Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Thấy gì và cần làm gì sau vụ "Tiên Lãng" ?

(Tamnhin.net) -Với kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vụ Tiên Lãng đã làm ấm lòng dân, nhưng lỗi buồn của các nhà quản lý nhà nước thì "thấm đượm" trên cả tư duy và biện pháp.Cần phải làm gì đây khi pháp luật quá nhiều "lỗ hổng".


Chắc hẳn sau kết luận của Thủ Tướng về vụ Tiên Lãng Hải Phòng ai trong chúng ta cũng có cảm giác "hả hê" và nhận định "thấy chưa" chân lý thuộc về "lẽ phải" dù ở xã hội nào? Nhưng với quan điểm của một nhà quản lý xã hội thì khi nhìn thấy sự hả hê của người dân trước một thực tế như vậy chắc ai cũng trạnh lòng khi nhìn ra thế giới và so sánh tầm ảnh hưởng của các Nguyên Thủ quốc gia? Luật pháp như thế nào? để thực thi luật pháp ra sao? để một sự việc vi phạm pháp luật rõ như ban ngày, với trình độ nghiệp vụ chuyên môn của ngành điều ra thì không quá tốn thời gian như vậy ? Nhưng sao vẫn cứ vòng vo đến khó hiểu để tìm lỗ hổng của luật pháp mà chạy và không thoát khi sự thật quá phô?
Có lẽ trong vấn đề quản lý và điều hành xã hội ở thời nào cũng vậy thôi cần có luật pháp và áp dụng thực thi luật pháp nghiêm minh. Nhưng qua vụ Tiên Lãng Hải Phòng ( xin thưa với độc giả ) là không phải chỉ có Hải Phòng đâu mà vấn đề tương tự như vậy đang diễn ra khắp tất cả các tỉnh thành trong cả nước, chỉ có điều chúng ta chưa nhận ra chân tướng của các vi phạm luật đất đai "khi chưa có sự bùng nổ của những người nông dân mất đất " mà thôi. 
Rõ ràng là chúng ta đã có luật đất đai 2003 rồi nhưng việc áp dụng nó thực thi nó không  đơn giản và do quá nhiều lổ hổng, những điều khoản không phù hợp với thực tế để người  thực thi pháp luật vi phạm.  
-Ông Dương Trung Quốc(Nhà sử học, Đại biểu Quốc Hội có uy tín tới ba nhiệm kỳ ) cho rằng sự kiện Tiên Lãng như một tiếng súng báo hiệu, một lời cảnh báo vào thời điểm mà thời gian giao đất đã sắp hết hạn. Do đó, rất có thể không chỉ có ông Đoàn Văn Vươn mà còn rất nhiều người lâm vào hoàn cảnh tương tự. Tôi đã tiếp cận khá nhiều vụ khiếu kiện đất đai, tất cả chỉ gói gọn vào vấn đề chính quyền thực hiện quyền đại diện thu hồi đất của nông dân.
Luật Đất đai được quy định bởi Hiến pháp 1992 - hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam không chấp nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Ngay trong thời phong kiến, tuy nói rằng đất là của vua nhưng trên thực tế phần lớn đất đai là nằm trong làng xã. Các làng xã lại được quản lý bởi những tập tục rất lâu đời, mang yếu tố dân chủ làng xã và tạo nên sự ổn định. Bên cạnh đất công cũng có cả đất tư nhân và giữa hai thành phần này luôn tác động lẫn nhau. Đất tư luôn có xu hướng phát triển, tạo ra mâu thuẫn trong xã hội, trong cộng đồng và Nhà nước dùng chính sách quân điền để điều chỉnh một cách hợp lý (dùng đất của người giàu chia cho người nghèo). Nhà nước không can thiệp nhưng thể hiện quyền quản lý của mình thông qua các làng xã.
Như vậy Luật Đất đai 1993 đã tạo ra hình thái như sau:
Thứ nhất, quyền sở hữu toàn dân là một hư quyền. 
Thứ hai, quyền sử dụng là thực quyền (quyền của người sử dụng gần như là quyền tư nhân). 
Thứ ba, quyền đại diện (chính quyền hành pháp) là đặc quyền. Đặc quyền khi không có sự giám sát chặt chẽ sẽ chỉ là ý chí nhà lãnh đạo địa phương, có thể tước đoạt đất của người dân với những lý do nằm ngoài quy định luật pháp. Tình trạng tùy tiện đó minh chứng bằng vụ Tiên Lãng là rõ nhất.
- Luật rõ ràng khi ở trên giấy, cái khó nhất là đưa luật vào cuộc sống, bao gồm những văn bản dưới luật và năng lực thực thi của bộ máy hành pháp. Vấn đề là ở khả năng giám sát văn bản dưới luật và việc thực thi luật của các thiết chế dân cư (HĐND, Quốc hội cũng như các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có MTTQ). Ngay khi xảy ra vụ Tiên Lãng, tôi đã phát biểu trước Quốc hội rằng trách nhiệm này thuộc về cơ quan giám sát, cơ quan giám sát là Quốc hội (giám sát pháp luật và thực thi pháp luật tại địa phương). Tôi rất mong Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thể hiện vai trò của mình không chỉ với cương vị là Thủ tướng mà còn là đại biểu Quốc hội tại TP Hải Phòng. Với hai “vai” ấy, là nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, Thủ tướng không chỉ xử lý vụ việc mà còn phát hiện những bất cập trong hệ thống thực thi pháp luật để góp phần điều chỉnh luật đất đai và xây dựng hiến pháp.
Hiện khoảng 80% vụ khiếu kiện là liên quan đến đất đai nhưng tỉ lệ thực thi lại cực kỳ thấp. Vụ ông Đoàn Văn Vươn nếu không có mùi thuốc súng thì có lẽ cũng đã “chìm” giống như nhiều vụ khác. Đành rằng hành động của ông ta là sai nhưng rất cần đánh giá đúng bản chất và nguyên nhân sự việc. Vụ Tiên Lãng góp phần làm chúng ta giật mình, vì nếu không có vụ này thì tất cả mọi việc có thể sẽ trôi đi, nhất là năm 2013 - thời điểm kết thúc 20 năm giao đất - sắp đến gần.
- Tôi đã rất xúc động khi nghe phát biểu của vợ ông Đoàn Văn Vươn trên truyền hình là “mong Thủ tướng quan tâm nhiều hơn đến những trường hợp của người nông dân khác có cùng hoàn cảnh liên quan đến đất đai như gia đình tôi”. Tôi nghĩ, những kết luận của Thủ tướng về vụ Tiên Lãng là hết sức thỏa đáng, đồng thời hoan nghênh ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về thắt chặt hơn công tác quản lý đất đai ở các tỉnh, thành.
Ngay trong phần đầu phát biểu kết luận, Thủ tướng đã nêu rõ là ngay từ năm 1987, chúng ta có 3 lần sửa đổi lớn, đặc biệt kể từ khi Luật Đất đai 1993, chúng ta xóa bỏ ruộng đất tư nhân, bên cạnh đó cũng đã có hàng trăm văn bản hướng dẫn thi hành khác. Ngoài việc chỉ đạo về pháp luật, tôi nghĩ phải xem xét lại toàn bộ Luật Đất đai, phải dự báo được tình hình sắp tới để Luật Đất đai phát huy được điểm tốt và hạn chế tối đa những nhược điểm. Tôi mong xem xét lại việc có còn giữ thời hạn giao đất hay không và hướng tới một lộ trình chúng ta có nên công nhận sở hữu tư nhân hay không. Điều này góp phần vô cùng quan trọng vào hiến pháp đang sửa đổi.
Với góc độ của các nhà quản lý xã hội, chúng ta cần nhìn lại, xem lại và nhìn ra một kịch bản đó là khi chính sách còn thiếu "Tầm nhìn" và luật pháp còn nhiều "lỗ hổng" thì kết cục hướng tiến  xã hội sẽ về đâu? Đây chính là câu hỏi thuộc về trách nhiệm của các nhà quản lý phải trả lời và tìm ra kế sách để "cách tân, cải tổ " mọi vấn đề một cách đơn giản đúng tầm và đúng quy luật. Không cường điệu hóa, tân tiến hóa, mà đặc biệt là không phù hợp với chính điều kiện của đất nước mình. 
Tin tổng hợp &phân tích 

http://www.tamnhin.net/Phapluat/19034/Thay-gi-va-can-lam-gi-sau-vu-Tien-Lang-.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét