Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Tiền tham nhũng đi đâu?

(TBKTSG) - Đều đều vào cuối năm, báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng được gửi đến các đại biểu Quốc hội. Báo chí trích đăng vài con số, vài phát biểu của vài đại biểu Quốc hội. Năm nay cũng thế, “số tiền thiệt hại do tham nhũng gây ra khoảng 11.400 tỉ đồng, đã thu nộp ngân sách 300 tỉ đồng”, kèm theo nhận xét chung cuộc: “Số vụ việc, vụ án tham nhũng bị phát hiện và xử lý có xu hướng giảm dần, năm sau ít hơn năm trước”.
Xem qua, thấy “thái bình thịnh trị” đến nơi rồi. Cứ đà này thì sẽ bớt tham nhũng. Rồi tờ báo cũng được lật sang trang, sự vụ cũng qua đi, hẹn năm sau tái ngộ.
Nhưng nếu dừng lại đặt vài câu hỏi, sẽ thấy không biết trả lời sao. Nếu “số vụ việc, vụ án tham nhũng bị phát hiện và xử lý có xu hướng giảm dần”, vậy có thể khẳng định tiếp rằng số vụ việc không bị phát hiện cũng có xu hướng giảm theo, như một nối tiếp thành công trong công tác chống tham nhũng? Hoặc nghi vấn ngược lại: số vụ việc không bị phát hiện có xu hướng tăng lên, theo quy luật bù trừ?
Một câu hỏi khác: nếu đã phát hiện được thiệt hại 11.400 tỉ đồng do tham nhũng, mà chỉ thu hồi được 300 tỉ đồng, thì số tiền thiệt hại “mất tích” quả không nhỏ (11.100 tỉ đồng). Chúng đi đâu, vào túi ai, làm gì? Ai chịu trách nhiệm về sự thiệt hại đó? 11.100 tỉ đồng “mất tăm” đó quy ra cũng trên 500 triệu đô la Mỹ. Nửa tỉ đô la mất trắng mà sao báo cáo chỉ gọn trong mấy chữ?
Đó mới chỉ là đồng tiền thiệt hại do tham nhũng đếm được, còn đồng tiền mất vào túi tham nhũng không đếm được do không bị phát hiện, là bao nhiêu? Ở Hy Lạp, người ta đã nghiệm ra cứ một cú ăn hối lộ là Nhà nước Hy Lạp mất đi x hay y euro tiền thuế, tiền phí, tiền phạt… Thành ra, thiệt hại do tham nhũng không chỉ là số tiền bị lấy mất và đếm được trên sổ sách, mà còn là số tiền không bao giờ Nhà nước có được hay nghĩ rằng phải có. Tỷ như khi người cảnh sát giao thông không phạt, người nhân viên thuế vụ không đánh thuế đúng luật, Nhà nước mất mà không biết mất bao nhiêu vì không được ghi trong sổ sách. Liệu tổng số “thất thu” và “thiệt hại” không đếm được có đến gấp đôi số thiệt hại đếm được, tức khoảng 1 tỉ đô la Mỹ, hay còn hơn thế? Hy vọng sẽ có nhà kinh tế học nào đó tính ra được lượng tiền tham nhũng mà tôi gọi là “Mc” (Money Corruption) này vào việc tính toán quy mô cung tiền M1, M2, M3, M4!
Muốn hay không muốn, lượng tiền Mc đó cũng được chi cho các bàn nhậu (là thấp nhất), các chuyến du lịch nước ngoài, các thẻ đánh golf, các suất du học, mua sắm xe cộ, nhà cửa… ở đây, ở kia. Hãy lấy thí dụ: giá các căn hộ cao cấp hoặc biệt thự hay nhà mặt tiền đường ở TPHCM cao vòi vọi là do cầu (của những người cần có chỗ ở và dành dụm từ đồng tiền “sạch”) nhiều hơn cung, hay là do sức ép của cầu ảo từ đồng tiền “bẩn”, mua bỏ không hoặc cho mướn, bên cạnh sự nôn nóng “theo gương” của những người đi vay ngân hàng mua đặng cho thuê? Nếu tính đổ đồng giá các căn nhà đó khoảng từ vài trăm ngàn đến một triệu đô la Mỹ/căn, e rằng số triệu phú đô la ở Việt Nam chắc là đông lắm! Họ chi tiêu vô tội vạ, và sự chi tiêu đó được tính vào GDP. Nếu không có những thất thoát đó, GDP sẽ không cao đến thế ở một số lĩnh vực “cao cấp”, mà sẽ được lưu lại ở các chương trình phúc lợi đến tay người dân, các dự án cơ sở hạ tầng cho “đường sá ra đường sá”.
Tiền nó đi đâu, có lẽ là câu hỏi cần đặt ra, chứ không đơn giản báo cáo “mất mười mấy ngàn tỉ, thu hồi mấy trăm tỉ”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét