Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Hạ Long được gì trong top 7?

(Petrotimes) - Cuộc đua giành danh hiệu của vịnh Hạ Long hay có cuộc đua nào tiếp theo sau đây cũng chỉ là những cuộc mua danh mà thôi nếu như tự chúng ta không “cải tổ” được những bất cập trong chính ngành du lịch.
Sau khi thực hiện một cuộc huy động toàn sức dân, từ cụ già đến em nhỏ thuộc mọi tầng lớp cuối cùng Hạ Long cũng đã lọt top 7 trong cuộc bình chọn “7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới” do Công ty tư nhân New Open World Corporation (NOWC) chủ trì. Thế nhưng, Hạ Long sẽ được gì với cái vương miện “top 7″ thế giới do chính chúng ta đã tự phong cho mình là điều mà công luận hiện đang đặt câu hỏi?
Thiếu tỉnh táo
Những ngày này trên các diễn đàn mạng xã hội có rất nhiều comment cho rằng, có lẽ chỉ vì do vốn ngoại ngữ còn kém nên chúng ta đã bị “mắc bẫy”. Thực tế, không ai cấm việc NOWC đưa ra bảy miếng bánh để các quốc gia ganh đua, tranh giành nhau. Nhưng vào năm 2007 khi NOWC tổ chức bình chọn 7 kỳ quan mới của thế giới thì tổ chức UNESCO thuộc Liên Hiệp Quốc đã kịch liệt lên án ý tưởng này. Họ chỉ rõ sự không minh bạch khi Ai Cập, nước có Kim tự tháp Giza, kỳ quan của thế giới cổ đại duy nhất còn tồn tại không có tên trong danh sách… Và cũng chỉ ra rằng, nếu kết quả một cuộc thi được xác định bằng bình chọn qua mạng, tin nhắn thì những nước đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ sẽ luôn dẫn đầu.
Những tưởng biết thế thì Việt Nam sẽ có cách ứng xử hợp lý khi vịnh Hạ Long có tên trong danh sách. Thế nhưng, chúng ta đã hành xử ngược. Ngoài những khẩu hiệu hô hào ở cơ quan, trường học còn có sự vận động hành lang của các cơ quan quản lý, rồi sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông. Và nghe đâu còn có vị quan chức cấp cao của nước ta bay sang nước bạn để vận động bỏ phiếu cho Hạ Long.
Vịnh Hạ Long
Đến giờ này, sau khi ngờ ngợ ra rằng có thể chúng ta đã quá “cả tin” thì điều an ủi của tất cả các cơ quan quản lý là thôi thì số tiền mình bỏ ra không nhiều mà vẫn được tôn vinh “kỳ quan thế  giới”. Thế nhưng, theo thỏa thuận thì số tiền 630 đồng/tin nhắn, Bộ VH-TT&DL phải trả cho nhà mạng 300 đồng, trả cho tổ chức New Open World 300 đồng tiền bản quyền, 30 đồng còn lại là số tiền để đóng thuế. Như vậy tính sơ sơ với 24 triệu tin nhắn của người dân Việt Nam thì số tiền mà NOW thu được khoảng 7,5 tỉ đồng. Cùng với số tiền này, NOW còn nhận được phí đặt chỗ và phí hình ảnh để Vịnh Hạ Long được tham gia bình chọn.
Trên Vietnamnet ngày 16/4/2008, Giám đốc Ban Quản lý vịnh Hạ Long (UBND tỉnh Quảng Ninh) Ngô Văn Hùng cho biết, các trang web ngoài website của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long nếu muốn link đến trang new7wonders để vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long sẽ phải trả phí 25.000USD/tháng. Ngoài ra, còn không ít tiền của Nhà nước bị đem ra đầu tư cho truyền thông, mua máy tính, làm băng rôn khẩu hiệu, mít tinh, cổ động nhân dân, tổ chức cho khách nước ngoài và các đoàn ngoại giao tham gia cuộc chơi… Con số đó hoàn toàn không nhỏ.
Trên thực tế, NOWC là một công ty kiểu như công ty TNHH của Việt Nam, mà đã là công ty thì bất cứ cuộc chơi nào do họ tổ chức cũng bắt buộc phải sinh lợi. Chính tại trang web cuộc thi này cũng bán giấy chứng nhận với giá 2USD. Có nghĩa là họ nghĩ ra mọi cách để kiếm tiền. Ngay chính thời điểm này họ cũng đang dính vào cuộc tranh cãi liên quan các loại phí được cho là “bất ngờ”, lên tới hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đôla Mỹ liên quan đến cuộc bầu chọn. Và thực tế thì đa số các nước phát triển trên thế giới không khuyến khích công dân họ tham gia cuộc bình chọn này và chỉ coi đó là một cuộc chơi vô bổ của cư dân mạng. Cuộc chơi này chỉ dành cho các nước đang phát triển và Việt Nam là một ví dụ.
Được “vinh danh” rồi sẽ ra sao?
Có một điều phải thừa nhận rằng, cuộc chơi này không bao hàm các giá trị công pháp quốc tế, không mang tính ràng buộc, trách nhiệm và nghĩa vụ. Điều đó giải thích vì sao đến giờ phút này NOWC vẫn chưa công bố tên các đất nước lọt vào top 7 bởi công bố hay không công bố cũng đều giống nhau. Và điều quan trọng chính tổ chức NOWC cũng không có một đảm bảo nào để khẳng định với nước ta rằng thành quả đạt được từ cuộc chạy đua tốn nhiều công của và thời gian này sẽ làm cho du lịch Việt Nam đổi đời. Họ cũng không đảm bảo rằng, trong năm nay lượng khách đến du lịch Hạ Long sẽ tăng vọt vì trên thực tế chúng ta lọt vào là bởi vì chúng ta có lòng tự tôn dân tộc nên chúng ta tự bầu chọn cho mình.
Từ xưa đến nay, những người làm du lịch đều thấm nhuần rằng, có danh tiếng chưa hẳn tạo được kỳ tích. Nếu môi trường Hạ Long vẫn ngày càng ô nhiễm, cảnh quan khai thác bừa bãi, tình trạng chặt chém khách du lịch tràn lan vẫn diễn ra hàng ngày… Ngành du lịch không cải tiến nội dung và chất lượng dịch vụ thì dù có giành được nhiều danh hiệu cao quý tình hình cũng không thay đổi. Có nghĩa là con đường để tiến lên của chúng ta là phải cải tạo lại cách nghĩ, cách làm của các cơ quan quản lý chứ không phải lao vào các cuộc đua danh hiệu. Để buộc khách bỏ tiền đến với chúng ta không có cách nào khác ngoài cách tự tạo lực hấp dẫn của chính mình chứ không thể giành lấy bằng con đường tiền bạc, nhất là bằng “giá rẻ” hoặc “miễn phí”.
Cuộc đua giành danh hiệu của vịnh Hạ Long hay có cuộc đua nào tiếp theo sau đây cũng chỉ là những cuộc mua danh mà thôi nếu như tự chúng ta không “cải tổ” được những bất cập trong chính ngành du lịch.
Ông Nguyễn Xuân Thắng Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO thế giới, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam: Trong khi nhiều tổ chức quốc tế tiến bộ và các quốc gia đang ra sức tạo dựng một cơ chế bình đẳng quốc tế, thúc đẩy bầu không khí thân thiện và cởi mở về văn hóa, trong khi Liên Hiệp Quốc và UNESCO đang triển khai các chiến dịch vun đắp cho một tư duy văn hóa quốc tế mới, chủ nghĩa nhân văn mới với nhãn quan “văn hóa vì hòa bình” dựa trên tiêu chí “bình đẳng và đa dạng hóa các giá trị văn hóa” nhằm xóa bỏ dần sự cách biệt, thứ bậc giữa các nền văn hóa, thì với một chiêu làm ăn đội lốt văn hóa dựa trên nền tảng kích thích bản tính ganh đua của con người, NOWC đã lập được một thành tích là lôi kéo hàng chục triệu người rơi vào tình trạng mất cảnh giác để tham gia vào một trò chơi đầy mạo hiểm. Trò chơi “văn hóa” đó đi ngược lại xu thế hòa bình, hội nhập và phát triển bền vững mà các quốc gia đang theo đuổi.

Dương Nga 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét