Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu: Vinh quang thuộc về các nhà báo chân chín

Hàng chục năm nay, tham nhũng, lãng phí, quan liêu ngày càng gia tăng về số vụ, mức độ thiệt hại. Qua thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm, Nhà nước bị thất thoát hàng vạn tỷ đồng, hàng trăm triệu USD, hàng nghìn hécta đất đai và nhiều tài sản công khác. Nhưng, các vụ việc bị xử lý chiếm tỷ lệ thấp, mức xử lý phần nhiều là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, cho nên tham nhũng, lãng phí, quan liêu vẫn hoành hành. Báo cáo chính trị của BCHTƯ Đảng khóa X, trình bày tại Đại hội Đảng lần thứ XI, nêu rõ: "Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt được yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, nhũng nhiễu, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”...
Các cơ quan báo chí cần kết hợp chặt chẽ
với nhau hơn nữa, tạo thành một mặt trận báo chí
để đánh thẳng, đánh mạnh,
 đánh thắng tham nhũng, lãng phí, quan liêu
Ảnh: TL
Nhiều cơ quan báo chí đã đăng cấp tập nhiều bài viết về các vụ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, thậm chí theo đuổi hàng chục năm trời để tìm hiểu, phản ánh các vụ tham nhũng lớn và phức tạp, cho đến khi chúng được phơi ra dưới ánh sáng của pháp luật, nhằm xử lý nghiêm minh kẻ có tội "làm nghèo đất nước và nhân dân”, đáp ứng phần nào nỗi bất bình của nhân dân. Các cơ quan báo chí ấy đã đi tiên phong và dũng cảm chống tham nhũng, với những nhà báo (NB) quả cảm và tài năng, được nhân dân yêu mến, tin cậy, kính trọng và biết ơn !
Tuy nhiên, có một sự thật này: Hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng của báo chí chưa cao - do các đối tượng bị phanh phui có những "im lặng đáng... ghê sợ”, pháp luật chưa nghiêm minh và chắc chắn không tránh có "thế lực ngầm” bảo kê cho tham nhũng! Bên cạnh đó, nhiều cơ quan báo chí địa phương thường ngại ngần, né tránh các vụ tham nhũng do một số cán bộ có chức, có quyền ở địa phương mình gây ra! Có chăng, họ chỉ phản ánh các vụ án ma túy, hiếp dâm, cướp của, giết người, vi phạm luật giao thông... Nhiều NB địa phương khi được dư luận hỏi về điều này, thường nói: "Ăn cây táo, thì phải rào cây táo”; "Cấp trên trả lương cho mình (và còn cho họ chức vụ, quyền lợi nữa chứ - ĐNĐ), thường ngày gặp nhau, lẽ nào lại nêu ra các vụ việc”. Có NB địa phương nọ còn nói khá "chân thành”: "Phản ánh tham nhũng ở địa phương mình, có mà mất ghế như chơi”! Có cơ quan báo chí thì lập luận rằng: báo của họ là tờ báo chuyên ngành, hoặc của một tổ chức xã hội, nghề nghiệp, nên không phản ánh các vụ tham nhũng (!?). Đấy là chưa kể đến các lý do "tế nhị” khác.
Thật ra, cũng có thể cảm thông phần nào với những biện bạch nêu trên; nhưng suy cho cùng, tất cả những điều đó, đều là ngụy biện. Nhiều NB không nhận thức được rằng: Không phải lãnh đạo địa phương trả lương, trao chức vụ cho NB, mà chính NHÂN DÂN mới là người trả lương và trao nhiệm vụ cho mình! Hiểu rõ như thế, thì việc báo chí phanh phui các vụ tham nhũng, qua những bằng chứng cụ thể - là điều đương nhiên và tất nhiên, rất đúng pháp luật, theo quy luật tồn tại và phát triển của xã hội, và hơn thế nữa - mới hợp ý Đảng, lòng dân!
Bác Hồ và Đảng ta đã nhận định: Tham nhũng là "giặc nội xâm” vô cùng nguy hại. Sự thật - tham nhũng chính là căn nguyên, là cha đẻ của nhiều tệ nạn xã hội khác. Thật vậy, những quan chức tham nhũng đã tự tách mình ra khỏi đội ngũ những người cộng-sản-chân-chính, phản bội lại Đảng và nhân dân, cho nên báo chí càng phải đẩy mạnh nhiệm vụ chống tham nhũng.
Tham nhũng, biểu hiện của nó có lúc trắng trợn, như các vụ "ăn đất”, ăn chặn tiền cứu trợ, các dự án treo, đền bù giải phóng mặt bằng...; nhưng phần lớn là tinh vi, quỷ quyệt và nhiều khi được che đậy bằng những vỏ bọc mĩ miều, mị dân, kể cả việc mua chuộc một số NB bằng việc ăn nhậu, tặng vật chất, cho du hí, tiền tài, gái đẹp! Do đó, các NB phải có bản lĩnh, tỉnh táo, thông minh, dũng cảm phát hiện, điều tra, nắm chắc chứng cứ, rồi đưa lên công luận và lên án các vụ tham nhũng. NB phải vững vàng trước mọi cám dỗ, không sợ uy quyền. Trong cuộc chiến chống tham nhũng, chỉ có CHÂN LÝ và CÔNG LÝ là trên hết; và, với một Nhà nước pháp quyền”- thì không thể có "vùng cấm”!
Với các báo chí địa phương, NB phải xác định rõ lập trường chống tham nhũng. Đó là lập trường của Đảng và ý nguyện của nhân dân. Nói cách khác, lập trường của báo chí là lập trường CHÂN - THIÊN - MỸ, chống lại cái xấu, cái ác đang làm nghèo nhân dân, gây bất an và bất bình xã hội và làm giảm uy tín của Đảng và đất nước.
Các cơ quan báo chí cần kết hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa, tạo thành một mặt trận báo chí để đánh thẳng, đánh mạnh, đánh thắng tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Nhiều trận hiệp đồng báo chí chống tham nhũng đã làm... tỉnh ngộ cả xã hội, nhiều vị tai to mặt lớn bị đưa ra trước vành móng ngựa, bị phạt tù giam, giải tỏa được một phần sự phẫn nộ của nhân dân!
Và tất nhiên để cho báo chí làm tốt trọng trách chống tham nhũng, cần phải có các điều kiện cần thiết sau đây: 1- Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Hình sự, Luật Báo chí phải được thực thi nghiêm túc trong đời sống xã hội. 2- Vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam, của ban lãnh đạo các cơ quan báo chí, của tập thể các NB là cực kỳ quan trọng: Phải có bản lĩnh nghề nghiệp, kiên quyết chống tham nhũng, khen thưởng các NB có tác phẩm chống tham nhũng có chất lượng. 3- Lãnh đạo các cấp các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện nghiêm chỉnh Luật Báo chí, cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí, tiếp thu sự phê bình của báo chí và có các biện pháp bảo vệ các NB khi tác nghiệp. 4- Các NB cần nâng cao tinh thần trách nhiệm và tay nghề hơn nữa, để các tác phẩm báo chí chống tham nhũng hấp dẫn hơn và có sức thuyết phục cao hơn.
Báo chí cách mạng là kênh thông tin hữu hiệu và chỗ dựa đáng tin cậy của Đảng và Nhà nước. Bởi vậy, ngày nay, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu sao cho có hiệu quả cao – là một trong những biểu hiện rõ nhất về đạo đức, bản lĩnh và tài năng của các cơ quan báo chí và phẩm chất của các NB. Trên con đường đầy chông gai, nguy hiểm đi tìm sự thật, vạch trần tham nhũng, phấn đấu cho sự thắng lợi của cái CHÂN - THIÊN- MỸ, làm cho đất nước ta phát triển tốt đẹp, các NB có sự ủng hộ to lớn của nhân dân; hơn thế nữa, họ được nhân dân kính trọng và ủy thác niềm tin. Vinh quang đó, thuộc về các NB chân chính!
ĐÀO NGỌC ĐÊ
http://daidoanket.vn/Index.aspx?Menu=1427&chitiet=41768&Style=1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét