Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre: Xã và toà bảo kê cho kẻ chiếm đất trái phép cụ bà 82 tuổi nhảy lầu tự tử

Theo thongtinthuongmai.vn - 20 giờ trước
(TTTM News) - Mảnh đất có tự bao đời nay của một gia đình nghèo bị một cán bộ chiếm dụng. Xã, toà án và chính quyền huyện bảo kê cho kẻ chiếm đất trái phép bán cho người giàu sang.
Toà xử sai, chưa thi hành án được, xã xử phạt hành chính và liên tục hăm doạ. Vì quá uất hận, cụ bà 82 tuổi đang sống nhờ vào nguồn thu nhập của người con dâu giặt đồ mướn hằng ngày, nhảy lầu tự tử. Hàng trăm người dân phẫn uất...
Sự thật quá đau lòng
Gia đình cụ Lê Thị Bê ở ấp Thạnh, xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre có 8.460 m2 đất ruộng của tổ tiên ông bà để lại từ lâu đời. Sau ngày giải phóng miền Nam, khi có chủ trương đưa đất vào tập đoàn sản xuất, vì quá đông nhân khẩu, gia đình cụ Bê được nhận khoán lại 7.260 m2, số đất còn lại 1.200 m2. Sau khi tập đoàn tan rã, theo chủ trương chung đất ai trả về chủ đó, UBND xã tự tiện cấp cho ông Phan Năm, cán bộ nghỉ hưu 500 m2.
Tuy bị mất phần đất này nhưng cụ Bê không phản đối vì cụ không hề hay biết ông Năm đã có nhà, đất ở thị xã (nay là thành phố Bến Tre). Ban đầu cụ nghĩ cán bộ chưa có đất làm nhà ở thì nhường cơm sẻ áo. Ai ngờ, khi được xã cấp 500 m2 đất ngày 27-5-1995, UBND huyện Thạnh Phú cấp Giấy CNQSDĐ (sổ đỏ) cho bà Lê Thị Mi (vợ bé ông Năm) đứng tên với diện tích 700 m2 thổ cư, trong khi bà Mi đang có chủ quyền và trực tiếp sử dụng 5.850 m2 đất. Số đất còn lại theo giấy tờ là 700 m2 của gia đình cụ Bê, UBND xã cấp cho bà Lê Thị Thuỷ ngụ cùng ấp 500 m2. Cụ Bê chỉ còn lại duy nhất 200 m2.
Vì quá nghèo không có tiền làm sổ đỏ, cụ Bê dựng chòi lá trên diện tích 24 m2 ở một mình, bảy người con của cụ đều bỏ quê đi làm thuê kiếm sống ở nhiều tỉnh khác, duy chỉ có người con dâu thứ sáu ở nhà giặt đồ mướn hằng ngày nuôi cụ. Vậy mà, trong thời gian sống tại đây, ông Phan Năm đã dùng mọi thủ đoạn lấn chiếm trái phép thêm 338,4 m2 đất của cụ Bê. Cụ Bê gửi đơn khiếu nại, chính quyền địa phương phớt lờ, vô cảm, thậm chí Chủ tịch UBND xã Tân Phong Nguyễn Việt Quốc còn bảo kê cho kẻ chiếm đất trái phép, đồng thời vu khống cụ Bê lấn chiếm 24 m2 đất cất nhà trái phép và kí quyết định phạt vi phạm hành chính cụ Bê với số tiền 1.250.000 đồng. Một hành vi phạm pháp thô bạo, trắng trợn, mất cả luân lí đạo đức.
Ngày 19-6-2008, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Bùi Văn Lâm kí quyết định cấp sổ đỏ thứ hai cho ông Phan Năm đứng tên, diện tích lên tới 838,4 m2. Hành vi này thể hiện sự đồng loã cố ý của cả hai cấp chính quyền huyện và xã bảo kê cho ông Phan Năm chiếm đất trái phép! Vì phần diện tích 838,4 m2 đất này bao gồm cả căn nhà và đất của cụ Bê hiện đang sinh sống. Sau khi được cấp "sổ đỏ chui" thứ hai xong, ông Phan Năm nhanh tay làm giấy bán toàn bộ diện tích đất cho vợ chồng ông Nguyễn Công Hà ở xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú (chủ đại lí gạch men Đồng Tâm) với giá 1,1 tỉ đồng, trong giấy tờ mua bán chỉ thể hiện 310 triệu đồng có xác nhận đóng dấu kí tên của Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong Nguyễn Thành Việt.
Chết oan ức
Thấy hoàn cảnh cụ Bê tuổi cao, hộ nghèo loại A trong xã, sống cô đơn, nguồn sống chủ yếu dựa vào bát cơm, manh áo của người con dâu, hàng chục gia đình xung quanh góp tiền xây cho cụ cái kim tĩnh ngay tại khu đất cụ đang sống, lỡ cụ về già có chỗ yên tĩnh. Vậy mà khi cụ Bê nhảy lầu tự tử, lực lượng cảnh sát kéo đến hàng trăm người không cho chôn cụ Bê tại kim tĩnh đã xây sẵn trên đất của cụ mà buộc gia đình phải chôn nhờ đất nhà ông Bảy Thuận hàng xóm.
Chứng kiến tận mắt cảnh tượng mất đạo lí này, hàng trăm người dân địa phương lặng lẽ đứng nhìn ngậm ngùi lau nước mắt. Những người đến quay phim chụp hình đám tang cụ cũng bị cảnh sát buộc phải huỷ phim, ảnh. Nhiều NCT cho biết, suốt gần hai mươi năm cụ Bê gửi đơn khiếu nại đòi lại 338,4 m2 đất ông Phan Năm chiếm đoạt, chính quyền các cấp không giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Thấy bất công và nỗi đau bị chèn ép đối với cụ Bê, 24 hộ dân trong ấp kí tên viết đơn tập thể gửi Chủ tịch UBND huyện và Chủ tịch UBND xã yêu cầu giải quyết đất cho cụ Bê theo quy định của pháp luật, nhưng xã và huyện vẫn phớt lờ. Trong hai giấy xác nhận của ông Đinh Minh Hùng, cựu Đảng uỷ viên, Trưởng ban Tổ chức Đảng uỷ xã Tân Phong và ông Lê Hùng Thắng, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Tân Phong đã nghỉ hưu đều khẳng định: "Diện tích đất xã cấp cho ông Phan Năm và nhiều hộ khác tại thời điểm 1995 chỉ có 500 m2/hộ, nếu hộ nào dư thừa dù chỉ một mét vuông cũng là đất lấn chiếm!". Sự thật đã bị chính quyền địa phương lật ngã, buộc lòng cụ Bê gửi đơn khởi kiện đến toà án. Tại Quyết định Bản án số 05/2006/DT-ST, ngày 7-11-2006 của TAND huyện Thạnh Phú do thẩm phán Tôn Văn Thông làm chủ toạ đã viện dẫn những điều phi thực tế, thiếu tôn trọng luật pháp. Trong đơn cụ Bê chỉ khởi kiện buộc ông Phan Năm trả lại phần đất chiếm dụng trái phép, chứ cụ đâu khởi kiện bà Lê Thị Thuỷ ra toà đòi lại đất? Vậy mà toà sơ thẩm vẫn đưa cả gia đình bà Thuỷ vào danh sách bị đơn để xét xử, buộc cụ Bê phải chịu ba khoản lệ phí gồm: Lệ phí đo đạc địa chính; Lệ phí định giá tài sản; Án phí dân sự sơ thẩm.
Sau khi toà tuyên án, về nhà cụ Bê ngất xỉu, miệng cứ lắp bắp: "Trời ơi, đất nó chiếm, tôi sống nhờ đứa con dâu, lấy đâu ra số tiền lớn để cống nộp cho toà?". Vì quá đau lòng, cụ lại tìm đến luật sư nhờ viết đơn kháng cáo. Tại Quyết định Bản án phúc thẩm số 143/2006/DS-PT ngày 30-1-2007 của TAND tỉnh Bến Tre do Thẩm phán Lê Văn Mười làm chủ toạ, cùng các thẩm phán Huỳnh Ngọc Dũng, Nguyễn Kim Tư đã tuyên "y án sơ thẩm". Đọc xong nội dung bản án phúc thẩm, cụ Bê bị ngất xỉu lần thứ hai. Điều đáng lên án là cụ Bê, 82 tuổi, không đi lại được, uỷ quyền cho con trai Dương Thanh Liêm đang làm thuê ở Đồng Nai. 11 giờ trưa cùng ngày 30-1-2007, TAND tỉnh Bến Tre mới trao giấy triệu tập tại xã Sông Thao, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Khi ông Liêm về đến Bến Tre đã hơn 2 giờ chiều thì toà đã tuyên án xong.
Việc toà phúc thẩm xử vắng mặt nguyên đơn và viện dẫn sai sự thật là một hành vi cố ý xem thường luật pháp, vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng. Trong khi cơ quan thi hành án dân sự của huyện chưa có bất kì một thông báo hay quyết định nào để thi hành án, vậy mà Nguyễn Thanh Hiền, cán bộ địa chính xã thường xuyên cầm quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Chủ tịch UBND xã Tân Phong Nguyễn Việt Quốc kí đến nhà riêng hù doạ cụ, buộc cụ Bê phải nộp phạt và dỡ nhà đi nơi khác. Nghe xong cụ Bê lại ngất xỉu lần thứ ba và được người hàng xóm chở đi cấp cứu. Lần hù doạ cuối cùng, cụ Bê đã vĩnh viễn ra đi. Đó là ngày 13-12-2011 (giáp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn) khi cụ Bê đang chống gậy ngồi trước cửa căn chòi lá xập xệ mong chờ bát cơm từ bảy người con đi làm mướn trở về quê đón Tết thì Nguyễn Thanh Hiền, cán bộ địa chính xã lại đem quyết định xử phạt hành chính do Nguyễn Việt Quốc kí vào hù doạ cụ Bê. Lần này cụ ngất xỉu tại chỗ, những người hàng xóm lại chở cụ vào cấp cứu. Tỉnh dậy, nghĩ tới những hành vi vô nhân đạo này, cụ Bê nhảy từ lầu 1 của Trung tâm Y tế huyện Thạnh Phú tự tử chết tại chỗ.
Đám tang cụ Bê bị hàng trăm cảnh sát từ xã tới tỉnh ngăn cản bằng một hàng rào dây chì, không cho bất kì ai vào chụp hình, quay phim, một số con cháu của cụ ghi hình bằng điện thoại di động liền bị cảnh sát gọi lên trụ sở UBND xã lập biên bản xoá hết. Hàng trăm người dân đã từng góp tiền xây kim tĩnh cho cụ Bê, ai cũng ngậm ngùi khóc thầm trong niềm đau thương, xót xa cho số kiếp một người chết oan trong nỗi uất hận đến tột cùng.
Nhân dân địa phương và con cháu cụ Bê mong Toà Giám đốc Thẩm TANDTC ra quyết định huỷ hai bản án trái pháp luật nêu trên và Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre ban hành quyết định thu hồi phần đất lấn chiếm trái phép của ông Phan Năm, giao cho con cháu cụ Bê, một gia đình nông dân nghèo nhất huyện đang cần đất sản xuất.
  • Hải Đăng - Thiên Thanh - Tùng Lâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét