Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

Việt Nam "toàn tiền sạch cả, sao phải rửa?"

- Một số ĐBQH khẳng định hoạt động rửa tiền ở Việt Nam chắc chắn có xảy ra, nhưng 6 năm qua các cơ quan chức năng không phát hiện vụ việc nào.

"Rửa tiền quá dễ"

Ngày 9/11, các ĐBQH thảo luận về dự án Luật Phòng chống rửa tiền (PCRT) tại tổ. Báo Lao động dẫn lời đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng: “Ở Việt Nam rất khó xác minh nguồn tiền do đâu mà có, vì tiền đầu tư vào bất động sản, đất đai đều do vợ con đứng tên kinh doanh, càng không thể chứng minh được tiền do tham nhũng”. Ông nói: “Chính vì thế mà Cục Phòng, chống rửa tiền thử hỏi đã xử lý được bao nhiêu vụ? Với một nền kinh tế chưa minh bạch đặt trong bối cảnh VN, tham nhũng gắn rửa tiền, với khủng bố ghê gớm lắm, nhưng để phát hiện thì không đơn giản”.

Từ khi có Nghị định PCRT (năm 2005) đến nay, cơ quan chức năng chưa phát hiện vụ việc nào.

Tiền Phong dẫn lời Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho hay, chưa phát hiện rửa tiền ở Việt Nam không có nghĩa nước ta không có tiền bẩn! Rửa tiền chắc chắn có. Nhưng vì giao dịch chủ yếu bằng tiền mặt, nên tiền bẩn không nhất thiết phải đi qua ngân hàng.

Các đại biểu thảo luận tại tổ ngày 9/11. Ảnh: TTXVN
Các đại biểu thảo luận tại tổ ngày 9/11. Ảnh: TTXVN
"Tiền bẩn" của bọn buôn lậu, buôn ma túy trở thành "tiền sạch" quá dễ. Bởi người ta chỉ cần mang bao tiền bẩn đó đi mua nhà, mua đất rồi bán lấy tiền là thành tiền sạch, không cần phải "rửa" qua các ngân hàng.

"Nếu nền kinh tế vẫn sử dụng tiền mặt như hiện nay, thì luật này chỉ được xây dựng cho hợp với thông lệ quốc tế, làm cho có thôi chứ không thể chống tội phạm rửa tiền được" - Ông Thảo thẳng thắn.

Vietnamnet dẫn nhận định của ĐB Trần Du Lịch: "Việt Nam là một nền kinh tế tiền mặt, tiền nào cũng xài được, không cần biết nguồn gốc, miễn là có thì muốn mở công ty, mua nhà đều dễ dàng”, ông Lịch nói. “Toàn tiền sạch cả, sao phải rửa?”.

Công tác PCRT nên giao cho ai?

Đất Việt dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Phạm Huy Hùng, cho rằng, nếu quy định đơn vị chống rửa tiền là một trung tâm thuộc Ngân hàng Nhà nước sẽ không phù hợp. “Rửa tiền liên quan đến hoạt động tội phạm, cần có sự tham gia của các các cơ quan bảo vệ pháp luật như Bộ Công an mới hiệu quả”, ông Hùng nói. Để công tác PCRT có kết quả, không nên giao Cục phòng chống rửa tiền của Ngân hàng nhà nước, mà nên giao cho Bộ Công an.

ĐB Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, cho biết, nhiều nước trên thế giới có một cơ quan điều tra riêng về hoạt động tài chính, ngân hàng. “Chúng ta vẫn chưa có cơ quan này. Vì vậy, cần nghiên cứu đưa vào Luật quy định về cơ quan PCRT như thế nào cho có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần xác định rõ về hành vi rửa tiền”, ông Tuyến nói và nhận định, dự thảo luật còn thiếu các quy định liên quan đến hoạt động rửa tiền, chủ yếu mới qui định về hành vi mở tài khoản tại ngân hàng.

Hoàng Xuân (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét