Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

ĐỐI THOẠI VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG LẦN THỨ 10: Không sợ chống tham nhũng, báo chí mới làm đúng vai trò

Tại cuộc đối thoại lần thứ 10 về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam tổ chức sáng 29-11 tại Hà Nội, 100% ý kiến các nhà tài trợ quốc tế đều nhấn mạnh việc phải tăng cường tính công khai, minh bạch; và để thực hiện điều đó thì vai trò lớn thuộc về báo chí, các tổ chức dân sự và người dân.

Đối thoại lần này do Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) và Đại sứ quán Anh phối hợp tổ chức, có sự tham dự của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh... cùng đại diện các nhà tài trợ quốc tế (WB, ADB, các sứ quán Anh, Mỹ, Thụy Sĩ, Thụy Điển…) tại Hà Nội.
Tự phát hiện tham nhũng vẫn hạn chế
Mở đầu cuộc đối thoại, đại diện của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã có báo cáo về tình hình và kết quả PCTN năm năm qua. Báo cáo nhấn mạnh nhiều thành tựu đạt được trên nhiều lĩnh vực: Tuyên truyền pháp luật; kiện toàn bộ máy chỉ đạo; thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức quần chúng… Báo cáo cũng nhắc tới một vài điểm còn yếu kém, chẳng hạn việc tự phát hiện hành vi tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị rất hạn chế; số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý còn thấp so với tình hình thực tế đang diễn ra; một số vụ xử lý chậm, kéo dài...
Sau bài tham luận của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, đại diện các nhà tài trợ quốc tế lần lượt lên tiếng đặt câu hỏi hoặc đưa ý kiến bình luận.
Đại diện các sứ quán Mỹ, Úc, Thụy Điển… đều nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh công khai, minh bạch; đồng thời khuyến cáo phải làm mọi cách để tăng cường sự tham gia của báo chí, người dân, tổ chức dân sự vào chống tham nhũng.
Phiên đối thoại lần thứ 10 với các nhà tài trợ quốc tế về PCTN ở Việt Nam. Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG SƠN
Đáp lời các nhà tài trợ, ông Lê Văn Lân, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, nói: “Về việc phải công khai minh bạch, chúng tôi nhận thức được và trong Luật PCTN, chương Phòng ngừa, mục đầu tiên và cũng là mục dài nhất là về công khai, minh bạch. Chúng tôi chủ trương công khai, minh bạch trong tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị, trừ những gì thuộc bí mật Nhà nước - đây là một nguyên tắc rất tiến bộ. Một trong năm nhóm giải pháp của chiến lược quốc gia về PCTN cũng là xoay quanh chuyện công khai, minh bạch”.
Ông nói thêm: “Chúng tôi cũng đã tích cực phát huy vai trò của báo chí. Một số hội thảo trước đối thoại có ý kiến cho rằng báo chí gần đây ít đăng tải về tham nhũng nhưng theo thống kê của chúng tôi thì không phải như vậy. Một số nhà báo vài năm trước bị xử lý là do đăng tin không đúng sự thật, chứ không phải có hạn chế gì đối với báo chí ở đây. Tuy nhiên, chúng tôi xin ghi nhận và sẽ tiếp tục nỗ lực để tăng cường sự tham gia của người dân và vai trò của báo chí, các tổ chức quần chúng trong chống tham nhũng”.
Nên mời dân đối thoại PCTN
Trao đổi về những biện pháp cụ thể Việt Nam có thể làm để tăng cường minh bạch, vai trò của báo chí và các tổ chức dân sự, ông Anthony Stokes, Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh tại Việt Nam - đồng chủ trì phiên đối thoại, nói: “Chính phủ Việt Nam phải có lịch trình riêng để thực hiện công khai, minh bạch, khuyến khích xã hội dân sự và thành thực mà nói thì chúng tôi - cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế - không thể khuyên Chính phủ Việt Nam nên làm gì, phải làm gì. Mỗi quốc gia một khác”. Tuy vậy, ông cũng nói rằng trong chuyện công khai, minh bạch, vấn đề lớn là làm sao để đảm bảo mọi người dân đều có quyền tiếp cận thông tin, thậm chí có thể nghĩ đến việc mở cửa đối thoại PCTN để người dân tham dự và phát biểu ý kiến.
Trong quá trình đảm bảo quyền tiếp cận thông tin đó, báo chí là ngọn cờ đầu. “Chỉ khi nào báo chí có thể đưa tin, viết bài về chống tham nhũng không một chút sợ hãi thì mới có thể nói rằng họ đã phát huy vai trò của mình” - ông Anthony Stokes khẳng định. Ông nhắc tới một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED Communication) cho thấy rằng nhà báo Việt Nam vẫn còn bị cản trở khi tác nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực chống tham nhũng. Ông nói: “Tất nhiên các nhà báo cần hành nghề trong khuôn khổ pháp luật nhưng họ cũng phải được đảm bảo là có thể đưa tin, viết bài mà không phải e ngại điều gì. Tôi nghĩ làm được việc đó là một thách thức đối với Chính phủ Việt Nam”.
Chấp nhận "lót tay", nhu cầu PCTN còn yếu!
Ở nửa cuối chương trình, ông Renwick Irvine, cố vấn về thể chế - Bộ Phát triển Quốc tế Anh, đã thay mặt cộng đồng các nhà tài trợ trình bày quan điểm của nhà tài trợ, thể hiện trong Tổng kết Hội thảo bàn tròn trước kỳ đối thoại về PCTN lần thứ 10 này. Trong bài tham luận tổng kết, ông tiếp tục nêu một số vấn đề còn tồn tại: Thiếu theo dõi, giám sát về tác động của PCTN; nhu cầu chống tham nhũng trong xã hội còn yếu, thể hiện qua việc các khoản chi “lót tay” được chấp nhận rộng rãi (trong y tế, giáo dục, kinh tế) và vai trò của báo chí cũng như xã hội dân sự đều chưa rõ…
Ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển (CODE), khuyến nghị cần tăng cường hiệu lực thực thi kết quả của các kỳ đối thoại PCTN, có lộ trình thực hiện, có triển khai, giám sát và đánh giá, để những gì đạt được trong các kỳ đối thoại này không bị “rơi vào khoảng không”…
“Đã đến lúc phải hành động”
Tôi cho rằng bản báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN là một báo cáo rất có giá trị. Nó cho thấy cam kết của Chính phủ về việc xác định những gì cần phải làm ngay. Nó xác định rõ rằng hệ thống văn bản pháp luật, khuôn khổ pháp lý cho PCTN đã khá toàn diện, bây giờ là lúc phải hành động. Hành động cụ thể và tập trung vào những vấn đề mấu chốt.
Ông ANTHONY STOKES, Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh tại Việt Nam (Trong cuộc trao đổi bên lề với Pháp Luật TP.HCM)
HOÀNG THƯ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét