Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Cái tát vào cái bằng!

TT - Có hai câu chuyện liên quan đến cái bằng, mà càng ngẫm lại càng buồn, càng thấy trái khoáy chỉ có ở ta.
1. Chủ nhật tuần rồi, hơn 750 giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học ở TP.HCM dắt díu nhau đi thi trong chương trình khảo sát năng lực dạy tiếng Anh. Còn đồng nghiệp của tôi, những giáo viên tiếng Anh bậc trung học, giờ đây bắt đầu hí hoáy điền đơn để khảo sát vào tháng 12 tới.
Theo dõi qua báo chí, được biết cuộc khảo sát năng lực giáo viên tại TP.HCM hôm chủ nhật vừa qua được tổ chức tại Trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ (Q.1, TP.HCM). Các giáo viên phải trải qua bài thi kiểm tra năng lực ngôn ngữ của Anh văn Hội Việt Mỹ. Đây là bài thi xếp lớp tiếng Anh của Nhà xuất bản Oxford, đơn vị đối tác với Anh văn Hội Việt Mỹ về chuyên môn. Bài thi bao gồm các kỹ năng nghe, đọc, viết và các kiến thức ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm. Kết quả bài thi được phiên theo khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu.
Ôi chao, nghĩ mà buồn. Giáo viên đâu phải ở trên trời rớt xuống hay từ đất nứt chui lên. Ai cũng học từ các trường sư phạm mà ra. Tất cả đều có bằng cấp do Bộ Giáo dục - đào tạo cấp hẳn hòi. Vậy mà giờ đây đều phải đi khảo sát lại và phải cậy đến một trung tâm ngoại ngữ. Chúng tôi nói với nhau rằng chuyện này đúng là cái tát vào những tấm bằng mà giáo viên đã phải cày bừa bốn năm ròng rã mới có được.
Nói về lý thì buồn lắm. Nhưng ngẫm nghĩ lại thì cũng đáng. Ai đời đi dạy tiếng Anh mà quá nhiều người sợ gặp người nước ngoài như sợ cọp. Bởi viết, đọc còn được, chứ nói thì cứ gọi là bà con với hến! Giáo viên thế, chả trách sao học trò dùi mài gần chục năm ròng cũng ngọng nghịu khi đối diện với người nước ngoài.
Thay đổi là điều bắt buộc phải làm. Chỉ sợ thay đổi không đến nơi đến chốn, khiến tiền thì mất nhưng “tật” vẫn còn. Cụ thể là chuyện nâng cao năng lực cho giáo viên chỉ là chuyện phần ngọn; còn gốc là chương trình dạy, cách thi cử vẫn chỉ chăm chăm vào viết thì cũng chẳng giải quyết chuyện gì.
2. Một chuyện khác cũng liên quan đến cái bằng mà cả tuần nay báo nào cũng nói, đi đâu cũng nghe bàn. Đó là chuyện Nam Định “tẩy chay” bằng cấp ngoài công lập. Giở lý với luật ra mà bàn thì tỉnh này sai đứt đuôi rồi. Bởi chính quy hay tại chức, công lập hay tư thục thì tất tần tật đều được Bộ Giáo dục - đào tạo công nhận, nên chẳng có lý gì để phân biệt đối xử.
Nhưng thực tế ai cũng phải thừa nhận đầu vào của tư thục kém hẳn công lập. Mùa thi tuyển sinh vừa rồi, chẳng phải cả xã hội đều cười về chuyện làm bài thi được 12 điểm mà là thủ khoa trường đại học tư đó sao! Đầu vào kém nhưng đầu ra vẫn cứ thênh thang, miễn đóng đủ tiền, học đủ buổi và không bỏ thi là thành cử nhân. Bạn bè tôi nhiều người chạy sô dạy cho các trường đại học tư, bảo rằng ở trường công đã gọi là phiên phiến thì trường tư còn dễ hơn chục lần! Có người vì lương tâm nên dạy và chấm bài ngang ngay sổ thẳng khiến sinh viên rớt oành oạch. Và kết quả là sang năm trường không mời dạy nữa. Đơn giản vì làm khó như thế thì một đồn mười, mười đồn trăm, làm sao sinh viên dám chui đầu vào?
Cử nhân như thế nên người ta hãi cũng đúng. Xin nói thật với nhau một điều, Nam Định bị chê trách vì dám công khai từ chối, chứ phần lớn các nơi khác người ta không nói mà âm thầm loại các ông cử bà cử tư thục. Chính vì thế cũng không ít người chia sẻ đồng cảm với Nam Định. Đó là cái tát thứ hai vào bằng cấp.
Chuyện giáo dục nước nhà, thật nói hoài chẳng hết chuyện...
GIÁNG HƯƠNG

Đúng là cái tát vào mặt tôi và các bạn
23/10/2011 9:21:40 CH
Tôi là một giảng viên trẻ tại 1 trường ĐH ở TPHCM. Khi đọc các bài báo về Khảo sát năng lực tiếng Anh của giáo viên tiếng Anh, quả thật tôi thấy như mình bị tát vào mặt. Không chỉ tôi mà cả những bạn cùng lớp tôi, những người từng ngồi trên ghế giảng đường ĐH Sư phạm TP.HCM. Chúng tôi đã từng cảm thấy rất buồn cười và bức xúc vì có một bài báo nói rằng giáo viên Anh văn xôn xao, lo lắng vì phải thi TOEFL. Có lẽ họ chưa từng trải qua 4 năm tại ĐH Sư phạm nên mới nói như thế. Và có lẽ họ cũng không biết rằng ĐH Sư phạm thường tổ chức thi TOEFL để đánh giá năng lực của sinh viên trước khi ra trường, và chúng tôi chẳng bao giờ cảm thấy e sợ nó 1 chút nào cả. Và hầu như ít nhất 1 lần chúng tôi từng thi TOEFL hoặc IELTS, thì có lí do gì để chúng tôi e sợ TOEFL 550 nhỉ. Ở ĐH Sư phạm, chúng tôi được Đào tạo về các PP Giảng dạy mới, ứng dụng CNTT trong việc giảng dạy Ngôn ngữ, về kỹ năng Nghe, nói, đọc viết. Kỹ năng Đọc rải từ năm nhất đến năm 4. Nghe, nói, viết tới năm 3. Tôi không dám đánh đồng tất cả, vì đối với các thầy cô lớn tuổi, có lẽ kỹ năng Nghe, Nói thật sự là vấn đề do ảnh hưởng của cách dạy trước kia.
Và tôi cũng biết có một số trường tiểu học tuyển dụng các giáo viên chỉ có chứng chỉ giảng dạy tiếng anh CEC để dạy các em tăng cường tiếng Anh. Tuy nhiên, cũng đừng đánh đồng tất cả. Hãy có một cách nhìn khách quan hơn.

Nguyễn Thị Vân
Đại học, học quá nhiều thứ
23/10/2011 2:25:32 CH
Tôi đã từng "cày" qua đại học và nhận thấy rằng, ở trường đại học sinh viên học quá nhiều thứ trước khi học chuyên môn. Đồng ý rằng, cần trang bị kiến thức cho sinh viên trước khi bước vào đời nhưng trang bị kỹ đến nỗi không qua được môn đại cương thì có nguy cơ bị đuổi học, vì vậy sinh viên tuy đã bước vào học chuyên ngành rồi nhưng còn nhiều anh/chị vẫn còn "cày" hàng đống môn đại cương.
Với phương pháp học "hàn lâm" như ở ta, thầy giảng các anh/chị nghe và gần như không có tương tác (lớp đông, giáo viên giảng bài cho kịp giáo trình v.v... như thời phổ thông) thì sinh viên sẽ mất đi khả năng tự nghiên cứu trước khi đến giảng đường. Thay vì, sinh viên tự nghiên cứu và lên giảng đường hỏi những vấn đề chưa hiểu thì có nhiều trường ép buộc sinh viên phải dự giảng nếu không sẽ bị cấm thi, trừ điểm quá trình...
Nói đi cũng phải nói lại, sinh viên ta có thói quen ỷ lại ngay từ thời học phổ thông. Phương pháp học tập cày cuốc đã thấm nhuần vào từng cá nhân thay vì học hiểu. Vì vậy, có nhiều anh/chị tốt nghiệp loại khá, giỏi ra trường mà chẳng biết gì về chuyên ngành mình đã học chứ nói gì đến mấy anh/chị đang chuẩn bị thi vào, họ chẳng rõ năng lực của mình có phù hợp với ngành đó không, thậm chí ngành đang học chưa hẵn là ngành họ mơ ước, càng không nói đến ra trường và đi làm.
Vì xã hội bây giờ quá coi trọng bằng cấp thay vì năng lực, thật ra không phải xã hội mà là cơ quan nhà nước. Ừ thì mấy anh/chị tuyển dụng hỏi: có năng lực sao không có bằng cấp? Xin thưa chẳng phải ai cũng có cơ hội học đại học. Mà tự học thì chẳng ai cấp bằng.

Nguyễn Trung Hiếu
Lỗi tại ai?
23/10/2011 1:25:05 CH
Không phải lỗi của người đi học, vấn đề nằm ở chỗ cơ sở quản lí đào tạo. Tại sao không giải quyết tận gốc rễ mà cứ cắt lá tỉa cành? Người đi học có tội gì đâu, sao lại bắt họ phải gánh hậu quả? Tại sao lúc nào cũng quá chú trọng vào bằng cấp?
Chạy đua theo bằng cấp, trong khi đó coi nhẹ kiểm tra năng lực cá nhân. Tại sao không thi tuyển bằng cách phỏng vấn mà cứ thi tuyển theo hình thức viết hoài vậy? p
Phải chăng người tham gia tuyển dụng không đủ năng lực để đối diện trực tiếp với người dự thi tuyển?

Tran Van Thanh
Bài viết có phần phiến diện, cảm tính
23/10/2011 12:58:45 CH
1. Giáo viên là do bộ GD đào tạo và cấp bằng, thế thì có nên xem lại chất lượng dạy và đánh giá của Bộ GD trước tiên không? Nếu như người ta chưa đạt thì đừng cấp bằng, còn nếu đạt rồi, cấp bằng rồi thì tại sao lại xảy ra tình trạng như hiện giờ?
2. Tôi có cảm tưởng tác giả vơ đũa cả nắm về tình trạng các trường tư hiện nay. Đồng ý bên cạnh những trường như tác giả đã nêu, nhưng vẫn có những trường có chất lượng vượt nhiều trường công lập...
Cứ nhìn vào kết quả đầu ra (bảng khảo sát tình trạng việc làm, mức lương...) là sẽ thấy sự khác biệt.
Nhà nước đang chủ trương xã hội hóa giáo dục, đừng vì những khó khăn hiện tại mà làm mất đi những cơ hội quý giá trong tương lai như các nước phát triển đã làm.

Tấn Nhật
Không phải tát vào "cái bằng"!
23/10/2011 12:51:25 CH
Đó và những sự việc gần đây đã tát vào các quan chức quản lý ngành giáo dục. Giáo dục là "cái nôi", là "mảnh vườn" để ươm con người tốt, người có ích cho xã hội. Nhưng nay, ôi thôi còn đâu? Vì sao?
Hoàng Văn
Giáo viên khảo sát lại năng lực tiếng Anh là cần thiết
23/10/2011 12:34:43 CH
Tôi thấy chuyện GV đi thi khảo sát năng lực dạy Tiếng Anh là hoàn toàn bình thường , nói cái "tát" nghe sợ quá. Thậm chí giáo viên rất cần phải tiếp tục học thêm lên nữa. Ngôn ngữ và phương pháp học thay đổi mỗi ngày mà. Sao lại bắt các em học sinh học lại những điều mà thầy cô chúng được dạy từ năm, mười năm về trước, theo một phương pháp cũng quá cũ?
THAM LAM
HÃY VÌ THƯƠNG HIỆU
23/10/2011 12:20:46 CH
Các trường (dân lập hay công lập) hãy xây dựng thương hiệu của mình và xã hội khi sử dụng cán bộ cũng hãy nhìn vào thương hiệu của trường đạo tạo. Bằng khá (thậm chí bằng giỏi) của trường này chưa chắc trình độ đạt được bằng trung bình của trường khác.
Trần Võ
Xin hãy có cái nhìn tổng quát và công bằng một chút
23/10/2011 11:51:28 SA
Cuộc sống là một chuỗi những cố gắng không ngừng. Ta chỉ có thể tiếp tục cố gắng khi ta có cơ hội được như thế. Chuyện vàng thau, trắng đen lẫn lộn đâu chỉ riêng gì ngoài công lập. Các vị làm thế các vị có nghĩ đến cảm giác của những người học dân lập nhưng vẫn cố gắng học tập, cố gắng khẳng định mình hay không.
Sau thi rớt đại học, trường dân lập cũng là một lựa chọn cho những người thua cuộc tiếp tục có cơ hội hoc tâp, có cơ hội được hòa nhập xã hội mà thôi. Tới đây tôi đã hiểu tại sao có nhiều người thi rớt đại học lại hóa điên và tự tử.
Xin hãy đối xử công bằng và bình đẳng với chúng tôi. Xin đừng tạo cho chúng tôi cái gánh nặng mặc cảm này. Chúng tôi không thể sống, không thế cố gắng, không thể thể hiện hết khả năng của mình dưới cái nhìn thiếu thiện cảm của mọi người được.
Xin mượn lời một ai đó đã nói rằng: Không ai lấy chổi đi quét một cái nhà sạch bao giờ cả.

Hoa Xương Rồng
Bằng cấp là gì?
23/10/2011 11:22:51 SA
Cơ quan tôi tổ chức cho nhân nâng cao trình độ ngoại ngữ, nơi giảng dạy là tmột trung tâm ngoại ngữ có uy tín.
Khi thi xếp lớp, một bạn ở đơn vị vừa tốt nghiệp cử nhân Anh văn hệ tại chức đã không thể nào hoàn thành được phần thi Listening (phần writing thì khá hơn), trong khi những bạn khác không hề có bằng cấp nào về tiếng Anh cả, chỉ tự mình học để tham khảo được tài liệu phục vụ công tác thì làm khá tốt các phần.
Như vậy có gì oan khi phải thẩm định lại trình độ các thầy cô của ta không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét