Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Nói và làm: Trên hô cắt giảm, dưới vẫn tiêu tiền?

(VEF.VN) - Những căn bệnh trầm kha của đầu tư như: chậm trễ, lãng phí, không hiệu quả, thất thoát và cả tham nhũng... ngày càng lộ ra nhiều. Ấy thế mà cho đến tận hôm nay, vẫn không một địa phương, đơn vị nào nhận mình là kém hiệu quả. Quyết tâm tái cấu trúc đầu tư lần này có được thực hiện nghiêm?
Tái cơ cấu kinh tế, trong đó vấn đề tái cơ cầu đầu tư, nhất là cắt giảm và nâng cao hiệu quả đầu tư công đã một lần nữa được đặt ra. Từ đầu năm 2001, đã có những yêu cầu cắt giảm, những con số và dự án bị cắt giảm được đưa ra đề phục vụ cho mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô.
Nay với mục tiêu dài hạn tái cơ cấu đầu tư, hướng tới tái cơ cấu nền kinh tế thì dù có rất nhiều việc phải làm nhưng một điều chắc chắn là sẽ phải cắt giảm đầu tư mạnh mẽ hơn. Đòi hỏi nhiều và lời hứa cũng nhiều nhưng đi kèm đó là có không ít hoài nghi về tính hiệu quả vì đã không dưới 1 lần việc nâng cao hiệu quả, cắt giảm đầu tư không thành, thậm chí đi ngược với mong muốn đề ra.
Trong vòng 3 năm, Việt Nam liên tiếp hứng chịu những khó khăn kinh tế và mỗi lần như thế đều có những giải pháp tổng thế được đưa ra, trong đó cắt giảm và nâng cao hiệu quả đầu tư là một yêu cầu quan trọng. Năm 2008, cắt giảm đầu tư công cũng đã được quyết liệt đưa ra nhưng kết quả cuối cùng thì không thể nói là thực hiện đúng.
Cụ thể, trong một báo cáo về vấn đề này, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho biết năm 2008 chi đầu tư phát triển vượt gần 20% dự toán (tương đương gần 129.000 tỉ đồng). Cụ thể hơn, khi Chính phủ yếu cầu cắt giảm, giãn hoãn dự án chậm tiến độ, thiếu hiệu quả, dừng dự án khởi công mới, các bộ ngành, địa phương và DN đều có báo cáo.
Dự kiến đến hết năm nay có gần 2.000 dự án và tiểu dự án được hoàn thành, nhưng số dự án còn dở dang lại lên tới hơn 2.300. Ảnh minh họa
Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) đã tổng hợp có 3.100 dự án kiến nghị cắt, tương đương 37.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc thanh, kiểm tra dự án sau khi được cắt giảm, được tiếp tục khởi công đã không được làm rốt ráo. Thậm chí, có tới 40 bộ, ngành, được bố trí 11.706 tỉ đồng, không cắt giảm được công trình, dự án nào. Một số địa phương như Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Lâm Đồng không thực hiện công tác rà soát, cắt giảm các dự án công.
Mới đây, số liệu của báo cáo được Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội dẫn ra cho thấy, tổng mức vốn trái phiếu Chính phủ cho giai đoạn 2003-2010 được phê duyệt là 63.064 tỉ đồng. Sau nhiều lần điều chỉnh danh mục, tổng mức đầu tư, nhu cầu vốn đã lên đến 641.770 tỉ đồng vào cuối năm nay, gấp hơn 10 lần con số đề ra. Và thực tế, trong bảy năm (2003-2010) đã bố trí 236.770 tỉ đồng, tức là mức chi thực tế đã gấp gần 4 lần dự tính.
Dự kiến đến hết năm nay có gần 2.000 dự án và tiểu dự án được hoàn thành, nhưng số dự án còn dở dang lại lên tới hơn 2.300. Và chỉ để hoàn thành các dự án trong danh mục nêu trên, không tính thêm các dự án mới, trong năm năm tới, cần bố trí thêm 405.000 tỉ đồng nhu cầu vốn. Nếu tính cả trượt giá sau năm năm, con số này là tròn 500.000 tỉ đồng.
Từ hai kết quá trên có thấy, cắt giảm đầu tư luôn có khoảng cách giữa nói và làm. Mục đích đề ra tốt đẹp, không khí vào cuộc rầm rộ, báo cáo đầy đủ nhưng kết quả luôn sai lệch xa so với mong muốn và mục đích ban đầu..
Không xét lại nhưng nguyên nhân nhưng tất cả đều có chung nhận định, chúng ta thu tăng đều và chi cũng tăng đều và trải đều. Ai có cũng phần và ai cũng vừa ý... nên dù hiệu quả đầu tư ngày càng thấp đi khi chỉ số ICOR (hệ số sử dụng vốn) ngày càng tăng cao.
Những căn bệnh trầm kha của đầu tư như: chậm trễ, lãng phí, không hiệu quả, thất thoát và cả tham nhũng... ngày càng lộ ra nhiều. Ấy thế mà cho đến tận hôm nay, vẫn không một địa phương, đơn vị nào nhận mình là kém hiệu quả. Ngược lại cũng không có một đánh giá, kiểm soát nào từ các đơn vị quản lý, giám sát chỉ rõ ở đâu kém hiệu quả... và tất nhiên là cũng không có ai bị quy trách nhiệm về chuyện này. Vì thế, không có gì lạ khi yêu cầu tăng hiệu quả, đòi hỏi cắt giảm đầu tư nhưng rồi vốn vẫn cứ tăng, công trình ngày vẫn mở ra nhiều hơn còn hiệu quả càng đi xuống.
Nói cho cùng, đó chính là kỷ luật đầu tư chưa nghiêm. Dễ dãi với nhau, dễ dãi với chính mình nên không nỡ làm ai bị thiệt, làm ai mất lòng để rồi tất cả đều được duy chỉ có ngân sách nhà nước và hiệu quả cho nền kinh tế là mất mà thôi. Chuyện cứ lặp đi, lặp lại như thế cho nên khi thực hiện Nghị quyết 11. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư cam kết lần này sẽ làm khác năm 2008 nhưng nhiều người vẫn hoài nghi. Bởi vì, cắt giảm, tái cơ cấu đầu tư là một chương trình lớn, kéo dài và động chạm tới rất nhiều nơi, nhiều lợi ích, đòi hỏi sự thực hiện nghiêm minh và quyết liệt.
Và để thực hiện tốt điều này, chính mỗi đơn vị DN, địa phương cho đến cơ quan quản lý cao cấp, cơ quan giám sát trước hết phải nghiêm với chính mình. Chống lạm phát, dài hơi hơn là tái cơ cấu nền kinh tế là một nhiệm vụ khó khăn với nhiều vấn đề phức tạp. Để tạo được sự đồng thuận trong thực hiện, không có cách nào hơn là chính các cơ quan nhà nước phải làm nghiêm với chính mình để cho mọi người tuân thủ.
Không thể tiếp tục tình trạng, đề ra mà không tái thực hiện, báo cáo sai lệch với thực tế như thời gian qua... Sự dễ dãi đó đã phá sản những mong muốn tốt đẹp, đưa kinh tế lún sâu vào căn bệnh trầm kha. Cũng như mọi lần, bệnh đã được nhận ra, thuốc cũng đã được kê toa nhưng việc thực hiện đúng với phác đồ điều trị hay không vẫn là một yếu tố chưa bao giờ được khẳng định là thực hiện nghiêm và kết quả luôn khác xa với mong muốn.

Lê Khắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét