Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Doanh nghiệp vẫn than tham nhũng, thiếu minh bạch

Xưa nay là thế mà, không thế thì "quan" làm sao có nhà lầu, xe hơi, uống rượu ngoại, bia Heiniken nè....

(VOV) - Các nỗ lực kiểm soát tham nhũng của chính quyền địa phương chưa được đánh giá cao, trong khi thực trạng về tính minh bạch của môi trường kinh doanh cũng là vấn đề đáng thất vọng trong PCI nhiều năm nay.

Đ.K/VOV online

Báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2011 (PCI 2011) vừa được công bố sáng 23/2 cho thấy có sự cải thiện trong công tác điều hành của chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, những lĩnh vực dễ cải cách đã cạn trong khi những vấn đề lớn chưa xoay chuyển được lại đòi hỏi cân bằng các nhóm lợi ích của địa phương như tính minh bạch và mối quan hệ cá nhân giữa doanh nghiệp và chính quyền.
Tham nhũng – chưa được cải thiện là bao
Ông Jim Winkler- Giám đốc dự án Sáng kiến Cạnh tranh Việt Nam của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAD/VNCI) dẫn khảo sát thường niên đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam cho thấy các doanh nghiệp không đánh giá cao nỗ lực kiểm soát tham nhũng của chính quyền địa phương. Đây cũng là chỉ tiêu mà các doanh nghiệp đánh giá thấp nhất, thậm chí có điểm số gần bằng 0.
Theo kết quả khảo sát, dù doanh nghiệp ghi nhận tình trạng tham nhũng nhỏ, dưới dạng tiền lót tay cán bộ cơ quan hành chính địa phương, đã có cải thiện, nhưng tham nhũng ở quy mô lớn hơn (như hành vi lại quả khi ký kết hợp đồng mua sắm công hoặc các thỏa thuận đất đai béo bở) dường như lại gia tăng theo thời gian”. Đến 56% doanh nghiệp có hoạt động đấu thầu dự án của Nhà nước cho biết việc chi hoa hồng là phổ biến. Trong khi con số này trong năm trước đó chỉ là 41%. Báo cáo kết luận: “Xét cho cùng, tham nhũng lớn vẫn nguy hiểm hơn, bởi nó góp phần làm tăng sự bất công giữa một nhóm ít người có quan hệ tốt với chính quyền và phần còn lại của đất nước, đồng thời ảnh hưởng tới niềm tin vào bộ máy nhà nước”.
Doanh nghiệp vẫn than thiếu minh bạch
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng ban Pháp chế VCCI, thành viên nghiên cứu PCI cho biết, thực trạng về tính minh bạch của môi trường kinh doanh cấp tỉnh đang là vấn đề đáng thất vọng trong PCI nhiều năm nay.
Trong khi đó, theo ông Tuấn, trong 9 chỉ số thành phần của PCI, chỉ số minh bạch là quan trọng nhất, có tác động lớn đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Tác động này đã được chứng minh qua các con số thống kê. Theo phân tích trong báo cáo PCI năm 2009, một điểm cải thiện trong chỉ số tính minh bạch sẽ giúp tăng 13% số doanh nghiệp tư nhân trên 1.000 dân, 17% đầu tư trên đầu người và tăng lợi nhuận bình quân mỗi doanh nghiệp 62 triệu đồng. Chỉ số minh bạch luôn có trọng số cao nhất trong các chỉ số thành phần của PCI qua các năm.
Mỗi năm, doanh nghiệp tham gia điều tra PCI đều đánh giá khả năng tiếp cận 13 loại tài liệu của chính quyền để phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh theo thang điểm từ 1-5 (trong đó 1 là không thể tiếp cận được và 5 là rất dễ tiếp cận). Theo điều tra năm 2011, mức tiếp cận nhóm các tài liệu pháp lý (như luật, nghị định, văn bản pháp luật cấp tỉnh...) chỉ là 3,03/5 điểm, còn mức tiếp cận nhóm các tài liệu kế hoạch (chính sách ưu đãi đầu tư, kế hoạch phát triển hạ tầng, bản đồ và quy hoạch sử dụng đất...) ở mức 2,51/5 điểm.
Ngay ở cấp độ cung cấp thông tin, chính quyền tỉnh chủ yếu cung cấp thông tin dựa trên sự sẵn có ở hiện tại và cung cấp một cách bị động. Nguồn thông tin đôi khi rất hạn chế trong một số phòng, ban của cơ quan nhà nước, hay ở một số cá nhân có quyền hạn. Rất ít trường hợp cơ quan nhà nước chủ động nghiên cứu nhu cầu thông tin của doanh nghiệp, từ đó thiết kế ra cơ sở dữ liệu thông tin nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu này.
Diễn biến tiêu cực nhất trong tính minh bạch là quan hệ cá nhân tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc doanh nghiệp tiếp cận tài liệu phục vụ kinh doanh. Theo điều tra PCI 2011, hơn 75% doanh nghiệp cho rằng cần phải có mối quan hệ cá nhân mới tiếp cận tài liệu pháp luật và kế hoạch cần thiết cho hoạt động kinh doanh của mình. Đáng lo ngại là tỷ lệ này ngày càng tăng (năm 2008 chỉ mới 50%).
Khi quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền dựa nhiều vào quan hệ cá nhân sẽ dẫn đến hệ quả là làm giảm tinh thần kinh doanh và nhiều khả năng tác động xấu đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Không chỉ chưa đáp ứng được ở mức độ tiếp cận thông tin, ở các khía cạnh khác trong tính minh bạch, các tỉnh, thành phố ở Việt Nam cũng chưa làm tốt. Khảo sát PCI cho thấy chỉ 15% số doanh nghiệp đã từng tham gia góp ý kiến về các quy định, chính sách của Nhà nước các cấp - một con số rất thấp và cũng đang giảm dần (từ 25% của năm 2009 và 22% của năm 2010).
Ông Đậu Anh Tuấn dẫn một thực tế: pháp luật về đấu thầu được quy định công khai tại hầu hết các tỉnh, thành phố nhưng thực tế rất khó tìm được một công ty nào tham gia nộp thầu, đấu thầu một cách minh bạch mà lại có thể trúng thầu. Có một khoảng cách rất lớn giữa quy định và thực tế. Chính vì vậy, đầy đủ thông tin chưa chắc đã là minh bạch. Quan trọng hơn là cách thức thực hiện, thiết chế để bảo đảm các nguyên tắc này được trên thực tế.
Bên cạnh đó, thông tin trên thực tế ở một số địa phương bị “cắt khúc” và chưa rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn giữa các cơ quan nhà nước khác nhau. Đối với những thủ tục hành chính liên ngành như thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường hiện nay, khó khăn nhất của các doanh nghiệp nhiều khi là không biết bắt đầu từ đâu và các bước cụ thể, trình tự như thế nào, đến khi nào là kết thúc và chính xác là bao nhiêu tiền. Nếu trong vòng hai, ba năm mà nhà đầu tư hoàn tất được toàn bộ thủ tục cho một dự án thì được xem là nhà đầu tư tài ba.
Điều đáng quan tâm là việc cải thiện tính minh bạch của môi trường kinh doanh dường như chưa là mục tiêu ưu tiên của các tỉnh, thành phố. Cuối năm 2009, trong một nghiên cứu về tính minh bạch của môi trường kinh doanh địa phương, nhóm nghiên cứu của VCCI gửi một bức thư điện tử giả định của một nhà đầu tư cho địa chỉ liên hệ đăng tại các địa chỉ website của toàn bộ các tỉnh, thành phố. Bức thư được gửi đi cùng một thời điểm, với nội dung là đề nghị chỉ dẫn về thông tin và cơ quan chức năng có cung cấp thông tin. Kết quả là chỉ có 13 tỉnh gửi thư phản hồi, trong đó hai tỉnh phản hồi ngay trong ngày và hai tỉnh sau một ngày; với 29 tỉnh khác, thư báo đã đi nhưng không hề có hồi âm; 16 tỉnh còn lại báo là địa chỉ e-mail không hoạt động hoặc bị lỗi. Thời điểm đó vẫn còn 4 tỉnh chưa có website.
Giá trị bỏ ra trong vài phút để trả lời thư điện tử thật nhỏ so với số tiền đầu tư vào việc xây dựng và vận hành một website lớn nhưng hiệu quả mang lại rất lớn. Điều này cũng tương tự như việc nhiều địa phương tổ chức xúc tiến đầu tư thật hoành tráng, tốn kém không ít để mời gọi đầu tư nhưng khi nhà đầu tư muốn tiếp cận thông tin thì lại vô cùng khó.
Cải cách hành chính chưa thành công
Theo kết quả khảo sát, năm 2011, chỉ còn 11% doanh nghiệp cho biết phải dành hơn 10% quỹ thời gian của mình để thực hiện thủ tục hành chính, giảm mạnh so với 21% năm 2006 và 23% của năm 2008.
Mặc dù thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện thủ tục hành chính giảm đi, nhưng các lĩnh vực khác của cải cách hành chính công vẫn chưa được thực hiện thành công. Chỉ có 40% doanh nghiệp cho rằng, cán bộ lãnh đạo địa phương làm việc hiệu quả hơn trước, trong khi con số này của năm 2009 là 44%. Tương tự, số doanh nghiệp nói rằng phải đi lại ít hơn đến cơ quan hành chính của tỉnh cũng giảm 6 điểm phần trăm (so với năm 2009), và chỉ có 16,5% nhận thấy phí, lệ phí chính thức giảm khi đến làm việc với cơ quan hành chính.
Điều rất đáng quan tâm từ kết quả PCI 2011 là sự sụt giảm mạnh của chỉ số tính năng động của lãnh đạo tỉnh, nhất là ở các tỉnh đứng đầu.
Năm 2006, 75% doanh nghiệp tham gia ở tỉnh trung vị cho rằng, quan chức tỉnh họ có hiểu biết về pháp luật đủ để tìm ra cách thức giải quyết vấn đề của doanh nghiệp. Con số này giảm đều đặn hàng năm và nay chỉ còn 65%. Tương tự, năm 2006, đến 62% doanh nghiệp cho biết lãnh đạo tỉnh họ rất sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, nhưng nay cũng tụt giảm mạnh./. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét