Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

"Không nên chỉ dựa vào cây lúa để làm giàu"

(TBKTSG Online) - Mặc dù Cục trồng trọt cho rằng để giúp người dân cải thiện đời sống thì phải làm thêm vụ lúa thu đông (vụ 3) nhưng với Giáo sư Võ Tòng Xuân - một chuyên gia về nông nghiệp thì không hẳn như vậy, vì theo ông, cây lúa không thể giúp người nông dân giàu lên được.
TBKTSG Online: Đã có nhiều ý kiến khác nhau về chuyện không nên làm vụ lúa 3 ở ĐBSCL nhưng Cục trồng trọt vẫn cho rằng để cải thiện đời sống người dân thì tăng diện tích lúa vụ 3 là một trong những điều tất yếu. Ông có ý kiến gì về vấn đề này ?
- Giáo sư Võ Tòng Xuân: Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng để giúp người dân cải thiện đời sống thì phải làm thêm lúa vụ 3. Thực tế, mấy năm nay, số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đều tăng nhưng chưa hẳn đời sống người dân tốt hơn mà ở một khía cạnh khác là chúng ta xuất khẩu càng nhiều gạo chẳng khác nào bảo hộ cho những nước mua gạo của Việt Nam. Đơn giản, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn ở mức thấp hơn Thái Lan, nếu cao hơn thì khó bán. Mỗi năm chính phủ phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng, nạo vét kênh mương, đó là chưa kể tiền hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh nhưng số tiền bỏ ra này không được tính vào giá thành sản xuất lúa. Đó là lý do, tôi nói tại sao chúng ta xuất khẩu càng nhiều gạo là càng bảo hộ cho những nước nhập khẩu gạo từ Việt Nam.
Vì thế, theo tôi ngành nông nghiệp không cần phải tiếp tục duy trì quan điểm làm lúa vụ 3 để giúp người dân cải thiện đời sống. Thay vào đó, chúng ta phải thay đổi tư duy về làm giàu trong nông nghiệp.
Ông có thể nói cụ thể hơn về việc thay đổi tư duy như thế nào?
- Sản xuất lúa vụ 3, người dân phải bỏ tiền của, sức lực để đắp đê ngăn lũ nhằm tăng thêm 1 triệu tấn lúa góp phần vào xuất khẩu gạo. Giả sử, trong vài ngày tới, nước lũ tiếp tục lên thì nhiều diện tích lúa vụ 3 sẽ bị mất trắng, thiệt hại rất lớn.
Đã đến lúc nhà nước phải cân nhắc trong việc chọn hướng phát triển nông nghiệp sao cho nông dân giàu mà không gây ra những vấn đề về môi trường. Đất nước Hà Lan có diện tích gần tương đương với Việt Nam mà sản xuất nông nghiệp đạt 29,7 tỉ đô la Mỹ (năm 2009), trong khi cả nước ta chỉ sản xuất được 21 tỉ đô la Mỹ. Hà Lan không làm giàu với cây lương thực mà là với cây hoa và sản phẩm chăn nuôi.
Vậy theo ông, nếu không trồng lúa thì nên trồng cây gì?
- Tôi thấy, ở đồng bằng sông Hồng, cây lúa muốn phát triển phải chống lại mấy "kẻ thù" như rét đậm, rét hại, chống úng rồi chống hạn. Chúng ta không thể chống lại thiên nhiên mà thay vào đó tận dụng thiên nhiên để làm giàu. Thời tiết ở các tỉnh phía Bắc rất thích hợp với cây khoai tây, ví dụ như ở Thái Bình. Nếu trồng khoai tây, người dân sẽ thu hoạch vào tháng 2, 3, lúc này ở châu Âu đã vào cuối vụ khoai tây, giá khoai tây cao, chỉ cần xuất qua đó là giàu rồi, đầu cần phải trồng lúa.
Giả sử các quan chức ngành nông nghiệp vẫn bảo lưu ý kiến tiếp tục mở rộng diện tích lúa vụ 3, là một chuyên gia về nông nghiệp, ông thấy như vậy có ổn không?
- Hiện một héc ta sau 3 vụ lúa người dân thu thu hoạch khoảng 14-15 tấn lúa. Tuy nhiên, ở huyện Tân Hiệp, Kiên Giang từ trước đến nay nông dân chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm nhưng vẫn thu được trên 14 tấn lúa/héc ta/năm. Nếu sau khi trừ chi phí đầu vào như phân bón, giống, thuốc trừ sâu thì người dân làm lúa ở Tân Hiệp vẫn có lời hơn người dân làm 3 vụ/năm ở An Giang, Đồng Tháp. Như vậy, làm 3 vụ lúa/năm chưa chắc đời sống của người nông dân sẽ khá hơn.
Xin cảm ơn ông!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét