Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Những mảnh đời nổi trôi cùng rác

....và đây là gì?: Căn hộ triệu đô: Chưa có gì để tin -Nội thất đế vương trong căn hộ 5 triệu USD --Hà Nội: Căn hộ mạ vàng giá 5 triệu USD -
"Choáng" trước thú chơi "siêu khuyển" của đại gia Việt (Phần 1)
Cận cảnh từng chi tiết trong "căn hộ đế vương" 100 tỷ tại Hà Nội (GD 25-2-12) -- Sôi động bất động sản cho người âm (TP 25-2-12) -- Sốc' với thú chơi siêu khuyển của đại gia Sài thành (DDDN 25-2-12)Giữa bò và bồGiữa Thủ đô, biệt thự triệu đô xây cho... bò ở (VNN 25-2-12)
Bãi rác là nơi chứa đựng vô vàn mọi thứ phế thải, ngập ngụa mùi hôi thối, nhưng cũng chính nơi này có mấy chục con người đang từng ngày, từng giờ cặm cụi “bới móc” để kiếm tìm sự sống.

Đến bãi rác tại xã Tân Long, Phụng Hiệp, lúc cái nóng của ánh nắng mặt trời vừa đủ làm “rát” da mặt, đứng ở chân “núi” rác nhìn lên thấy bóng của những người làm nghề nhặt rác liêu xiêu. Cố kiếm một lối mòn để đi, nhưng dưới chân ngập tràn một thứ nước đen đen, đặc quẹo, cả không gian bao trùm bởi một mùi hôi tổng hợp của tất cả các mùi hôi, nó cứ nồng nặc xông lên tận mũi khiến bất cứ ai mới đến đây lần đầu đều phải rùng mình. Dẫu biết rằng ai cũng phải lao động để sinh tồn cho bản thân và gia đình, nhưng nhìn điều kiện làm việc có phần khắc nghiệt của những con người nơi đây rất dễ làm người khác phải chạnh lòng. Ở đây dường như tất cả các thứ rác thải sinh hoạt, những thứ tưởng chừng là đồ đã bỏ đi được đôi tay của những người nhặt rác đào bới, lượm lặt. Việc làm sao để nhặt thật nhanh, thật nhiều những thứ bán được đã làm cho họ quên mất cái mùi xú uế đang bốc lên. Với đôi ủng cũ kĩ và cây móc sắt, họ xé toạc từng bọc rác, liếc mắt thật nhanh rồi phân tách rác ra thành từng loại để bỏ vào bao. Nhìn dáng họ lom khom, miệt mài làm việc, nhưng miệng vẫn cười nói rôm rả, khi chúng tôi bắt chuyện mới thấy rằng họ vẫn tự hào vì đang sống bằng chính sức lao động của mình. Được biết, làm việc kiếm sống tại đây ngoài một số là dân địa phương, đa phần còn lại là những người dân đến từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… mà theo cách nói vui của họ thì “tha phương cầu thực, bãi rác tới đâu mình tới đó”.
 
Bãi rác là sự sống của rất nhiều người.
Ông Huỳnh Văn Hùng, đến từ Cà Mau làm nghề nhặt rác đã được mười mấy năm. Trước đây, ông cùng vợ làm tại bãi rác Cái Răng, nhưng từ khi bãi rác được di dời thì cả nhà ông về đây sinh sống. Do vợ ông bệnh không làm việc nặng được nên hiện tại, ông chỉ cùng người con trai làm việc tại đây. Ông nói: “Tui làm nghề này lâu rồi, vẫn biết là công việc vất vả lại phải tiếp xúc với môi trường nhiều vi khuẩn rất có hại cho sức khỏe, nhưng mình nghèo, lại không có trình độ thì đành phải chịu chứ biết làm sao. Lúc mới vào nghề, sau một ngày lượm rác về tắm rửa rồi, nhưng lúc nào cũng thấy mùi hôi, ăn cơm không vô, nhưng riết rồi quen không biết mùi vị gì nữa hết. Giờ đi làm đem theo cơm ăn tại bãi luôn cho đỡ mất thời gian”.

Công việc vất vả là thế, nhưng số tiền họ kiếm được không nhiều. Anh Nguyễn Văn Điệp, nhà ở thị trấn Rạch Gòi, cho biết: “Mỗi ngày, tui kiếm được khoảng 100.000-150.000 đồng mà còn tùy hôm rác nhiều hay ít nữa. Mấy bữa nay, ở đâu người lượm rác kéo lại đông quá nên tui đi làm lúc 4 giờ sáng chứ nếu không người ta lượm hết không còn đâu mà lượm. Còn trẻ gắng làm dành dụm mua chiếc xe máy để về nhà chạy xe ôm, chở hàng kiếm sống”. Miệng vừa nói tay anh vừa vụt mạnh cái móc sắt vào đóng rác “tươi” vừa mới được diệt khuẩn bằng thứ vôi màu trắng xóa. Lũ ruồi nhặng cũng vội bay lên rồi đáp xuống đen ngòm cả đống rác, có lẽ chúng cũng tranh thủ bu vào để kiếm sống.
 
Ngồi trên bãi rác để ăn uống với họ là chuyện bình thường.
Trong số mấy chục con người đang lao động nơi đây, có một cô bé tên Nguyễn Thị Kiều, đến từ Bạc Liêu, da đen nhẻm, tóc cháy vàng vì nắng, ánh mắt thì đen láy trông có vẻ rất “lỳ” đã khiến chúng tôi phải tò mò. Mọi người ai cũng nói “nó “lỳ” sư phụ luôn”, làm ngoài nắng chang chang vậy chứ kêu đội nón không bao giờ chịu đội. Bữa nay thấy nó đội vậy là “hên” dữ lắm rồi đó nghen”. Chẳng biết có đúng là vậy không, nhưng khi nói chuyện với Kiều, chúng tôi phần nào hiểu được điều gì đã khiến một đứa bé 13 tuổi “lầm lì” như thế. Mới 13 tuổi, nhưng Kiều đến bãi rác làm việc đã 2 năm, công việc vất vả khiến thân hình em nhỏ thó như đứa trẻ mới lên 9, lên 10. Trả lời câu hỏi em có ước mơ gì không? Chúng tôi ngạc nhiên khi Kiều nói: “Em không có ước mơ gì hết chị ơi”. Có lẽ đó là câu trả lời thành thật nhất của Kiều, và có lẽ chính bản thân một đứa bé chưa một ngày đến lớp để học, nhưng bao năm trời lam lũ lao động như một người lớn, đã khiến Kiều không hề biết niềm vui được đến trường như những đứa trẻ cùng trang lứa. Ở Kiều dường như chưa định nghĩa được hai từ “ước mơ”. 

Chia tay mọi người, trên đường về, chúng tôi mới để ý đến những dãy nhà trọ lụp xụp, nơi trú ngụ của những người làm nghề này mới thấy cuộc đời họ nổi trôi như chính cái tên nghề mà họ đang làm, nghề “nhặt rác”. 

Bài, ảnh: NHƯ NGUYỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét