Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Quyền lực hay sự mất mát?

(Dân trí) - Là người ủng hộ bình quyền nhưng mình không muốn và không chấp nhận người bố, thần tượng trong gia đình bị sụp đổ. Mình vẫn muốn những người đàn ông hãy đáng mặt đàn ông.
Riêng với bản thân mình thì đàn ông luôn là trụ cột của gia đình. Người đàn ông được ví như một cái mái nhà che mưa, che nắng. Còn phụ nữ được xem như trái tim của tổ ấm, nơi ẩn náu của người đàn ông sau những cẳng thẳng bên ngoài.
Giờ đây, mọi thứ dường như đã thay đổi. Phái yếu đang có nguy cơ lấn lướt hơn trong vai trò làm trụ cột gia đình. Sự hoán đổi này trở nên phổ biến khi ngày càng nhiều phụ nữ là trụ cột về kinh tế, có nhiều quyền lực hơn và trong đó, không ít người con đường danh vọng sáng sủa hơn người đàn ông trong nhà. Phải chẳng, đàn ông thời nay đã mất hoàn toàn vẻ đẹp “nam tính” đã thu hút và chinh phục chị em mà thay vào đó là sự yếu đuối?
 
 
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Sự hoán đổi đó có lẽ do khi đàn ông là trụ cột thì mọi việc đều phải răm rắp nghe theo những ý nghĩ cũng như đòi hỏi quá đáng của họ. Họ cho mình cái quyền được mắng, được coi thường, thậm chí họ còn tự cho mình cái quyền được thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ con. Họ nghĩ rằng ai là người làm ra kinh tế thì người đó có quyền lực tối cao.
Họ không hiểu rằng, họ làm như thế chỉ có thể đổi lấy một gia đình không hạnh phúc, lúc nào cũng chỉ có sự cam chịu, những nụ cười ngượng, hay những vai diễn bị “cưỡng chế”. Họ biến cuộc sống của chính họ và những người thân trở nên tồi tệ, biến gia đình thành “địa ngục” mà các thành viên đang cố quẫy đạp để có thể thoát ra.
Những người vợ đã phải tần tảo thức khuya dậy sớm, chăm sóc chu đáo bố mẹ chồng, lo từng bữa ăn cho chồng và nuôi nấng những đứa con thật ngoan ngoãn. Lòng hiếu thảo của người vợ khi đặt cả tình cảm của mình vào việc nhỏ nhất như rót cho bố mẹ chồng cốc nước, là từng cái áo, cái quần cho chồng.... Nhưng không biết những người đàn ông có biết và trân trọng những điều đó không?
Hình như những cây đại thụ vững chãi có thể vươn cánh tay chắc khỏe, tỏa bóng mát nay trở nên xa lạ và có phần “quý hiếm” trong từ điển của chị em thì phải?
Mình không biết cảm giác của những người phụ nữ khi lấy chồng mà phải “làm chồng” như thế nào? Rồi những đứa con của họ có bị những suy nghĩ “lệch lạc” chi phối? Với tiêu chí của một gia đình truyền thống, trong đó vai trò của người cha luôn là trụ cột trong gia đình liệu có bị lung lay? Nói cách khác, những đứa trẻ đó sẽ nghĩ gì khi thấy người bố đóng vai trò làm mẹ và ngược lại? Còn đâu những ánh mắt ngưỡng mộ thần tượng tuổi thơ bởi trong sâu xa, chúng vẫn luôn nghĩ bố là biểu tượng của sự mạnh mẽ và tính quyết đoán. Còn mẹ chúng tại sao lại phải gồng mình lên cáng đáng mọi công to, việc lớn trong gia đình và cả ngoài xã hội?
Mình là người ủng hộ bình quyền nhưng mình không muốn và không chấp nhận người bố, thần tượng trong gia đình trở nên lu mờ, thậm chí là bị sụp đổ. Mình vẫn muốn những người đàn ông hãy đáng mặt đàn ông. Họ phải là trụ cột của gia đình ở mọi góc độ. Còn với người phụ nữ khi đóng vai trò trụ cột sẽ có nhiều quyền nhưng nhiều lúc mình tự hỏi, với họ, quyền lực hay mất mát?
Mình nghĩ thế có cổ hủ quá không nhỉ?
Vương Phi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét