Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Ở đâu cũng có những người vô trách nhiệm

- Từng giữ chức phó chủ  tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam, điều mà PGS.TS Nguyễn An Lương luôn trăn trở đó là  sự thiếu trách nhiệm và yếu kém về năng lực của một bộ phận cán bộ công chức.

Lỗi là của người kia

Vừa rồi, trong dịp Tổng Bí  thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, ông có phát biểu, hai nhược điểm của cán bộ, công chức hiện nay là năng lực yếu và ý thức trách nhiệm kém?

Năm 1999, Công đoàn Viên chức Việt Nam đã phát động cuộc vận động xây dựng người cán bộ công chức, viên chức với 8 chữ  vàng "Trung thành, Sáng tạo, Tận tụy, Gương mẫu". Từ đó đến nay tôi vẫn luôn trăn trở về vấn đề này bởi vì bên cạnh những kết quả to lớn mà cuộc vận động đạt được, vẫn còn một số cán bộ, công chức, viên chức bộc lộ những thiếu sót, mà trước hết là sự yếu kém cả về năng lực, cả về ý thức trách nhiệm.

Đúng là có quá nhiều bức xúc với cách hành xử của một số cán bộ công chức thiếu trách nhiệm.

Chỉ một ví dụ thôi, gần nhà tôi, đoạn đường Trần Duy Hưng đi ra Trung tâm Hội nghị Quốc gia, cứ mỗi lần có  các cuộc họp ASEAN, họp APEC, người ta treo khẩu hiệu rất to, đẹp, cả tiếng Việt, cả tiếng Anh. Sau hội nghị một thời gian thì bị rách tươm, trông rất thảm hại. Quá bức xúc, nhưng hỏi phường thì họ bảo phường không quản lý. Gặp mấy ông công an, họ bảo đây là việc của ngành văn hóa. Về gọi điện lên Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Sở bảo phải gọi xuống thanh tra văn hóa. Lại gọi đến thanh tra, thì họ bảo cái này là do Trung tâm tuyên truyền của Sở chịu trách nhiệm. Tôi nhờ họ nói lại với Trung tâm rằng việc xong rồi, nếu còn lành thì để chứ đã rách quá thì cất đi, chứ để thế xấu hổ lắm. Họ nhận lời, vậy mà 30 ngày sau mới gỡ. Thế có vô cảm không. Có thấy trách nhiệm với nước, với dân không?
 
 
PGS. TS Nguyễn An Lương
PGS. TS Nguyễn An Lương


Ông cũng kiên nhẫn thật! Bây giờ chả mấy ai chịu được ngần đấy cái khó chịu để gọi điện đi nhắc nhở các nơi như thế.

Không riêng tôi mà nhiều người thấy sai trái, có phản ánh, góp ý thường gặp phải tình trạng không ai nhận lỗi, đùn đẩy trách nhiệm.
 
Tại sao đường phố bây giờ nhiều hố ga bị mất nắp, nhưng cả tháng trời cứ để như thế, đâu phải vì nghèo không đủ tiền để thay mà vì những người quản lý đường không cần quan tâm. Đào đường, vỉa hè lên lên rồi bỏ đấy không lấp hoặc lấp qua loa, mặc kệ tai nạn xảy ra, kể cả chết người. Tại sao ở Singapore máy đi trước đào thì có xe đi sau hót hết đất đá và lấp lại ngay, còn mình thì bừa ra đấy. Thang máy nhà cao tầng bị hỏng, dân phản ánh mãi cũng không sửa, để dân, kể cả cụ già, trẻ em đi bộ lên tầng 9, tầng 10. Đến khi chủ tịch thành phố đến kiểm tra, nhắc nhở thì họ mới cho người đến sửa. Nói như thế để thấy ở đâu cũng đầy rẫy những người vô trách nhiệm.

Có quy định cả đấy, nhưng họ không làm

Theo ông sự vô trách nhiệm này là do đâu?

Thứ nhất, trách nhiệm xuất phát từ phẩm chất đạo đức, từ con người có tư cách hay không, có thấy vai trò phận sự của mình với cơ quan và với dân hay không. Thứ hai là trách nhiệm thể hiện ở  chỗ anh phải biết anh được giao làm bất kỳ việc gì thì phải làm như thế nào cho tốt, cho tròn phận sự của mình, cần phải bắt đầu ra sao và kết thúc như thế nào... Có quy định cả đấy nhưng nhiều khi họ không làm hoặc làm không hết trách nhiệm, làm qua loa, đại khái.

Tại sao đã có quy định, nhưng khi xảy ra sự cố, thậm chí tai nạn chết người, cũng chả mấy khi quy ra được người phải chịu trách nhiệm?

Nói ngay như trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, nếu vì vô trách nhiệm để xảy ra tai nạn lao động thì phải xử  lý nghiêm minh, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng trong thực tế thì xử lý  rất ít. Trước hết, đó là do trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động, của tòa án, công an... Đấy là chưa nói còn hiện tượng móc ngoặc nhau, bao che cho nhau. Cao hơn vô trách nhiệm là thông đồng với tội lỗi, với sai lầm.

Cũng có ý kiến cho rằng, sự thiếu trách nhiệm còn là vì lương thấp quá, không đủ sống.

Đúng là tiền lương hiện nay còn thấp, cuộc sống rất chật vật. Tôi đồng ý không thể duy ý chí, không thể nói làm việc không cần lương. Phải sống được thì mới làm việc được. Nhưng không thể đổ lỗi tất cả vào điều đó. Có người tuy lương thấp, khó khăn lắm, nhưng vẫn tận tuỵ với nghề.
 
Ở Hội An toàn vệ sinh lao động Việt Nam của tôi, nhiều người chỉ sống bằng lương hưu và làm việc Hội, không có lương thêm mà vẫn hăng say vì sự nghiệp. Những năm 80 tôi là viện trưởng Viện Bảo hộ lao động đồng thời làm giám đốc dự án quốc gia, cố vấn trưởng đến làm việc với dự án được phụ cấp trách nhiệm mỗi ngày gần 100USD, mà tôi làm cả tháng chưa được bằng ngần ấy. Nhưng không thể vì thế mà không làm tốt việc của mình. Rất nhiều người cuộc sống còn khó khăn như thế nhưng rất trách nhiệm với công việc.

Vậy còn năng lực kém là  do đâu, thưa ông?

Năng lực kém là do không chịu học, không có kiến thức, còn tệ hơn nữa là  không học mà có bằng cấp hoặc bằng cấp giả.  Điều này không chỉ có thể xảy ra với kỹ  sư, thạc sĩ, tiến sĩ đâu, công nhân ở một số nhà máy cũng có hiện tượng khi đi học về bảo hộ lao động cũng chỉ đến ghi tên xong rồi bỏ về, chỉ mong nhận được cái thẻ thôi.
 
Cái sự học là việc thiết thân của từng người. Học là để nâng cao hiểu biết, để làm việc của mình cho tốt thì lại không chịu học, như thế thì sao có thể làm việc tốt được.
 
Thứ hai là học một cách máy móc, không biết thực tiễn ra sao, càng yếu kém thực tiễn nên không biết vận dụng, không sáng tạo. Vì thế mới xảy ra tình trạng một số văn bản đã ban hành nhưng nhiều sai sót, bị xã hội phê phán, không đồng tình, thậm chí bị thu hồi.

Nếu không xử lý nghiêm, thì vẫn chỉ là kêu gọi tinh thần trách nhiệm chứ không thể buộc ai cũng phải có trách nhiệm được?

Theo tôi, để khắc phục những thiếu sót trên thì trước hết là phải từ cấp lãnh đạo cao nhất đến người cán bộ thấp nhất phải biết phận sự của mình, ai cũng phải biết phận sự, nếu biết và làm tốt thì sẽ không bao giờ sai lầm, gây hại cho đất nước.
 
Tôi nhớ mãi ông Nguyễn Cảnh Dinh, nguyên chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước có nói với tôi rằng nếu ông ấy mà để sai cái dấu phảy trong văn bản ban hành thì thành lỗi đối với cả nước vì đó là văn bản của Chủ tịch nước.
 
Cho nên theo tôi, mọi người dù ở cương vị nào, chức vụ cao hay thấp, là người lãnh đạo hay cán bộ, công chức, viên chức bình thường đều phải làm đến nơi đến chốn công việc, phận sự được giao. Nếu mỗi người nêu cao trách nhiệm, tận tụy với công việc thì đất nước mới khá lên hơn chứ.

Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện lý thú này!
 
PGS. TS Nguyễn An Lương sinh năm 1940. Ông nguyên là cán bộ giảng dạy trường Đại học Bách khoa Hà Nội, viện trưởng Viện KHKT Bảo hộ lao động, phó chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam... Hiện ông là chủ tịch Hội KHKT An toàn và vệ sinh lao động Việt Nam. Dù ở vị trí nào, ông vẫn luôn say mê nghiên cứu khoa học và hoạt động xã hội.


Nhật Minh (Thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét