Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Chạy chức và trách nhiệm

Bệnh hiểm nghèo
 “Chạy chức, chạy quyền” là nhóm từ cửa miệng thế gian đã đi vào văn kiện đại hội đảng, vào ngôn ngữ sinh hoạt của các cơ quan nhà nước và đoàn thể từ thấp đến cao. Điều này chứng tỏ chạy chức trở thành vấn nạn. Một việc nghiêm trọng như vậy khi trở thành “chuyện thường ngày” thì có nguy cơ làm cho các cơ quan và những người có trách nhiệm đành chấp nhận, xã hội cam lòng chung sống, chịu để nó hoành hành phá hại bộ máy công quyền.
Trong thực tế, tìm đường tiến thân là việc không phải ai cũng muốn làm, nhưng cũng không có gì đáng trách. Người thực đức, thực tài được tiến cử, giới thiệu thì tiến thân thuận lợi hơn. Tìm người hiền để tiến cử lại càng là việc nên làm, tuy không phải ai cũng làm được và lúc nào cũng thành công. Chẳng đã có người tự nhận là vô tư, là “có con mắt xanh” tiến cử sai người đó sao?
Một số trường hợp muốn được cất nhắc, đề bạt lo tìm “người đỡ đầu”. Trong đó cũng có người tài đức xứng đáng nhưng do thủ tục đề bạt, tuyển chọn chưa thật minh bạch, công khai, nên phải tìm cách “ra mắt” những người nắm quyền quyết định, đề phòng bị gạt ra do những ứng cử viên khác giỏi “chạy”. Cũng có những người giành phiếu bầu, phiếu giới thiệu bằng các thủ đoạn mị dân, bợ đỡ cấp trên, dìm dập, tung tin thất thiệt bôi xấu người khác… Chạy chức thật lắm vẻ, nhiều hình. 
Mua bán chức là hình thức chạy chức tệ hại và xấu xa nhất. Bên chạy là kẻ tài đức kém nhưng muốn “chiếm ghế” bằng tiền kết hợp với những thủ đoạn gian manh. Bên bán là kẻ thoái hoá, biến chất, có quyền quyết định, nhận tiền và “giao ghế” cho kẻ mua, dù biết rằng kẻ đó không đủ tiêu chuẩn. Để bán được, họ sẵn sàng dắt dẫn kẻ mua lọt qua các “trạm gác” về yêu cầu, tiêu chuẩn, thủ tục, quy trình…
Cách thực hiện có thể rất đa dạng, lắt léo, được che đậy dưới những lời hoa mỹ.  “Vật trung gian trao đổi” có thể là tiền, vàng, đất đai, quyền lực, những lợi ích ngang giá. Cách trao đổi có thể trắng trợn “tiền trao cháo múc”, cũng có thể “thế chấp” bằng các “phương tiện thanh toán khác”. Vật mua bán thường là ghế quyền lực lớn, nhưng cũng có khi chỉ là những vị trí bình thường song có khả năng sinh lời. Mua bán “sòng phẳng” thường cộng thêm với quan hệ thân quen, phe cánh; có khi tay ba, tay bốn. Đồng tiền sẽ giúp cho đương sự trót lọt đi qua các “trạm gác” quy trình công tác cán bộ gồm hàng chục “cửa” và con dấu, làm cho các quy trình chỉ còn vẻ chặt chẽ hình thức, nhưng đã mất ý nghĩa thực chất và trở thành tấm khiên che đậy việc mua bán, bảo vệ cho cả kẻ mua, người bán.
Hậu quả là:
Không ít người xứng đáng bị gạt ra ngoài, kẻ kém cỏi chiếm vị trí quan trọng trong bộ máy. Thế hệ trẻ lo rèn luyện tài, đức thì ít mà lo chạy chọt thì nhiều. Người bị gạt ra vừa bất mãn với thể chế, vừa coi thường người có quyền bất chính.
Chạy chức là nhằm trục lợi. Với chức vụ mua được, kẻ mua chuyển ngay sang tư thế kẻ bán và tìm cách đục khoét, tham nhũng. Chu kỳ chạy chức cứ thế tiếp tục theo “phản ứng dây chuyền”.
Bộ máy sẽ bị tha hoá vì nạn mua, bán chức. Khi bị nó lũng đoạn, bộ máy sẽ không thể thực hiện chức năng phục vụ nhân dân, xuất hiện ngày càng nhiều người mua, kẻ bán, che giấu, chống đối nhau vì lợi ích. Các“đại gia” sẵn sàng cấp vốn cho kẻ mua nào thiếu phương tiện, coi như “đầu tư ban đầu” để chi phối, sai khiến về sau.
Có thể quy kết trong hành động mua bán chức quyền nhiều tội danh khác nhau: chiếm đoạt, trộm cắp, lừa đảo, tham nhũng… nhưng tội ác lớn nhất là phá bộ máy công quyền, làm thui chột các lực lượng lành mạnh, làm mất lòng tin của nhân dân. Nó là bệnh ung thư, nếu không được loại trừ thì sẽ di căn lan rộng, giết chết cơ thể sống là bộ máy. 
Trước căn bệnh hiểm nghèo này, cần bắt bệnh chính xác để có biện pháp điều trị phù hợp.
Trách nhiệm ngăn ngừa, chữa chạy
Ngăn chặn, diệt trừ kịp thời bệnh ung thư chạy chức là việc không thể trì hoãn, cũng là một trong những việc quan trọng nhất cần làm để chống tệ nạn tham nhũng, quan liêu. Đề ra các giải pháp ngăn chặn tệ nạn này là việc lớn, phức tạp, không thể giải quyết trong khuôn khổ một bài báo, lại càng không thể là việc của một vài người. Dưới đây xin có một vài ý kiến sơ bộ về trách nhiệm và giải pháp chống chạy chức.
Một là, cần giảm thiểu tiến tới loại trừ các vị trí sinh lời trong bộ máy. Về nguyên tắc, một bộ máy không có vị trí sinh lời, nhưng khi bị tham nhũng lũng đoạn thì không ít chức danh có thể trở thành vị trí sinh lời. Bộ máy càng cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động càng thiếu công khai, minh bạch thì càng đẻ ra nhiều vị trí sinh lời và giá trị sinh lời của mỗi vị trí càng tăng. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và cải cách hành chính những năm qua tuy có một số tiến bộ, nhưng chưa giải quyết được vấn đề tinh giản bộ máy, xác định và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ. Vì vậy, số lượng vị trí sinh lời không giảm mà lại có khuynh hướng tăng. Đây là việc phải ngăn chặn. Việc này liên quan đến nhiều người, nhiều cơ quan, nhiều lĩnh vực, nhưng trước hết là lĩnh vực tổ chức.
Hai là, các chức vụ hiện nay do tổ chức đảng các cấp thống nhất quản lý; trực tiếp liên quan là người đứng đầu các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể; kiểm soát là các cơ quan tổ chức, kiểm tra, thanh tra… Đây là những địa chỉ liên quan trực tiếp đến chạy chức. Nếu có hiện tượng chạy chức thì các tổ chức và cán bộ nói trên phải chịu trách nhiệm trước hết và trực tiếp. Vì vậy, tổ chức đảng, nhất là cấp trên và người đứng đầu là nơi phải ra tay trước tiên, thực sự quyết tâm trừ bỏ tệ nạn này. Những người chạy chức được là những “người tiềm năng”. Người “tiềm năng” thường là nằm trong diện quy hoạch, những “ứng cử viên” vào vị trí khuyết hoặc sắp khuyết.
Chạy chức là phạm pháp nên nó luôn được giữ kín, không có ai khai báo. Một vài trường hợp bị lộ phần nhiều do mâu thuẫn ăn chia… và sau đó thủ đoạn chạy lại xảo quyệt hơn. Đây thực chất là loại tội phạm chống Nhà nước, chống chế độ cần phải xử theo đúng tội danh này. Việc này thường trực tiếp động chạm đến nhiều người có chức quyền, đến nhiều khâu công tác. Vì vậy để phát hiện, xác minh, điều tra loại tội phạm này cần huy động các lực lượng bảo vệ chế độ vào cuộc theo đúng chức năng với các phương tiện và biện pháp cần thiết. Cần nghiêm trị cả kẻ chạy lẫn kẻ được chạy, chủ mưu và đồng loã, che giấu, dung túng.
Ba là, phải tiếp tục thực sự công khai hoá, dân chủ hoá công tác cán bộ. Mở rộng thi tuyển các chức vụ lãnh đạo có thể là một biện pháp tốt theo hướng này. Nhưng cách thi tuyển phải đảm bảo khách quan, công bằng; không để thi tuyển bị biến thành một cách chạy chức khác.
Bốn là, mua bán chức quyền tuy lắt léo nhưng phải qua nhiều khâu nên cũng dễ bị lộ, nhất là trước tai mắt cán bộ, nhân dân. Để khuyến khích việc tố cáo chạy chức, quan trọng nhất là làm cho người ta thấy hiệu quả của việc tố cáo, không để nội dung tố cáo chạy chức bị ỉm đi. Đặc biệt là không để người tố cáo chạy chức bị vu cáo, gán cho là ganh ghét, tranh giành địa vị và bị trả thù ngầm.
Năm là, trong điều kiện hiện nay, vai trò giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân là cơ chế phát huy hiệu quả hơn cả, nên mở rộng, tăng cường.
Các phương tiện thông tin đại chúng có vai trò giám sát trực tiếp quan trọng, nhất là vai trò của nó đối với toàn bộ hoạt động giám sát của xã hội. Nếu không có các phương tiện thông tin đại chúng đủ mạnh thì mọi phương thức giám sát khác của nhân dân, của các cơ quan chức năng đều bị hạn chế trong phát huy hiệu lực.
Bùi Đức Lại

Theo http://www.xaydungdang.org.vn/Home/Lyluan-Thuctien-Kinhnghiem/2011/3834/Chay-chuc-va-trach-nhiem.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét