Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

CÁ NƯỚC NGỌT

Cá nước ngọt ở miền Tây Nam Phần có đến hàng trăm loài, từ cá nhỏ đến cá lớn nhứt như cá hô. Cá nhỏ nhiều nhứt là cá linh, cá chốt. Cá linh thường dùng trong cách ủ làm nước mắm, hoặc làm mắm; cá chốt làm mắm và nhiều loài cá nhỏ khác chỉ có dùng trong các bữa ăn mà thôi như : cá lòng tong, cá hột mít, cá thiểu, cá mại, cá chốt giấy, cũng có ngạnh như cá chốt nhưng thân mình mỏng dài và có màu sắc khác hơn cá chốt thường. Có khi có cả màu vàng nghệ rất đẹp.
     Dòng họ cá chốt có cá chốt giấy và kể cả cá lăn nữa. Dòng họ cá tra có cá vồ cờ, vồ đém, cá tra, cá ngác, cá ba sa (như cat fish ở Mỹ), giống cá nầy còn có cá xác là nhỏ nhứt, thịt ít và ăn dở nhứt. Họ hàng cá mè kể cả cá hô, cá chài, cá mè dinh, mè dảnh, cá he. Dòng họ cá lóc có cá lóc, cá bông, cá dầy; cá sặc có sặc bổi, sặc bướm, sặc điệp...Ngày nay, tại Châu Đốc có nghề nuôi cá. Nuôi cá, một nghề hái ra tiền, những loài cá nào nuôi mau lớn, tiêu thụ dễ dàng và giá bán lại cao,  người  ta  mới đầu    khai thác. Những bè cá lớn thường thấy từ các quận Tân Châu, Châu Phú, nhiều nhứt ở Cồn Tiên xã Đa Phước, ngang chợ cá thị xã Châu Đốc, chạy dài xuống đến Long Xuyên cũng có nhìều nơi nuôi cá bằng bè hoặc nuôi cá hầm.
     Nuôi cá bè phải có vốn nhiều. Nuôi từ cá còn nhỏ xíu khi mùa nước lên bắt đầu, cũng là mùa cá, giá rẻ, nuôi trên dưới sáu tháng bán được. Đợi khi nào hiếm cá, cá lớn, có giá người ta đem bán.những loài cá nuôi có lợi nhứt là cá tra, cá vồ, cá he, cá chài, đặc biệt là cá bông. Cá bông ăn nhiều và ăn tạp thức ăn gì cũng được, lại mau lớn. Kế đó là cá tra, còn cá vồ cùng họ với nó, lớn chậm hơn cá tra. Bè cá he, cá chài, khi người ta cho ăn, cá giành giựt đớp mồi trông vô cùng đẹp mắt, màu đỏ pha với màu vàng nghệ, màu trắng, vẫy vùng nước bắn tung tóe. Ai chưa thấy bè cá he hoặc bè nuôi cá chài, có dịp đi Châu Đốc nhớ tìm xem khi chúng ăn mồi và khi chúng lớn sắp đem đi bán, hoạt cảnh thật đẹp, sống động.
     Cá nước ngọt, muốn chở đi Sài Gòn bán có giá cao, cá phải còn sống, cá chết bán chỉ được một nửa giá trở lại thôi. Muốn cá còn sống khi chuyển đến chợ đầu mối Trần Quốc Toản, Cầu Ông Lãnh phải dùng các chiếc ghe "đục". Ghe đục cũng giống y chang như chiếc ghe thường chỉ khác có việc là ghe đó phải có nước chảy ra vô luân lưu để cá sống như ở sông, rạch hoặc trong bè nuôi. Hai bên hông ghe, người ta đục thủng năm mười cái lỗ vuông dài, rộng và dài chừng vài tấc, bít các lỗ nầy bằng những miếng lưới sắt.
     Như vậy nước từ trong ghe và ngoài sông thông thương nhau, ghe sẽ bị chìm sao ? Đừng có lo, người ta dùng những chiếc thùng "phuy" rỗng, loại thùng chứa hai trăm lít xăng, dầu làm phao nâng ghe lên không bị chìm.
     Cá he, cá chài, cá bông hoặc cá tra, cá vồ chở trong ghe có nước vô ra, chúng tiếp tục sống, ăn thoải mái hàng ngày.  Dù có rộng trong ghe đục nhiều ngày chúng cũng không mất sức. Những chiếc ghe đục này cũng có gắn máy đuôi tôm tùy theo ghe lớn nhỏ mà gắn máy bốn "lóc", sáu "lóc"...
     Đường thủy từ Châu Đốc đến bến cá, khu cầu quay của thị xã Mỹ Tho khoảng hai trăm cây số, đuờng thủy vòng vo di chuyển cũng mất vài ngày tùy theo nước ngược hoặc nước xuôi. Cá bán sỉ, ghe đục đậu ở bến cá Mỹ Tho, bạn hàng dùng xe tải chở về chợ cá đầu mối Trần Quốc Toản, Cầu Ông Lãnh. Cá được rộng trong những thùng bằng tôn dầy đầy nước ngọt, nắp thùng có lỗ thông hơi.Nơi đây phân phối cho bạn hàng bán lẻ đi khăp nội ngoại thành của thủ đô Saigon, Gia định.
     Còn những bè cá người ta thường đóng như một cái hộp to hình chữ nhựt chiều sâu chừng ba thước. Gỗ dùng trong việc làm bè là loại gỗ chịu được nước, lâu mục, gỗ sao tốt nhứt. Khi nghề nuôi cá bè phát triển từ thập niên 60 trở về sau này, gỗ sao rất quí và đắt tiền.
     Trên mỗi cái bè thường như là một cái nhà để cho một gia đình ở, vừa giữ gìn vừa chăm sóc cá. Muốn cho bè không bị chìm, người ta cũng dùng thùng phuy loại lớn nhận chìm xuống nước, nâng bè lên. Bè được "neo" cẩn thận, nào dây buộc trên bờ, đóng sào, trụ buộc dây thật chắc đề phòng giông bão hoặc nước chảy siết xô đẩy bè trôi đi. Hơn nữa, chỗ neo bè phải có mực nước lý tưởng, đủ sâu. Những tấm ván bằng gỗ cây sao người ta đóng ghép lại nhưng chừa khe thở nhỏ miễn sao cá không chui lọt ra ngoài được. Nước sông ra vô tự nhiên, nhờ thế mà cá mới mau lớn khi người ta nuôi với thức ăn đầy đủ.
     Từ thập niên 60 trở về trước, cá nuôi thường trong các ao nước tù, không luân lưu, nước đen sệt rất bẩn, hơn nữa thức ăn thông thường là phân của con người thải ra.. Ai có qua các bến bắc như Mỹ Thuận, Vàm Cống, Cái Vồn mà lại chột bụng đi trên  các  cầu  có hầm nuôi cá tra, cá vô, sẽ thấy cảnh tượng cá nuôi tranh ăn mồi do con người phóng uế, nước bắn tung tóe uớt cả đít.. Cá nuôi hầm mà lại cho ăn phân là chính chỉ nuôi được cá vồ, cá tra, còn các loại cá khác như cá bông, cá he, cá chài không nuôi được vì các loại cá cao cấp nầy không hạp cho lắm với thức ăn ấy và nước tù không luân lưu.
     Cá nuôi hầm không mau lớn như cá nuôi bè. Hơn nữa cá nuôi bè, màu sắc trông tươi mát, đẹp và đặc biệt là có vệ sinh, văn minh hơn.
     Người ta nuôi cá bông, không nuôi cá lóc vì cá bông không kén ăn và mau lớn
Muốn nuôi cá có lời nhiều, cá phải mau lớn nghĩa là cá phải có đủ thức ăn hạp với chúng. Tại sao người ta nuôi cá nhiều ở Châu Đốc hơn bất cứ nơi nào ? Nơi đây cá giống để nuôi có nhiều lại rẻ và thức ăn cho cá cũng vậy. Thức ăn của cá bông và các loài cá khác, ngoài cá linh còn có ốc bươu, ốc lác mà đồng ruộng ở vùng Châu Đốc có rất nhiều. Đập bỏ vỏ, bằm ốc nhỏ trộn với chuối cây bằm hoặc rau muống và cho thêm cám, trộn đều vắt thành viên tròn bằng nắm tay ném xuống cho cá ăn, mỗi ngày hai lần sáng chiều.
     Bè cá như là một cái nhà sàn, trên để ở cũng có đủ tiện nghi, dưới nuôi cá. Mỗi lần cho cá ăn dở nắp hầm ra ném thức ăn xuống. Thông thường, người ta chừa một khoảng trống ở phía trước như là một cái sân con trống trải, có nắp đậy để dùng thả, bắt và cho cá ăn.
Đầu tiên ở Châu Đốc, chỉ nuôi có cá tra, sau nuôi cá vồ trông hầm nước tù. Lần lần người ta nuôi nhiều giống cá khác kể cả cá trê phi. Hiện nay, có nhiều nơi ở miền Tây vẫn còn nuôi cá trong những cái hầm nước tù, chỉ nuôi được cá tra, cá vồ, cá trê, rô phi và lươn. Nuôi cá hầm, kinh tế không cao bằng nuôi cá bè. Ở những vùng nước lợ hoặc nước mặn làm sao nuôi cá bè được, người ta cũng đành nuôi cá ở hầm vậy.
       nuôi  bè vừa mới bắt lên, còn sống dẫy đành đạch,như cá chài chẳng hạn mà đem chưng cách thủy nào với nấm mèo, bún tàu, kim châm, tương hột ăn ngon tuyệt. Cá còn sống làm bất cứ món ăn gì cũng đều ngon, hấp dẫn cả.
     Để bảo đảm sức khỏe cho người dân, chính quyền nên cấm nuôi cá trong hầm vì chỉ cho cá ăn phân do con người phóng uế và cho phép nuôi cá hầm bằng những thức ăn thiên nhiên hoặc những thức ăn có vệ sinh mà thôi.

Chuyện Đồng Quê - Trần Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét