Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Chuyện chỉ có ở Hội An: Dân hỏi một đằng, quan trả lời một nẻo

(Phunutoday) - Nếu bạn chưa đến An Bàng thì bây giờ nên đến đó là vừa. An Bàng vừa được CNNGo bình chọn đứng hạng 43 trong 50 bãi biển đẹp nhất hành tinh.

Đến An Bàng thì đừng trông chờ những biển lặng, cát mịn, bãi rộng, nhà hàng bán đủ món cung đình… như nhiều báo ta tự nhiên ca ngợi ầm cả lên. An Bàng là một bãi biển dài, chạy sau các xóm chài, có nhiều đoạn vắng vẻ, không hàng quán để bạn có thể nằm một mình không ai làm phiền, có cười hay khóc cũng không ai thấy.

Nhà tôi ở đấy, cạnh ngay bờ biển: đứng trên chòi có thể thấy sóng biển đánh đằng kia, cách một trảng đất xưa là rặng dương phòng hộ, nay đã bị đốn. Nhìn những rặng dương mất dần, tôi nghĩ rằng phải khuyên bạn nên tới ngay An Bàng, vì chẳng bao lâu nữa, những bãi biển kiểu này sẽ không còn thuộc về bạn – trừ phi bạn có tiền để vào ở trong những khu nghỉ dưỡng. Còn không, bạn sẽ phải ra tắm ở bãi công cộng với nhung nhúc người.

Mô tả ảnh.
An Bàng vừa được CNNGo bình chọn đứng hạng 43 trong 50 bãi biển đẹp nhất hành tinh. (Ảnh: TTO)


Tôi biết đến An Bàng lần đầu vào năm 2002, cách nay là 9 năm. Khi đó người dân còn được buôn bán đất đai, sổ đỏ hợp pháp.

Hai năm sau, mọi việc dừng lại, nghe nói tất cả bãi biển từ Điện Bàn tới Cửa Đại sẽ thành khu du lịch, nghỉ dưỡng. Cuộc sống người dân từ đó trở nên phập phồng với câu hỏi: rồi gia đình mình sẽ được chuyển về đâu? Mình sẽ sống bằng nghề gì? Sẽ được đền bù bao nhiêu?...

Vài dự án đến rồi đi, với những đội nhân viên đo đất, tính giá đền bù, lần nào cũng làm người dân hoang mang: sao mình chỉ được đền có chừng này đất? Chừng này tiền làm sao cất lại nhà?

Câu trả lời của chính quyền khi ấy luôn luôn là: nhà nước quy định thế; rồi đưa ra các văn bản quy định giá đất đền bù. Người dân ở An Bàng là gốc dân chài, học không cao, thấy những văn bản của nhà nước là coi như đành chấp nhận.

Thế rồi năm 2010, quyết định của chính quyền Hội An được ban ra: tất cả phải đi hết. Đất ở đây phải được thu hồi để làm một khu nghỉ dưỡng quy mô nhỏ, của TƯ NHÂN. Bảng giá đền bù phát ra khiến người dân kêu trời: không những đã phải đi khỏi bờ biển, đất được đền bù còn bị lẹm đi, hộ mất vài chục mét, hộ mất vài trăm mét. Trong trường hợp của tôi, tiền đền bù không đủ cho tôi làm nhà mới…

Trong lúc ấy, các khu tái định cư bắt đầu được san ủi. Một số người buông xuôi bảo nhau, thôi đi cho rồi, cho nó ổn định, đi sớm thì được chọn đất tốt; đời người đâu có dài mà sống trong khu quy hoạch treo hoài. Một số bảo, phải mặc cả chứ, đây là dự án của tư nhân, làm khu nghỉ dưỡng cho nhà giàu ở mà, phải thỏa thuận với dân chứ…
Mô tả ảnh.
Bãi biển An Bàng được yêu thích bởi sóng nhẹ và cát vàng. (ảnh: TTO)


Tôi vẫn nói với người nhà, trong cái rủi có cái may: gặp một chuyện như thế này, mình mới có cơ hội sống cái thực tế mà rất nhiều người dân đã phải trải qua. Đời một người viết, nếu không có trải nghiệm thì còn gì đáng sống…

Tôi làm đơn khiếu nại, không phải để chống lại việc xây khu du lịch; tôi chỉ xin cái quyền hợp pháp là được thỏa thuận với chủ đầu tư.

Ủy ban hẹn, sau 30 ngày sẽ có trả lời.

30 ngày, 45 ngày…, những cái hạn theo đúng luật trôi qua. Rồi 3 tháng, 6 tháng im phăng phắc… Trong thời gian đó, tôi viết thư nhắc nhở Ủy ban thành phố Hội An, rằng các anh nên trả lời đi. 11 tháng sau, Ủy ban mới mời tôi đến đối thoại với ông Chủ tịch.

Tôi đã được nghe một số người dân An Bàng dặn dò kinh nghiệm về các cuộc đối thoại thế này. Họ dặn: những thắc mắc sẽ không được giải đáp đâu, những bức xúc không được giải quyết đâu. Rồi chính quyền sẽ nói với chị là chúng ta không được quyền thỏa thuận với chủ đầu tư cho mà xem.

Tôi đề nghị, vì tôi ở xa rồi, thời hạn đối thoại ông Chủ tịch cũng đã vi phạm, nay xin đối thoại qua văn bản. Đối thoại bằng lời sẽ không giải quyết được gì.

Ông Chủ tịch Hội An đồng ý. Nhưng cuộc đối thoại ấy quả là điển hình cho mô hình “ông nói gà, bà nói vịt”, khi những câu hỏi của tôi không hề được trả lời. Đó là câu hỏi về tính hợp pháp của dự án, về những văn bản ông đang dùng để ra quyết định thu hồi đất là đã mất hiệu lực từ lâu, thế thì quyết định ấy có hiệu lực không? Hay câu hỏi của tôi về việc vì sao Hội An lại thu hồi vượt rất nhiều số đất được quy định trong kế hoạch chi tiết sử dụng đất 5 năm của khu vực, trong đó có khu xóm chài chúng tôi? Nhưng quan trọng nhất, tôi hỏi ông, vì sao căn cứ vào tất cả các văn bản luật, cái dự án bé con đó chỉ thuộc dạng thỏa thuận với người dân, thì ông cứ một mực bảo là dạng nhà nước thu hồi đất? Vì sao quyết không cho chủ đầu tư thỏa thuận với tôi?

Không trả lời được, không đối thoại nữa, ông Chủ tịch Hội An đã ra một quyết định khác: tôi phải bàn giao mặt bằng, nếu không đồng ý thì đi mà khởi kiện lên Tòa án!

Ở nước ta, dính tới kiện tụng là phiền. Thay vì trả lời những câu hỏi của dân thì lại thách dân đi kiện, tôi cho là ông Chủ tịch Hội An là người rất từng trải trong quản lý, nắm rất vững tâm lý ngại kiện tụng của “đối phương”.

Cũng ở nước ta, để chuyện riêng của mình lên báo, lên đài là “xấu mặt”; kiểu gì cũng “ê”. Nhưng như đã nói, tôi thấy đây là một trải nghiệm mà mình nên đi đến cùng, từng bước đúng luật như một người dân, nên vẫn tiếp tục khiếu nại lên tỉnh, lên Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, dù thật tình không nhiều hy vọng.

Chuyện cái nhà tôi tuy chỉ là chuyện nhỏ, rất nhỏ, nhưng nó cho tôi cơ hội nghĩ về cách hành xử của chính quyền với dân – nhất là dân ở nông thôn. Nó cũng cho tôi nghĩ nhiều về việc Hội An đã xóa sổ các làng chài như thế nào, đồng thời nhớ đến một mô hình làng chài ven biển rất hay mà cũng chính Hội An đang cho tiến hành, ngay cạnh cái xóm chài tôi sống đang phải di dời đây! Cái gì làm nên hai mô hình trái ngược thế? Chúng tôi phải làm gì để được sống bình yên như những cư dân hàng xóm? Có luật gì không? Hay tất cả chỉ phụ thuộc vào sự tốt bụng hay quan điểm quy hoạch của một nhà đầu tư?

Những điều ấy, tôi xin bàn ở một bài sau.
  • Phan Thị Vàng Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét