Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

ODA và sáu năm lặng tắt

Thời gian có lẽ đã quá đủ, không phải cho lời hô hào chống tham nhũng hay những hội nghị hoặc bàn tròn về việc rút kinh nghiệm. Cái đủ đó chỉ đến khi người ta nhận ra rằng một đất nước vẫn có thể tồn tại và phát triển mà không cần đến ODA, nhất là khi đất nước ấy chưa có gì bảo đảm để chính thức chấm dứt nạn tham nhũng.
"Tình trạng tham nhũng ở Việt Nam đã đến mức báo động, các nhà tài trợ đang trông chờ những hành động cụ thể từ Chính phủ. Vốn ODA trong giai đoạn mới sẽ phụ thuộc vào hành động thực tế đó của Việt Nam" - Đó là thông điệp chính từ các nhà tài trợ cho Việt Nam tại Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ diễn ra cách đây đúng 6 năm, vào ngày 9/6/2006 tại Nha Trang.
Hội nghị trên diễn ra ngay sau khi vụ tham nhũng PMU 18 bị phát giác. Cũng trong hội nghị này, trong khi bà Anna Lindstedt - đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng một trong những biện pháp chống tham nhũng hiệu quả là công khai, minh bạch thông tin cho báo chí, thì báo chí lại không được tiếp cận ngay cả khu vực hành lang trước phòng hội nghị...

Đã tròn 6 năm lặng tắt kể từ sự kiện sóng gió PMU18. Trong 6 năm ấy, không biết nhận định "Việt Nam là một trong những nước sử dụng vốn ODA hiệu quả nhất" đã được thực chứng như thế nào, chỉ biết rằng đã không có thêm bất kỳ một vụ scandal nào về ODA được lộ ra từ phía cơ quan chức năng Việt Nam. Có chăng, chỉ là vài "con sâu" như PCI - đại lộ Đông Tây xảy ra vào năm 2008 và mới đây nhất là câu chuyện người Đan Mạch đã quyết định dừng 3 dự án ODA viện trợ cho Việt Nam. Và những vụ việc ấy, đều chỉ được biết đến và làm rõ từ những người mang quốc tịch nước ngoài.
Một lần nữa, thể diện quốc gia lại bị đe dọa. Một lần nữa, ODA lại không hoàn thành chức trách nhiệm vụ đối với các nhu cầu sử dụng bức thiết ở Việt Nam, khi nguồn tài trợ này có nguy cơ bị xem xét lại - từ phía những cơ quan viện trợ quốc tế đang phải chịu búa rìu dư luận của những người dân có trách nhiệm đóng thuế cho chính phủ.
Từ năm 2006, khi vụ án PMU 18 nổ ra với hệ thống chứng cứ do phía Nhật Bản cung cấp, người ta đã phải nêu lại một triết lý then chốt và phù hợp nhất với nền tảng đạo lý: ODA không phải là tiền từ trên trời rơi xuống, mà đó là tiền đóng thuế của người dân các nước phát triển để dành cho người dân các nước đang và kém phát triển. Vì thế đương nhiên mối quan hệ giao tiếp về ODA không chỉ là giữa các chính phủ với nhau, mà thực chất nhất, đó chính là mối quan hệ trực tiếp giữa các cộng đồng nhân dân của các quốc gia. Chính người dân mới là đối tượng thụ hưởng và có toàn quyền kiểm soát đối với việc tiếp nhận và sử dụng nguồn tài trợ này.
Thế nhưng thực tế tiếp nhận và quản lý, sử dụng nguồn viện trợ ODA ở Việt Nam lại không có sự tham gia của các hội đoàn nhân dân. Ngay cả đại biểu Quốc hội - những người có chức trách đại diện cho cộng đồng nhân dân, cũng chỉ được biết đến kết quả sử dụng ODA qua các báo cáo, trong các cuộc họp thường kỳ.
Nhận thức thế nào thì hành xử thế đó. Thực tế quản lý vốn ODA đã chỉ được xếp khá xa sau phần hành quản lý vốn ngân sách. Hệ quả là đất nước phải trả giá với những hiện tượng "chi tiêu sai mục đích"... như thông tin về các dự án mà Đan Mạch tài trợ.
Điều khác là, lần này, DANIDA đã có riêng cho mình một cơ quan kiểm toán. Kết quả mà cơ quan kiểm toán công bố với dư luận quốc tế và xã hội Việt Nam đã nêu  bằng chứng cho những đồn đoán trước đó về thất thoát trong ODA: trong số 49 tỷ dồng mà dự án ODA chuyển cho phía Việt Nam, có đến 11 tỷ đã "bốc hơi", chiếm đến 23%.
Cái giá của tham nhũng
Phía trước, con đường của ODA vẫn còn dài, và có thể còn quá đậm đà cho những ai quan tâm đến nó theo chiều kích "miếng ăn không phải là miếng nhục".
Trong năm 2012, vẫn còn hơn 7 tỷ USD mà các đối tác nước ngoài đã cam kết giải ngân ODA cho Việt Nam. Xa hơn nữa về những năm tới, con số giải ngân còn có thể lên tới 20-30 tỷ USD, gần bằng một phần ba toàn bộ GDP của Việt Nam.

Nhưng ODA, như điều đã được mô tả là "cái giá của sự phát triển", lại bao gồm một phần rất lớn - 90% hoặc hơn - là vốn cho vay chứ không phải là vốn viện trợ không hoàn lại. Cuộc chơi rút ruột nguồn vốn này sẽ để lại một món nợ tiềm tàng, từ đời này sang đời khác và trong không biết bao nhiêu năm nữa, cho con cháu của họ.
Đó chính là cái giá của tham nhũng.
Ở phía trước, vẫn còn không ít công trình giao thông sử dụng vốn ODA khủng như dự án Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, dự án Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án xây dựng Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, dự án xây dựng Đường vành đai III Hà Nội giai đoạn 2. Mỗi dự án đó đều tương đương đến từ 5.000 đến 10.000 tỷ đồng hoặc hơn thế...
Thời gian có lẽ đã quá đủ, không phải cho lời hô hào chống tham nhũng hay những hội nghị hoặc bàn tròn về việc rút kinh nghiệm. Cái đủ đó chỉ đến khi người ta nhận ra rằng một đất nước vẫn có thể tồn tại và phát triển mà không cần đến ODA, nhất là khi đất nước ấy chưa có gì bảo đảm để chính thức chấm dứt nạn tham nhũng.

Bộ trưởng Thăng trả lời chất vấn việc bổ nhiệm ông Dũng

Ông Bộ trưởng nói: "Việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng là đúng. Tuy nhiên, qua việc này, lãnh đạo Bộ GTVT cũng rút kinh nghiệm là cần phải chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí và dư luận". Vậy đưa cho ông Thăng vài con cáo để ông "bổ nhiệm" vào chuồng gà của ông, theo đúng quy trình nhé!. Xong rồi "rút kinh nghiệm", không có ai chịu trách nhiệm, hòa cả làng hé... Ha .. ha ...

- Việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng là đúng. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ cũng rút kinh nghiệm là cần chủ động thông tin kịp thời cho báo chí, dư luận - Bộ trưởng GTVT trả lời chất vấn về trách nhiệm cá nhân trong vụ việc.

Nhận chất vấn về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải trong thời điểm nhạy cảm đơn vị đang bị thanh tra, tại văn bản trả lời đại biểu QH đề ngày 4/6, người đứng đầu ngành GTVT xác nhận, chức danh Cục trưởng Cục Hàng hải là do Bộ trưởng quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Về quá trình thực hiện chủ trương bổ nhiệm, Bộ trưởng Đinh La Thăng phân trần, kết quả lấy phiếu kín tại buổi họp giữa đại diện Bộ GTVT, Nội vụ và đại diện Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương với Hội đồng Thành viên, Thường vụ Đảng ủy TCty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) ngày 15/12/2011, 6/6 thành viên hội đồng thành viên nhất trí việc điều động và bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng giữ chức Cục trưởng.
Trước khi ký, quyết định bổ nhiệm đã được các cơ quan liên quan thẩm định chặt chẽ theo quy định. Việc bổ nhiệm ông Dũng, theo đó, đã được thực hiện đúng thẩm quyền, quy trình, quy định của pháp luật, từ khi xin chủ trương đến khi quyết định là gần 5 tháng.

Bộ trưởng Thăng cũng giải thích, thực chất việc bổ nhiệm ông Dũng làm cục trưởng về cấp bổ nhiệm và chức vụ Đảng là thấp hơn.

Về thời điểm bổ nhiệm, ông Thăng lý giải, việc thanh tra tại Vinalines là thực hiện theo kế hoạch thanh tra năm 2011, không phải thanh tra đột xuất hoặc thanh tra theo đơn tố giác, tố cáo.

Theo quy định hiện hành của pháp luật, khi một doanh nghiệp hay một đơn vị trong quá trình thanh tra thì mọi hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị được thanh tra vẫn diễn ra bình thường trong đó có công tác nhân sự. Thời điểm bổ nhiệm ông Dũng là trước khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ.

“Phải khẳng định việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng là đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục và đã được các cơ quan chức năng có liên quan thẩm định kỹ. Tuy nhiên, qua việc này, lãnh đạo Bộ GTVT cũng rút kinh nghiệm là cần phải chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí và dư luận” - Bộ trưởng GTVT nói.

Trong văn bản trả lời chất vấn, ông Đinh La Thăng cũng cung cấp cho đại biểu những thông tin về sai phạm của ông Dương Chí Dũng. Theo đó, ngày 16/2 đoàn Thanh tra Chính phủ đã trao đổi với lãnh đạo Vinalines về những dấu hiệu sai phạm của tập thể Hội đồng Thành viên Vinalines mà đứng đầu là ông Dũng.

Đến thời điểm này, lãnh đạo Bộ GTVT mới biết về những sai phạm của ông Dũng. Trong suốt thời gian thực hiện quy trình bổ nhiệm, Bộ không nhận được bất kỳ thông tin nào từ các cơ quan chức năng hay đơn thư khiếu nại, tố cáo nào về sai phạm của ông Dũng. Việc điều tra tại Vinalines của cơ quan công an là bí mật, nên Bộ hoàn toàn không được biết.

Kinh phí xây trụ sở chủ yếu do tự huy động

Ngoài nội dung về việc bổ nhiệm, Bộ trưởng Thăng còn nhận chất vấn về kế hoạch xây dựng trụ sở mới của Bộ. “Trong tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, số tiền chi cho dự án quá lớn (hơn 12.000 tỷ đồng) và băn khoăn việc lập dự án với quy mô như vậy đã đúng với quy định hiện hành về xây dựng và sử dụng trụ sở của cơ quan nhà nước chưa?” – đại biểu nêu câu hỏi.

Bộ trưởng Thăng khẳng định, đề án này được xây dựng trên cơ sở định hướng cho cả quá trình trong giai đoạn dài đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, không phải tiến hành ngay trong thời điểm hiện nay. Nguồn kinh phí được dự kiến chủ yếu trên cơ sở nguồn vốn tự huy động.

Minh Hiền

ĐƯỜNG DÂY BÁN DÂM “NGÀN ĐÔ”: Mua dâm là các “đại gia chân đất”!

Có một cuốn tiểu thuyết rất hay lấp ló sau chuyện này: Một cô thôn nữ từ một gia đình nghèo ở Sóc Trăng, không đủ ăn nên lên Sài Gòn bán vé số, nhờ có chút nhan sắc nên "đổi đời" thành hoa hậu, vì muốn có nhiều tiền cho bằng chị bằng em, đua đòi nhà lầu, xe hơi nên đã sa vào con đường bán dâm, tình cờ gặp lại một anh nông dân cùng xóm, nhờ bán đất mà trở thành đại gia, cả hai thỏa thuận ......là 2500 đô la! Không ngờ bị CA bắt giữ vì tội mua bán dâm, phải vào vòng tù tội... Thực tế xã hội hiện nay sau giống trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh wá...He he....

(NLĐO) - Những đối tượng mua dâm là những đại gia “chân đất” vùng ven, phất lên nhờ các dự án bất động sản!
Ngày 5-6, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TPHCM tiếp tục triệu tập một số đối tượng liên quan đến đường dây bán dâm gồm các hoa hậu, hoa khôi, người mẫu và diễn viên điện ảnh vừa bị bắt quả tang vào ngày 2-6 (Báo Người Lao Động đã thông tin).

Nông dân thèm… hoa hậu

Những ngày qua, dư luận cho rằng để bỏ ra số tiền khá lớn mua dâm các hoa hậu, hoa khôi phải là những đại gia thứ thiệt, có đẳng cấp trong giới kinh doanh như xăng dầu, tài chính và ngân hàng.

Thậm chí có thông tin cho rằng trong 4 đối tượng mua dâm bị bắt quả tang có một người tên H, hiện công tác trong ngành truyền thông tại TPHCM. Khi bị bắt, ông H “kể lể” mình là “bà con” của nguyên lãnh đạo của một tờ báo!

Tuy nhiên, trong thực tế, những đối tượng mua dâm là những đại gia “chân đất” vùng ven, phất lên nhờ các dự án bất động sản, gồm: N.V.N (SN 1960, ngụ ấp 2, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh - TPHCM), T.T.H (SN 1979, ngụ ấp 1, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh - TPHCM), T.V.T (SN 1960, ngụ đường Phạm Hùng, ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh - TPHCM) và Đ.V.M (SN 1968, ngụ cùng ấp với ông T.V.T).

Sau khi vụ việc được phanh phui, một cô gái nói giọng miền Nam, từ số ĐTDĐ 0986.63xxxx, tự xưng là Hoa khôi Lê Thị Yến Duy gọi đến Báo Người Lao Động để giải bày: Từ khi đạt danh hiệu Hoa khôi Duyên dáng thời trang Bến Tre 2010, Yến Duy đã không hoạt động trong lĩnh vực người mẫu nhưng không cho biết mình hiện nay làm nghề gì!

Yến Duy cũng cho rằng mình… không bán dâm, vì nếu bán dâm phải “show” hình mặc đồ tắm để đưa lên mạng như những cô hoa hậu, hoa khôi, người mẫu bán dâm khác!

Thế nhưng, chiều 2-6, khi ập vào khách sạn Hà Phương Trang ở số 106 bis Nguyễn Văn Cừ (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1), các trinh sát PC45 Công an TPHCM bắt quả tang Lê Thị Yến Duy (SN 1990, quê Bến Tre; hiện ngụ đường Gò Dầu, phường Tân Quý, quận Tân Phú – TPHCM) cùng với Nguyễn Thị Minh Nhài (SN 1989, quê tỉnh Đồng Nai, hiện ngụ đường Phạm Hùng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh – TPHCM) nghệ danh Ngọc Thúy –người mẫu thời trang của Công ty Promotion Look và đã từng tham gia vai diễn trong bộ phim truyền hình 40 tập có tựa “Bước chân hoàn vũ” phát sóng trên kênh HTV9- đang bán dâm cho 2 “đại gia chân đất” là T.V.T và ông Đ.V.M.

Cùng thời điểm bắt quả tang các người đẹp đang bán dâm tại khách sạn Hà Phương Trang, một tổ trinh sát khác của PC45 cũng ập vào khách sạn Kim Linh ở số 116-118 Bùi Thị Xuân (phường Bến Thành, quận 1) bắt quả tang hot girl Jenny Phương (tức Lê Thị Thúy Hường, SN 1993, ngụ đường Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1) và L. T. H. D (SN 1987, sinh viên năm thứ nhất một trường trung cấp nghề du lịch, đang làm việc tại một khách sạn tư nhân) đang bán dâm cho ông N.V.N và T.T.H.

Còn nhiều “mỹ nhân” chưa bị phát hiện

Ngoài việc bắt giữ “tú bà” Trần Quang Mai (SN 1972, ngụ phường 1, quận 3 – TPHCM), “tú ông” Nguyễn Hữu Đạt (SN 1969, ngụ phường 26, quận Bình Thạnh - TPHCM), “má mì” hoa hậu Võ Thị Mỹ Xuân (SN 1985, ngụ phường Bình Khánh, quận 2 – TPHCM), cho tại ngoại đối với á khôi Thiên Kim (tức Trần Thị Hoa, SN 1986, ngụ đường Nguyễn Cửu Vân, phường 17, quận Bình Thạnh - TPHCM) vì đang mang thai; Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cũng bắt giữ “tú ông” Lê Quang Tuấn Anh (tức “Kevin” Lê, SN 1985, quê Lâm Đồng, ngụ đường Huỳnh Văn Bánh, phường 11, quận Phú Nhuận – TPHCM) để điều tra hành vi “môi giới mại dâm”.

Theo điều tra của công an, năm 2005, Tuấn Anh sang Hàn Quốc học nghề trang điểm. Đến năm 2006, Tuấn Anh tốt nghiệp và về Việt Nam làm việc tại một vài công ty người mẫu nổi tiếng. Sau đó, đối tượng này tiếp tục sang Singapore chuyên tu 3 năm để nâng cao tay nghề.

Do từng tham gia một số cuộc thi người mẫu, chương trình truyền hình Vietnam’s Next Top Model, cộng với tay nghề khá nên Tuấn Anh mở tiệm Salon Beauty trên đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận) để trang điểm, làm đẹp cho phụ nữ, thu hút khá đông giới người mẫu, hoa hậu, hoa khôi đến trang điểm.

Do có mối quan hệ khá rộng với người đẹp nên đối tượng này rủ rê, lôi kéo rất nhiều người đẹp vào đường dây bán dâm cao cấp của riêng mình. Thậm chí, hoa hậu Mỹ Xuân, á khôi Thiên Kim cũng từng thông qua sự môi giới của Tuấn Anh để bán dâm!

Cũng theo cơ quan điều tra, liên quan đến đường dây bán dâm cao cấp, theo lời khai của các má mì, tú ông bị bắt thì có khá nhiều người mẫu, diễn viên điện ảnh, hoa khôi… từng tham gia bán dâm cho các đại gia thứ thiệt ở trong nước lẫn nước ngoài. Tuy nhiên, do không bắt quả tang nên cơ quan công an chỉ xử lý các đối tượng vừa bị bắt.

Hiện vụ án vẫn đang được tiếp tục điều tra, cơ quan công an đang khẩn trương truy bắt một đối tượng tên Huy nằm trong đường dây bán dâm cao cấp hiện đã bỏ trốn để xử lý hành vi “môi giới bán dâm”.
YẾN THANH