Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Chủ nghĩa thành tích và… “nhóm lợi ích”

(Tamnhin.net) - Động cơ tăng trưởng trong mô hình hiện tại là chủ nghĩa thành tích và các lợi ích cục bộ, ngắn hạn…

 
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam đã nhấn mạnh điều này khi đề cập tới thực tế nền kinh tế nước ta đang đối mặt với yêu cầu gay gắt phải “chỉnh sửa căn bản” để thoát khỏi tình trạng nghiêm trọng, thậm chí rơi vào tình trạng “đình trệ - lạm phát cao”.

Theo TS Trần Đình Thiên,  các trụ cột của mô hình tăng trưởng hiện tại là khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô; đầu tư vốn dễ dãi; khai thác lao động rẻ, chất lượng thấp và đặc biệt là duy trì khu vực doanh nghiệp nhà nước hiệu quả thấp.

Trong khi đó, cơ chế phân bổ nguồn lực ít dựa vào tín hiệu thị trường, ít căn cứ vào hiệu quả trong khi bị chi phối ngày càng nhiều bởi cách làm hành chính, quan liêu, chủ quan và nguyên tắc “xin cho”, “chia đều”, “thân quen”… Chính vì vậy, nền kinh tế tăng trưởng được trong ngắn hạn, dễ thỏa mãn áp lực của chủ nghĩa thành tích và thu lợi nhanh cho các chủ thể đầu tư, trong đó có các nhóm lợi ích.

Tuy nhiên, nền kinh tế phải đánh đổi khi phải tăng trưởng dưới mức tiềm năng kéo dài, tiêu tốn nhiều vốn, phung phí các nguồn lực phát triển cơ bản nhưng lại không quan tâm đến chất lượng tăng trưởng. Việc duy trì quá lâu mô hình này không còn phù hợp trong hoàn cảnh mới.

TS Trần Đình Thiên nêu rõ, đổi mới mô hình tăng trưởng là khắc phục những khiếm khuyết này của nền kinh tế, đồng thời giúp nền kinh tế tránh không rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, bảo đảm cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, hội nhập thành công với nền kinh tế thế giới.

Theo TS Trần Đình Thiên, trong điều kiện nguồn lực và năng lực có hạn, cách tiến cận với tái cơ cấu phải là thay đổi cơ chế, phương thức phân bổ nguồn lực phát triển, bao gồm tái cấu trúc hệ thống quản trị vĩ mô, tái cấu trúc phân cấp trung ương – địa phương, tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước, phát triển đồng bộ các thị trường, tái cấu trúc các khu kinh tế, khu công nghiệp…

Cần có lộ trình tái cấu trúc bắt đầu từ cải cách hệ thống ngân sách nhà nước, tái cấu trúc đầu tư công, hệ thống ngân hàng, các tập đoàn kinh tế, hệ thống hạ tầng cơ sở, hệ thống luật pháp… Tuy nhiên, do nhà nước là chủ thể tổ chức của quá trình này nên việc tái cấu trúc phải bắt đầu tư chính khả năng tiến hành tái cấu trúc của nhà nước, cụ thể là những khâu thể chế quan trọng và trong phạm vi điều hành của Chính phủ.

Về Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2011 - 2016 tại Phiên họp thứ Hai, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, chúng ta bàn nhiều về những con số, kể cả những chỉ tiêu cụ thể nhưng nhìn lại trong báo cáo của Chính phủ và các Ủy ban thì trách nhiệm thực hiện những con số này là có vấn đề. Ví dụ trong Báo cáo của Ủy ban Tài chính và Ngân sách nói về Nghị quyết số 414 của UBTVQH Khóa XI đặt ra tổng mức vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2003 - 2010 là 63.064 tỷ đồng nhưng thực hiện đến giai đoạn này đã tăng lên 236.770 tỷ đồng, còn nếu tính trượt giá thì khoảng 500.000 tỷ đồng. Hay con số đáng chú ý khác là hiện có 333 dự án được khởi công không thuộc danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Báo cáo của Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị phải xử lý trách nhiệm. Nhưng chế tài xử lý như thế nào?

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đặt vấn đề, chưa có chỗ nào bàn về vấn đề này, chưa nói ai chịu trách nhiệm, trách nhiệm đến đâu và từ chỗ này phải sửa đổi cơ chế chính sách như thế nào? Có phải là do chúng ta thoáng quá trong vấn đề phân công, phân cấp không? Giao cho địa phương, giao cho các bộ, ngành quá nhiều quyền hạn để rồi khi sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ thì địa phương có quyền chủ động quyết định điều chỉnh quy mô tổng mức đầu tư, bổ sung danh mục mới hàng năm phải không? Bây giờ kiểm điểm vấn đề này như thế nào?

Theo Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, ta nêu những con số, những chỉ tiêu rất cụ thể nhưng bàn về giải pháp, lấy tiền ở đâu, vốn ở đâu để thực hiện được những chỉ tiêu này thì còn ít, chưa rõ. Mặc dù trong Báo cáo của Chính phủ, có những ý tương đối toàn diện nhưng có lẽ cả UBTVQH, QH và Chính phủ phải bàn những giải pháp cụ thể hơn để có thể huy động được nguồn lực đầu tư.

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, chúng ta nói về thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược mà văn kiện Đại hội Đảng đã đề ra thì giải pháp cũng phải hết sức cụ thể. Ví dụ về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường thì có liên quan đến những luật nào mà QH cần ban hành trong năm 2012, 2013, 2015 cũng cần phải bàn kỹ để phục vụ cho thể chế kinh tế thị trường. Hay đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao thì giải pháp chất lượng cao ở đây là gì? Trách nhiệm của ai? Ở khâu nào? Nguồn lực thực hiện như thế nào... - cũng không rõ. Hay thực hiện khâu đột phá về hạ tầng, xây dựng kết cấu hiện đại, đồng bộ thì Báo cáo Chính phủ nêu là phải làm đường bộ Bắc - Nam, vì sự tắc nghẽn giao thông không chỉ cản trở các hoạt động đi lại, giao thương... mà ngay cả an ninh trật tự, an toàn giao thông cũng không bảo đảm. Vậy tại sao ta không bàn chỗ đó thật chắc chắn vào? Vốn lấy từ đâu, lấy như thế nào? Hiện nay, nguồn vốn trong dân, trong xã hội tương đối nhiều nhưng cũng chưa có cơ chế chính sách hợp lý, thỏa đáng để huy động được nguồn vốn này đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Minh Đăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét