Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Khi xe buýt cũng biết "hành là chính"

Tuanvietnam - Vệ Đình

Xe buýt là một phương tiện văn minh, hiện đại, được áp dụng và nhận được sự ủng hộ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nhưng tại Việt Nam, ngay cả vị lãnh đạo của một đơn vị vận tải xe buýt như ông Nguyễn Trọng Thông cũng phải thừa nhận là: "Chưa thấy ai khen xe buýt, nhưng la ó thì nhiều". Đây quả là một thực tế đáng buồn và nhất định phải thay đổi.
Cứ ngỡ nạn chèn ép, hành hung hành khách như đã từng xảy ra trước đây trên những chuyến xe khách đường dài đã là quá vãng thì nay nó lại xuất hiện, ngay tại nơi phố thị, trên những chuyến xe được quảng bá với rất nhiều mỹ từ như: An toàn, văn minh, lịch sự....
"Hung thần" nội thị?
Vào ngày 22.10 vừa qua, trên chuyến xe buýt BKS 30K-1550, chạy tuyến 34, lái xe Đỗ Hữu Long và nhân viên bán vé Nguyễn Chí Thanh đã có hành vi đạp, đánh và bắt hành khách, là anh Nguyễn Ngọc Phúc, phải quỳ xin thì mới cho xuống xe. Sự việc này ngay lập tức đã khiến cho nhiều người bất bình và căm phẫn.
Đáng nói là cách hành xử theo lối côn đồ và vô văn hóa này của nhân viên xe buýt không phải là cá biệt.
Vào ngày 11.3.2011, khi đón xe buýt để đến trường dạy học, thấy 2 cửa xe buýt đều mở, ông Nguyễn Hoài Giang bước lên cửa sau thì bị tài xế xe mang BKS 53N-4160 của Công ty Citranco, tên Võ Hồng Chiên truy cản với lời lẽ xúc phạm. Khi ông giải thích do không biết và đề nghị tài xế không được xúc phạm, ông bị tài xế đấm vào bụng 2 cái. Khi hành khách trên xe phản ứng thì tài xế trên mới chịu thôi.
Cũng tại TP.HCM, vào ngày 21.05.2009, trên chuyến xe buýt mang BKS 53N- 4382 đi từ Bến Thành về Q.12, khi hành khách là anh Thân Minh Ngọc yêu cầu phụ xe mở máy lạnh vì quá nóng, phụ xe đã từ chối vì lý do vận hành máy lạnh sẽ tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn. Thế là đôi bên lời qua tiếng lại và phụ xe Trần Văn Long đã dùng khối gỗ đánh vào đầu anh Ngọc, máu chảy đầm đìa.
Và còn rất nhiều sự việc khác tương tự đã xảy ra với cách thức và mức độ khác nhau. Chuyện lời qua tiếng lại, quát nạt, chửi bới, nhồi nhét ... hành khách đã là "chuyện thường ngày ở huyện" mà rất nhiều người đã phản ánh.
Không chỉ phục vụ khách theo kiểu...hành, xe buýt luôn là nỗi ám ảnh thường trực cho người đi đường. Có rất nhiều vụ ùn tắc giao thông hay tai nạn gây chết người do xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu, lấn tuyến, tranh giành hành khách... đã xảy ra. Nếu gọi những chiếc xe ben là hung thần trên xa lộ thì xe buýt xứng đáng được gọi là hung thần trong nội thị. Đến nỗi có người còn ví xe buýt bằng một hình ảnh rất ấn tượng, đó là những chiếc quan tài bay.
Xe buýt từ lâu đã nhận được sự ưu ái đặc biệt của ngành GTVT nói riêng và của xã hội nói chung. Trên nhiều tuyến đường, mặc dù cấm xe ô tô nhưng xe buýt vẫn được lưu hành. Thường thì tài xế xe buýt chẳng xem CSGT ra gì khi hàng ngày vẫn ngang nhiên phạm luật. Đồng thời, xe buýt đang nhận được sự trợ cấp rất lớn từ ngân sách Nhà nước.
Phải chăng xe buýt đang tự xem mình là đứa con cưng, do được quá nuông chiều nên mới ra cơ sự như ngày hôm nay?
Sau khi bị đánh và bắt quỳ, anh Phúc được tài xế cho xuống bằng cửa trước. Ảnh: Tiến Dũng - VNE
Văn hóa xe buýt... báo động đỏ?
Mặc dù đã được phản ánh rất nhiều nhưng đến khi xảy ra sự việc tài xế, phụ xe buýt bắt hành khách phải quỳ lạy, van xin mới mở cửa cho xuống thì đã đến lúc nạn hành xử thô bạo, vô văn hóa của nhân viên xe buýt nói chung đã thực sự cần báo động đỏ.
Không ai cho phép một người phụ xe, tài xế xe buýt có quyền hạch sách, dọa nạt, hạ nhục, thậm chí đánh đập... hành khách, nhưng phải chăng vì thiếu văn hóa hay tiêm nhiễm thói cửa quyền, hách dịch từ cấp trên của mình mà ra?  Hay do được quá ưu ái quá nhiều nên họ đã lầm tưởng rằng mình có quyền ban phát dịch vụ vận tải cho người khác? Lý nào xe buýt cũng được quyền "hành là chính" như vốn thấy ở các cơ quan công quyền?
Trong quá trình tìm kiếm giải pháp cho nạn ùn tắc giao thông đang là nỗi nhức nhối của xã hội hiện nay, xe buýt dường như là lối thoát duy nhất trong ngắn hạn, thì sự việc trên, tiếc thay chẳng khác nào như một cái tát, tát thẳng vào mặt những nhà quản lý, điều hành ngành GTVT, mà cụ thể là lời kêu gọi đúng đắn của Bộ trưởng Đinh La Thăng, hạn chế xe cá nhân để sử dụng xe buýt.
Theo các số liệu thống kê thì hiện nay, tại TP.HCM xe buýt chỉ đáp ứng khoảng 7.5% nhu cầu đi lại của người dân. Còn đối với Hà Nội con số đó là khoảng 10%. Đối tượng chính sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển thường là học sinh, sinh viên, công nhân và người thu nhập thấp.
Điều  này cho thấy khả năng đáp ứng của xe buýt còn rất hạn chế so với nhu cầu đi lại và chưa nhận được sự ủng hộ của mọi thành phần trong xã hội. Có nghĩa là khả năng phát triển của xe buýt là rất lớn. Xe buýt hoàn toàn có thể thay thế các phương tiện di chuyển khác nếu cải thiện được chất lượng và hình ảnh của mình.
Theo ông Nguyễn Trọng Thông, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) thì: "Chất lượng dịch vụ xe buýt được cấu thành bởi 5 yếu tố: Chất lượng mạng lưới tuyến xe buýt; chất lượng hạ tầng xe buýt; chất lượng đoàn phương tiện; chất lượng đội ngũ công nhân lái xe-nhân viên bán vé và chất lượng kiểm soát- điều hành". Trong 5 yếu tố trên thì chất lượng đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ là tương đối độc lập, không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài như cơ sở hạ tầng hay tài chính và có thể điều chỉnh ngay nếu được quan tâm đúng mức.
Lời giải cho thực trạng này không ở đâu xa mà ở ngay trong chính các đơn vị vận tải xe buýt nói riêng và ngành GTVT nói chung. Quan trọng là những người có trách nhiệm đủ can đảm đối diện với sự thật và xắn tay áo lên giải quyết. Chỉ khi nào bài toán chất lượng xe buýt được giải quyết thì mọi cố gắng cứu vãn nạn ùn tắc giao thông và "văn hóa xe buýt" mới đi vào cuộc sống.
Hiện nay, công tác tuyển dụng, đào tạo nhân viên xe buýt tương đối đơn giản. Với mỗi nhân viên, sau khi được tuyển dụng thì chỉ được làm quen với công việc thực tế vài ngày là có thể chính thức nhận việc. Yêu cầu chính là phải đảm bảo đúng tuyến, đúng giờ còn công tác đào tạo, bồi dưỡng về văn hóa giao tiếp nơi công cộng hầu như không có, mà đây mới chính là yếu tố chính tạo nên chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân viên xe buýt.
Trong khi đó, hình thức xử phạt nặng nhất mỗi khi nhân viên xe buýt xô xát, thậm chí đánh đập hành khách vẫn chỉ dừng lại ở mức buộc thôi việc. Với công tác đào tạo và mức xử phạt như thế này thì tình trạng đối xử thô bạo, vô văn hóa với hành khách vẫn sẽ còn kéo dài chưa có hồi kết.
Xe buýt là một phương tiện văn minh, hiện đại, được áp dụng và nhận được sự ủng hộ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nhưng tại Việt Nam, ngay cả vị lãnh đạo của một đơn vị vận tải xe buýt như ông Nguyễn Trọng Thông cũng phải thừa nhận là: "Chưa thấy ai khen xe buýt, nhưng la ó thì nhiều". Đây quả là một thực tế đáng buồn và nhất định cần thay đổi.
Lời giải cho thực trạng này không ở đâu xa mà ở ngay trong chính các đơn vị vận tải xe buýt nói riêng và ngành GTVT nói chung. Quan trọng là những người có trách nhiệm đủ can đảm đối diện với sự thật và xắn tay áo lên giải quyết. Chỉ khi nào bài toán chất lượng xe buýt được giải quyết thì mọi cố gắng cứu vãn nạn ùn tắc giao thông và "văn hóa xe buýt" mới đi vào cuộc sống.
Luật sư phân tích hành vi tài xế buýt bắt khách quỳ
Về khách thể của tội phạm: Làm nhục người khác là hành vi của 1 người dùng lời nói hay hành động làm ảnh hưởng nghiệm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.
Mặt khách quan của tội phạm: Tội phạm được thể hiện ở hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nạn nhân. Đó là cố ý hạ thấp nhân phẩm, danh dự người khác hoặc làm mất uy tín, nhân cách của người đó đối với người thân trong gia đình, bạn bè, cơ quan hay nơi họ sinh sống, nơi công cộng.
Việc xúc phạm này thể hiện bằng lời nói như chửi rủa, sỉ nhục ở nơi đông người, bằng chữ viết, vẽ hay những hành động có tính chất bỉ ổi như nhổ nước bọt vào mặt, ném phân, cà chua, trứng thối vào người, lột trần truồng nạn nhân ...
Hành vi làm nhục người khác có thể được thực hiện công khai trước mặt hoặc vắng mặt nạn nhân nhưng người phạm tội có ý thức để cho nạn nhân biết việc lăng nhục đó vì động cơ cá nhân.
Sự xúc phạm nhân phẩm, danh dự phải đến mức nghiêm trọng thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự. Đánh giá mức độ nghiêm trọng của hành vi phải căn cứ vào thái độ, nhận thức của người phạm tội; cường độ và thời gian kéo dài của hành vi; vị trí và môi trường xung quanh; vị thế, vai trò của người bị hại trong gia đình, tổ chức cũng như trong xã hội; dư luận xã hội về hành vi lăng nhục đó.
Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp
Chủ thể của tội phạm: Người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự
"Hành vi của tài xế xe buýt có những dấu hiệu của hành vi làm nhục người khác như Điều 121 Bộ Luật Hình sự đã quy định. Tuy nhiên, theo luật, cần phải xem xét kỹ mức độ nghiêm trọng của hành vi thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự".
Thanh tra Bộ GTVT cho biết, nếu quả đúng có sự việc lái tài xế và phụ xe chửi mắng, đánh hành khách và bắt quỳ gối thì sẽ sa thải 2 nhân viên này. Khả năng, cơ quan này sẽ chuyển hồ sơ sang Công an Hà Nội đề nghị xử lý hình sự.
Điều 121 Bộ Luật Hình sự - "Tội làm nhục người khác":
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai  năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
Luật sư Tạ Ngọc Sơn (Công ty Luật Kosy - 59 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội)
Nguồn: Người đưa tin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét