Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Khi người nghèo lâm bệnh

ND- Tôi quá hiểu những nỗi đau khổ của người lâm bệnh nặng và nỗi nhọc nhằn vất vả của gia đình họ. Có những người giàu lâm bệnh bỏ bạc tỷ đi nước ngoài điều trị; tiền mất người không cứu được. Vậy người nghèo, lâm bệnh nặng sẽ ra sao?

Theo thói quen cứ đến giờ ấy tôi ngồi bên quán cà-phê Tuấn "trâu vàng" ở phố Ðỗ Hành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chờ bạn. Ông là một "kênh" thông tin nhanh nhạy có hạng về đủ thứ chuyện trên trời, dưới biển khi hỏi là có. Hỏi ra mới biết: Ðêm qua ông mất ngủ vì cú điện thoại từ Nam Ðịnh lúc nửa đêm: Bác ra ngay cổng Bệnh viện Bạch Mai đón chồng cháu đang trên đường vào bệnh viện đã qua bến xe Nước Ngầm. "Nó" tức cháu gái ông điện từ Bệnh viện Ða khoa của tỉnh. Ông choàng tỉnh dậy, mặt hốt hoảng như nhà mất trộm vội phóng xe đến bệnh viện. Nhìn đứa cháu rể mới hôm nào còn khỏe mạnh, ôm bó hoa tươi tặng cháu gái mình nay mặt trắng bệch nằm trên băng-ca được mấy người đưa thẳng vào khám cấp cứu với chẩn đoán ban đầu là viêm tụy cấp. Sau là mật. Lần sau gặp ông, tôi được phân trần: "Một tuần qua, mọi sinh hoạt trong nhà tớ đảo lộn hết thảy như lạc rang với cát. Thằng Hiến là cháu rể mới, nói dại có mệnh hệ gì thì rõ khổ. Cô cháu ruột tôi lương ba cọc, ba đồng, đẻ đứa con trai đầu lòng sáu tháng tuổi. Bố nó tuy không có việc làm nhưng là trụ cột của cả nhà. May mà trong những ngày điều trị được bác sĩ phát hiện nó bị giun chui ống mật. Năm, sáu ngày nằm viện, gia đình tốn cả chục triệu đồng nhưng cả nhà cười tươi vì cháu Hiến thoát chết. Gia đình tôi trở về nếp sinh hoạt hằng ngày". Chẳng mấy khi... thôi nhé, phở, cà-phê sáng nay, tất tần tật để tôi thanh toán coi như ăn mừng vì qua cầu thoát nạn. Tôi cũng vui lòng với ông bạn "sờ đầu gối nói chân thật".
Sáng chủ nhật mới đây, tôi đến Nhà tang lễ Phùng Hưng, Hà Nội vĩnh biệt chú em cùng cơ quan vừa qua đời, phóng xe máy một mạch xuống Bệnh viện Bạch Mai để tự trả lời câu hỏi nêu trên. Bãi gửi xe nền bê-tông nằm sát đường Giải Phóng khá rộng.
Hỏi anh coi xe:
- Công suất của bãi chứa được bao nhiêu?
- Hai nghìn xe máy.
Anh trả lời, tôi hiểu sáng nay có từ hai đến ba, bốn nghìn người vào đây thăm người nhà ốm đau. Ðấy là chưa kể số bệnh nhân và người nhà thường xuyên chăm sóc bệnh nhân đang nằm chật cứng ở chuyên khoa. Ðã có lần anh Bùi Thành Chi, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, người Hải Phòng quả quyết: Người ra, người vào bệnh viện này còn đông hơn cả khu nghỉ mát Ðồ Sơn. Ðành là vậy. Vào tòa nhà cao sáu, bảy tầng ở ngay cổng bệnh viện mà ta quen gọi nôm na là nhà Việt - Nhật, trong "vai" đi thăm người nhà ốm, tôi gặp ở chiếu nghỉ cầu thang thoát hiểm tầng tư hai bệnh nhân chạy thận là Ðinh Văn Hoạch và Bùi Văn Biên. Quan sát khuôn viên trong tòa nhà này, tôi thấy người nhà bệnh nhân nằm ngồi la liệt ở chiếu nghỉ cầu thang các tầng cho thoáng. Ông Ðinh Công Hùng ở xóm 10, xã Sông Khoai, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh, là bố anh Ðinh Văn Hoạch nói: Gia đình tôi hoàn cảnh kinh tế cũng không đến nỗi đặc biệt khó khăn. Nhưng nông dân mà tất cả trông vào mấy sào ruộng; vài ba con lợn thì lấy đâu ra tiền khi lâm bệnh nặng, ở đây đủ mọi thứ phải tiêu pha. Tôi có may mắn hơn là cháu có thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo nếu không thì "chết đầu nước". Vì mỗi ca chạy thận tốn đến 1,2 triệu đồng. Chỉ riêng tiền ăn thôi, bố con tôi tằn tiện hết mức cũng tốn đến 70 nghìn đồng/ngày; chia thành sáu bữa. Buổi sáng, con ăn đồng bánh cuốn, đồng xôi còn bố gặm cái bánh mì với quả chuối nẫu mua ở chợ Phương Mai rẻ lắm. Tất cả dồn vào hai bữa chính, mỗi bữa ăn là 15 nghìn đồng/người. Ông Huỳnh bữa nào ăn không hết cơm đều đổ vào cặp lồng để lúc đói, làm vài thìa. Cùng cảnh ngộ như nhau, có người ý tứ xa gần hỏi: "Cơm trưa nay ông có mang về không?" Ông chợt hiểu và định bụng, nếu họ hỏi ông câu tiếp theo thì ông sẵn lòng đưa cặp lồng cơm cho họ vì không dám đưa cơm thừa. Có người còn xin ông vài hơi thuốc lá "cho đỡ nhạt miệng". "Ở giữa thành phố Hà Nội giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng đến chóng mặt; 15 nghìn đồng một bữa ăn thì quá kham khổ". - Anh Bùi Văn Biên, quê ở xã Hải Vân, huyện Hải Hậu, Nam Ðịnh chen vào: Ðồng tiền liệu đấy mà tiêu, liệu mà kéo, khi căng, khi chùng.
Người đàn ông ấy tầm dưới 40 tuổi, nước da trắng bệch kể với tôi: Sau khi ăn Tết Tân Mão, vợ chồng anh khóa nhà, đóng cổng; có mụn con (bị di chứng chất độc da cam, do ông nội bị nhiễm ở chiến trường nay cũng chưa làm xong thủ tục để hưởng chế độ) gửi anh trai nuôi dưỡng cho để chữa chạy ở các bệnh viện, tốn kém không kể xiết. Trước đây, một tháng anh mới được bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai phát hiện bệnh thận. Ở huyện Hải Hậu hiện có 30 nghìn người đi làm thuê, mướn ở các tỉnh, chủ yếu là làm thợ nề, xe ôm ở Hà Nội. Anh Biên là một trong số đó. Anh tâm sự: Vợ chồng cưới nhau được mười năm, tôi đi làm thợ nề, định bụng năm nay xây nhà cửa cho tươm tất cho bằng anh, bằng em. Ai ngờ đến nay trắng tay không còn đồng nào. Vợ anh động viên: Còn người thì còn của, cầm bằng bán nhà đi để chữa trị bệnh cũng lo được. Thế là "cái dây chun" đã căng đến mức không kéo được nữa. Anh sụt sùi khóc: Bán nhà đi thì vợ con ăn ở đâu, bệnh nặng thì phải chết. Thà chết sớm, vợ con còn nhà để ở.
Nói đoạn anh nằng nặc ôm túi bỏ bệnh viện về quê. May mà bác sĩ kịp thời khuyên bảo: "Người ta sinh ra đã có tiền ngay đâu, và khi chết cũng chẳng mang tiền đi được. Anh cứ ở lại đây chúng tôi sẽ hết lòng chữa trị. Mặc dù đã có thẻ bảo hiểm y tế nhưng anh vẫn lo ngay ngáy. Cứ mỗi lần chị vợ rời anh nửa giờ đồng hồ là anh phỏng đoán "lại ra phố gọi điện về quê vay tiền, xin tiền bố mẹ, anh em nội ngoại".
Tôi còn gặp ba bệnh nhân cũng đang điều trị tại đây. Ông Nguyễn Văn Lừng, 62 tuổi ở xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội lâm bệnh suy thận bảy năm nay. Ông kể: Nhà nghèo không dám vào bệnh viện, toàn uống thuốc thang vớ vẩn, càng uống bệnh càng nặng. Từ năm ngoái ông mới vào đây để chạy thận. Nhà có ba sào ruộng đã bán một sào được 200 triệu đồng (vào thời điểm Hà Tây vừa sáp nhập vào Hà Nội, đất bán được giá). Nay ông định bán tiếp một sào nữa, vì tiền sắp hết. Tuy được cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo nhưng mỗi tháng bệnh nhân được chạy thận 12 lần, mỗi lần bệnh nhân phải trả thêm 540 nghìn đồng, và 100 nghìn đồng tiền thuốc, tiền giường 15.000 đồng/ngày, tiền cơm và các khoản cho chi phí khác, nếu nghe bác sĩ dặn "nhớ ăn thêm hoa quả". Vị chi mỗi tháng ông tiêu tốn từ 13 đến 15 triệu đồng. Từ tháng 10 năm ngoái, chị Nguyễn Thị Thu, người thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, Bắc Giang vào chạy thận, không người chăm sóc vì chồng vừa phải lo việc đồng áng, vừa nuôi hai đứa con đang ăn học và một đứa bị bại não. Chị cũng phải đứt ruột bán hai sào ruộng được 100 triệu đồng mới dám vào viện. Chị Chu Thị Hân, ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội vào chạy thận ở đây mới được ba tháng, chưa bán được mảnh vườn chị phải vay nóng tiền chữa bệnh. Nhà nghèo, bệnh nặng chẳng những không có người chăm sóc lúc ốm đau, đã thế, hai người phụ nữ nông dân này lại còn rủ nhau đi nhặt đồng nát, nghĩa là nhặt từng cái vỏ chai, vỏ đồ hộp, tấm bìa các-tông, tờ báo cũ để bán mỗi ngày đỡ đần chồng con  được 20 nghìn đồng.
Anh Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc phụ trách kinh tế Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Hơn ai hết, tập thể những người thầy thuốc ở đây hằng ngày, hằng giờ trực tiếp chứng kiến gia cảnh những người nghèo lâm bệnh nặng. Bệnh viện đã xây nhà lưu trú giá rẻ (15 nghìn đồng/ngày) cho người nghèo (chắc gì họ dám thuê). Trực tiếp vận động các nhà hảo tâm trợ giúp, bệnh viện đã tổ chức bữa ăn miễn phí cho người nghèo mỗi tháng hàng nghìn suất ăn. Những người đặc biệt nghèo, chẳng may qua đời giữa lúc điều trị, bệnh viện đã phải trích cả quỹ phúc lợi giúp gia đình họ mai táng.
Những việc làm nghĩa cử của bệnh viện, sự hỗ trợ bằng việc cấp thẻ bảo hiểm y tế của Nhà nước -  theo tôi - dù sâu nặng đến đâu cũng chỉ giúp được phần nào người bệnh nghèo. Bởi vậy, phát huy truyền thống đạo lý lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, không chỉ gia đình, dòng tộc mà cả hệ thống chính trị cấp cơ sở, cấp dưới cơ sở (thôn, bản, khối phố) cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để giúp người nghèo. Ðó cũng là đối tượng hàng đầu cần được hưởng lợi từ chính sách bảo đảm an sinh xã hội của chúng ta trong tình hình hiện nay.
PHẠM ĐẠO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét