Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Chính quyền dùng “chiến thuật” cô lập người dân

LĐ - Hàng trăm hộ dân ở tổ 2, xã Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội bất bình phản ánh tới Laodong.com.vn, về việc bị chính quyền địa phương đã có những hành động kỳ lạ nhằm “cô lập” người dân.
Bị “cấm điện” hơn một năm
Ông Trần Thơ - Tổ trưởng Tổ dân phố số 2 - bức xúc nói: Lâu nay khu dân cư chúng tôi bị chính quyền đối xử gần như kiểu “vô thừa nhận”. Bắt đầu từ ngày 14.7.2010, hàng trăm hộ dân ở phía nam đường 32 đồng loạt bị cắt điện. Lý do được chính quyền đưa ra là do các hộ dân lấn chiếm đất, làm vậy để ngăn chặn.
Người dân
Người dân phải dùng máy phát điện để sinh hoạt.
Dù người dân đã nhiều lần gửi đơn cầu cứu lên các cơ quan chức năng, xong đến nay đã hơn một năm vẫn không hề được xem xét. Trước đó, những hộ dân ở tổ dân phố nơi đây không hề được sử dụng điện của Nhà nước, với lý do hạ tầng chưa ổn định. Để có điện sinh hoạt người dân tự liên hệ với Cty Trường Thành (Bộ Quốc Phòng) đóng trên địa bàn. Đường điện cũng do người dân tự đóng góp.
Khi UBND xã Phú Diễn có công văn gửi lên UBND huyện Từ Liêm đề nghị UBND huyện chỉ đạo Điện lực Từ Liêm cắt điện khu vực này do một số hộ dân ở đây vi phạm về trật tự xây dựng. Sau khi có chỉ đạo từ UBND huyện, Điện lực Từ Liêm đã có CV số 670 ngày 1.7.2010 yêu cầu Cty Trường Thành – đơn vị đang cung cấp điện cho các hộ dân ở tổ 1 và 2 Cầu Vượt - cắt điện của các hộ dân.
Ông Trần Thơ nhớ lại: “Thời điểm chúng tôi bị cắt điện đúng vào lúc nắng nóng gay gắt, cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Nhiều hộ phải di tản đi nơi khác. Việc “cấm điện” còn khiến những người già phải đi cấp cứu”.
Hiện nay, hàng trăm hộ dân ở đây phải “bấu víu” vào 7 đường dây điện được kéo “chui” từ trong làng ra. Các hộ dân ở đây, nhà nào có điều kiện thì sắm máy nổ, ban ngày nổ máy, sạc ắc quy để tối sử dụng, bởi những đường dây kéo “chui” không thể tải được.
Đến phá biển số nhà
Việc “cấm điện” của chính quyền vốn đang gây bức xúc với người dân, thì mới đây vào ngày 15.10, chính quyền lại cho lực lượng đi “cưỡng chế” các biển số nhà của hàng trăm hộ dân tổ 2, khiến tình hình càng thêm căng thẳng.
Lực
Biển số nhà của người dân bị chính quyền phá bỏ (ảnh người dân cung cấp).
Khoảng 9h30 ngày 15.10, một xe ô tô tải chở hơn chục người cầm xà cầy, gậy gỗ bất ngờ đi đến khu dân phố số 2, xã Phú Diễn. Một số người mặc quần áo công an viên, một số người mặc quần áo thường, dùng xà cầy, gậy gỗ bẩy vỡ, phá hỏng tất cả các biển số nhà của các hộ dân thuộc tổ dân phố số 2.
Chưa đầy nửa giờ, hơn trăm biển số nhà đã bị phá hỏng, các mảnh vỡ được thu lại vứt lên ô tô chở đi, khiến các hộ dân hết sức ngỡ ngàng và bức xúc.
Ông Trần Thơ, cho hay,  năm 1989, mỗi hộ dân được UBND xã gắn biển số nhà. Năm 2010, TP Hà Nội có chủ trương GPMB mở rộng quốc lộ 32. Sau khi các hộ dân bị GPMB, với diện tích đất còn thừa lại, họ tiếp tục sử dụng, tự làm biển số nhà theo số cũ để tiện lợi trong cuộc sống. 
Ngày 15.10, Chủ tịch xã Phú Diễn đã ký Công văn 2005/UBND-VP gửi Công an xã, trong đó ghi: Hiện nay, tại vị trí Tổ 2 (đường 32 cũ) xã Phú Diễn có một số hộ tự ý gắn biển số nhà khi chưa được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. UBND xã Phú Diễn giao cho ban công an xã xử lý theo quy định của pháp luật. Thời gian từ ngày 15.10 đến 21.10. Khi vừa có công văn, việc thực hiện được tiến hành ào ạt một cách khó hiểu.
Lý giải không thuyết phục!
Giải thích về việc trên, ông Phí Lê Bình – Chủ tịch UBND xã Phú Diễn cho biết, các hộ dân làm mới biển số nhà đều là diện đã bị GPMB để mở rộng quốc lộ 32 cách đây một năm. Nhà đất hiện nay đều là lấn chiếm, xây dựng không phép nên chính quyền không cho phép lập tổ dân phố và lắp biển số nhà.
Ông Bình lý giải thêm, việc lắp biển số nhà theo số cũ trên ngôi nhà đã ở vị trí khác, tọa độ khác là không đúng khoa học. Liên quan đến việc “cưỡng chế” biển số nhà ông Bình cho rằng chủ trương là đúng, nhưng thực hiện không hoàn hảo nên dẫn đến việc khiếu kiện của người dân. “Anh em đã hành xử quá nóng vội, gây bức xúc cho dân là điều dễ hiểu” – ông Bình nói.
Ông Trần Thơ cho biết, trong kỳ bầu cử tháng 5 vừa qua người dân nơi đây vẫn nhận được thẻ cử tri theo số nhà, tổ dân phố. Nhưng rồi chính quyền lại tự chối bỏ cái mình đã thừa nhận.

Từ việc “cấm điện” đến việc dỡ bỏ biển số nhà do chính quyền thực hiện là để thực hiện mục đích đẩy người dân ra khỏi khu vực này. Theo ông Phí Lê Bình, hàng trăm hộ dân ở đây hiện nay đều tồn tại trên đất lấn chiếm.
Thế nhưng theo tài liệu chứng minh của người dân, thì khu vực Cầu Vượt, từ năm 1986 thuộc Xí nghiệp Xây dựng Từ Liêm, trước đây thuộc địa phận xã Phú Minh được giao cho các hộ để sản xuất kinh doanh dịch vụ dưới hình thức ký kết các hợp đồng kinh tế. Những năm 1990, 1991, vì sản xuất kinh doanh không có lãi, Xí nghiệp Xây dựng Từ Liêm đã thoả thuận nhượng lại cho một số hộ dân. Riêng phần lệ phí đất đai thì các hộ dân mua đất có trách nhiệm thanh toán theo yêu cầu của UBND xã Phú Diễn. Trong việc giao dịch mua bán này, người mua phải nộp những khoản tiền cho UBND xã Phú Diễn.
Ngọc Lương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét