Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Tép rong nấu canh bầu

“Ầu ơ... râu tôm nấu với ruột bầu... chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon”. Câu ca dao xa xưa hóa thân thành điệu hát ru con đi theo năm tháng đến tận ngày nay. Đành rằng lời nói ấy mượn hình ảnh tô canh “khốn khó”, ruột bầu và râu tôm là những thứ bỏ đi, để chỉ sự đồng thuận và sắt son trong tình nghĩa vợ chồng; nhưng chẳng phải ngẫu nhiên mà người xưa “phối hợp” hai nguyên liệu tôm và bầu để chế biến bữa ăn dân dã. Đích thực, đã nấu canh bầu thì phải nấu với tôm mới đúng điệu, còn bằng tuyệt chiêu nhất là món canh bầu nấu tép rong - một “anh chàng” cùng họ với con tôm, tuy giá trị thương phẩm rẻ hơn con tôm rất nhiều nhưng khi nấu canh thì con tôm không sao ngọt bằng.
    Tép rong là loại tép rất nhỏ, thân hình cỡ bằng đầu đũa. Con tép bạc và tép đất được bày bán ở các chợ thị thành gần như quanh năm, còn tép rong thi thoảng mới thấy góp mặt ở phố thị. Cứ nhẩm cách tính của người dân quê, mùa nước nổi trắng đồng là lũ tép rong theo con nước quay về; khi con nước rút đi, chúng mới thực sự vào mùa sinh sôi nảy nở. Độ này, chỉ một tay lưới mùng kéo, chẳng những đủ dùng nấu nồi canh to đãi cả nhà nguyên ngày mà còn rang được một chảo tép, sáng mai ăn kèm với cơm cho chắc bụng trước khi đi giăng bắt cá tôm kiếm tiền trang trải cho qua mùa nước.
    Canh bầu - tép rong rất dễ nấu. Tép rong chỉ cần rửa sạch, để ráo nước; bầu phải chọn trái bầu non, chưa kết hạt trong ruột, khi ấy vị ngọt và thơm nhè nhẹ của nó còn chan hòa đều khắp trái, chỉ gọt bỏ vỏ xanh bên ngoài, thịt bầu được tận dụng hết. Bầu đem cắt khoanh tròn cỡ ngón tay, rồi xắt sợi to cũng vừa một ngón; bắc nồi nước, đợi sôi cho bầu vào; bầu vừa chín dốt dốt thì đến lượt tép rong bắt lửa, tranh thủ nêm nếm vừa miệng khi nước canh vừa sôi dạo đầu tiên. Xong, nhắc xuống, cho tí hành ngò và rắc ít tiêu xay vào nồi canh. Bữa nào ăn canh bầu nấu tép rong, phải bảo tụi nhỏ và cha nó về nhà sớm, vì món canh này phải ăn ngay lúc còn nóng, dùng cái rế bưng nồi canh từ dưới bếp lên mà thấy nóng hổi cả hai tay. Tép rong thịt ngọt, trái bầu non vừa ngọt lại thơm thơm - hai hương vị ngọt ngào dân dã hòa lẫn trong tô canh; mấy đứa nhỏ giành con tép bé tí cuối cùng, khi má lên tiếng “bênh” con út thì mấy đứa lớn cười xòa chọc quê nhau.
    ... Vì cái không gian mênh mông và trăng trắng mùa nước nổi, vì lũ tép rong theo con nước đua về, vì trái bầu đang lớn ngoài giàn mà món canh bầu nấu tép rong mới trở thành nét văn hóa ẩm thực miệt đồng bưng, thành nỗi nhớ man mác cho những người con xa xứ...
BA QUÊ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét