Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Nhà thơ Trần Đăng Khoa luận bàn vụ Đoàn Văn Vươn (kỳ 1)

(GDVN) - “Nông dân thời nào cũng rất khổ. Hình như họ sinh ra để khổ. Có được sướng cũng không sướng được… Họ có sức chịu đựng gian khổ đến vô tận”.

  • Giao lưu trực tuyến về vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, Hải Phòng
  • Vụ cưỡng chế Hải Phòng: Những phát ngôn gây "sốc" và đáng chú ý nhất
  • Ông Đoàn Văn Vươn sẽ phải chịu bao nhiêu năm tù?
  • “Chủ tịch huyện Tiên Lãng không đủ trình độ lãnh đạo”
  • Đại tướng Lê Đức Anh tiếp tục lên tiếng vụ Đoàn Văn Vươn
  • Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Vụ Đoàn Văn Vươn là bài học đau xót (kỳ 2)
  • Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Từ vụ Đoàn Văn Vươn, ngẫm lời Bác dạy” (kỳ 3)

  • Vào một ngày áp Tết Nhâm Thìn, tôi có dịp cùng ăn trưa và trò chuyện với Nhà thơ Trần Đăng Khoa. Khi biết tôi có ý định viết về vấn đề nông nghiệp – nông dân – nông thôn, ánh mắt ông đượm buồn, bảo: Nông dân thời nào cũng khổ. Hình như họ sinh ra để khổ. Có được sướng cũng không sướng được. Có phủ lên vai họ tấm áo bào lộng lẫy của một ông vua thì họ cũng không thể thành được ông vua. Họ có sức chịu đựng gian khổ đến vô tận. Nhưng lại mất hoàn toàn thói quen để làm một người sung sướng. Thế mới khổ!
    "Nông dân khổ đến mức không còn biết là mình khổ nữa"
    Tôi thấy là đời sống của người nông dân bây giờ cũng khá hơn rồi chứ, vì sao ông lại nghĩ rằng thời nào họ cũng khổ?
    Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Khá là khá cái vỏ ngoài thôi. Phải nhìn vào thực chất đời sống của họ, chất lượng sống của họ, mới thấu hiểu được. Làng tôi là làng Điền Trì. Tháng nào tôi cũng về quê và cũng nhờ thế mà hiểu được người dân quê. Ngay như bố mẹ tôi, năm nay đã ngoài 90 tuổi, vẫn không chịu rời quê và sống cũng rất khổ, trong khi con cháu đều sống ở thành phố. Nếu chú về nhà tôi chú sẽ quy kết anh em tôi không chu đáo với bố mẹ, để bố mẹ quá khổ cực. Bố mẹ tôi không chịu được thành phố. Bao nhiêu  tiền tôi đưa cho, mẹ tôi cũng gom lại rồi cất đi, rồi tích cóp cho các cháu. Sinh hoạt rất tằn tiện, cứ như thời Chị Dậu, đến độ anh em tôi nhịn không nổi, nhưng rồi các cụ vẫn vậy, chẳng thay đổi được.
    Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Người nông dân có sức chịu đựng gian khổ đến vô tận

    Ngồi vào mâm cơm, cái bát chẳng lành, đũa cũng cọc cạch, cái cong, cái vẹo. Cốc chén sứt sẹo, cóc cáy. Có lần, ông anh tôi mang về những bộ bát đũa rất đẹp của Nhật, quăng tất cả bát đũa cũ ra bụi tre. Ấy vậy mà, chúng tôi đi rồi thì bà cụ lại lọ mọ ra nhặt hết về. Đấy, thế có phải phải khổ không. Được sướng cũng có sướng được đâu. Tôi muốn thuê người giúp việc cho cụ, cụ giãy nảy: “Mày định biến tao thành địa chủ à mà sắm người hầu, rồi người ta lại đấu tố à?”. Những vụ đấu tố địa chủ - mà địa chủ đều là những người cày thuê cuốc mướn nhờ tằn tiện mà có của ăn của để - từ thời nảo thời nào vẫn còn ám ảnh bà cụ. Chú bảo thế có khổ không?
    Hình như ông không chỉ nói tới nông dân thuần túy mà còn muốn đề cập đến những vấn đề lớn hơn?
    Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Phải nói thế này, nước ta dù có đổi mới thì đa phần người dân vẫn phải bám vào nông nghiệp. Theo tôi, muốn đánh giá hiệu quả của công cuộc đổi mới đất nước thì phải nhìn vào chất lượng đời sống của những người nghèo nhất xã hội là nông dân. Nếu người nông dân không thay đổi được số phận mình thì công cuộc đổi mới của chúng ta vẫn chưa đạt được hiệu quả đích thực. Nước ta có tới trên 80% làm nông nghiệp, xuất khẩu gạo trong top thứ hai thế giới, cũng có nghĩa là chúng ta xuất khẩu mồ hôi nước mắt đứng thứ nhì thế giới, chứ không có nghĩa dân ta giàu thứ nhì thế giới. Một tạ thóc bây giờ có được giá lắm cũng chưa tới triệu bạc, mà một vụ mùa thì được mấy tạ chứ?
    Nông dân khổ đến mức không còn biết là mình khổ nữa. Người nông dân ta dường như không có thói quen so sánh mình với người dân ở các nước tiên tiến, cũng như người dân đô thị. Họ chỉ so mình với chính mình thời tăm tối thôi. Và thế là thấy sướng quá. Đất nước mình đang tiến từ nông nghiệp tới công nghiệp. Đó là xu hướng lành mạnh. Nhưng tôi nhìn đâu cũng thấy nông dân. Nông dân cày cuốc, nông dân kinh doanh, nông dân làm quản lý, thậm chí có cả nông dân ở những cấp cao. Có nhiều anh rất trang trọng, hoành tráng, nhưng nhìn cung cách ứng xử của họ thì lại thấy hiện nguyên hình một anh nông dân cóc cáy, quê mùa.
    Khi góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng, tôi đã nói một ý: “Chúng ta phải chọn và tìm được người lãnh đạo có tầm nhìn xa, tầm nhìn vượt nhiệm kỳ. Còn nếu tầm nhìn chỉ ở một hoặc hai nhiệm kỳ thì chúng ta chỉ giải quyết được những vấn đề trước mắt, mang tính vụ lợi cho một người hoặc một nhóm người rồi hết nhiệm kỳ thì hạ cánh an toàn, còn mọi hậu quả, con cháu gánh chịu”.

    "Nói gì thì nói, đời sống của người nông dân phải được đảm bảo"
    Tôi cũng sinh ra và lớn lên ở một làng quê ở tỉnh Nam Định (cùng làng với Nhà thơ Nguyễn Bính). Vì thế, tôi rất thích bài “Hạt gạo làng ta” của ông. Và có lẽ, hai câu thơ “Nước như ai nấu, chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ, mẹ em xuống cấy” cũng đã lột tả hết cái sự chịu đựng đến vô tận của người nông dân rồi… Rồi tới ngày tôi học đại học, cô giáo chủ nhiệm hỏi tôi sau này có ước mơ gì. Tôi trả lời: Ước sẽ làm được một điều gì đó cho người nông dân bớt khổ. Trong tâm thức, cái hình ảnh những người nông dân với đôi chân trần lội ruộng vào những ngày rét buốt tới cắt da cắt thịt khiến tôi bị ám ảnh cho đến tận bây giờ. Vì lẽ đó, tôi mong có thể làm được một điều gì cho họ… Mà nói vui một chút thì nếu không có người nông dân, chắc gì đã có những tác phẩm kinh điển như “Hạt gạo làng ta”…
    Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nhìn vào các làng quê, nhất là vùng sâu, vùng xa, vẫn không ít những nông dân còn trong cảnh bần cùng. Phần lớn những người này đang bám đồng ruộng. Không thể phủ nhận là hiện nay đời sống nói chung của chúng ta là có khởi sắc, nhưng cũng còn rất nhiều vấn đề nan giải. Cái nan giải nhất hiện nay là nông dân mất đất. Trọn đời, Cụ Hồ chỉ có một mong muốn, “mong muốn tột bậc là ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Cụ đã làm hết sức mình để “người cày có ruộng”. Bây giờ, người cày lại đang mất ruộng. Ở một số vùng nông thôn ven đường lớn, hay ven đô thị, bị thu hồi đất rất nhiều để làm khu công nghiệp, cả khu vui chơi giải trí mà ta quen gọi là du lịch sinh thái.
    Người nông dân thì mất đất, trong khi nhiều đất thu hồi thì lại để bỏ hoang. Bần cùng thì tất biến. Vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng là một bài học chua xót. Sẽ còn thê thảm hơn, nếu các nhà quản lý không chịu coi đó là một bài học cần phải rút kinh nghiệm một cách cay đắng. Đã thế, người nông dân còn bán đất hương hỏa đi. Họ bán với giá rất rẻ. Anh phố thị nào cũng muốn có cái nhà nghỉ hay trang trại ở quê. Chỉ bỏ ra chừng non tỉ bạc là đã có thể có cả nghìn mét vuông đất quê. Người phố đổ về quê để được sống. Còn anh nhà quê thì lại phải nhao về thành phố để kiếm sống.

    Nhà thơ Trần Nhuận Minh có bài thơ viết về thảm cảnh này của người nông dân chỉ có bốn câu, mà lần nào nhớ đến, tôi cũng bị ám ảnh: “Những nông dân không còn ruộng đất/ Táp về thành phố/ Bán mình trong các chợ người/ Định nói một điều/ Nhưng rồi tôi im lặng”.
    Cái im lặng của nhà thơ, chúng ta có thể hiểu được. Đấy là một bộ phận. Còn một bộ phận khác may mắn hơn, có nhà, có đất, có việc làm, có chức vụ. Anh nhà quê ra phố, mang những luộm thuộm, nhơm nhếch của làng quê đi “khai hoá” thành phố. Còn anh thành phố thì lại mang xi măng sắt thép về bê tông hóa làng quê. Thế là tất cả nháo nhào. Rốt cuộc là hỏng ráo cả.
    Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nông dân thời nào cũng khổ

    Nghe ông nói vậy, tôi chợt nhớ ra, cách đây ít lâu có đọc được một thông tin: Việt Nam là đất nước hạnh phúc nhất châu Á. Thông tin này được công bố bởi một công ty ở nước Anh. Nghiên cứu ấy của họ xếp Việt Nam đứng thứ 12 trong 178 nước và lãnh thổ. Bảng chỉ số này gồm có sự hài lòng với cuộc sống, tuổi thọ và dấu ấn môi trường - tức diện tích đất cần có để người dân sống tốt và khả năng tiêu thụ năng lượng. Đọc thông tin ấy, thấy vui vì họ đánh giá cao đời sống của dân ta, nhưng cũng buồn, vì thực chất nó chưa được như vậy...
    Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Chỉ riêng nghĩa của hai chữ “hạnh phúc” thôi cũng đã rộng lớn lắm rồi: Người nào đói thì được ăn no đã cảm thấy hạnh phúc; người không có nhà thì cần nơi để ngủ; người lại nghĩ phải nhiều tiền mới sướng, mới là hạnh phúc, nhưng cũng có nhiều người khác thì đơn giản là họ hài lòng với cuộc sống đang có, không gặp phải những gì bất chắc quá lớn thì là hạnh phúc; đôi khi hạnh phúc chỉ là những cảm giác tưởng chừng rất nhỏ nhoi, đó là được nghe giọng nói của người thân, được chăm sóc người mình thương yêu…
    Tuy nhiên, nói gì thì nói, đời sống của người dân (trong đó phần lớn là nông dân) phải được nâng tầm, phải được đảm bảo thì mới có thể tạm yên tâm, chứ chưa thể khẳng định là hạnh phúc. Hạnh phúc làm sao được khi mà còn quá nhiều người nông dân dân chịu cảnh bần hàn; hạnh phúc sao được khi mà còn biết bao em nhỏ đến trường mà không đủ ăn đủ mặc; hạnh phúc sao được khi mà vẫn còn quá nhiều gia đình phải chịu đựng những nỗi đau từ tột cùng từ đâu đó ập đến (như kẻ giết người Lê Văn Luyện đã tiêu diệt cả một gia đình, đem đến nỗi bất an cho cả mấy dòng họ, rồi sự lo lắng cho cả một xã hội sau này)… Vì thế mà những thông tin kia cũng chỉ như một quan điểm cá nhân mà thôi, chúng ta không nên tự huyễn hoặc mình.
    Trước đây, đã khá lâu rồi, tôi có dịp được trò chuyện với một lãnh đạo cao cấp của nước ta, khi ông đi công tác từ Nga, Pháp… về. Ông bảo rằng, đi công tác mới biết dân mình sướng, vì đang đứng trên đỉnh của cái chóp nón. Và lúc đó, tôi có nói vui với ông rằng, điều ấy thì hẳn đúng rồi, nhưng không biết là đỉnh của cái nón úp, hay ngửa (Cười).
    Nhà thơ Trần Đăng Khoa có nhiều năm tháng gắn liền với đời sống nông dân-nông thôn, vì thế mà ông có những góc nhìn khá thú vị về sự việc liên quan tới Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng). Ông gọi đó là “Chị Dậu, Anh Pha” của thời hiện đại… Trân trọng mời đọc giả đón đọc tiếp cuộc đối thoại của phóng viên với Nhà thơ Trần Đăng Khoa ở kỳ sau.
    Ngọc Quang

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét