Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Bảo vệ người tố cáo tham nhũng: Khó nhất là xác định bằng chứng bị trả thù

SGTT.VN - Bên lề hội thảo quốc tế “bảo vệ người tố cáo tham nhũng” sáng 3.11 tại Hà Nội, ông Lê Văn Lân, phó chánh văn phòng ban chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng đã có cuộc trao đổi với báo chí.
Thưa ông, cơ chế chống tham nhũng hiện nay đặt ra vấn đề là người chống tham nhũng phải tự bảo vệ mình. Ông nhận định vấn đề này như thế nào?
Thực ra ở nước nào cũng thế, những người chống tham nhũng nói chung và người tố cáo các hành vi tham nhũng nói riêng thường đứng trước các sự đe dọa, sức ép về trả thù, trù dập. Ngay cả các cán bộ của các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng cũng chịu áp lực như vậy.
Hiện nay Việt Nam đã có nhiều quy định bảo vệ người chống tham nhũng, người tố cáo tham nhũng nhưng mà vẫn còn chung chung, vì việc thực hiện các quy định đó ở thực tế còn nhiều hạn chế.
Nhưng tới đây, chúng ta hy vọng trong việc xây dựng luật Tố cáo mới, tách từ luật Khiếu nại tố cáo từ 1998, trong đó có có một chương riêng, là chương 5, có quy định về bảo vệ người tố cáo. Trong chương này cũng có quy định giao cho Chính phủ quy định cụ thể, chi tiết các biện pháp bảo vệ cho người tố cáo.
Ở Nghệ An thời gian qua, gần một nửa số vụ tố cáo tham nhũng bị hành hung và có thương tích, theo báo cáo thì chưa có vụ án nào được điều tra làm rõ. Vậy chúng ta phải bảo vệ người tố cáo như thế nào?
Tôi nhớ năm ngoái ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tỉnh Nghệ An có tổ chức một hội nghị biểu dương, gặp mặt những người tích cực tố cáo chống tham nhũng, có khoảng 18 tấm gương. Và trong đó có đến 1/3 bị cho là đã gặp những hành động bị trù dập trả thù.
Nhưng điều khó khăn hiện nay là xác định được có đúng là họ bị trả thù hay không? Đó là điều hết sức khó khăn. Trong thực tế họ cũng bị đánh, bị chặn xe, bị đốt phá tài sản, phá hoại tài sản… nhưng sự liên hệ giữa việc họ tố cáo và hành động đốt phá hiện nay chúng ta chưa tìm được mối liên kết. Đến nay các cơ quan điều tra đều cho rằng chưa có bằng chứng để khẳng định đó là hành động trả thù người tố cáo.
Không những Nghệ An mà còn nhiều địa phương khác, nhiều người cho rằng bị trả thù nhưng thực tế điều tra thì lại không tìm thấy những bằng chứng.
Theo ông, đâu là cách tốt nhất để bảo vệ người tố cáo?
Tôi rất tâm đắc với giải pháp là muốn bảo vệ người tố cáo tốt, trước hết phải xem xét xử các thông tin tố cáo một cách nhanh chóng, kịp thời và triệt để. Đây là biện pháp quan trọng nhất, nếu chúng ta giải quyết triệt để nhanh chóng thì người bị tố cáo sẽ không còn ưu thế, không còn thế mạnh nữa, không còn là người có đầy đủ điều kiện về vật chất và các điều kiện bình thường khác để mà trả thù.
Bên cạnh đó, trong bảo vệ người tố cáo, việc giữ bí mật danh tính là cũng cần coi là điều đầu tiên.
Một số nước đã có quy định thưởng cho người tố cáo, quan điểm của Việt Nam?
Hiện nay Việt Nam cũng rất muốn khen thưởng cho người tố cáo. Thực tế bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ đã có một thông tư liên ngành mới, quy định trong năm nay về việc khen thưởng trong đó quy định mức tiền thưởng khá cao, mức cao nhất gần 30 triệu đồng.
Đối với các vụ việc tham nhũng như vụ PCI (Nhật Bản), Securency (Australia), trong khi các nước đều nói quan chức Việt Nam có liên quan thì Việt Nam lại không tìm ra, theo ông cần có giải pháp nào?
Việt Nam cũng tích cực chủ động thu thập thông tin và cũng gặp gỡ chính thức các cơ quan chức năng các nước liên quan, để đề nghị khi họ có thông tin gì liên quan thì cung cấp cho Việt Nam. Từ đó cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiến hành điều tra xem xét làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Việt Anh (ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét