Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

'Kẻ tham nhũng đối phó tinh vi với việc bị tố cáo'

VNExpress - Không ít người dũng cảm tố cáo tham nhũng vạch mặt 'quan tham', nhưng thay vì nhận được cơ chế bảo vệ từ các cơ quan chức năng họ phải đối mặt với việc bị trả thù rất tinh vi, thậm chí đe dọa tính mạng.
Ngày 3/11, tại hội thảo quốc tế "Bảo vệ người tố cáo tham nhũng", ông Nguyễn Đình Phách (Chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng) thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua dù có nhiều cố gắng nhưng công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa tạo được chuyển biến. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Số người tố cáo loại tội phạm này còn ít.
Theo ông, nguyên nhân của tình trạng trên là do các quy định bảo vệ người tố cáo về tham nhũng chưa đầy đủ, không khả thi nên nhiều trường hợp chống tiêu cực bị trả thù dưới hình thức tinh vi như: mất việc, bị khủng bố tinh thần, con cái bị ảnh hưởng trong sự nghiệp, thậm chí bị đe dọa tính mạng...
Ở Hà Nội, thời gian qua một số người đã mạnh dạn đấu tranh với tham nhũng như bà Hòa ở quận Tây Hồ, ông Bình ở quận Cầu Giấy... Thế nhưng những tấm gương dũng cảm này đã không ít lần bị kẻ giấu mặt đe dọa, hành hung; thậm chí đổ chất thải vào nhà trong ngày Tết mà không nhận được sự bảo vệ kịp thời của các cơ quan chức năng.
Nhiều diễn ra đến từ nước ngoài tham gia tại buổi hội thảo. Ảnh: Thái Thịnh.
Nhiều chuyên gia nước ngoài tham dự hội thảo. Ảnh: Thái Thịnh.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Huy Lân (Chánh văn phòng Ban chỉ đạo tỉnh Nghệ An về phòng chống tham nhũng) cũng chia sẻ: "Chống tham nhũng đã trở thành "cuộc chiến" phức tạp và quyết liệt. Người tham nhũng có chức vụ, quyền hạn, có nhiều tiền nên khi bị phát hiện họ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để ngăn chặn, trả thù người tố cáo để bảo vệ quyền lợi địa vị của mình".
Đánh giá về vấn nạn tham nhũng hiện nay, thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh (Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Công an) cho hay nạn tham nhũng đang xảy ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên, tỷ lệ phát hiện và xử lý các vụ việc còn thấp, chưa tương xứng với thực trạng.
Thiếu tướng cho rằng xảy ra tình trạng trên là do người dân e ngại, né tránh lo sợ bị trả thù nên không dám đứng ra tố cáo. Trong khi đó, những kẻ tham nhũng dùng nhiều phương thức tinh vi để đối phó. "Vấn đề bảo vệ người tố cáo tham nhũng là yêu cầu cần thiết hiện nay", vị đại biểu đến từ Bộ Công an nhìn nhận.
Tại buổi hội thảo, nhiều chuyên gia nước ngoài cũng chia sẻ, biện pháp bảo vệ người tố cáo. Cách phổ biến là giữ bí mật tên tuổi, địa chỉ và thông tin liên quan đến người tố cáo. Họ có thể được thay đổi họ tên, đưa đến cư trú ở nơi khác, thậm chí có thể ra nước ngoài sinh sống... Không chỉ người tố cáo, thân nhân của họ cũng được bảo vệ trước nguy cơ tấn công của tội phạm.
Đại diện phía Hàn Quốc cho hay, theo đạo luật bảo vệ người tố cáo tham nhũng vừa được ban hành, mọi thông tin liên quan đến người tố cáo đều không được tiết lộ. Nếu trong quá trình tố cáo, người đứng ra tố cáo có chịu ảnh hưởng thiệt hại về kinh tế sẽ được đền bù, chuyển công tác sang nơi phù hợp. Đặc biệt, họ sẽ còn có một khoản thu nhất định được trích từ tiền % vụ việc được phát hiện.
"Nếu thấy tính mạng của người đó không được an toàn, cảnh sát địa phương sẽ là người trực tiếp tham gia bảo vệ trong thời gian nhất định. Thậm chí khi đi bất cứ đâu, họ cũng có người đi kèm để bảo vệ", đại diện của Ủy ban chống tham nhũng và quyền công dân Hàn Quốc nói.
Ông Jairro Acuna Alfaro (đại điện của chương trình phát triển Liên Hợp quốc) gợi ý để người dân tích cực tham gia tố cáo, tố giác tham nhũng, cần xây dựng những quy định để bảo vệ và có chính sách khuyến khích họ.
Ông cho rằng chỉ khi người ta thấy an toàn thì các mục tiêu, chiến lược phòng chống tham nhũng mới thực hiện được. “Theo một khảo sát cho thấy 77% người làm trong các doanh nghiệp được hỏi không quan tâm đến phòng chống tham nhũng bởi lo bị trù úm”, ông nói.
Thái Thịnh

Ý kiến bạn đọc:

Làm web
Chào các bạn,
Theo tôi thấy để tố cáo nạn tham nhũng, ta làm 1 trang web về tham nhũng, khi mọi người ai có bằng chứng về việc nhận hối lộ hay làm tiền thì up lên. Lúc đó có biết ai tố cáo đâu mà lo.
Mai

Tích cực đẩy lùi tham nhũng
Cần phải có cách kiểm tra niêm yết tài sản, giải trình tài sản của các quan chức cũng như người thân của họ, trả lương công chức qua hệ thống ngân hàng, kiểm tra đột xuất thường xuyên cách làm việc của các quan chức nhất là ở địa phương phường những người trục lợi trực tiếp từ người dân, xử lý tội tham nhũng nặng hơn nữa vì đây là ung nhọt làm thiệt hại nặng nề đất nước ta. Cần có một cơ quan độc lập không sợ cường quyền đứng ra thi hành vấn nạm tham nhũng hết sức tinh vi hiện nay và phải có động lực khen thưởng bảo vệ ngừơi tố giác tham nhũng.
( Nguyễn Huy Hoàng )

Việt Nam có làm được điều này ?
Điều 3- Luật Phòng, chống tham nhũng - Các hành vi tham nhũng
1. Tham ô tài sản. 2. Nhận hối lộ. 3. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. 4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi. 5. Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi. 6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi. 7. Giả mạo trong công tác vì vụ lợi. 8. Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi. 9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi. 10. Nhũng nhiễu vì vụ lợi. 11. Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi. 12. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Luật này ra đời từ năm 2005 - thời chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An. Đến nay liệu đã có bao nhiêu "quan tham " phải chịu án theo luật rồi? Hơn nữa với 12 hành vi tham nhũng chứa đựng trong bộ luật này miêu tả hành vi vi phạm rất chặt chẽ, đã bao trùm tất cả điều cấm mà không có một khe hở nào. Thực trạng hiện nay cho thấy từ một cán bộ có địa vị thấp, thấp nhất trong bộ máy cũng đã vi phạm 1 trong 12 hành vi này rồi! Tôi xin nêu 1 ví dụ nho nhỏ, nghĩ đi nghĩ lại không biết vui hay buồn: Tôi đi làm giấy tờ xin cấp chủ quyền nhà đất ròng rã gần 1 năm mà vẫn chưa được gì, nản lòng . Qua bác xe ôm giới thiệu cho tôi 1 anh "Cò". nhờ anh cò đứng lãng vãng trước trụ sở và tôi được cấp sổ nhanh đến nổi tôi không tưởng so với công sức tôi bỏ ra gần 1 năm. Hỏi , vậy anh " Cò " đó là ai? Tại sao anh có khả năng giải quyết nhanh đến thế? Anh ta có phép thuật ah?, anh ta điều hành được những người bên trong ? Xin lỗi, ý kiến của tôi hơi đi xa vấn đề, nhưng đâu đó đây cũng là 1 trong những hành vi nêu trên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét