụng kinh, cầu nguyện cũng không phải chuyện dễ ! Liệu bạn có tìm thấy sự bình an khi bỏ lại cha mẹ, gia đình, vợ con, các mối quan hệ cộng sinh khác?
Nếu bạn lui về không thành công, liệu việc trở lại cuộc sống như trước đó có còn dễ dàng hay bạn lại gặp sự khủng hoảng nặng nề hơn?
Bản thân sự lui về đã là việc khó thực hiện, nó càng khó đối với những người trẻ tuổi. Những người trong cuộc cần nhìn nhận vấn đề một cách sâu sắc và suy nghĩ kỹ khả năng thành công để làm sao đứng trước “thực tại lui về”, bạn không cảm thấy mệt mỏi hơn gấp nhiều lần so với trước khi bạn quyết định lui về.
-------------------------------------
(*) BI Marketing Strategy