Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Quy hoạch và tham nhũng

Quy hoạch đất đai luôn liên quan mật thiết đến việc phòng chống tham nhũng, lãng phí. Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiệu quả là công cụ quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai, nhất là trong việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... để tránh phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Bộ Tài nguyên - Môi trường chỉ ra tham nhũng
 trong lĩnh vực đất đai là nhiều nhất, trong đó 
quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất xếp hàng đầu 
Ảnh T.L

Mập mờ quy hoạch, quy hoạch sai, tiêu cực phát sinh

Điều 21 Luật Phòng chống tham nhũng quy định về công khai minh bạch trong quản lý sử dụng đất đã nêu rõ: "1-Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đảm bảo dân chủ và công khai; 2- Trong quá trình lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết, cơ quan, tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch đó phải thông báo công khai cho nhân dân địa phương nơi được quy hoạch, điều chỉnh biết; 3- Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết, việc giải phóng mặt bằng, giá đền bù khi thu hồi đất sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt hoặc điều chỉnh phải được công khai; 4- Thẩm quyền, trình tự thủ tục và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy hoạch chi tiết và việc phân lô đất ở, đối tượng được giao đất làm nhà ở phải được công khai”. Cũng tại Luật Phòng chống tham nhũng tại Điều 14 cũng đã nêu rõ: "1-Dự án quy hoạch đầu tư xây dựng phải được lấy ý kiến nhân dân địa phương nơi quy hoạch; 2-Dự án đầu tư xây dựng từ ngân sách địa phương phải được Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định; 3- Dự án đầu tư xây dựng sau khi được quyết định phải được công khai để nhân dân giám sát”. Như vậy, từ nhận thức và thực tiễn cho thấy, vấn đề quy hoạch liên quan trực tiếp đến tiêu cực, tham nhũng.

Để hạn chế tiêu cực liên quan đến quy hoạch, pháp luật đã có những quy định rõ ràng, từ việc hình thành quy hoạch và thực hiện, cũng như mọi vấn đề phải được quyết định từ nhân dân và do nhân dân giám sát thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tiễn, đã nảy sinh nhiều tồn tại, bất cập do việc thực hiện luật pháp không nghiêm. Nhiều quy hoạch, kế hoạch không được công khai, hay công khai không đầy đủ, dẫn đến sự mập mờ, nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, khiếu kiện. Theo một kết quả điều tra chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam công bố vào tháng 3-2011, có tới 72 % người dân trả lời không biết về vấn đề quy hoạch, sử dụng đất tại địa phương, mặc dù họ rất cần biết vì liên quan trực tiếp đến đời sống của họ.

Nhiều năm qua, đã có rất nhiều vụ việc khiếu tố liên quan đến quy hoạch. Có vụ khiếu tố lãnh đạo một tỉnh ở phía Nam, cho mở một đường phố cong, uốn lượn chỉ vì để qua nhà mình. Hoặc như người dân Quận Tây Hồ (Hà Nội) khiếu tố con đường kè dạo quanh Hồ Tây không đúng quy hoạch ban đầu, nắn chỉnh để qua nhà hai cán bộ...

Năm 2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai 3 cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các tổ chức sử dụng đất tại Quảng Ninh, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Thanh tra đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi 30.000m2 đất đô thị, 450ha đất rừng tại Quảng Ninh và đề nghị thu hồi gần 18.000m2 đất sản xuất kinh doanh tại Khánh Hòa; đề nghị chấn chỉnh các hành vi chậm đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chưa đạt hiệu quả. Từ thực trạng, Bộ Tài nguyên- Môi trường cũng đã chỉ ra nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, nhiều nhất là: công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; định giá đất... trong đó quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất xếp hàng đầu.

Quy hoạch và thực thi

Vấn đề quy hoạch cần phải nhìn nhận một cách toàn diện, từ vi mô đến vĩ mô. Một quy hoạch đưa ra không khả thi, do chủ quan, hay có thể vì lợi ích nhóm nào đó sẽ gây nên những hậu quả, thất thoát khó lường. Chỉ một thông tin trong quy hoạch mở rộng Thủ đô, các cơ quan hành chính sẽ được đưa lên chân núi Ba Vì đã làm nên cơn sốt đất ảo, làm lợi cho khối kẻ cò mồi, cơ hội, đồng thời cũng không ít người điêu đứng. Trong chiến lược quốc gia, "cái tầm, cái tâm” của những cán bộ làm công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng. Vấn đề vỡ quy hoạch cũng là vấn đề cần làm rõ nguyên nhân, quy trách nhiệm. Ở tầm vĩ mô, từ năm 2001 - 2010, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cả nước đã tăng 190 nghìn ha so với năm 2000, vượt 14,10% chỉ tiêu Quốc hội đề ra, trong khi đó, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp chưa đến 50%. Đất ở tại đô thị và đất quốc phòng an ninh cũng đều vượt trên 20% so với chỉ tiêu. Nhiều sân gôn ra đời đã lấy vào bờ xôi, ruộng mật. Từ năm 2000-2010, đã có 270 nghìn ha đất lúa nước được chuyển cho các mục đích khác. Với xu hướng chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp luôn vượt chỉ tiêu quy hoạch đặt ra, nhiều chủ đầu tư muốn đầu tư trên đất nông nghiệp vì đất nông nghiệp rẻ, nhiều tỉnh thành mang tâm lý sợ lỡ mất cơ hội nên dù có quy hoạch, dù có kế hoạch sử dụng đất lâu dài nhưng vẫn tiến hành điều chỉnh cho chuyển đổi mục đích sử dụng cục bộ. Theo quy hoạch, kế hoạch đến năm 2020 đề ra, phải giữ cho được 3,81 triệu ha đất trồng lúa liệu có "an toàn”?

Làm sao hạn chế tham nhũng?

Để hạn chế, tránh tham nhũng trong quy hoạch, thực hiện quy hoạch, vấn đề minh bạch hoá thông tin là yêu cầu trước hết, như Luật Phòng chống tham nhũng đã quy định, trong đó cần đảm bảo có sự tham gia của cộng đồng người dân, để thực sự "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Thực tế, ngoài Luật Phòng chống tham nhũng, vai trò của người dân đã được coi trọng và thể hiện trong một số văn bản của Nhà nước cách đây hàng chục năm như Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị được ban hành kèm theo Nghị định số 91/CP ngày 17/07/1994 của Chính phủ; Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng được ban hành kèm theo Nghị định 52/1999/NĐ-CP ngày 08/07/1999; Nghị định 29/2007 ND-CP ngày 27/02/2007 của Chính phủ về quản lý kiến trúc đô thị; Thông tư 08/2007 TT-BXD ngày 10/09/2007 của Bộ Xây dựng cùng một số văn bản của nhà nước khác về việc hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy chế quản lý quy hoạch đô thị.v.v. Nghị định 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003, cũng đã nêu rõ việc lấy ý kiến người dân khi lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết ở xã, phường là quy định bắt buộc. Tuy nhiên như các chuyên gia phân tích: Trở ngại lớn nhất là chủ nghĩa bè phái hay cạnh tranh quyền lợi trong các cộng đồng, nó làm phương hại đến mục đích cần đạt tới là "quyền lợi chung”. Điều này thường xuất hiện do sức mạnh của cá nhân có quyền lực trong các cơ quan địa phương. Tham nhũng cũng là một vấn đề liên quan đến người ủng hộ và sự bổ nhiệm. Nói một cách dân dã, nhiều khi "ý chí lãnh đạo” đã làm vỡ quy hoạch. Và như GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường, cho rằng, quy hoạch sử dụng đất phải được lập trên nguyên tắc đối thoại giữa các bên có liên quan tới sử dụng đất, lấy lợi ích kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường làm nền tảng đối thoại để đạt tới sự đồng thuận cao. Đây là một trong những giải pháp làm giảm nguy cơ tham nhũng trong quy hoạch sử dụng đất, đồng thời cần triệt tiêu tư duy quy hoạch là ý chí của lãnh đạo.
Cần đặc biệt tăng cường chế tài mạnh và tính thượng tôn pháp luật trong thi hành quy hoạch với mục tiêu quy hoạch phải có giá trị pháp lý cao, như ý kiến của TS Trần Kim Chung -Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch - đầu tư) đã từng phát biểu. Thực tế cho thấy, hệ thống văn bản pháp luật đất đai có nhiều điểm chưa thống nhất, còn chồng chéo, tạo kẽ hở, phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Để xử lý những bất cập, trong các quy định pháp luật về đất đai nói chung, về quy hoạch nói riêng cần được làm rõ, cụ thể; bổ sung, sửa đổi trong việc sửa Luật Đất đai tới đây.

Kiên Long
http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=0&chitiet=46880&Style=1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét