Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

THẰNG BÉ NGỒI TUM

Một buổi trưa, trời nắng chói chang như đổ lửa. Ông Hương Tuần và những người lớn bận đi đâu đó, không ai nằm tum. Ngọc, lúc ấy, lên bảy, tám tuổi, tò mò cũng muốn biết nằm tum đâm cá bông như thế nào ?
Trời đứng bóng, đem mũi chĩa xuống xuồng cùng với đồ nghề có sẵn trong xuồng, Ngọc bơi xuồng ra cái tum gần nhà nhứt, ở phía sau hè, cách vài chục mét. Đang nằm quan sát những con cua, tôm tép và cá nhỏ qua lại, bỗng một con cá bông trông dữ tợn khủng khiếp, to như một cái gối ôm, xuất hiện nhìn sững vào lỗ tum như muốn chạm vào mặt của Ngọc đang dí mắt quan sát theo dõi rình tìm cá. Tiếp theo một đàn cá bông đông nghịt chạy rượt làm mặt nước trong tum nổi sóng.  Con cá bông lớn quá, to quá, trong đời Ngọc chưa thấy lần nào, nó rất dạn, hai mắt nhìn thẳng vào mặt của Ngọc như chực muốn táp lên, Ngọc hoảng sợ, tốc mền, la lớn :
     - Má ơi ! Có cá bông lớn lắm, mau kêu ai ra đâm, con sợ quá.
     - Mầy  nằm  yên  chờ tao. Cũng  may chú Búp vừa về đến, chú nói tiếp :
     - Đừng làm động, cá đi hết, tao ra liền.
Ngọc vững bụng. Chú Búp là bà con xa với ông Hương Tuần, Ngọc rất kính phục vì chú là người làm công siêng năng, giỏi nhứt lại võ nghệ cùng mình, có chú Búp mọi việc khó khăn gì kể như xong.
Chú Búp chống xuồng thật nhanh, cây sào cong lại như muốn gãy dưới sức mạnh khủng khiếp của chú. Ra đến tum, bảo Ngọc ngồi yên, chú lấy mền trùm đầu lại, nằm yên lặng chờ đợi đàn cá quay lại. Chừng mươi phút, có đàn cá bông đến tum, Ngọc nghe tiếng nước lụp bụp vì đàn cá đang vào tum ngớp trên mặt nước, không biết đàn cá cũ trở lại như lời chú Búp nói hay là đàn cá khác.
Một cú đâm mạnh, Ngọc nghe một cái rột và tiếp theo tiếng động khác bựt, bựt, chú Búp nói lớn :
     - Ngọc, tao đâm được con cá tổ chản, lớn nhứt đám, chiều nay tha hồ mà ăn món tả pín lù.
Chú còn bảo :
     - Mầy đến đây, giữ chặt cây chĩa, tao phải lặn xuống đập con cá nầy chết mới đem lên an toàn, nó mạnh, dữ quá, sẩy uổng lắm.
Vừa nói, chú kéo tay Ngọc ấn vào cán chĩa bảo giữ chặt và ấn mạnh xuống đất, còn chú cởi quần xà lỏn ra, cầm theo một khúc cây, tuột xuống nước, phía ngoài tum. Lặn vào tum, Ngọc quan sát theo dõi, chú Búp đập ba bốn cái thật mạnh vào đầu, máu cá loang ra thật nhanh. Một tay cầm khúc cây nâng mình cá, tay kia cầm cán chĩa nhấc lên. Ngọc hiểu ý, rút cây chĩa lên nhanh, cũng vừa lúc chú Búp hết hơi phải vọt ra ngoài tum, ngoi lên mặt nước thở.
Chú nói lớn :
     - Mầy cố giữ yên, tao lên liền.
Không  cần  mặc quần vào, ở truồng tồng ngồng, chú nắm cây chĩa, Ngọc đang đỏ mặt vì sức nặng của cá. Chú bảo Ngọc tiếp tục giữ cây chĩa, một tay chú cho vào móc mang cá, còn bàn tay kia bợ mình cá nâng lên.
Chú lại ra lệnh :
     - Mầy kéo chĩa lên nghe, coi chừng bị vướng miệng tum.
Hai chú cháu hì hục đưa được con cá bông quá xá cỡ nầy ra khỏi miệng tum, cho xuống xuồng. Cả hai không nằm tum nữa, bơi xuồng vào nhà. Cả xóm nghe đâm được cá bông tổ bà nái bơi xuồng đến xem. Từ đầu mùa đâm cá bông đến nay, chú cháu Ngọc đâm được con cá bông lớn nhứt, dài gần cả thước, như một cái gối ôm to. Sau nầy, lớn lên, Ngọc nhớ lại kỷ niệm không bao giờ quên này, con cá bông đó chắc cũng khoảng mười kílô. Ông Hương Tuần phỏng đoán con cá bông nầy sống sót cũng được bốn, năm năm.
Người lớn, khỏe, thường nằm tum, còn người yếu sức hoặc nhỏ như Ngọc thì ngồi để có thế và đủ sức mạnh đâm nhanh xuống cá. Ăn quen, Ngọc thường ngồi tum. Có một lần chừng sau mười phút, Ngọc thấy năm, bảy con cá bông lội tới. Ngọc nhớ lời chú Búp dặn bảo truyền nghề, khi đâm cá bông phải đâm từ sau tới ngay cổ cúc của cá. Nếu mũi chĩa phóng từ trước mặt, cá bông rất tinh ranh, nhìn thấy bóng mũi chĩa, né tránh rất nhanh tài tình, khó trúng được. Áp dụng bài học ấy, Ngọc đâm được một cá bông trên dưới 2 ky ïlô. Lại ngồi tiếp, Ngọc đâm thêm một con cá bông nhỏ hơn, hai con cá rô biển cũng thuộc loại cá biết nói, to bằng một cái dĩa vừa.. Ngồi tum thêm chốc lát nữa nhưng cá không còn qua lại và bóng râm của tum bắt đầu xê dịch ra khỏi tầm nhìn. Chống xuồng về, mang theo bốn con cá mà Ngọc ngồi tum đâm được lần đầu tiên. Dù tuổi con nít nhưng Ngọc nhờ theo mấy chú làm công phụ giúp cho ông Hương Tuần nên Ngọc học được nhiều cách bắt, đâm chuột, rắn, lươn, rùa, cá và cách làm những món ăn da î chiến  ở giữa đồng nội. Người lớn không cho con nít ngồi tum, sợ chúng không biết cách đâm cá bông làm động, cá không dám vào tum nữa.         o
Thịt cá bông rất ngon, cá càng to, dai, càng ngon, ngọt. Món cá bông tả pín lù hay món cá tái thì khỏi nói, các tay nhậu chịu lắm.
Món tả pín lù mà dân quê thường gọi: Thịt cá bông thái nhỏ nhúng vào nước dấm có pha đường hoặc nước dừa đun sôi. Ở thành thị, món tả pín lù được làm với nhiều loại cá thịt, nào là thịt bò, tôm, mực tươi và cá, cá bông hay cá lóc hoặc loại cá lớn khác. Còn ở nhà quê món tả pín lù độc nhất chỉ có cá, khi nào không có cá bông, cá hô người ta dùng cá lóc, còn các loại cá khác thì không có trong món ăn này. Ăn món tả pín lù mà thiếu các loại rau, dưa thì đâu có ngon lành gì đâu.
Còn món cá tái của nhà quê : nước dừa lửa, loại trái dừa màu vàng nâu sẩm, nước có vị hăng vì có "ga", một loại nước dừa uống vào lưỡi bị tăng tăng. Dân quê dùng nước dừa lửa, nhúng thịt cá bông, cá lóc, hoặc tôm hay thịt bò thái thật mỏng. Khi miếng thịt cong co lại và tái một chút là người ta đem ra ăn với tương hột đâm nhuyễn có rắc đậu phộng rang đâm nhỏ hoặc nước mắm nêm, mắm tôm, hay nước mắm chanh, nước mắm me. Ở nhà quê làm món ăn, nước chấm rất đa dạng linh động, không khe khắt như ở thành thị. Ở nhà quê quan niệm có gì làm nấy, hơn nữa làm sao có nhiều chỗ bán mà mua, nên những món ăn không có cầu kỳ, rất bình dân đại chúng. Có những món ăn ngon mà không biết nhấm nháp một tí rượu để đưa cay, xin lỗi, chết còn sướng hơn phải không mấy ông liền ông? mấy ông lưu linh ?
Cá bông hấp lá dứa, lá bầu rồi rưới mỡ phi hành thơm phức cuốn bánh tráng, bún, rau sống thì làm sao không mê được. Còn cá bông nướng trui thì thơm không thể tả. Bộ ruột   để  nguyên vậy cho vào tô nước mắm me, ớt làm cho nước mắm đậm đã ngon thêm và người nào làm chủ xị được thưởng bộ ruột nầy. Nhiều con cá bông hoặc cá lóc lớn quá, có cả trứng nữa thì hai ba người chia đều cùng cụng ly "vô" một cái ọt ngọt xớt, hết sẩy. Cá bông và cá lóc có những món ăn giống nhau. Cá bông ít hơn cá lóc, cá lóc lại sống dai hơn cá bông nên ở thành thị người ta chỉ biết nhiều về cá lóc. Ở thành thị thường ăn "khô" gọi là cá lóc nhưng những con thật to, dầy thịt và dai nữa đó là cá bông làm khô. Cá bông, cá lóc làm hàng chục món ăn, ngoài những món độc đáo là tả pín lù, tái, nướng trui, hấp, người ta còn nấu canh chua, nấu với các loại canh rau, kho mắm, chiên, xào với đậu ô-ve, rau muống, kho mặn, kho tộ, làm mắm, làm khô. Món nào cũng ngon, cũng hấp dẫn không những hấp dẫn cho dân nhậu mà ngay cả các bà cũng khoái, cũng mê.
Kỷ niệm thời thơ ấu, một kỷ niệm khó quên. Năm 1947 cả dòng họ của Ngọc đều nghe theo lời ông Hương Tuần tản cư ra thị xã Châu Đốc. Ấp Bà Bài, quân lính  Pháp thường bố ráp, bắt bớ dân thường xuyên, chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh càng ngày càng khốc liệt. Một đoàn ghe xuồng lớn nhỏ của ông Hương Tuần có đến hơn một chục chiếc. Trên một chiếc ghe Cà Vom lớn, đầu mũi có làm thêm một cái nhà nhỏ đủ để bộ bàn ghế tiếp khách, một cái đi văng và một tủ thờ; ở lái ghe cũng có che làm một cái nhà nhỏ nữa, chỗ làm bếp núc.
Đoàn ghe đậu san sát gần nhau. Lúc ấy, Ngọc mười hai tuổi, học lớp ba trường tỉnh. Sau Tết Nguyên Đán, từ tháng giêng đến đầu tháng tư, trời nắng gắt như thiêu như đốt. Đoàn ghe của đại gia đình Ngọc đậu kề nhau trong một vũng sâu, phía ngoài là con sông nhỏ chảy ngang qua. Dân quê Bà Bài dù ra thị thành, nhưng bản chất mưu sinh bắt cá ở nhà quê được mang theo. Gia đình Ngọc bỏ lại ở quê : nhà cửa, ruộng nương, chỗ  chôn  nhau cắt rún nhưng những cái mũi chĩa, loại mũi chĩa hình tam giác, mũi chĩa sa di, mũi chĩa đâm cá lìm kìm lại được đem theo. Những mũi chĩa làm bằng cây kèo dù không có ngạnh, làm thành hình ống tròn nhỏ để đâm cá lìm kìm, còn được gọi là cá nhái, một loại cá mình dài, tròn, mỏ nhọn dài, con to nhứt chỉ bằng ngón tay cái là cùng và dài chừng hai tấc. Món khô cá kìm nhậu rất bắt, mà phải chấm với nước me chua sống, ít dùng me chua chín. Còn món kho tiêu cá kìm cũng độc đáo không thua gì món cá lòng tong kho tiêu, kho quéo, kho tộ.
Mỗi ngày, Ngọc học hai buổi, trưa về ăn cơm xong, dò lại bài vở cho buổi chiều. Trước khi đi học, khoảng từ một giờ đến một giờ rưỡi trưa, chỉ ba mươi phút mặt trời nghiêng bóng, nắng đổ lửa, gió im phăng phắc, người lớn đang ngủ, trẻ con thì chơi giỡn, đâu có đứa nào chịu ngủ trưa. Khi phát hiện những con cá bông hoặc cả bầy vài chục con núp bóng mát của chiếc cà vom khi ánh nắng chênh chếch. Điểm đặc biệt của cá bông, khác hơn các loại cá khác, trời nắng gắt có bóng mát chúng vào đụt, im lìm như nghỉ ngơi, tìm giấc ngủ. Ngọc lấy mũi chĩa ba kết hàng ngang nhỏ, nhẹ hơn mũi chĩa ba hình tam giác khó mà phóng xa được, có buộc một đoạn dây dài. Ngọc rình xem coi có con cá bông lớn nào nằm ở chỗ thuận tiện dễ đâm.
Rón rén bước nhẹ, rình rập, nước trong, trời nắng gắt, không gió thấy cá rất rõ và hai con mắt của cá bông cũng đang nhìn lại. Ngọc lựa thế, phóng mạnh cây chĩa xuống, hầu như mỗi cú phóng, đâm như vậy đều dính một con cá bông. Bóng mát một chiếc ghe dù có dài, rộng bao nhiêu đi nữa khi bị động vì nhát phóng của cây chĩa và sự vẫy vùng của con cá làm cho cả đàn, bầy cá lặn mất. Ngọc thường đâm được một, hai con vào các buổi trưa ngày đi học. Còn những buổi chiều thứ năm, chiều thứ bảy cũng như chủ nhựt nghỉ, có nhiều thời giờ hơn, Ngọc hoặc người lớn đâm được nhiều cá bông hơn.
Đâm cá bông đụt bóng mát như thế nầy mỗi chỗ chỉ đâm vài lần, cá bị động và sợ nên bỏ đi nơi khác. Ghe xuồng của đại gia đình Ngọc và bà con có đến mấy chục chiếc gần nhau nên Ngọc đâm cá bông cũng được một thời gian vài tuần. Yếu tố chính của việc đâm cá bông buổi trưa, trời thật nắng và lặng gió, ghe xuồng không bị nghiêng qua lắc lại, bị động cá bông sợ lặn mất. Người đâm cá bông phải bình tĩnh không bộp chộp, lựa con cá nào đầu quay về hướng khác, không hướng về phía mũi chĩa lao tới. Cá bông rất tinh mắt, lách, tránh né tài tình. Rất nhiều người ngồi tum hoặc xách chĩa đi tìm cá bông "đụt" trong bóng mát đâm, nhưng có người đâm được nhiều, có người đâm chẳng được con nào hoặc đâm được rất ít. Đó cũng là khiếu, bí quyết kỹ thuật hay nói cách khác, như người bình dân, sát cá. Câu cá cũng vậy, cùng ngồi câu ở chỗ gần nhau, người thì câu giựt lên liền liền, người thì ngồi cả tiếng đồng hồ không có con cá nào đớp mồi, "sát cá" là như thế đấy.
Thói quen của cá bông mà các lòai cá khác thường ít gặp, là hễ trời nắng gắt chúng tìm bóng mát đụt. Vì vậy người ta làm tum chỉ để đâm cá bông.
Bóng râm của những chiếc ghe lớn cũng là chỗ nghỉ ngơi lý tưởng buổi trưa của cá bông. Khi bị động ở ghe này, cá bông lại tìm đụt nắng ở bóng râm ghe khác.
Đâm cá bông vừa có món cá ăn ngon, vừa sinh lợi đem đi bán hoặc làm khô làm mắm, và cũng là thú vui có cảm giác mạnh của người nông dân.

Chuyện Đồng Quê - Trần Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét