Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa?*

CNXH THỊ TRƯỜNG

Xin giới thiệu hai tiểu luận của Giáo sư Kornai János, nhà kinh tế học Hungari nổi tiếng thế giới, giáo sư danh dự của Đại học Harvard, nhà nghiên cứu danh dự dẫn đầu của Collegium Budapest Institue for Advanced Study và giáo sư nghiên cứu của Đại học Trung Âu. Ông cũng đã có hai cuốn sách rất bổ ích được dịch ra tiếng Việt, là Hệ thống XHCN và Bng sc mnh tư duy. GS cũng đã tới Việt Nam một lần. Hai bản dịch này của TS Nguyễn Quang A, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS.



Chủ nghĩa xã hội thị trường?


Nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa?*

Kornai János
Người dịch: Nguyễn Quang A

Dẫn Nhập

Việc gắn xã hội chủ nghĩa và thị trường với nhau có lịch sử dài. Đã xuất hiện những sự kết hợp và liên tưởng trong các cuộc tranh luận kéo dài từ lâu và đôi khi rất sôi nổi, trong cả các giới khoa học, lẫn trong lĩnh vực chính trị. Thí dụ, tôi chỉ nhắc đến hai khái niệm được sử dụng rộng rãi: chủ nghĩa xã hội thị trường nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.[1]
Kinh nghiệm Trung Quốc và Việt nam, việc nghiên cứu lịch sử thực của hai nước này có thể giúp việc suy nghĩ lại quan hệ giữa các khái niệm chủ nghĩa xã hội và thị trường. Cùng lúc đó cách tiếp cận theo chiều ngược lại cũng có thể rất hữu ích. Việc nhắc lại các cuộc tranh luận chính trị và khoa học của quá khứ cũng có thể đóng góp cho sự hiểu kỹ hơn những diễn biến thực của ngày hôm nay. Các nhà phân tích dễ bị lạc vào những phần vụn vặt. Việc đối sánh những kinh nghiệm ngày nay với các cuộc tranh luận sâu rộng hàng thế kỷ đặt sự phát triển của Trung Quốc và Việt Nam vào một viễn cảnh lịch sử rộng hơn.
Các cuộc tranh luận này đã luôn đặc trưng bởi những rối loạn khái niệm. Tiểu luận của tôi thử làm làm sáng tỏ khái niệm.

Giải nghĩa khái niệm thị trường

Giải nghĩa khái niệm thị trường không phức tạp – ít nhiều – có sự đồng thuận. Thị trường là cơ chế phục vụ cho sự điều phối các hoạt động con người, sự tổ chức tích hợp xã hội.[2]
Thị trường không phải là cơ chế điều phối, tích hợp duy nhất. Tôi chỉ nhắc duy nhất đến một cơ chế hoạt động và mạnh khả dĩ khác là cơ chế điều phối quan liêu, cơ chế đặc biệt quan trọng nhìn từ quan điểm kinh nghiệm Trung Quốc và Việt Nam. Trong quá khứ qua nhiều thập niên cơ chế này đã đảm bảo vai trò điều phối chính ở hai nước này. Điều phối quan liêu và thị trường khác căn bản với nhau về mức độ tập trung hay phân tán, về bản chất của các quá trình thông tin, về các khuyến khích. Điều phối thị trường và điều phối quan liêu chỉ là hai trong số nhiều loại cơ chế điều phối do lịch sử tạo ra, tuy tôi nói thêm rằng hai cơ chế này có vai trò đặc biệt quan trọng. Với thời gian các xã hội – trong khuôn khổ của các quá trình có ý thức hay tự phát – lựa chọn giữa các cơ chế khả dĩ. Cải cách ở Trung Quốc và Việt Nam, bên cạnh những thay đổi khác, đã mang lại sự dịch chuyển xa khỏi ưu thế của điều phối quan liêu sang phía ưu thế của điều phối thị trường.
Trong khi có sự thống nhất rộng rãi liên quan đến ý nghĩa của từ thị trường, thì lại xuất hiện những khó khăn lớn liên quan đến khái niệm xã hội chủ nghĩa. Có nhiều cách giải nghĩa. Đây không phải là những sự khác biệt quan điểm ngôn ngữ theo kiểu chẻ sợi tóc làm tư. Trên bề mặt có vẻ là các ý kiến đối chọi nhau về sự giải nghĩa của một từ duy nhất. Thực ra, sự chia rẽ sâu sắc về lựa chọn giá trị chính trị, về các viễn cảnh khả dĩ của “xã hội tốt”, về vạch ra chiến lược dẫn đến việc thiết lập trật tự mới, đã đè nặng một cách nghiêm trọng lên cuộc tranh luận khái niệm. Cuộc tranh luận không phải là về các từ, mà là sự đối chọi của những hùng biện chính trị khác nhau và của các ý thức hệ khác nhau.[3]
Tôi trình bày năm cách giải nghĩa của từ xã hội chủ nghĩa. Có nhiều loại giải nghĩa hơn, nhưng phần lớn những cách giải nghĩa đó có thể được mô tả bằng một sự pha trộn hay sự kết hợp của năm trường hợp “thuần khiết” mà tôi sẽ trình bày, hoặc như một trạm dừng tạm thời hay chuyển tiếp giữa các trường hợp thuần khiết này.
1. Giải nghĩa thứ nhất. Quan niệm xã hội chủ nghĩa của Marx
Hãy bắt đầu với Marx! Ông không phải là người đầu tiên dùng từ xã hội chủ nghĩa. Sự giáo dục chính thống của chủ nghĩa Marx, như được giảng dạy ở các nước dưới sự thống trị của đảng cộng sản, ưa thích dùng cái mác với nghĩa xấu, “chủ nghĩa xã hội không tưởng” để chỉ các nhân vật lỗi lạc cao vòi vọi của lịch sử chính trị và trí tuệ, Saint-Simon, Owen và Fourier, đối sánh họ với các tư tưởng của “chủ nghĩa xã hội khoa học”. Cái sau hình như bắt đầu với Marx.
Chắc chắn Marx đã mở ra một chương mới trong lịch sử các tư tưởng xã hội chủ nghĩa, và các học thuyết của ông đã có – và trong thời đại ngày nay vẫn có – ảnh hưởng to lớn đến tư duy và hành động chính trị. Vì thế có vẻ hợp lý để chúng ta tập trung sự chú ý đến đóng góp của ông.
Chúng ta không thể khẳng định rằng Marx đã say sưa cố gắng mô tả hệ thống xã hội chủ nghĩa tương lai. Ông đã đưa ra những nhận xét nhạo báng đối với các giáo sư Đức, những người đã vạch ra một cách chi tiết bản thiết kế của chế độ xã hội chủ nghĩa tương lai. Ông đã giới hạn ở việc để rơi vãi  vài ám chỉ ở chỗ này chỗ nọ. Đối với những tư tưởng của ông về chủ nghĩa xã hội, một phần chúng ta có thể suy ngược lại từ những cách tiếp cận phủ định* của ông: các đặc tính nào của chủ nghĩa cộng sản là các đặc tính mà ông từ chối với sự giận dữ nhất.
Cơ cấu chính trị. Marx đã không có kế hoạch rõ ràng về chế độ chính trị của chủ nghĩa xã hội nên như thế nào. Nhưng có thể tìm thấy các mẩu ý tưởng trong các công trình của ông mà các mẩu ý tưởng đó  cho phép chúng ta tái dựng kết cấu tư tưởng hình thành trong ông về đối tượng. Không nghi ngờ gì Marx đã không coi trọng “nền dân chủ tư sản”. Ông đã sẵn sàng trình bày các tư tưởng chính trị phóng khoáng dưới màu sắc nực cười, và coi chúng là rỗng tuếch. Nổi tiếng là những dòng được trích dẫn nhiều lần, trong đó ông lên tiếng bảo vệ chuyên chính vô sản, cần đến nó trên con đường dẫn tới hệ thống cộng sản chủ nghĩa đã phát triển hoàn toàn.
Marx đã có vài lý tưởng vô chính phủ ngây thơ về trạng thái chính trị của giai đoạn “chủ nghĩa cộng sản”. Bởi vì khi đó mọi nhu cầu được thoả mãn, sự cần thiết của bất cứ loại bạo lực hay trấn áp nào tự động mất đi. Nhà nước bắt đầu teo lại một cách tự phát, rồi cuối cùng biến mất, và chỉ còn bộ máy tự quản duy lý của cộng đồng.
Chắc chắn Marx đã không thúc đẩy việc thiết lập một nhà nước tàn bạo, áp bức, toàn trị leninist-stalinist-maoist. Thế nhưng, có thể nói rằng ông đã không coi nền chuyên chính là không tương hợp với những hình dung riêng của ông, chí ít cho giai đoạn quá độ, có độ dài không được xác định, dẫn tới chủ nghĩa cộng sản.[4]
Sở hữu. Quan niệm của Marx là như sau. Trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, tư bản sản xuất thuộc sở hữu của các nhà tư bản, họ điều khiển việc sử dụng tư bản. Giai cấp tư sản bóc lột giai cấp vô sản; không phải vì các thành viên của giai cấp tư sản là những người tàn bạo, mà bởi vì họ là các chủ sở hữu hợp pháp của tư bản. Phải thay đổi thế giới, đã đến lúc tước đoạt những kẻ đi tước đoạt. Từ dòng tư duy này suy ra rằng Marx và Engels trong Tuyên ngôn Cộng sản đã lên tiếng ủng hộ chế độ công hữu. “Giai cấp vô sản sẽ sử dụng quyền lực chính trị để từng bước chiếm đoạt tất cả tư bản của giai cấp tư sản, để tập trung mọi công cụ sản xuất vào tay nhà nước, tức là vào tay của giai cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị…” (Marx-Engels, 1848, Tuyên ngôn Cộng sản, chương II). Trong khi đó Marx đã không nêu rõ, con đường nào dẫn đến việc tất cả các tư liệu sản xuất tập trung hoàn toàn vào trong tay nhà nước, và ông cũng chẳng làm rõ các hình thức định chế của chế độ công hữu.
Ngần đó là chắc chắn rằng Marx đã có lập trường vững chắc và dứt khoát về vấn đề sở hữu. Tuyên ngôn Cộng sản đã đánh giá cao vai trò tiến bộ của chủ nghĩa tư bản sơ khai trong việc quét sạch những tàn dư phong kiến của xã hội. Thế nhưng thời gian đã vượt quá giai đoạn này rồi, và các nhà tư bản đã trở thành các chướng ngại của tiến bộ. Trong khía cạnh này, Marx đã không đưa ra sự phân biệt giữa các nhà tư bản lớn và nhỏ, đơn giản ông đã muốn thoát khỏi chủ nghĩa tư bản vì lợi ích của một hệ thống mới hiệu quả hơn.
Cơ cấu điều phối. Marx đã hiến dâng ba cuốn đồ sộ của bộ Tư bản cho việc nghiên cứu nền kinh tế thị trường. Mối quan tâm khoa học của ông tập trung vào việc để ông hiểu thị trường hoạt động như thế nào. Nhận xét tổng kết của ông đối lập gay gắt với lập trường của Adam Smith một bậc tiền bối mà ông ngưỡng mộ. Smith kính trọng sâu sắc thành tích không thể tin nổi của “bàn tay vô hình”. Hàng triệu người ra quyết định phân tán, không được phối hợp cuối cùng lại dẫn đến chỗ nền kinh tế đi vào trạng thái cân bằng. Kết quả này không được Marx thích. Ngược lại, ông nhìn thấy sự biểu hiện đặc sắc của tình trạng vô chính phủ trong thị trường. Ông đã không nghiên cứu cẩn thận vấn đề tính hiệu quả, mà hầu như linh cảm một cách tự phát, ông đi đến kết luận rằng hoạt động của thị trường dẫn đến lãng phí.
Các tư tưởng của ông liên quan đến chủ nghĩa xã hội – hệt như những hình dung của ông về chế độ chính trị của chủ nghĩa xã hội – có thể được tái hiện bằng cách tiếp cận phủ định. Cơ chế điều phối của chủ nghĩa xã hội không thể là cái gì khác, mà là cái ngược lại của cơ chế hoạt động trong chủ nghĩa tư bản. Nếu cái cơ chế đó là phi duy lý – thì sự điều phối phải là duy lý trong chủ nghĩa xã hội. Sự phân bổ có ý thức và hợp lý của lực lượng sản xuất và thời gian lao động sẽ xảy ra. Theo thói quen của mình, Marx đã không vạch ra quy tắc hoạt động của kế hoạch hoá tập trung, thế nhưng những hình dung của ông về phân bổ hợp lý ăn khớp với kế hoạch hoá tập trung, và không phù hợp với thị trường.
Thị trường, với tư cách là cơ chế điều phối chính của hệ thống xã hội chủ nghĩa tương lai, là một tư tưởng phản-marxist quyết liệt. Không chỉ xa lạ với các lời nói của Marx, mà – và điều này quan trọng hơn – còn xa lạ với tinh thần thấu suốt Marx khi ông đối sánh chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa xã hội.
Hệ tư tưởng. Marx là một trong những nhà khoa học xã hội đầu tiên nhận ra vai trò quan trọng của hệ tư tưởng. Trong lúc đó, bản thân ông lại không đòi vai trò và vầng hào quang của nhà tiên tri cho mình. Có lẽ ông sẽ trở nên bối rối, giả như ông nhìn thấy các nhóm khác nhau làm gì dưới ngọn cờ chủ nghĩa Marx một trăm năm sau. Ông đã thử tìm cách hiểu hệ tư tưởng của chủ nghĩa tư bản, nhưng ông đã không vạch ra hệ tư tưởng mới cho chủ nghĩa xã hội.
2. Giải nghĩa thứ hai. Quan niệm walrasian về chủ nghĩa xã hội
Cách giải nghĩa này được phát triển trong môi trường bình yên của thế giới hàn lâm. Người tiên phong đầu tiên, dựng lên cái lâu đài tư duy có tên “lý thuyết chủ nghĩa xã hội” trong lịch sử trí tuệ của kinh tế học, là một nhà kinh tế học Ý, Enrico Barone – học trò của Pareto. Tuy các công trình ban đầu cũng tạo được tiếng vang nào đó trong giới kinh tế học, nhưng nghiên cứu mang lại sự đột phá thực sự là nghiên cứu của nhà kinh tế học Ba Lan, Oscar Lange, người đã phát triển lý thuyết chủ nghĩa xã hội riêng của mình. Muộn hơn, vài nhà kinh tế học khác đã tiếp tục phát triển, diễn đạt chi tiết các tư tưởng của Lange; trước hết là Abba Lerner, trong cuốn sách Economics of Control có ảnh hưởng lớn của ông (Lerner, 1946). Để trình bày một cách súc tích tôi chỉ giới hạn ở thảo luận lý thuyết của Lange.
Mô hình của Oscar Lange ăn khớp chặt chẽ với khung khổ lý thuyết của kinh tế học walrasian (Lange, 1936-1937). Thật ra nó không khác sự áp dụng đặc biệt của lý thuyết cân bằng chung mà Leon Walras là người tiên phong và muộn hơn được Arrow, Debreu và các nhà nghiên cứu lý thuyết đương đại khác đưa lên đỉnh điểm trong các công trình của họ. Không hợp lý ở đây đi trình bày toàn bộ dòng tư duy, bởi vì đề tài của chúng ta chỉ là giải nghĩa thuật ngữ chủ nghĩa xã hội.
Trong thế giới mô hình của Lange khái niệm chủ nghĩa xã hội có nghĩa là công hữu – và không gì khác. Đây là điều kiện cần và đủ để hệ thống nào đó được gọi là chủ nghĩa xã hội [trong lý thuyết này]. Tôi khuyến nghị bạn đọc hãy đọc lại tiểu luận của Lange. Không tìm thấy trong đó một từ duy nhất nào về quyền lực, về cơ cấu của chế độ chính trị, về hệ tư tưởng. Chỉ có chế độ công hữu là có ý nghĩa.
Oscar Lange đã không làm rõ bên trong toàn thể các quyền sở hữu thì vị trí chính xác của công hữu là gì. Liệu khu vực công hữu chỉ là một phần của nền kinh tế? Nó chiếm phần ưu thế hay toàn bộ nền kinh tế? Nghiên cứu của Lange ngầm áp dụng giả thiết sau đây: hoặc tất cả tư bản sản xuất, hay chí ít một phần áp đảo của nó thuộc sở hữu công. Có lẽ cũng có thể giải nghĩa giả thiết ngầm thế này: khu vực công hữu có thể được cách ly hoàn hảo khỏi các phần khác của nền kinh tế.
Hãy nhảy qua các bước trung gian, và quy giản nội dung thành kết luận cuối cùng!  “Chủ nghĩa xã hội thị trường” của Oscar Lange là một nền kinh tế dựa trên sở hữu công và do thị trường điều phối. “Chủ nghĩa xã hội” và thị trường – theo Lange hai hình thái kết cấu-định chế này phù hợp với nhau.
Mô hình Lange khuấy lên cơn bão lớn. Nó bị tấn công trong hai chiến dịch. Sự bác bỏ đầu tiên được đưa ra trong tiểu luận xuất sắc của Friedrich von Hayek (Hayek, 1935). Lập luận chính của Hayek là: không thể thu thập, chứa và sử dụng khối thông tin và kiến thức khổng lồ cần thiết trong một trung tâm duy nhất. Không thể thiếu các khuyến khích phân tán để thúc đẩy việc tích tụ và sử dụng thông tin và kiến thức. Thị trường và sở hữu tư nhân tạo ra những khuyến khích này và kết hợp các khuyến khích và thông tin một cách tự động.
Làn sóng tấn công thứ hai nổ ra trong mối liên hệ với cải cách của các nền kinh tế Xô Viết và xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Lập luận của Hayek về các khuyến khích và thông tin được trụ đỡ bằng các bằng chứng kinh nghiệm. Công trình riêng của tôi được cảm hứng từ kinh nghiệm cải cách, đã cung cấp các lập luận thêm để bác bỏ lý thuyết của Lange. Rất ít có khả năng để tạo ra một cách thành công các khuyến khích mạnh nhằm tối thiểu hoá chi phí hay tối đa hoá lợi nhuận trong doanh nghiệp thuộc sở hữu công có ràng buộc ngân sách mềm. (Lý thuyết Lange cho rằng hoạt động của các loại khuyến khích mạnh như vậy là có thể thực hiện được mà không có khó khăn gì).
Thực ra, là không thể để gắn kết một cấu trúc-quyền sở hữu được chọn một cách tùy tiện với một cơ chế điều phối được chọn một cách tùy tiện. Có ái lực chặt giữa các hình thức sở hữu nhất định và các cơ chế điều phối nhất định. Thị trường phân tán và sở hữu tư nhân gắn bó với nhau.
Một lập luận khác liên quan đến lĩnh vực chính trị và hệ tư tưởng: hoạt động trơn tru, không vướng mắc của thị trường phụ thuộc vào “bầu không khí’, đòi hỏi môi trường thân thiện với thị trường. Nếu các chính trị gia chỉ huy đất nước là những kẻ thù không đội trời chung của phân quyền, thì thị trường bị họ đày vào nền kinh tế đen và xám, và nó không thể trở thành cơ chế điều phối và tích hợp chính của các hoạt động kinh tế.[5]
Sau khi sự thống trị của chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, đây đó đã xuất hiện các tư tưởng chủ nghĩa xã hội thị trường, cùng với những hình dung về “con đường thứ ba” khác. Thế nhưng những kiến nghị này đã bị bác bỏ một cách cương quyết.
Trong những phần tiếp theo chúng ta hãy rời khỏi các cuộc tranh luận hàn lâm, và ngó một chút vào  lich sử chính trị! Đã xảy ra sự chia rẽ đau đớn trong phong trào xã hội chủ nghĩa vào thời chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Hai phong trào chính trị, hai cương lĩnh, hai hệ tư tưởng đã tách ra khỏi nhau. Và không chỉ đã tách ra khỏi nhau, mà còn bắt đầu đấu tranh với nhau, ở một số nơi và một số thời kỳ với những hệ quả đáng buồn, thậm chí, bi thảm trong từng trường hợp.
3. Giải nghĩa thứ ba. Quan niệm leninist về chủ nghĩa xã hội
Trong thời gian chiến tranh thế giới lần thứ nhất, với sự lãnh đạo của Lenin đã hình thành các đảng cộng sản. Tôi không có ý định trình bày từ đầu đến cuối giai đoạn lịch sử của các đảng cộng sản đã nắm quyền, bắt đầu từ trước khi họ lên nắm quyền, và kết thúc khi họ mất quyền lực ở Liên Xô và Đông Âu. Tôi chỉ tập trung duy nhất vào giai đoạn, trong đó quyền lực của đảng cộng sản đã được củng cố, nhưng sự xói mòn quyền lực vẫn chưa bắt đầu. Đây là giai đoạn mà tôi gọi là “chủ nghĩa xã hội cổ điển”. Thí dụ rõ ràng nhất là nền cai trị của Stalin suốt vài thập kỷ, sau khi đã thanh toán xong các kẻ thù của mình, đã thực hiện việc “tước đoạt những kẻ đi tước đoạt”, nói cách khác khi quốc hữu hoá và tập thể hoá đã hoàn thành. Thời đại “chủ nghĩa xã hội cổ điển” chấm dứt, khi việc “phi-Satlin hoá” đã bắt đầu sau cái chết của kẻ bạo chúa. Sự thực hiện lịch sử của loại hệ thống đặc biệt này của chủ nghĩa xã hội cổ điển cũng có thể thấy ở các nước khác. Tôi tóm tắt ngắn gọn các đặc trưng chính của nó.
Cơ cấu chính trị. Thuật hùng biện của các đảng leninist-stalinist thoá mạ và bác bỏ nền dân chủ. Các đảng tự hào tuyên bố rằng chúng thực hành chế độ chuyên chế của giai cấp vô sản. Sự thực là, chúng ta chứng kiến quyền lực không thể chia sẻ của đảng cộng sản. Đây là chế độ, trong đó đảng cộng sản có độc quyền chính trị hoàn toàn. Họ không chỉ loại trừ, mà còn truy nã và trấn áp một cách tàn bạo mọi lực lượng chính trị ganh đua.
Sở hữu. Một đặc trưng căn bản của hệ thống là trên thực tế tất cả tư liệu sản xuất đều thuộc sở hữu công. Việc tịch thu tài sản tư nhân, quốc hữu hoá và tập thể hoá là một thành tố trung tâm của cương lĩnh ngay cả trước khi giành được quyền lực, và vẫn tiếp tục là nhiệm vụ trung tâm sau khi giành được quyền lực. Họ thực hiện cương lĩnh một cách nhất quán và với sức mạnh tàn bạo. Tuy các hòn đảo nhỏ bé của sở hữu tư nhân vẫn còn, thế nhưng quy mô của chúng hầu như không đáng kể, nếu so sánh với quy mô của sở hữu công chiếm ưu thế.
Lập trường leninist đối lập gay gắt với sở hữu tư nhân. Nó nhìn vào ngay cả những tàn tích nhỏ bé của sở hữu tư nhân cũng với tâm trạng thù địch và ngờ vực. “Sản xuất hàng hóa nhỏ, tự nó và với quy mô hàng loạt, sinh ra chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản một cách liên tục, từng giờ, từng ngày.” (Lenin, 1920, 1974. tr. 6).
Điều phối. Ưu thế của chỉ huy tập trung (hay trúng hơn chúng ta có thể nói, của quản lý tập trung) đã thay thế vai trò ưu thế của thị trường. Hình thức điều phối này thường được gọi là “kế hoạch hoá tập trung”. Chúng ta cho một phân tích chính xác hơn, nếu chúng ta gọi như thế này: điều phối quan liêu, kiểm soát (control) tập trung, hệ thống hay “nền kinh tế mệnh lệnh” (command economy) cưỡng ép việc thực hiện các mệnh lệnh.
Họ không có khả năng tiêu diệt hoàn toàn điều phối thị trường. Nó đóng chút ít vai trò – một mặt một cách hợp pháp (trong khuôn khổ hẹp, phụ thuộc, được cho phép), mặt khác trong các hình thức khác nhau của “nền kinh tế xám” hay “đen”.
Hệ tư tưởng. Họ coi chủ nghĩa Marx (muộn hơn chủ nghĩa Marx-Lenin, và muộn hơn nữa chủ nghĩa Marx-Lenin-Stalin hay chủ nghĩa Mao) là linh thiêng, thần thánh, là bất khả xâm phạm. Dù nó không có khả năng đạt tới sự độc quyền tuyệt đối trong đầu của tất cả mọi người, nó chiếm vị trí độc quyền trong giáo dục, trong mọi xuất bản hợp pháp, trong các phương tiện truyền thông, v.v và v.v. Hệ tư tưởng chính thống bác bỏ mọi tư tưởng thân thiện với chủ nghĩa tư bản, với sở hữu tư nhân và với thị trường.
Theo hệ tư tưởng chính thống, hệ thống này là hệ thống duy nhất có quyền tự gọi mình là “chủ nghĩa xã hội”. Lập trường marxist-leninist-stalinist-maoist liên quan đến chủ nghĩa xã hội tuyệt nhiên không tương hợp với sự chấp nhận bất cứ vai trò loại nào đó của thị trường.
4. Giải nghĩa thứ tư. Quan niệm xã hội dân chủ về chủ nghĩa xã hội
Đầu tiên ở đây chúng ta bàn về thời kỳ bao hàm một trăm năm đầu (hay dài hơn) của [phong trào] dân chủ xã hội, cho đến tận các năm 1980. Chúng ta bỏ qua 20-25 năm cuối, trong thời gian đó đã xảy ra những thay đổi đáng chú ý trong tư duy dân chủ xã hội. Cái mô hình lơ lửng trước mắt tôi là hệ thống của Thuỵ Điển và các nước Scandinavian khác, rồi trong thời kỳ lịch sử muộn hơn là hệ thống của Tây Đức và các nước Tây Âu khác. Phong trào dân chủ xã hội theo các nguyên tắc xác định trong thời kỳ và ở các nước mà tôi xem xét. Họ chấp nhận và áp dụng các nguyên tắc này, nếu họ lên nắm quyền, nhưng cũng tôn trọng và tuyên truyền chúng khi không cầm quyền, tức là trước khi họ giành chính quyền, hay sau khi họ thua một cuộc bầu cử.
Cơ cấu chính trị. Là người dân chủ xã hội có nghĩa rằng phải chấp nhận nền dân chủ đại nghị vô điều kiện. Đường ranh giới sắc nét vạch ra chính xác ở đây giữa hai phong trào lớn được tuyên bố với khẩu hiệu của chủ nghĩa xã hội. Những người cộng sản muốn “chủ nghĩa xã hội” bằng mọi giá. “Tốt, nếu giành được chính quyền bằng con đường bầu cử. Nhưng nếu cách này không được, thì hãy giành lấy quyền lực bằng cách mạng, bằng bạo lực, bằng cách cưỡng bức ý chí của đảng lên nhân dân!” Các nhà dân chủ xã hội muốn thực hiện “chủ nghĩa xã hội” riêng “của họ”, theo hình dung của họ, khi và chỉ khi, nếu đa số nhân dân ủng hộ cương lĩnh của họ, và bỏ phiếu cho đảng của họ.
Đảng cộng sản, nếu đã lên nắm quyền, không muốn từ bỏ quyền lực, cũng chẳng từ bỏ ngay cả trong trường hợp rõ ràng là đa số nhân dân không ủng hộ. Không chịu đặt mình dưới sự thử thách của bầu cử quốc hội dựa trên sự cạnh tranh của các đảng chính trị. Ngược hoàn toàn với cách này, đảng dân chủ xã hội sẵn sàng từ bỏ quyền lực, nếu kết quả bầu cử chứng tỏ rằng họ đã mất sự ủng hộ của đa số.
Sự chia rẽ giữa những người leninist và những người dân chủ xã hội bắt đầu bằng các cuộc tranh luận nóng bỏng được tiến hành về chế độ chuyên chế và cạnh tranh chính trị, về vai trò của quốc hội và bầu cử. Cho đến tận ngày nay, đây là tiêu chuẩn chính để chúng ta phân biệt cách giải nghĩa thứ ba và thứ tư về xã hội chủ nghĩa.
Sở hữu. Lập trường về vấn đề sở hữu – từ chối sở hữu tư nhân “ngay lập tức chẳng cần suy nghĩ”- là xa lạ đối với dân chủ xã hội. Các nhà dân chủ xã hội theo lối cũ đã bác bỏ các phương pháp thô bạo để tịch thu tài sản tư nhân. Tuy nhiên ở một số nước, thí dụ Vương quốc Anh, họ có khuynh hướng cho việc quốc hữu hoá một vai trò đáng kể. Kinh nghiệm thế giới (và đặc biệt ở Liên Xô và Đông Âu một thời) đã gây ra những ngờ vực về liệu các ngành công nghiệp được quốc hữu hoá có khả năng hoạt động hữu hiệu hay không. Theo mức lan rộng của sự vỡ mộng [với việc quốc hữu hoá], thì các nhà dân chủ xã hội từng bước từ bỏ các kế hoạch quốc hữu hoá của họ, và chấp nhận ưu thế của sở hữu tư nhân. Cái vẫn tiếp tục được duy trì thuộc sở hữu công (đa phần thuộc sở hữu của chính quyền tự trị địa phương) là phần đáng kể của khu vực giáo dục và y tế.
Điều phối. Các nhà dân chủ xã hội không do dự chấp nhận thị trường là cơ chế điều phối chính của các hoạt động kinh tế. Thế nhưng họ không tin vào thị trường hoàn toàn tự do, không bị bất cứ sự điều tiết hay can thiệp nào. Ngược lại, họ nhất quyết dùng quyền lực nhà nước cho việc tái phân phối thu nhập. Thành quả vĩ đại của sự ảnh hưởng chính trị của họ là nhà nước phúc lợi hiện đại, với tất cả các nét đặc điểm nổi tiếng của nó: thuế luỹ tiến, giáo dục và dịch vụ y tế không mất tiền hay được trợ cấp lớn của nhà nước, hệ thống hưu bổng nhà nước rộng khắp, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ tiền bạc cho những người rất nghèo v.v. Quy mô của nhà nước phúc lợi trong những ngày này dù có gây ra những mối lo ngại ngân sách đến đâu, các nhà dân chủ xã hội cố gắng duy trì nó, họ cảm thấy: đây là kết quả chủ yếu nhất của cuộc đấu tranh chính trị của họ, khi họ đấu tranh trên nghị trường với tư cách đối lập, hay khi họ nắm chính quyền sau khi thắng trong cuộc bầu cử.
Tóm tắt các nhận xét liên quan đến sở hữu và cơ chế điều phối, chúng ta đi đến các kết luận sau đây. Các nhà dân chủ xã hội không muốn tạo ra một “hệ thống xã hội chủ nghĩa” mới, khác căn bản với chủ nghĩa tư bản. Họ nỗ lực cải cách hệ thống tư bản chủ nghĩa hiện tồn. Nói cách khác, họ muốn thấy một biến thể, một loại của hệ thống tư bản chủ nghĩa sát hơn với các lý tưởng chính trị và đạo đức của họ. Điều này bao gồm những việc sau đây:
-        tái phân phối rộng rãi, vì lẽ công bằng và bình đẳng;
-        thiết lập, duy trì và phát triển các định chế của nhà nước phúc lợi hiện đại (hệ thống chăm sóc sức khoẻ quốc gia, giáo dục không mất tiền, lương hưu cho mọi công dân [đến tuổi hưu], v.v.)
Dân chủ xã hội hiện đại tìm những con đường mới để khắc phục những lo ngại tài khoá trầm trọng đi cùng với trách nhiệm do nhà nước phúc lợi gánh vác. Các vấn đề tiếp tục trầm trọng hơn do áp lực của những thay đổi nhân khẩu học, thêm nữa do tác động của toàn cầu hoá và tác động của những hoàn cảnh mới nảy sinh trên thị trường lao động mà công nghệ thông tin và truyền thông mới mang lại.[6] Tuy thế, tiếp tục còn các thành phần nhất định của cách tiếp cận truyền thống dân chủ xã hội về tái phân phối và về gánh vác trách nhiệm phúc lợi.
Hệ tư tưởng. Các lý tưởng, các giá trị và các mục tiêu dân chủ xã hội gắn mật thiết với nhà nước phúc lợi và các quá trình chính trị dân chủ. Một trăm năm trước bắt đầu diễn ra cuộc tranh luận giữa hai “người cha” sáng lập; một bên là Lenin, người đứng đầu trào lưu cộng sản muộn hơn của trong trào xã hội chủ nghĩa, còn bên kia là Karl Kautsky, một trong những nhân vật có uy tín nhất trong số các lãnh tụ của trào lưu dân chủ xã hội muộn hơn.[7] Khi đó cả hai bên bất đồng quan điểm vẫn đều dẫn chiếu đến Marx như nguồn lý luận chung và người có uy quyền lớn nhất. Với thời gian trôi đi, các nhà dân chủ xã hội ngày càng xa Marx hơn, và sau chiến tranh thế giới lần thứ hai họ hoàn toàn đoạn tuyệt mọi quan hệ ý thức hệ mà trước đây đã gắn kết họ với chủ nghĩa Marx. Các nhà dân chủ xã hội Đức tại hội nghị ở Bad Godesberg năm 1959 đã mở ra một chương mới trong lịch sử phong trào của họ. Phong trào dân chủ xã hội châu Âu đã công khai từ bỏ chủ nghĩa Marx, và bỏ quốc hữu hoá khỏi các điểm căn bản của cương lĩnh của mình. Sớm muộn tất cả các đảng dân chủ xã hội đã theo tấm gương Đức (Hodge, 1993, Przeworski, 1985).*
Bây giờ chúng ta chuyển sang vấn đề của Trung Quốc và Việt Nam!
5. Giải nghĩa thứ năm. Giải nghĩa hiện thời của Trung Quốc và Việt Nam về chủ nghĩa xã hội?
Có thể thấy dấu hỏi ở cuối tiêu đề phụ, bởi vì tôi chỉ muốn nêu ra câu hỏi, và tôi không thử đưa ra câu trả lời. Nếu có câu trả lời đi nữa, [câu trả lời] chưa chắc giống nhau ở Trung Quốc và ở Việt Nam. Thế nhưng, hãy gạt sang một bên sự khác nhau trong diễn giải khái niệm chủ nghĩa xã hội giữa hai nước này. Ngay cả khi câu trả lời là khác nhau đi nữa, hợp lý nêu ra cùng câu hỏi cho cả hai nước này.
Trong khi tôi không nhận việc đưa ra câu trả lời, tôi cố gắng đưa ra vài nhận xét phủ định. Phần cho đến đây của tiểu luận đã phác hoạ bốn loại giải nghĩa thuật ngữ chủ nghĩa xã hội. Cái có thể thấy bây giờ ở Trung Quốc và Việt nam – tình trạng hiện thời và sự hình thành sắp tới của sự vật – trong tương lai gần chẳng giống với một trong bốn loại nào cả.
Liên quan đến giải nghĩa thứ nhất – Marx là kẻ thù lớn tiếng của sở hữu tư nhân, và biểu lộ sự hoài nghi sâu sắc đối với thị trường. Ngược lại với điều này ở Trung Quốc và Việt Nam người ta để cho khu vực tư nhân phát triển nhanh, và bây giờ đã tạo ra phần lớn hơn của GDP. Tỷ lệ phần đóng góp của nó ngày càng tăng, trong khi tỷ lệ của khu vực công hữu co lại. Phần áp đảo của cơ chế điều phối do thị trường đảm nhiệm. Cả Trung Quốc, lẫn Việt Nam không còn là chế độ xã hội chủ nghĩa nữa, nếu chúng ta áp dụng cách giải nghĩa của Marx về chủ nghĩa xã hội.
Liên quan đến giải nghĩa thứ hai – Trung Quốc và Việt Nam không thể được coi là sự thể hiện lịch sử của kết cấu lý thuyết kiểu Lange. Trong thế giới được trừu tượng hoá của Lange các tư liệu sản xuất thuộc sở hữu công. Lange đã có nỗ lực trí tuệ lớn để chứng minh rằng thị trường có khả năng đóng vai trò điều phối mà không có sở hữu tư nhân. Đúng, trong thế giới thật của Trung Quốc và Việt Nam thị trường đã trở thành cơ chế điều phối chính. Có thể, đây là sự thay đổi có tác dụng tốt, thế nhưng – bởi vì đã diễn ra những thay đổi sâu sắc trong cơ cấu sở hữu – trạng thái hiện thời chẳng liên quan gì đến cái ảo ảnh mà trường phái trí tuệ “chủ nghĩa xã hội thị trường” phác hoạ cả.
Liên quan đến giải nghĩa thứ ba – Trung Quốc và Việt Nam vẫn duy trì một nét đặc trưng quan trọng đặc biệt của chủ nghĩa xã hội theo cách giải nghĩa leninist. Cơ cấu chính trị về cơ bản không thay đổi. Đảng cộng sản vẫn giữ độc quyền chính trị. Nhà nước đảng có quyền lực toàn trị vô hạn. Không có cạnh tranh được phép hợp pháp gữa các đảng và các ý thức hệ, họ trấn áp mọi sự đối lập, mọi phong trào suy nghĩ khác hay thực sự độc lập.
Mặt khác, cơ cấu sở hữu đã trải qua những thay đổi căn bản; họ đã từ bỏ vai trò lãnh đạo của khu vực nhà nước.* Họ đã giảm mạnh mẽ vai trò của điều phối quan liêu và điều tiết tập trung, và thay bằng  vai trò của thị trường ở mức độ đáng kể. Hệ thống đã rời xa, rất xa khỏi hệ thống xã hội chủ nghĩa cổ điển, và khá gần với hệ thống tư bản chủ nghĩa điển hình.
Ý thức hệ chính thống cũng trải qua những thay đổi to lớn. Đảng cộng sản, theo truyền thống thì đối kháng với sở hữu tư nhân và thị trường, nay đã trở nên thân thiện với các định chế này. Thế giới quan chống tư bản chủ nghĩa gay gắt trước kia đã chuyển theo hướng các giá trị và các nguyên tắc của chủ nghĩa tư bản. Ngày nay các đảng cộng sản của hai nước này thân thiện với chủ nghĩa tư bản – nhưng họ nguỵ trang thái độ này bằng các khẩu hiệu marxist-leninist, bằng các tuyên bố trung thành với tư tưởng Mao và Hồ Chí Minh.
Liên quan đến giải nghĩa thứ tư – thiếu hai nét đặc trưng chính của nền dân chủ xã hội thực sự. Trước tiên, họ giữ chế độ chuyên chế và hệ thống độc đảng, và họ bác bỏ một cách điên cuồng bầu cử dựa trên cạnh tranh chính trị.
Thứ đến, chế độ thống trị cộng sản theo kiểu cũ đã nỗ lực một cách nghiêm túc để xây dựng nhà nước phúc lợi, chí ít các thành phần nhất định, trong khu vực giáo dục và y tế, cũng như trong hệ thống hưu bổng. Quyền được hưởng đã mở rộng ra cho tất cả công dân hay – về một số dịch vụ – chí ít cho người lao động của các xí nghiệp thuộc sở hữu công. Khi họ làm việc này, tất nhiên trình độ sản xuất và phát triển kinh tế thấp đã hạn chế các khả năng của các chính phủ khi đó. Những nỗ lực đó đã không thể dẫn đến một nhà nước phúc lợi hiện đại có nền móng tốt. Ở những điểm nhất định họ thậm chí còn vượt quá các giới hạn nguồn lực có thể dùng cho mục đích này, và đã tạo ra một nhà nước phúc lợi đẻ non. Tình hình này bây giờ đã chấm dứt! Nhà nước đã bắt đầu rút lui khỏi lĩnh vực dịch vụ phúc lợi vì lợi ích của cân bằng ngân sách thuận lợi hơn và của tính cạnh tranh hữu hiệu của khu vực tư nhân. Mức tái phân phối giảm đi, sự bất bình đẳng tăng lên đầy kịch tính, khoảng cách giàu nghèo doãng ra. Trung Quốc và Việt Nam không tiến gần (ở mức độ tương đối, về mặt phân chia thu nhập và cơ cấu các dịch vụ phúc lợi) đến mô hình dân chủ xã hội Scandinavian, mà đúng hơn tiến theo hướng mô hình của Manchester đầu thế kỷ thứ 19 hay mô hình của các nước Mỹ-Latin vô cùng bất bình đẳng.
Bốn câu trả lời không dứt khoát – đây là câu trả lời phủ định được nhấn mạnh cho câu hỏi, liệu hệ thống đang hoạt động ở Trung Quốc và Việt Nam có thể gọi là “chủ nghĩa xã hội” hay không, nếu chúng ta áp dụng bất cứ loại giải nghĩa nào trong số bốn giải nghĩa đã được mô tả trong tiểu luận.[8]
Đây là sự quan sát sự thật, và không có bất cứ ngụ ý chuẩn tắc nào cả. Trong con mắt của tôi danh hiệu chủ nghĩa xã hội không phải là huân chương khen thưởng. Tôi không phải là người thuyết giảng và người ủng hộ của chủ nghĩa xã hội leninist. Tôi không bàn vấn đề, liệu Trung Quốc và Việt Nam “có  xứng đáng hay không” để được gọi là các nước xã hội chủ nghĩa, hay đã rời hay chưa khỏi con đường leninist. Tương tự, tôi không là nhà tuyên truyền của dân chủ xã hội, và vì thế liên quan đến luận giải này tôi không gắn sự đánh giá cho nhận xét rằng các nước này không theo hình mẫu dân chủ xã hội xét trên khía cạnh dân chủ đại nghị và nhà nước phúc lợi.
Chủ nghĩa xã hội – đây không phải là nhãn hiệu đã được đăng ký. Chẳng ai được trao quyền để đưa ra định nghĩa riêng duy nhất và có hiệu lực bắt buộc, và đưa ra yêu sách, theo đó chỉ có định nghĩa của anh ta là hợp pháp. Nếu lãnh đạo Trung Quốc hay Việt Nam khăng khăng gọi chế độ riêng của họ là “xã hội chủ nghĩa”, chẳng ai có thể từ chối quyền làm như vậy của họ. Tất nhiên đối với các nhà nghiên cứu khoa học, những người chuyên nghiên cứu về các ý thức hệ, các biểu tượng, các nghi thức (lễ), các thuật hùng biện chính trị, thì câu hỏi hấp dẫn vẫn còn: động cơ của sự khăng khăng này là cái gì? Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam đã chấp nhận rủi ro, để rời khỏi con đường leninist, để cũng không bước sang con đường dân chủ xã hội, mà đã quyết định bước sang con đường mới bằng các việc làm, bằng hành động. Vì sao họ lại bảo thủ và ngoan cố đến vậy trong việc tiếp tục rêu rao các từ ngữ cũ? Vì sao họ lại tiếp tục treo các nhãn mác cũ? Các nhà nghiên cứu lịch sử hệ tư tưởng có lẽ có khả năng trả lời câu hỏi đó. Trong mọi hoàn cảnh, sự quan sát này chứng minh rằng lời lẽ có ý nghĩa của nó. Trong lĩnh vực chính trị (và có lẽ cả trong cuộc sống riêng tư nữa) nhiều khi thực hiện sự rẽ ngoặt bằng hành động thực tế là dễ hơn việc thú nhận rằng mình đã trở thành kẻ phản bội các tín điều và các giá trị được thừa nhận trước kia. Từ Saulus trở thành Paulus – công khai thú nhận, rằng mình đã cải đạo, đã thay đổi niềm tin và chấp nhận tất cả các hệ quả của sự thay đổi đó – đây là sự kiện hiếm, rất hiếm trong lịch sử chính trị.
Các trí thức, những người sống bằng từ ngữ viết hay lời nói, thử làm rõ các khái niệm một cách sốt sắng. Thế nhưng, cuộc sống vẫn tiếp tục diễn ra giữa sự loạn khái niệm. Trong tiểu luận này tôi thử làm rõ khái niệm. Nỗ lực này có dẫn đến kết quả bất luận như thế nào đi nữa – chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu các cuộc cải cách ở Trung Quốc và Việt Nam, ngay cả nếu chúng ta không biết quyết định phải gọi hệ thống hiện tồn trong hai nước này như thế nào. Quan trọng nhất là chúng ta biết được bản chất thực của những thay đổi diễn ra ở đó.
Tài liệu tham khảo
Bardhan, P. K., Roemer, J. E. (ed.) (1993): Market Socialism: The Current Debate, Oxford University Press, Oxford.
Giddens, A. (2000): The Third Way and its Critics, Polity Press, Cambridge, England.
Hayek, F. A. (ed.) (1935): Collectivist Economic Planning, North-Holland, Amsterdam (trong đó có bài The Nature and History of Problem của ông).
Hodge, C. C., (1993): “The Politics of Programmatic Renewal: Postwar Experiences in Britain and Germany” in Gillespie, R., Paterson, W. E. (ed.) Rethinking Social Democracy in Western Europe. Frank Cass, Portland.
Kornai, J., (2002): Hệ thống xã hội chủ nghĩa, NXB Văn hóa Thông Tin, 2002.
Kornai, J., (1993): Market Socialism Revisited, in Peterson, G. B. (ed.), The Tanner Lectures on Human Values, Vol. 14. University of Utah Press, Salt Lake City, pp. 3-41.
Lange, Oscar (1936-1937): On Economic Theory of Socialism, 1-2. Review of Economic Studies, 4. October, pp. 53-71, February, pp. 123-142.
Lenin, V. I., (1917): Nhà nước và Cách mạng.*
Lenin, V. I., (1918): Cách mạng vô sản và tên phản bội Kautsky
Lenin, V. I., (1920): Bệnh tả khuynh, căn bệnh ấu trĩ của chủ nghĩa cộng sản
Lerner, A. P., (1946): The Economics of Control, MacMillan, New York
Mankiw, N. G., (2001): Principles of Economics, Second Edition, Hartford College Publishers, New York.
Marx, K., Engels, F. (1848): Tuyên ngôn Cộng sản
Przeworski, A. (1985): Capitalism and Social Democracy, Cambridge University Press – Edition de la Maison de l’Homme, Cambridge, England – Paris.
Samuelson, P. A., Nordhaus (1997): Kinh tế học, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội


* Tôi cảm ơn sự hợp tác có giá trị của Yingyi Quian và Schönner Ágnes. [Tiểu luận này “Piaci Szocializmus? Szocialista piacgazdaság?” là tiểu luận thứ ba trong cuốn Szocializmus, kapitalizmus, demokrácia és rendszerváltás (Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, dân chủ và thay đổi hệ thống), Akadémiai Kiadó, 2007 (tr.50-61). Phần đầu của chú thích này và các chú thích đánh số là của tác giả, tất các các chú thích khác đánh dấu * là của người dịch, Nguyễn Quang A].
[1] Thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội thị trường” (market socialism) – như tiểu luận sẽ giới thiệu – là khái niệm xuất hiện trong giới các nhà kinh tế học hàn lâm. Công thức “nền kinh tế thị trường XHCN” là tên gọi quen thuộc trong từ điển ý thức hệ chính thức của Trung Quốc.
[2] Phần lớn các sách giáo khoa và từ điển kinh tế học cho một mô tả cô đọng về khái niệm “thị trường”, và sự phân loại đa dạng của thị trường. Xem, thí dụ: Mankiw (2001) hay Samuelson-Nordhaus (1997). Ỏ đây và các phần sau của tiểu luận tôi dùng khung khổ khái niệm của cuốn Hệ thống xã hội chủ nghĩa của tôi (Kornai, 2002).
[3] Trong hội nghị tổ chức tại Hồng Kông năm 2004, mà phiên bản trước của tiểu luận này được trình bày, đã có nhiều nhà kinh tế học và các nhà khoa học xã hội khác của Trung Quốc và Việt Nam tham dự. Vì thế tôi đã cho là quan trọng để đưa ra tại hội nghị đó lời nhận xét sau đây của mình. Tôi trích nguyên văn những điều đã nói ở đó về nhận xét này: “Tôi hiểu rằng một bộ phận các đồng nghiệp của chúng ta phải chú ý đến những cân nhắc chiến thuật, và không thể nói thẳng hoàn toàn, mà có thể cho rằng hữu dụng hơn nếu họ lảng tránh các định nghĩa được xác định rõ ràng. Tình hình cá nhân tôi thì dễ hơn. Vì thế, xin các vị cho phép tôi gạt sang bên các quan điểm “ngoại giao” và đối mặt với các vấn đề thực”.
* Cách tiếp cận phủ định (negative approach) vạch ra các đặc trưng mà hệ thống không (nên) có, khác với cách tiếp cận khẳng định (positive) nêu ra các đặc tính hiện diện.
[4] Marx và Engels ngay trong Tuyên ngôn Cộng sản đã viết rằng sau cách mạng thắng lợi giai cấp vô sản chiếm lấy “sự thống trị chính trị”. Muộn hơn Engels đã diễn đạt lập trường marxist như thế này, “…cần đến hành động chính trị và chế độ chuyên chế của giai cấp vô sản như cái quá độ dẫn đến việc thủ tiêu các giai cấp và cùng với chúng là thủ tiêu nhà nước…” (Engels, 1872, 1969, tr. 252). Lenin đã hết sức nhấn mạnh lời trích của Marx và Engels trong tác phẩm nổi tiếng của mình, trong Nhà nước và Cách mạng, tác phẩm đã đặt cơ sở cho sự khởi thảo học thuyết leninist về nhà nước và chuyên chế. Lenin đã muốn chứng minh sự liên tục lý luận giữa các tư tưởng xây dựng nền chuyên chế của Marx, Engels và các tư tưởng riêng của ông liên quan đến xây dựng nền chuyên chế và vứt bỏ nền dân chủ đại nghị (Lenin, 1917, 1973).
[5] Bardhan-Romer (chủ biên, 1993) cho một tổng quan rộng về cuộc tranh luận hiện thời về “chủ nghĩa xã hội thị trường”. Kornai (1993) tóm tắt những nhận xét phê phán riêng của tôi.
[6] Có tồn tại hay không một “con đường thứ ba” mới? Nghiên cứu vấn đề này là một phần của các nỗ lực mà các nhà dân chủ xã hội hiện đại muốn hiện đại hoá và hiệu chỉnh các mục tiêu truyền thống của họ cho hợp với các điều kiện kinh tế mới của thế giới hiện nay (xem Giddens, 2000).
[7] Cuộc tranh luận lên đỉnh điểm, khi Kautsky trình bày quan điểm dân chủ xã hội, còn Lenin thì trả lời với sự tấn công vũ bão trong Nhà nước và Cách mạng Cách mạng vô sản và tên phản bội Kautsky (Lenin, 1917, 1973 và 1918, 1977).
* Trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay vấn đề tăng cường sự điều tiết, can thiệp của nhà nước lại được đặt ra cùng với các công cụ tự động ổn định của nhà nước phúc lợi (như bảo hiểm thất nghiệp). Đảng dân chủ Mỹ với kế hoạch cải cách y tế to lớn của mình cũng đã có những bước đi nhất định theo hướng nhà nước phúc lợi châu Âu.
* Ở Việt Nam, khu vực nhà nước vẫn đóng “vai trò chủ đạo” trên văn kiện.
[8] Tôi còn quay lại vấn đề này trong phụ lục của tiểu luận thứ 6 [của cuốn Szocializmus, kapitalizmus, democrácia és rendszerváltás, tr. 133-135].
* Bạn đọc có thể tìm các tác phẩm kinh điển của Lenin, Marx và Engels trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tại http://123.30.49.74:8080/tiengviet/tulieuvankien/4lanhtu/, người dịch không có thời gian lần chính xác các trích dẫn tiếng Việt nhưng độc giả có thể dễ dàng tìm ra các tác phẩm đó nếu muốn.
———————————————————————————————-

“Sự thay đổi hệ thống” có nghĩa là gì?*

Kornai, János
Người dịch: Nguyễn Quang A

Dẫn nhập

Vài phát biểu trong các cuộc biểu tình tại quảng trường Kossuth* đã gây cảm hứng cho tôi viết bài báo này vào mùa thu năm 2006. Theo một diễn giả, mục tiêu là “một sự thay đổi hệ thống mới, nền cộng hoà thứ tư”. Những đòi hỏi tương tự cũng đã vang lên một cách nóng nảy, giận dữ cả trong những phát biểu của các diễn giả khác nữa.[1]
Đừng giải quyết các lời lẽ này với cái phẩy tay, vì đây là vấn đề quan trọng. Cụm từ “sự thay đổi hệ thống” có nghĩa là gì? Sự thay đổi đã xảy ra – hay có lẽ vẫn thực sự chưa bắt đầu? Bài viết của tôi muốn trả lời các câu hỏi này, mà cụ thể là với giọng bình tĩnh, một cách khách quan.
Tôi không cố gắng để thuyết phục những người biểu tình khi đó ở quảng trường Kossuth và những người cùng tư tưởng với họ. Có nhiều bất đồng chính kiến bên trong các giới nghiên cứu khoa học và trong một tầng lớp rộng hơn, giới trí thức quan tâm đến các vấn đề chính trị. Một trong những lý do của những bất đồng quan điểm là sự hiểu lầm, là sự không rõ ràng về các khái niệm. Tôi muốn đóng góp cho việc lập lại trật tự bộ máy khái niệm.
Tôi phải cảnh báo trước bạn đọc: đừng đợi ở tiểu luận này sự phân tích nhân quả của các cuộc biểu tình và náo loạn mùa thu, cũng đừng đợi những lời khuyên chính trị cho các việc cần làm của chính quyền trong các tháng tới. Tôi muốn giữ khoảng cách với các sự kiện thường nhật và suy ngẫm vài vấn đề căn bản của sự biến đổi hậu xã hội chủ nghĩa.

Cách tiếp cận thực chứng versus (đối lại) cách tiếp cận chuẩn tắc

Chúng ta có thể dùng hai cách tiếp cận.
Một là cách tiếp cận thực chứng (positive). Chúng ta có thể gọi các hình thái xã hội có thể quan sát được về mặt kinh nghiệm, tồn tại về mặt lịch sử như thế nào là “hệ thống”? Chúng ta có thể gọi những thay đổi có thể quan sát được về mặt kinh nghiệm, thực sự xảy ra về mặt lịch sử như thế nào là “thay đổi hệ thống”?
Cách thứ hai, là cách tiếp cận chuẩn tắc (normative). Những thay đổi nào, được người đưa ra lập trường về vấn đề, tán thành hay lên án? Những thay đổi nào khiến chúng ta sung sướng hay ngược lại khiến chúng ta phẫn nộ?
Tôi sẽ nói về những nhận xét chuẩn tắc của những người khác, nhưng trước bạn đọc tôi cũng đưa ra lập trường riêng của mình nữa. Có nhiều tranh luận về việc liệu sự tách biệt này có thể thực hiện được hay không[2]. Bởi vì – họ nói – cách tiếp cận thực chứng chỉ là ảo tưởng, vì việc lựa chọn đề tài của nhà nghiên cứu, hệ thống khái niệm mà anh ta sử dụng, những nhấn mạnh và những điều bỏ qua bản thân chúng dựa vào sự lựa chọn giá trị trừ trước mất rồi. Ở đây tôi chỉ có thể nói được ngần này: trong khả năng của mình tôi thử thực hiện sự tách biệt. Trong khả năng của mình, tôi nỗ lực tối đa sự khách quan trong phân tích thực chứng. Cũng chẳng phải là vấn đề chính rằng thành công đến đâu để vẫn là “phi giá trị – value free” trong cách tiếp cận thực chứng. Vấn đề chính là, trong hai cách tiếp cận phải trả lời cho các câu hỏi hoàn toàn khác nhau.
Trong trường hợp của cách tiếp cận thực chứng, cuối cùng chúng ta đi đến mệnh đề thực chứng: đến phỏng đoán, đến giả thuyết. Câu hỏi, mà lúc ấy chúng ta có thể đặt ra: mệnh đề có đúng hay không? Có thể được chứng thực, có thể được chứng minh hay không? Nói chung có phải là về tuyên bố loại mà có thể bị bác bỏ hay không – hoặc là loại mà chẳng thể nêu ra tiêu chuẩn đúng hay không?
Trong trường hợp của cách tiếp cận chuẩn tắc không thể nêu ra các câu hỏi này. Chúng ta đụng đến  phán xét giá trị. Tôi có coi cái tôi phán xét là tốt hay không? Đây là tuyên bố phụ thuộc vào giá trị. Nó có thể dựa vào sự lựa chọn có ý thức về giá trị, hay chỉ dựa vào thành kiến, vào xúc cảm, vào các cảm giác nghi ngờ, giận dữ và phẫn nộ – hay ngược lại: vào các xúc cảm có cảm tình và tin tưởng. Lúc ấy khảo sát có nhu cầu khoa học có thể thử khai phá hệ thống giá trị không được nêu rõ ràng, có lẽ cũng không có ý thức, được dùng làm cơ sở cho việc phán xét.
Sự tách biệt hai loại cách tiếp cận là khá quen thuộc. Tuy nhiên, sự lẫn lộn hai thứ lại đặc trưng cho phần đáng kể các cuộc tranh luận về thay đổi hệ thống. Sự phân biệt hai thứ này sẽ có vai trò then chốt trong dòng tư duy trình bày về sự thay đổi hệ thống.

Sự thay đổi hệ thống theo cách tiếp cận thực chứng

Chúng ta gọi cái gì là “hệ thống xã hội chủ nghĩa”? Có thể cho câu trả lời theo cách tiếp cận chuẩn tắc. Có người có thể nói: cái hình thái đã hình thành ở Liên Xô, rồi ở các nước cộng sản khác, không xứng đáng với cái tên “chủ nghĩa xã hội”, quả thực chỉ làm ô danh lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội. Không đúng để đi nói về chủ nghĩa xã hội hiện tồn, bởi vì cái đã tồn tại ở đó không phải là chủ nghĩa xã hội đích thực.
Tôi không tranh luận với những người coi việc gọi “hệ thống xã hội chủ nghĩa” là sự khen thưởng, cái cần phải xứng đáng để được và theo họ các hình thái đã hình thành với sự chỉ huy của Lenin, Stalin, Rákosi hay Ceauçescu đã trượt trong cuộc thi này. Thuật hùng biện chính thống của các nước xã hội chủ nghĩa cũng coi tính từ này là sự tưởng thưởng, và – ngược với đánh giá trước – nó công bố rằng “chủ nghĩa xã hội hiện tồn” đã đạt thành tích chói lọi trong cuộc thi.
Trong cách tiếp cận thực chứng, định nghĩa không thể là tự tiện, mà phải xuất phát từ sự quan sát và phân thích sự thật. Đầu tiên hãy xem một sự tương tự khoa học tự nhiên. Có nhiều loại chó. Hầu như không thể tin được và không thể hiểu được là một con pincsi bé nhỏ và một con bernáthegyi khổng lồ, mà thân hình, dáng đi, màu lông, vẻ nhìn, tính cách khác hẳn nhau – lại đều được gọi là chó (là canis familiaris theo tên gọi latin). Hẳn là không phải sở thích của người quý chó hay của người không thích chó quyết định việc muốn công nhận loại nào là chó và loại nào thì không. Có cái gì đó chung trong mọi con chó, cái là khác so với cái trong các động vật không thể được coi là chó. Nhà động vật học biết mô tả chính xác, cái gì là chung trong các con chó, và dựa vào tiêu chuẩn thực chứng nào có thể xác định được rằng một động vật có thuộc về loài chó (loài canus familiaris, species) hay không.[3] Không phải sự yêu thích hay sự ghét chó hoặc mèo, mà là tiêu chuẩn thực chứng này quyết định một động vật cho trước là chó hay là mèo.
Trong cuốn Hệ thống xã hội chủ nghĩa của mình (Kornai, 2002) tôi sử dụng định nghĩa thực chứng. Trong năm 1987, đã có 26 nước tự gọi mình chính thức là “nước xã hội chủ nghĩa”.[4] Các đặc trưng chung của 26 nước này là những gì? Tôi đã không cố gắng phát hiện ra càng nhiều nét chung trong chúng. Ngược lại: trong mức độ có thể, nhóm các đặc trưng càng hẹp càng tốt – nhưng đủ để chúng ta có thể phân biệt dứt khoát các nước thuộc về hệ thống xã hội chủ nghĩa với các nước khác không thể phân loại vào đấy. Theo ngôn ngữ logic, các điều kiện cần và đủ là các điều kiện nào để liên quan đến một nước cho trước, ở một thời điểm cho trước, chúng ta có thể tuyên bố dứt khoát: ở đó hệ thống xã hội chủ nghĩa hoạt động.
Cần sự hiện diện cùng nhau của ba điều kiện cần và đủ cho điều này.

  1. Liên quan đến các quan hệ sở hữu, công hữu có vai trò ưu thế và sở hữu tư nhân nhiều nhất chỉ có vai trò phụ thuộc, bổ sung.
  2. Liên quan đến điều phối các hoạt động kinh tế-xã hội, điều phối quan liêu được điều khiển từ trung ương có vai trò ưu thế và điều phối thị trường nhiều nhất chỉ có vai trò phụ, bổ sung.
  3. Đảng cộng sản marxist-leninist thực hiện độc quyền về quyền lực chính trị, mà cương lĩnh của đảng là tiêu diệt chủ nghĩa tư bản dựa trên sở hữu tư nhân và thị trường, như thế là kẻ thù của chủ nghĩa tư bản. Bằng hành động của mình đảng cộng sản chứng tỏ rằng nó kiên quyết thực hiện cương lĩnh này. Đặc trưng thứ ba này – xét về thứ tự thời gian lịch sử của các sự kiện – đi trước hai đặc trưng được nhắc tới ở trước. Đảng cộng sản thực hiện việc tịch thu hàng loạt tài sản tư nhân và tiêu diệt thị trường ở quy mô lớn hay trói buộc nó.
Nếu ba điều kiện sơ cấp, chính, căn bản này, thực sự là các điều kiện cần, được thoả mãn, thì là đủ để nhiều tính chất chung thứ cấp, phụ của hệ thống hình thành – đôi khi sau các khoảng trễ. Thí dụ hình thành các quy định pháp luật phù hợp với hệ thống, hình thành cách ứng xử của các nhà lãnh đạo chính trị, chính quyền, kinh tế cho phù hợp với những đòi hỏi của hệ thống, phần lớn công dân thích nghi với những mong đợi của hệ thống, và v.v.
Khái niệm “hệ thống xã hội chủ nghĩa” xác định một họ hệ thống. Cấu hình của các định chế của một nước thay đổi với thời gian lịch sử: Liên Xô của Bezhnev khác với của Stalin. Trong một giai đoạn cho trước các nước khác nhau cũng khác nhau: Cộng hoà Dân chủ Đức của Honecker khác với Căm Pu Chia của Pol Pot. Thế nhưng, ba đặc trưng mà tôi nói ở trên là chung và điều này có thể xác minh được một cách dứt khoát về mặt kinh nghiệm.
Các điều kiện cần và đủ nào phải xuất hiện để chúng ta có thể khẳng định về một hình thái lịch sử cụ thể rằng ở đó hệ thống tư bản chủ nghĩa ngự trị? Câu trả lời đối xứng với những điều đã nói về hệ thống xã hội chủ nghĩa.

  1. Liên quan đến các quan hệ sở hữu, sở tư nhân có vai trò ưu thế và sở hữu công nhiều nhất chỉ có vai trò phụ thuộc, bổ sung.
  2. Liên quan đến điều phối các hoạt động kinh tế-xã hội, thị trường có vai trò ưu thế và điều phối quan liêu được điều khiển từ trung ương nhiều nhất chỉ có vai trò phụ, bổ sung.
  3. Không có quyền lực chính trị thù địch với chủ nghĩa tư bản, với sở hữu tư nhân và với thị trường. [Quyền lực chính trị] hoặc tích cực ủng hộ các định chế này, hay chí ít cũng trung lập một cách thiện chí, “thân thiện” đối với chúng.
Tôi lưu ý rằng giữa các điều kiện cần và đủ tôi đã không liệt kê dân chủ vào. Hệ thống tư bản chủ nghĩa có thể hoạt động trong cơ cấu chính trị chuyên chế, bóp nghẹt các quyền tự do, và các nhà lãnh đạo không được lựa chọn bằng thủ tục bầu cử quốc hội. Để cho sự tồn tại đơn thuần của chủ nghĩa tư bản chỉ cần chế độ chính trị đừng chống chủ nghĩa tư bản. Tôi sẽ quay lại vấn đề dân chủ trong một phần sau của bài báo.
Ba điều kiện trên không phải do tôi nhấc lên từ nhiều loại điều kiện-ứng viên, trên cơ sở định nghĩa tuỳ tiện loại nào đó của chủ nghĩa tư bản. Cách định nghĩa trong trường hợp này cũng giống như cách đã nói đến đối với hệ thống xã hội chủ nghĩa. Chúng ta xuất phát từ kinh nghiệm, từ quan sát các tính chất của các hình thái lịch sử có thật. Lấy ra một nhóm lớn các nước, được gọi là các nước tư bản chủ nghĩa với sự đồng thuận đủ rộng. Hãy xem, cái gì là chung trong chúng! Chúng ta thấy: mỗi nước trong nhóm đều thoả mãn ba điều kiện chính kể trên – trong khi chúng có thể khác nhau về các nét thứ yếu, như về hệ thống pháp luật, về hoạt động kinh tế và vai trò tái phân phối của nhà nước, về tín ngưỡng của dân cư và v.v.
Khái niệm “hệ thống tư bản chủ nghĩa” (song song với cái tôi đã viết ở trên về “hệ thống xã hội chủ nghĩa”) xác định một họ hệ thống. Ở đây cũng có thể nói: cấu hình các định chế của một nước thay đổi theo thời gian lịch sử; thí dụ là khác ở nước Anh thế kỷ 19 so với ở đó bây giờ. Và trong một thời điểm cho trước, Thuỵ Điển và Na Uy hôm nay là khác với Hoa Kỳ hay New-Zealand. Thế nhưng ba đặc trưng, mà tôi vừa nhắc tới, đều ăn khớp với mỗi nước tư bản chủ nghĩa.
Sự phân đôi (dichotomy) “chủ nghĩa xã hội versus chủ nghĩa tư bản” không chỉ không loại trừ các biến thể bên trong một họ-hệ thống, nhưng cũng tương hợp cả với chuyện rằng đã tồn tại trong quá khứ và tồn tại hiện nay nữa các hình thái cụ thể mà không thể liệt kê vào một họ-hệ thống nào cả trong hai họ-hệ thống mà không có sự khiên cưỡng. Đây là một vài ngoại lệ!
- Trong các nước kém phát triển nhất về kinh tế trong thời gian dài các hình thái tiền tư bản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa có thể pha trộn nhau.
- Trong các nước chịu ảnh hưởng rất mạnh của hồi giáo, thậm chí sự thống trị thần quyền chính trị-ý thức hệ được phục hồi, chúng ta thấy các hình thức sở hữu riêng biệt không thể gọi là công hữu, cũng chẳng thể gọi là tư hữu. Cũng ở đó có các cơ chế điều phối, trong đó hoạt động quen thuộc của thị trường bị luật hồi giáo và/hoặc truyền thống hồi giáo hạn chế một cách lâu bền. Vì thế các hệ thống cụ thể của các nước này không thể ăn khớp vào họ-hệ thống tư bản chủ nghĩa, trong khi đó chắc chắn không thể gọi là chủ nghĩa xã hội được.
Chẳng có gì gây lo ngại cho nhà phân tích cả trong chuyện này. Có thể tồn tại các kiểu phân loại có khả năng hoạt động, tuy chúng đề ra các tiêu chuẩn phân biệt nghiêm ngặt, nhưng chúng ghi nhận rằng có những ngoại lệ, các trường hợp không thực sự có thể đưa vào, có hai nghĩa hay mơ hồ. Thí dụ cách phân đôi “đàn bà-đàn ông” có thể sử dụng tốt, ngay cả khi nếu có những người lưỡng tính nữa.
Khi tôi đối sánh hai hệ thống lớn với nhau, tôi gia nhập vào truyền thống trí tuệ mà người mở đường là Marx. Việc đưa khái niệm chủ nghĩa tư bản lên vị trí hàng đầu có thể được gắn với tên ông. Kể từ đó, những người khác, trong số đó có những người không marxist, cũng sẵn sàng dùng cặp đối lập chủ nghĩa tư bản-chủ nghĩa xã hội. Là đủ ở đây để nhắc tới tên của Polányi Károly, Max Weber, Ludwig von Mises và Joseph Schumpeter.[5]
Đây không phải là cách tiếp cận khả dĩ duy nhất để làm rõ khái niệm hệ thống. Một bộ phận các nhà nghiên cứu cự tuyệt cách phân đôi này, tức là sự đối sánh sắc nét hai hệ thống chính, hai họ mô hình. Thay vào đó họ nhấn mạnh: thực tế mọi hệ thống cụ thể đều là sự pha trộn của các yếu tố khác nhau. Công hữu và tư hữu, quan liêu và thị trường, dân chủ và chế độ độc tài, ngoài ra còn có thể thấy nhiều đặc trưng khác ở mỗi nước trong quá khứ và hiện tại, thế nhưng các yếu tố này kết hợp với nhau theo các tỷ lệ khác nhau ở mỗi thời kỳ và mỗi nước. Có rất nhiều loại kết hợp, những sự kết hợp này có thể được phân loại theo nhiều quan điểm (Pryor, 2005, 2006).
Tôi không bác bỏ một cách cứng nhắc cách tiếp cận này, bản thân tôi cũng vui lòng áp dụng để phân biệt các thể hiện lịch sử cụ thể thuộc cùng một họ-hệ thống. Như tôi đã nhắc tới vừa rồi, Căm Pu Chia khác với Cộng Hoà Dân chủ Đức, Thuỵ Điển và Na Uy khác với Hoa Hỳ và New-Zealand. Nhưng dù sao tôi vẫn kiên trì rằng cách phân đôi sắc nét có sức giải thích và làm sáng tỏ cực kỳ mạnh![6]
Bây giờ chúng ta đã có trong tay bộ máy khái niệm, mà với sự giúp đỡ của nó chúng ta có thể trả lời: khi nào sự thay đổi hệ thống hoàn thành.
Sự thay đổi hệ thống đã xảy ra, đã kết thúc khi có thể xác định về nước tạo thành đối tượng phân tích: ở đó ba đặc trưng căn bản của hệ thống xã hội chủ nghĩa đã không còn thịnh hành nữa, nhưng [ba đặc trưng chính] của hệ thống tư bản chủ nghĩa đã thịnh hành.
Trong cách tiếp cận thực chứng này có thể tuyên bố: trong mười nước thành viên mới, hậu xã hội chủ nghĩa của EU, trong đó có Hungary, sự thay đổi hệ thống đã diễn ra, đã kết thúc. (Tôi không khẳng định rằng sự thay đổi đã xảy ra chỉ trong mười nước này, nhưng việc trình bày điều tôi muốn nói không đòi hỏi phải làm rõ, liệu sự thay đổi hệ thống ở nước khác cũng đã chấm dứt hay chưa.)
Đây là một tuyên bố thực chứng. Có thể chứng minh được hay bác bỏ được về mặt kinh nghiệm. Tôi không muốn đè nặng bài viết của mình với nhiều số liệu thống kê; tôi chỉ đưa ra hai bảng mà tôi lấy từ các báo cáo của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD). Từ các bảng này tôi nhặt ra vài số liệu liên quan đến Hungary.

  • Trong ba điều kiện cần và đủ, điều kiện thứ nhất được thoả mãn: năm 2004 tám mươi phần trăm GDP là đóng góp của khu vực tư nhân.
Bảng 6.1. Phần đóng góp của khu vực tư nhân vào GDP (phần trăm)
Nước198919901992199419961998200020022004
Bungary101025405565707070
Czech51030657575808080
Estonia101025557070758080
Ba Lan303045556065707575
Latvia101025406065657070
Lithuania101020607070707575
Hungary52540557080808080
Rumani151525405560606570
Slovakia51030557075808080
Slovenia101530455560656565
Ghi chú: Các tính toán dựa vào các nguồn chính thống (chính phủ) và không chính thống. Phần đóng góp được tính bao gồm cả các hoạt động chính thức và phi chính thức của các doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân là tất cả hoạt động của tư nhân, mà chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân.
Nguồn: trên cơ sở EBRD (2006)

  • Trong ba điều kiện, điều kiện thứ hai cũng thoả mãn (xem bảng 6.2). Các chuyên gia của EBRD cho điểm các nước liên quan đến: các nước hậu xã hội chủ nghĩa đã tiến đến đâu trong quá trình chuyển đổi về hình thành các đặc trưng đặc thù khác nhau của nền kinh tế thị trường (transition indicator scores). “Điểm” cao nhất là “4+”. Hungary đạt điểm cao nhất trong hai “môn học” liên quan đến các cơ chế điều phối: trong tự do hoá [giá cả,] thương mại và các giao dịch ngoại hối. Điều này phản ánh rằng về điều phối cơ chế thị trường đã có vai trò ưu thế rồi.
  • Tôi không trụ đỡ khẳng định liên quan đến sự thoả mãn của điều kiện thứ ba bằng các số liệu: chế độ chính trị và các luật của Hungary bảo vệ các định chế sở hữu tư nhân và thị trường. Bạn đọc có thể kiểm tra tính đúng đắn của khẳng định này.
Tôi đã đưa ra các khẳng định thực chứng mà không chứa phán xét giá trị. Sự thay đổi hệ thống đã xảy ra – có thể vui mừng cho hay buồn rầu vì sự thay đổi này. Tuy nhiên, giữa những người vui mừng và những người buồn rầu không thể có tranh luận về việc, có thể nói về 10 nước thành viên mới của EU: họ đã bước vào họ-hệ thống tư bản chủ nghĩa, bởi vì về mặt các đặc trưng-hệ thống căn bản họ đã giống các nước tư bản chủ nghĩa khác rồi.
Bảng 6.2. Các chỉ số phản ánh mức chuyển đổi kinh tế thị trường của EBRD
NướcTự do hoá giá cảTự do hoá thương mại và giao dịch ngoại hối
Bungary4 +4 +
Czech4 +4 +
Estonia4 +4 +
Ba Lan4 +4 +
Latvia4 +4 +
Lithuania4 +4 +
Hungary4 +4 +
Rumani4 +4 +
Slovakia4 +4 +
Slovenia44 +
Chú thích: Chỉ số có giá trị từ 1 đến 4+. Điểm số 1 có nghĩa là: sự thay đổi không đáng kể, hay chẳng có thay đổi nào so với thời kỳ kế hoạch hoá tập trung. Còn 4+ là điểm phù hợp với các quan hệ của nền kinh tế thị trường đã được công nghiệp hoá.
Nguồn: EBRD (2005) Bảng 1.1.
Nguời ta khó quen với việc dùng từ chủ nghĩa tư bản. Trong các thập niên dưới sự thống trị cộng sản người ta đã nhồi sọ sâu vào suy nghĩ chung. Các báo, đài phát thanh, TV, trường học và đại học, các bài phát biểu trong các dịp lễ và các hội thảo của đảng đã tiêm vào con người tư tưởng rằng chủ nghĩa tư bản là hệ thống đáng căm thù và cần bác bỏ. Ngay cả những người không thiện cảm với hệ thống xã hội chủ nghĩa hiện tồn cũng chẳng muốn “sự khôi phục chủ nghĩa tư bản”. Những đối thủ cấp tiến của chủ nghĩa xã hội cũng không – cả trong các bài viết được truyền bá một cách bất hợp pháp dù  thẳng thắn một cách gan dạ cũng chẳng – tuyên bố rằng họ muốn hệ thống “tư bản chủ nghĩa”. Sở dĩ không, bởi vì họ đã không suy nghĩ kỹ hoàn toàn, hay nếu thực sự họ có ủng hộ việc khôi phục chủ nghĩa tư bản đi chăng nữa, thì họ cũng không muốn nhấn mạnh, vì họ tính rằng điều đó có thể gây ác cảm trong các bạn đọc của mình. Đặc biệt là, khi sự kiểm duyệt và với nó là sự tự kiểm duyệt đã chấm dứt trong khía cạnh này, các chính trị gia, các nhà báo chính luận và các nhà khoa học xã hội đã tránh thuật ngữ này khá lâu.[7] Chúng ta không bắt gặp thuật ngữ này trong các tuyên bố cương lĩnh đầu tiên của các đảng thành lập sau 1989. Họ đã hào hứng hơn để dùng các uyển ngữ, như nền kinh tế thị trường, bởi vì nó dễ chấp nhận hơn đối với những cái tai người đã được chỉnh cho việc chống chủ nghĩa tư bản.

Sự thay đổi cấu trúc chính trị trong cách tiếp cận thực chứng

Trong mười thành viên trung Âu mới của Liên minh châu Âu (EU) không chỉ điều kiện tối thiểu đã  được thực hiện: đã chấm dứt sự thống trị chuyên chế của đảng cộng sản theo hệ tư tưởng marxist-leninist thù địch với chủ nghĩa tư bản và như thế khiến cho việc chuyển sang họ-hệ thống tư bản chủ nghĩa là có thể. Đã xảy ra nhiều hơn thế nhiều, bước ngoặt sâu sắc hơn nhiều: nền dân chủ đã thay thế chế độ độc tài, sự cạnh tranh đa đảng đã thay sự độc quyền chính trị của đảng cộng sản.
Sự thay đổi chính trị này [chuyển sang nền dân chủ]– như trong phần trước của dòng tư duy tôi đã nhấn mạnh – không phải là điều kiện cần của sự thay đổi hệ thống. Chủ nghĩa tư bản có thể thay thế chủ nghĩa xã hội theo cách, một loại chế độ chuyên chế khác thế chỗ cho một loại chính thể chuyên chế [cũ]. Hãy chỉ nghĩ về 1919 và thời kỳ đầu sau đó, khi khủng bố trắng thay cho khủng bố đỏ. Hay hãy nhớ lại cuộc đảo chính Pinochet.* Sự may mắn lịch sử đặc biệt đã khiến cho có thể là hai loại biến đổi này – biến đổi kinh tế và chính trị – trùng với nhau. Không chỉ phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài. Các phong trào và sự tổ chức đối lập dân chủ quay mặt lại với hệ thống cộng sản, quá trình khai sáng trí tuệ, sự lung lay ý thức hệ và đạo đức của tầng lớp lãnh đạo của đảng cộng sản, tức là các lực lượng bên trong, đã đóng góp [vào sự thay đổi này]. Ở một số nước, có lẽ nhất là ở Hungary và Ba Lan, vai trò của các lực lượng bên trong là lớn hơn, còn ở các nước khác tác động bên trong là nhỏ hơn. Thế nhưng không thể phủ nhận rằng cuối cùng không phải là các lực lượng bên trong đã đưa đến sự sụp đổ của chế độ chuyên chế cộng sản, mà là các hoàn cảnh bên ngoài, những thay đổi đã xảy ra trong tương quan lực lượng quốc tế, đã làm cho điều đó là có thể. Liên xô đã có thể cản trở sự rời khỏi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Hungary năm 1956, ở Tiệp Khắc năm 1968 và ở Ba Lan năm 1981, nhưng trong các năm 1989-1990 thì đã không.
Cho đến đây tôi dùng từ “nền dân chủ” mà không có lời giải thích. Bởi vì mục đích chính của bài này là làm rõ khái niệm, cần phải giải nghĩa thuật ngữ này. Tôi lại dùng cùng phương pháp (và đây không phải là phương pháp luận hiển nhiên, được mọi người chấp nhận!), mà tôi đã dùng khi định nghĩa chủ nghĩa tư bảnchủ nghĩa xã hội. Một lần nữa, chúng ta tiến đến sự hiểu tường tận hiện tượng không với cách nhìn chuẩn tắc mà với cách nhìn thực chứng. Có các nước, mà người ta đồng thuận gọi là các nền dân chủ. Chắc chắn có thể liệt kê vào đây các nước thành viên cũ của EU, ngoài ra vài nước bên kia đại dương: Hoa Kỳ, Canada, Australia, New-Zealand. Các nét đặc biệt nào của các nước này là các đặc trưng chung và thực sự phân biệt chúng với các nước không được coi là dân chủ?   Hệt như trước đây, khi phân tích thực chứng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, tôi kiếm càng ít đặc trưng càng tốt – các điều kiện cần và đủ, các tiêu chuẩn khu biệt chính, căn bản hay chủ yếu.[8]
Theo gương Schumpeter, trong các nét đặc trưng thủ tục của nền dân chủ chúng ta tìm thấy các đặc trưng khu biệt, những nét phân biệt các hình thức cầm quyền khác nhau (Schumpeter, 1942). Theo cách tiếp cận thực chứng, hình thức cầm quyền của một nước được coi là dân chủ khi và chỉ khi, nếu các vị lãnh đạo được tuyển chọn theo khuôn khổ của thủ tục được xác định rõ ràng. Các yếu tố quan trọng nhất của thủ tục là sự cạnh tranh của các đảng chính trị và sự bầu cử lặp đi lặp lại, theo định kỳ, dựa trên sự cạnh tranh đó, cũng như hoạt động lập pháp của quốc hội được bầu. Không cần (và cũng không thể) loại bỏ những người đang cầm quyền bằng các cuộc biểu tình, bằng áp lực quần chúng, khởi nghĩa, bạo loạn, bằng lực lượng vũ trang, bằng chém giết, bằng âm mưu lật đổ. Có thể thay thế những người đó theo hình thức văn minh, trong khuôn khổ thủ tục bầu cử, trong các dịp bầu cử sắp đến. Các lãnh đạo trước đây, những người không được bầu [lại], trao chức vị của họ cho những người thắng cử mà không có sự chống đối. Tôi coi các đặc trưng thủ tục này là các điều kiện tối thiểu cần và đủ của sự đạt được nền dân chủ.
Tôi đặc biệt nhấn mạnh cái mà sự phân tích ở trên không bao gồm.
a)      Nó không chứa bất cứ khẳng định loại nào liên quan đến nền dân chủ của hệ thống được nói đến đã chín muồi hay phát triển đến đâu. Cũng thoả mãn các điều kiện tối thiểu ngay cả nếu [nền dân chủ] vẫn còn khá thô và chưa phát triển, nếu tính minh bạch của việc cầm quyền vẫn chưa thật tốt và sự tham gia của công dân vào các quyết định chính trị vẫn còn yếu.
b)      Các điều kiện tối thiểu không chứa các yêu cầu liên quan đến chất lượng của chính thể. Chính phủ được lựa chọn một cách dân chủ có thể giỏi hay kém cỏi, có thể tiết kiệm hay hoang phí, có thể chân thật hay đánh lạc hướng – điều kiện tối thiểu được thoả mãn nếu trong việc chọn lựa các vị lãnh đạo các quy tắc chơi của nền dân chủ đã được tôn trọng.
c)      Việc diễn đạt các điều kiện tối thiểu không sử dụng bộ máy khái niệm của luật học hiến pháp. Hiến pháp của một nước có thể chứa trong bản thân nó các điều kiện tối thiểu, tức là quy định thủ tục bầu quốc hội và thủ tục chỉ định chính phủ. Thế nhưng hình thức chính thể cũng có thể thoả mãn các điều kiện tối thiểu, nếu hiến pháp không đủ chính xác về khía cạnh này. Nước đi tiên phong về tính hiến pháp, Vương quốc Anh, cho đến ngày nay không có hiến pháp được pháp điển hoá của mình.
d)     Các điều kiện tối thiểu không chứa bất cứ loại khẳng định nào liên quan đến tính ổn định của nền dân chủ. Chúng cho phép việc làm rõ, liệu có nền dân chủ hay không ở một nước nhất định trong một thời điểm cho trước. Thế nhưng, chúng không chứa các khuyến nghị chính trị về cần phải làm thế nào để duy trì nền dân chủ. Đây là một cảnh báo quan trọng mà tôi phải đưa thêm vào các bài viết trước đây của mình.
Tại Hungary hiện nay có nền dân chủ, bởi vì cho đến nay các quy định thủ tục liên quan đến bầu và thay đổi những người lãnh đạo đã được tôn trọng. Những người thất bại đã từ bỏ quyền lực và chuyển quyền lực cho những người thắng theo các thể thức văn minh. Năm ngoái, năm 2006, xảy ra lần đầu tiên rằng liên minh cầm quyền được bầu lại – và việc này cũng xảy ra theo các quy tắc chơi đúng thủ tục.
Thế nhưng, sự thực rằng cho đến nay luôn luôn đã xảy ra như thế, không cho một đảm bảo tuyệt đối rằng điều này cũng xảy ra trong tương lai. Sự thoả mãn các điều kiện tối thiểu ngày hôn nay không phải là điều kiện đủ của việc, ngày mai[9] chúng ta cũng duy trì được nền dân chủ. Phải tôn trọng các điều kiện tối thiểu mỗi ngày, lần này và lần nữa, liên tục. Nếu thắng – hãy sống với quyền cầm quyền! Nếu thất bại – hãy chấp nhận sự thất bại chính trị! Chấp nhận chiến thắng, việc này không quá khó, Chấp nhận thất bại – đây mới là thuốc thử, qua đó có thể đo được liệu nền dân chủ có hoạt động hay không. Nếu các lực lượng chính trị đáng kể không thực hiện các điều kiện tối thiểu này, thì nền dân chủ bị lâm nguy.
Tôi quay lại việc liệt kê các khẳng định mà các điều kiện tối thiểu không bao gồm.
e)      Từ quan điểm của dòng tư duy của tiểu luận của mình là quan trọng để tôi nhấn mạnh: định nghĩa được giới thiệu đến đây không bao hàm phán xét giá trị.[10] Có thể thích hay ghét hình thức chính thể dân chủ thoả mãn các điều kiện tối thiểu. Ở đây và bây giờ chúng ta chỉ giới hạn ở câu hỏi thực chứng: trong một nước ở một thời điểm cho trước có nền dân chủ hay không?
Áp dụng các tiêu chuẩn của cách tiếp cận thực chứng chúng ta có thể xác nhận: đúng, ở Hungary (và tương tự ở chín nước thành viên mới của EU) có nền dân chủ.

Sự chấp nhận chủ nghĩa tư bản và nền dân chủ – cách tiếp cận chuẩn tắc

Tôi chuyển sang cách tiếp cận chuẩn tắc của các vấn đề. Tôi chia ra làm hai đoạn. Đầu tiên tôi nói về những người không nghi ngờ các khẳng định thực chứng, theo đó chủ nghĩa tư bản đã thay cho chủ nghĩa xã hội, và nền dân chủ đã thế chỗ của nền độc tài [ở Hungary và Trung Âu]. Họ không phủ nhận điều này – họ chỉ không bằng lòng, hay thực sự phẫn nộ nhìn tình trạng hình thành do những biến đổi này gây ra.
Tôi biết rõ, sự bất mãn là rộng rãi. Không phải các cuộc biểu tình rầm rộ được tôi coi là sự thể hiện chính của tâm trạng xấu. Quan trọng hơn, còn đáng chú ý hơn là sự than vãn của những người không  hô vang những lời ca thán của họ trên đường phố. Sự bất mãn của họ được phản ánh không phải chỉ bởi một nghiên cứu-dư luận đáng tin cậy, cũng như nhiều tiểu luận cẩn trọng và khách quan (Ferge, 1996, Vásárhelyi, 2005, Sági, 2006).
Trong tiểu luận này tôi không phân tích những thể hiện và nguyên nhân của sự bất mãn của quần chúng. Tôi chỉ đưa ra vài nhận xét đối với quan điểm được nhắc tới nhiều lần trong giới trí thức và trong thảo luận chính trị. Tôi bàn đến ba nhóm quan điểm.
Tôi liệt vào một nhóm những quan điểm ủng hộ cải cách chủ nghĩa tư bản. Họ phê phán tình trạng hiện hành, nhưng không bác bỏ chủ nghĩa tư bản. Sự phê phán này chỉ hướng chống lại một số đặc tính của hệ thống. Tôi coi loại này là hữu ích, và bản thân tôi cũng cố gắng đưa ra loại phê phán này.
Loại phê phán này có thể đi rất xa, cũng có thể rất gay gắt. Trong nhiều trường hợp chúng ta đối mặt với các tính chất đặc thù hệ thống của chủ nghĩa tư bản, các tính chất gây đau đớn, bất công, phẫn nộ về mặt đạo đức. Các thí dụ quen biết như vậy là sự bất bình đẳng có mức độ gây đau lòng và bất công về phân phối thu nhập, của cải và tri thức, ngoài ra là nạn thất nghiệp hàng loạt và mức toàn dụng lao động thấp. Việc loại bỏ hoàn toàn các điều xấu này là không thể, nhưng việc giảm bớt chúng một cách đáng kể là có thể thực hiện được.
Các đại diện của các quan điểm trên không khuyến nghị rút ra khỏi họ-hệ thống tư bản chủ nghĩa. Họ khuyến nghị rằng thay cho biến thể-hệ thống đang hoạt động hiện thời hãy thực hiện một biến thể khác. Việc này như vậy không hướng đến lật đổ chủ nghĩa tư bản, mà chỉ hướng tới thay đổi một số định chế, quy định pháp luật hay tập quán. May mắn, quan điểm phê phán loại này là khá phổ biến.
Thuộc nhóm tiếp theo là những người muốn thấy một hệ thống thứ ba. Hệ thống thứ nhất, chủ nghĩa tư bản là xấu.[11]Hệ thống thứ hai, chủ nghĩa xã hội muốn thế chỗ chủ nghĩa tư bản, cũng xấu.  Vì thế hãy đến đi hệ thống thứ ba! (Có những người không nói về hệ thống thứ ba, mà nói về con đường thứ ba cũng theo nghĩa này). Chắc chắn thuộc nhóm này là một bộ phận các nhà tân marxist (tuy không phải tất cả), nhưng chúng ta có thể nghe thấy các quan điểm tương tự từ những người chẳng liên quan gì đến chủ nghĩa Marx cả. Chúng ta có thể bắt gặp quan điểm này ở Hungary, nhưng cũng có ở các nơi khác nữa.
Thế giới tốt hơn hãy là khác – nhưng tính khác này hãy là gì? Chắc chắn đừng có giống hệ thống khủng khiếp của Lenin và Stalin! Thế nhưng nếu chúng ta hỏi các tông đồ của các quan điểm này rằng họ đã rút ra những bài học cụ thể nào từ sự sụp đổ của chế độ cộng sản, chúng ta không nhận được câu trả lời thuyết phục. Câu trả lời điển hình là, sự thật về sự thất bại không dẫn đến những kết luận định hướng. Lenin, Stalin và những kẻ theo họ đã thực hiện công việc của họ một cách tồi tệ – còn bây giờ phải thực hiện tốt chủ nghĩa xã hội. Nhưng thực hiện thế nào? Họ không biết, nhưng họ cũng chẳng cảm thấy là nghĩa vụ của họ để nói ra. Theo họ vứt bỏ một hệ thống hiện tồn xấu là chính đáng về mặt trí tuệ và đạo đức, ngay cả khi họ không biết vạch ra một kế hoạch mang tính xây dựng để thực hiện hệ thống tốt hơn.
Theo quan điểm của tôi câu trả lời được phác hoạ ở trên là vô trách nhiệm. Nó có quá khứ dài; đây đã là câu trả lời của Marx, ông đã luôn luôn lừng khừng với việc tỷ mẩn suy ngẫm về các quy tắc hoạt động của một xã hội xã hội chủ nghĩa tương lai. Thậm chí, ông coi thường một cách khinh miệt những người thử suy ngẫm về vấn đề này. “…Tờ Revue Positiviste ở Paris một mặt chê trách tôi rằng tôi thảo luận kinh tế học một cách siêu hình, mặt khác – quý vị hãy tưởng tượng!- chê rằng tôi chỉ giới hạn ở việc phân tích phê phán cái đã cho, thay cho việc vẽ ra (…) các công thức (loại Comte?) cho bếp núc tương lai”. Trong Anti-Dühring, Engels chế nhạo nhà bác học, người “từ cái đầu riêng của mình, từ bộ óc chất đầy chân lý vĩnh viễn của mình” thử vạch ra trật tự xã hội không tưởng mới. Marx và Engels gợi ý: việc đắn đo suy nghĩ tỷ mỷ trước về sự hoạt động của xã hội tương lai là không “khoa học”. Hàng trăm triệu người một lần đã trả giá rất đắt cho sự vô trách nhiệm loại như vậy, khi trên thân thể sống của tất cả chúng ta người ta đã thử nghiệm, xã hội tương lai hãy là như thế nào.
Chủ nghĩa tư bản có nhiều đặc điểm ghê tởm, đúng thế. Tôi không chờ đợi ở “người dân thường” để khuyến nghị hệ thống tốt hơn thế chỗ nó. Tôi cũng chẳng buộc các nhà văn làm việc này, họ miêu tả mặt tối của hệ thống tư bản chủ nghĩa trong các tác phẩm của mình. Thậm chí, tôi cũng chẳng mong đợi các kiến nghị xây dựng từ các bộ phận khác của giới trí thức nếu nghề của họ không phải là nghiên cứu các quá trình xã hội. Thế nhưng, theo quan điểm của tôi, các đòi hỏi là khác đối với các nhà kinh tế học, các nhà xã hội học, các nhà khoa học nghiên cứu triết học chính trị hay lịch sử đương thời, những người mà nghề nghiệp và mục đích sống của họ là nghiên cứu các quá trình biến đổi xã hội. Trách nhiệm nghề nghiệp và tính chính trực trí tuệ đòi hỏi rằng nếu họ cổ vũ đồng bào của họ bác bỏ chủ nghĩa tư bản, thì sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng các bài học lịch sử họ hãy nói rõ: chúng ta đặt hệ thống như thế nào vào chỗ của chủ nghĩa tư bản? Họ hãy đưa ra các bản thiết kế của xã hội khả dĩ có thể lựa chọn một cách xây dựng! Hãy kiểm tra một cách tận tâm xem hệ thống được kiến nghị có khả năng hoạt động hay không! Có tính đến bản tính con người một cách thực tế hay không? Có tính đến trạng thái kỹ thuật hiện nay không? Nếu họ muốn cuộc sống chính trị diễn ra dưới hình thức chính thể dân chủ, thì liệu họ có triển vọng rằng các cử tri sẽ ủng hộ bản kế hoạch của họ trong các cuộc bầu cử tự do hay không? Hay họ kiến nghị hình thức chính thể khác? Nếu giả như có các bản thiết kế như vậy, thì có thể suy ngẫm về chúng, có thể tranh luận với họ. Không thể và không đáng tranh luận với những lời bóng bẩy sáo rỗng và những điều không tưởng.
Cuối cùng tôi liệt kê vào một nhóm riêng những người truyền bá chủ nghĩa dân tuý nước đôi. Tôi trích vài cách diễn đạt đặc trưng của thuật hùng biện của họ: “tư bản kền kền”, “lợi nhuận xa xỉ”, “chính phủ nhà bank”, v.v. Thực ra những người muốn gây khí thế với các lời bóng bẩy sáo rỗng này muốn hệ thống kinh tế loại như thế nào? Làm thế nào, với các quy tắc loại nào có thể phiên dịch các lời phê phán ẩn trong các khẩu hiệu ra ngôn ngữ thực tiễn? Chỉ cấp giấy phép hoạt động cho các nhà tư bản bồ câu dịu dàng, còn bọn có dã tâm kền kền phải bị từ chối. Phải có lợi nhuận – nhưng đừng có lợi nhuận xa xỉ. Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hãy hoạt động, nhưng không có các ngân hàng, bởi vì chúng không thể tính đến chuyện hệ thống pháp luật của nhà nước bảo vệ sở hữu của họ và cưỡng ép tuân thủ các giao kèo của họ.
Thuật hùng biện này chẳng có lòng dũng cảm để cự tuyệt chủ nghĩa tư bản và cũng không có sức mạnh trí tuệ cần thiết để đưa ra các kiến nghị cải cách hữu ích và khả thi của chủ nghĩa tư bản.

“Thay thế elit” và “thực hiện công lý”: cách tiếp cận chuẩn tắc

Chúng ta hoàn thành đoạn đầu của việc phân tích cách tiếp cận chuẩn tắc; chúng ta đã xem xét các quan điểm ghi nhận sự thực về thay đổi hệ thống – nhưng không thích các hệ quả của nó.
Bây giờ trong đoạn thứ hai của phân tích, chúng ta xem xét các quan điểm nghi ngờ: nói chung đã có sự thay đổi hệ thống hay không? Khi như vậy các tiêu chuẩn thực chứng và các đòi hỏi chuẩn tắc lẫn lộn với nhau. (Tất nhiên, tôi không hề muốn bới móc xem các đại diện của các quan điểm này có biết sự phân biệt “thực chứng-chuẩn tắc” hay không, và nói chung họ có suy nghĩ kỹ việc đặt cơ sở cho lập trường của họ hay không. Việc này không ảnh hưởng đến điều muốn nói của tôi. Chúng ta, những người giải thích các lập trường, có thể liệt kê một quan điểm hay quan điểm khác vào loại này hay loại nọ một cách độc lập với điều đó).
Các quan điểm lẫn lộn cách tiếp cận thực chứng và cách tiếp cận chuẩn tắc có cấu trúc giống nhau. Dòng tư duy bắt đầu bằng công thức sau đây: tôi coi sự thay đổi hệ thống là chưa xong (thậm chí có lẽ tôi coi là quá trình, mà thực sự vẫn chưa bắt đầu), bởi vì tôi chỉ coi là “sự thay đổi hệ thống” những  thay đổi thoả mãn điều kiện hay các điều kiện sau đây… Và tiếp theo là việc gọi tên điều kiện chuẩn tắc, hay có lẽ nhiều điều kiện chuẩn tắc cùng nhau.
Nhiều loại điều kiện chuẩn tắc cũng đã vang lên trong lối nói thông thường trước đây, và cả bây giờ nữa, trong bầu không khí chính trị nóng bỏng mùa hè và cuối thu. Trong phần dẫn nhập tôi đã trích vài bài phát biểu ở quảng trường Kossuth, nhấc ra từ đó và từ các phát biểu tương tự khác một vài đòi hỏi chuẩn tắc, tôi thu thập soạn ra sáu mẫu dưới đây.

  1. Mẫu thứ nhất. Chúng ta không thể nói về sự thay đổi hệ thống, trong lúc các cán bộ của hệ thống cộng sản cũ vẫn ngồi ở các vị trí lãnh đạo. Phần không thể thiếu của sự thay đổi hệ thống là sự đổi gác hoàn toàn, nói cách khác, theo ngôn ngữ khoa học xã hội, là sự thay thế toàn bộ hay hầu như toàn bộ đội ngũ ưu tú (elit) cũ bằng một đội ngũ elit mới.
  2. Mẫu thứ hai. Chúng ta không thể nói về sự thay đổi hệ thống, trong lúc người ta không trừng trị những kẻ tội phạm vì các tội mà chúng đã phạm trong thời chế độ cũ. Phần không thể thiếu của sự thay đổi hệ thống là sự thực hiện công lý.
  3. Mẫu thứ ba. Chúng ta không thể nói về sự thay đổi hệ thống, trong lúc hiến pháp hiện thời có hiệu lực. Hiến pháp này là không thể chấp nhận được, và những lỗi của nó không thể được loại bỏ bằng cách vá víu, bằng những sửa đổi nhỏ. Cần hiến pháp mới, mà để soạn thảo và thông qua nó cần đến quốc hội lập hiến.
  4. Mẫu thứ tư. Chúng ta không thể nói về sự thay đổi hệ thống, bởi vì người ta đã không hỏi nhân dân rằng họ muốn hệ thống như thế nào. Cần cuộc trưng cầu dân ý mới để cho hệ thống mới là hợp pháp.
  5. Mẫu thứ năm. Chúng ta không thể nói về sự thay đổi hệ thống, bởi vì sự thay đổi thật sự phải gắn chặt với sự thỏa mãn những đòi hỏi dân tộc. Những đòi hỏi được nói đến có phổ khá rộng, kể cả việc xem xét lại các đường biên giới theo Hiệp ước Trianon* và việc khôi phục các đường biên giới trước 1919, có lẽ cả đưa các biện pháp phân biệt chủng tộc để chống lại ưu thế của ảnh hưởng mà những người không phải người Hung, hay không hoàn toàn Hung, hay những người do thái đang có.
  6. Mẫu thứ sáu. Chúng ta không thể nói về sự thay đổi hệ thống, trong lúc hình thức nhà nước hiện hành vẫn còn. Hình thức này giống nền cộng hòa thông dụng của các nước xung quanh chúng ta, thế mà chúng ta cần tạo ra một hình thức nhà nước rất đặc biệt, dựa trên luận thuyết sacra corona. Hay có lẽ chúng ta không cần sống trong nền cộng hòa, mà phải khôi phục lại vương quốc.
Trong cả sáu mẫu, các đại diện của quan điểm được nói đến đều phủ nhận rằng sự thay đổi hệ thống đã hoàn tất. Họ không đặt cơ sở cho sự phủ nhận vì một điều kiện tối thiểu thực chứng nào đó không thỏa mãn (trong trường hợp điển hình họ cũng chẳng nhận ra tầm quan trọng của các điều kiện này). Sở dĩ họ phủ nhận bởi vì tình hình hiện tồn không thỏa mãn điều kiện chuẩn tắc do họ đưa ra.
Trong tiểu luận này tôi chỉ bàn đến hai mẫu đầu tiên.
Sự thay đổi tầng lớp ưu tú. Đông Âu và trong đó Hungarry đã chuyển từ hệ thống xã hội chủ nghĩa sang hệ thống tư bản chủ nghĩa với nhịp độ vũ bão. Bõ công suy ngẫm kỹ các bài học lịch sử. Chúng ta hãy gợi nhớ lại thời kỳ lịch sử dài nhiều thế kỷ, trong đó ở nước dẫn đầu sự biến đổi tư bản chủ nghĩa, ở nước Anh các quan hệ sở hữu tư bản chủ nghĩa đã từ từ đẩy lùi các quan hệ sở hữu tiền tư bản chủ nghĩa vào quy mô ngày càng hẹp hơn. Quyền lực của chế độ quân chủ dần dần yếu đi, xuất hiện các hình thức chính quyền tự quản, các mầm mống đầu tiên của chủ nghĩa nghị viện, rồi tầm quan trọng của các cuộc bầu cử và của quốc hội ngày càng tăng lên, cho đến khi chế độ quân chủ nghị viện hình thành, và cuối cùng – đo bằng khắc độ lịch sử là mới gần đây, từ nửa cuối thế kỷ 19 – là nền dân chủ. Sự thay đổi hệ thống kinh tế và chính trị đã diễn ra theo nhiều bước và trong thời gian rất dài. Các trạng thái quá độ tồn tại khá lâu, quá trình biến đổi đôi khi mắc kẹt, tạm thời có thể quay lại, khi khác lại tăng tốc. Trong khi xét thời kỳ rất dài thì bên trong giới elit trọng lượng của giới quý tộc dần dần giảm đi, chúng ta không thể lấy từ quá trình biến đổi bao hàm cả thời kỳ này ra một giai đoạn ngắn, trong đó tầng lớp elit được thay đổi một cách triệt để và bền vững, cả trong đời sống chính trị, lẫn trong kinh tế. Những người của chế độ trước và chế độ sau đã sống cạnh nhau, cũng tranh đua nhau vì quyền lực và kinh tế. Sự tranh đua, đấu tranh và đồng thời sự đan xen hoà nhập và hợp tác – tất cả những thứ này được kết hợp với tỷ lệ khác nhau cùng tồn tại cạnh nhau (Kontler, 1993, Rubinstein, 1993, Stone, 1993).
Lịch sử Hungary, đo bằng khắc độ lịch sử, với độ trễ lớn đã biểu hiện các hiện tượng tương tự trong thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 về diễn biến cơ cấu elit và những tương tác nội bộ của nó. Đúng, cơ cấu elit chính trị đã thay đổi đột ngột sau khi cuộc chiến giải phóng bị đập tan – thế nhưng xu hướng liên tục lại thịnh hành mạnh mẽ ở Hungary muộn hơn, sau thỏa hiệp*. Các nhóm khác nhau của tầng lớp ưu tú, do tầng lớp quý tộc, các đại địa chủ, tầng lớp quý tộc mới, tầng lớp viên chức trung lưu và các nhà kinh doanh tạo thành, đã cùng sống cạnh nhau. Cơ cấu elit tuy có thay đổi, nhưng làm gì có chuyện đổi gác triệt để. Trong tay elit cũ – tầng lớp quý tộc, các đại địa chủ – vẫn còn các vị trí quyền lực chính trị quan trọng; ảnh hưởng của họ cũng lan sang đời sống kinh doanh nữa. Sự tranh đua và sự đan xen hoà hợp cùng xuất hiện bên trong giới elit hỗn tạp, giữa các tầng lớp và các nhóm lãnh đạo khác nhau (Kövér, 2002, Lakatos, 1942, Lengyel, 1989, Péter, 1993).
Đã có một “biến đổi vĩ đại” duy nhất trong lịch sử, trong đó người ta đã tiến hành thay elit nhanh chóng và tàn bạo – điều này đã diễn ra trong thời gian lật đổ hệ thống tư bản chủ nghĩa và lập ra hệ thống xã hội chủ nghĩa, đầu tiên ở Liên Xô, rồi sau đó ở nơi khác khi cộng sản chiếm quyền.
Cái gì đã xảy ra ở Hungary khi thay đổi hệ thống vừa qua? Các nghiên cứu kinh nghiệm đáng chú ý đã được tiến hành và cho bức tranh khá rõ. Trong lúc đầu của quá độ hậu xã hội chủ nghĩa một giả thuyết cấp tiến được nêu ra, theo đó elit cũ hầu như đã hoàn toàn tự cứu được mình, cơ cấu elit hầu như không được thay, bởi vì “nomenklatura-tư sản” hình thành (Hankiss, 1989), và xuất hiện “chủ nghĩa tư bản chính trị” (Staniszkis, 1991). Quan điểm này, mà ngày nay nhiều người vẫn tin vào, hóa ra là sự cường điệu quá đáng. Những nghiên cứu kinh nghiệm đã bác bỏ giả thuyết này; ngay cả liên quan đến giai đoạn đầu của quá độ cũng không được xác nhận (Böröcz-Róna-Tas, 1995, Szelényi-Szelényi-Kovach, 1995). Sự thật là, cũng chỉ có một tỷ lệ nhỏ hơn của tầng lớp elit chính trị và kinh tế mới đã có vị trí cao trong chế độ cũ (xem bảng 6.3). Trong số những người khác, nhiều người đã thăng tiến từ cấp bậc thấp hơn của các tầng lớp chính trị-quan liêu cũ lên cao hơn, còn những người khác được chiêu mộ từ bên ngoài, từ các nhóm bên ngoài elit cũ.
Bảng 6.3. Các đặc điểm việc làm của tầng lớp ưu tú (elit) Hungary sau thay đổi chế độ (1993)
(tỷ lệ của những người có vị trí cho trước trong năm 1988, phần trăm)
Vị trí đã làm trong năm 1988Elit mới hoàn toànElit kinh tế mớiElit chính trị mớiElit văn hoá mới
Người ra quyết định văn hoá2,90,23,112,8
Lãnh đạo kinh tế20,830,93,74,5
Cán bộ đảng3,32,23,17,5
Viên chức nhà nước5,61,620,52,3
Tổng cộng:32,634,930,427,1
NguồnSzelényi-Szelényi-Kovach, 1995, tr. 711.
Bảng 6.4 và 6.5 trụ đỡ cho các khẳng định tổng quát bằng các số liệu thêm. Sự giải nghĩa của cả hai bảng dựa trên giả thiết sau đây: trong sự nghiệp của thành viên elit hậu xã hội chủ nghĩa có sự liên tục,  nếu đã là đảng viên của đảng cộng sản một thời. Giả thiết này dựa trên một sự đơn giản hóa mạnh, bởi vì trong số các thành viên elit chính trị cũ, và nhất là elit kinh tế cũ, đã có những người ngoài đảng. Tuy nhiên ngần ấy là chắc chắn, rằng có tương quan chặt giữa vị thế thuộc về elit và đảng viên, và vì thế tiêu chuẩn được áp dụng hướng dẫn khá tốt cho chúng ta trong khai phá tính liên tục giữa elit cũ và elit mới. Trên cơ sở số liệu của bảng 6.4 thấy rõ, rằng – trong khi không xảy ra sự đổi gác đột ngột sau khi thay đổi hệ thống – mau chóng đã bắt đầu sự thay một phần elit kinh tế cũ. Xu hướng này tiếp tục một cách liên tục. Trong năm 2001, chỉ còn hơn một phần tư một chút của elit kinh tế mới là những người đã là đảng viên trước thay đổi hệ thống (Csite-Kovach, 1997, Csurgó-Himesi-Kovach, 2002). Tôi mượn bảng 6.5 từ tiểu luận sau, bảng công bố số liệu của năm 2001 không chỉ về elit kinh tế, mà cả về elit chính trị và văn hóa nữa. Xu hướng là giống nhau trong cả ba mảng của tầng lớp ưu tú: tỷ lệ của các đảng viên đảng cộng sản một thời giảm từ từ, theo nhịp độ dứt khoát. Cũng lưu ý đến các kết quả của những khảo sát khác được tiến hành với sự áp dụng các phương pháp khảo sát khác, chúng ta có thể nói: cái phần của elit mới, mà các thành viên elit cũ đang chiếm, đang co lại. (Về tài liệu liên quan đến thay elit ở Hungary, ngoài các công trình kể trên, tôi nhắc đến các công trình sau đây nữa: Kolosi-Sági, 1999; Kovach, 2002; Laki-Szalai, 2004; Lengyel, 1997; Spéder, 1999; Szalai, 1997).
Bảng 6.4. Tỷ lệ các cựu đảng viên cộng sản trong giới elit kinh tế (phần trăm)
1988199319972001
83,366,149,826,8
Ghi chú: Trong cả bốn năm các nhà nghiên cứu đã đặt các câu hỏi giống nhau, và họ tính toán dựa vào các câu trả lời.
Nguồn: Csite-Kovach (1998) và Csurgó-Himesi-Kovach (2002)
Bảng 6.5. Tỷ lệ các cựu đảng viên cộng sản trong các giới elit năm 2001 (phần trăm)
Tiêu chíVăn hoáChính trịKinh tế
Đã không là đảng viên C.S.71,264,372,2
Đã là đảng viên C.S.25,932,926,8
Không trả lời2,92,81
Tổng cộng:100,0100,0100,0
Nguồn:Csurgó-Himesi-Kovach (2002)
Tôi thú nhận rằng mình cũng bị chọc tức khi thấy những người giữ vị trí lãnh đạo, những người mà từ kinh nghiệm cá nhân tôi biết họ đã làm hại nhiều đến thế nào khi với chức vụ cao họ phục vụ hệ thống cũ. Theo ngôn ngữ của bài này: khi bản thân tôi cũng đeo đôi kính của cách tiếp cận chuẩn tắc, nhiều khi lòng tràn đầy giận dữ – nhưng tôi cố làm chủ những xúc động của mình. Và nếu bây giờ tôi quay lại cách tiếp cận thực chứng, tôi vẫn giữ nguyên lập trường trước đó của mình: việc thay elit không phải là điều kiện cần của việc chúng ta công bố sự thay đổi hệ thống đã xong. Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa sản sinh ra tầng lớp lãnh đạo của bản thân nó. Nó dung dưỡng, hoà tan vào bản thân mình những người thích hợp cho vai trò này và – ngay cả nếu họ xuất phát từ vị trí thuận lợi đi nữa – sớm muộn sẽ loại bỏ những người không thích hợp. Chính cơ chế chọn lọc mạnh này là một trong những bí mật của tính hiệu quả của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Nền dân chủ chính trị cũng sản sinh ra tầng lớp lãnh đạo của mình. Đúng như trong cạnh tranh thị trường, trong cạnh tranh giữa các đảng và các phong trào sự chọn lọc cũng xảy ra. Người tỏ ra không thích hợp, trước sau bị loại ra. Chẳng ai khẳng định rằng trong hai lĩnh vực này các cơ chế chọn lọc hoạt động không sai sót. Có xảy ra chuyện người bất tài hay bất lương leo lên cao, còn người có tài, tử tế lại bị dồn xuống dưới.* Nhưng dẫu sao sự chọn lọc là khá hiệu quả. Theo nhịp chúng ta tiến về phía trước với thời gian, sự chọn lọc càng tin cậy hơn, tuy phải tính đến chuyện luôn luôn sẽ có các quyết định chọn lọc sai.
Đáng tiếc là không có sự bình đẳng hoàn toàn về cơ hội. Thực sự có thể có thuận lợi, nếu ai đó (bản thân hay gia đình người đó) cũng đã ở “trên” rồi trong hệ thống cũ. (Tuy, tình thế xuất phát này cũng có thể có những bất lợi, bởi vì nó có thể sinh ra ác cảm trong một phần những người xung quanh). Thế nhưng với thời gian lợi thế này mòn đi. Chắc chắn, chẳng ai có địa vị được đảm bảo vĩnh viễn, nếu  không thích hợp. Bản thân hệ thống thực hiện việc thay elit.
Thực hiện công lý. Nếu chúng ta hiểu việc này là các thủ tục án hình sự được nêu trong luật và kết thúc với sự kết án của các thẩm phán – thì quả thực nói chung hầu như đã không xảy ra. Đã xảy ra một-hai vụ án về các vụ các loạt súng sau 1956, các vụ án này cũng kết thúc nửa vời. Ngoài vài vụ này ra nhiều nhất ngần ấy đã xảy ra là, vài quy định pháp luật loại trừ một vài nhóm elit chính trị cũ khỏi một số lĩnh vực công tác nhất định.
Đầu các năm 1990 đã xảy ra các tranh luận gay gắt về thực hiện công lý. Người ta cũng đã đưa ra các dự luật về trừng trị các tội phạm đã vi phạm trong thời hệ thống cũ, nhưng dự luật không được quốc hội thông qua. Khi đó các ý kiến chia rẽ cả trong nội bộ các đảng, cả giữa những người tham gia tranh luận công khai. Đã không có đồng thuận rộng rãi trong đánh giá về sự dàn xếp pháp lý muốn coi cái gì là “công minh” trong tình hình này. “… Cuối cùng giải pháp sở dĩ đã chẳng có ở Hungary, cũng không có ở bất cứ nước lân cận nào, bởi vì ý muốn sự công minh theo nghĩa lịch sử đã chia rẽ xã hội một cách sâu sắc” – Kende Péter kết luận (Kende, 2000). Cuộc tranh luận từ từ tắt đi, các quyết định của toà án hiến pháp cũng cản trở các mưu tính. Muộn hơn cuộc tranh luận về thực hiện công lý âm ỷ lại loé lên một đôi lần, rồi sau đó lại lụi tàn trong tro.[12]
Tôi lại có thể nói: mình cũng phẫn nộ, khi trong phòng hoà nhạc đột nhiên tôi đối mặt với tay thẩm phán khát máu, người đã tống các bạn tôi vào tù sau 1956. Người ta tống giam bọn kẻ cắp vặt và những kẻ quấy rối ở quán rượu, trong khi những người đã tham gia một cách tích cực và hăng hái vào sự đàn áp thì nhởn nhơ đi lại. Khi các vụ của những kẻ chỉ điểm quấy động dư luận, tôi đồng cảm với những người than vãn: các đinh vít của cỗ máy đàn áp bị đưa ra ánh sáng, trong khi các động cơ và các bánh đà lớn của cỗ máy thì chẳng hề chi, chẳng ai đụng đến sợi tóc của họ.
Thế nhưng, bây giờ tôi cũng vẫn giữ nguyên lập trường được trình bày trước đây trong cách tiếp cận thực chứng: việc trừng trị những kẻ phạm tội không phải là điều kiện cần để chúng ta tuyên bố sự thay đổi hệ thống đã hoàn tất. Chúng ta giải thích rất chính xác và nghiêm ngặt tính từ “cần”. Hệ thống kinh tế và chính trị mới cũng có khả năng hoạt động cả khi, nếu người ta đã không trừng trị những kẻ phạm tội [trong thời hệ thống cũ].
Chúng ta cần xem xét hệ thống mới không với những ảo tưởng. Ngay cả nếu đạo đức, đo với chuẩn mực cao hơn, có đòi hỏi những kẻ tội phạm đền tội đi nữa– cả chế độ kinh tế tư bản chủ nghĩa, lẫn nền dân chủ nghị viện cũng chẳng là thắng lợi của đạo đức tinh khiết. Ở đất tổ của nền dân chủ, ở Hoa Kỳ, nơi lần đầu tiên người ta thảo ra và thông qua hiến pháp dân chủ, tại thời điểm lịch sử thiêng liêng đó nhiều triệu người da đen tàn tạ trong thân phận nô lệ. Đã có người cha sáng lập, bản thân ông cũng đã là chủ nô. Với sự thay đổi hệ thống và gắn với nó ở nước chúng ta với sự thay đổi hình thức chính thể  đã tạo ra các điều kiện tối thiểu cho sự hoạt động của hệ thống tư bản chủ nghĩa và hình thức chính thể dân chủ. Điều này bản thân nó là thành quả lịch sử có tầm quan trọng to lớn. Nhưng chẳng ai coi điều này là nhiều hơn mức tối thiểu. Đây là điểm xuất phát – và chủ yếu phụ thuộc vào các vị lãnh đạo đất nước và các công dân, rằng khởi hành từ vạch xuất phát này chúng ta đi đến đâu.
Giữa hai đòi hỏi (thay elit và hoạt động tư pháp) có mối quan hệ, mà về nó bõ công suy ngẫm kỹ lưỡng.
Sự thay đổi hệ thống bắt đầu trong năm 1989 đã được thực hiện mà không có đổ máu, không có bạo lực. Mới đây chúng ta đã kỷ niệm năm mươi năm cách mạng 1956, hợp thời để so sánh với những diễn biến khi đó. Đúng, khi đó các phong trào đầu tiên đã không treo mục đích thay đổi hệ thống lên ngọn cờ của họ. Thế nhưng, nếu giả như đã không bị các lực lượng bên ngoài dẹp tan, có lẽ đã dẫn đến sự thay đổi hệ thống mà về sau chẳng ai có thể nói rằng sự thay đổi đó đã không có đổ máu. Nó đã bắt đầu bằng khởi nghĩa vũ trang, và lúc đầu các lãnh đạo của chế độ cũ đã thử bằng vũ khí chống lại những người khởi nghĩa. Các xe tank Soviet xuất hiện và bắn trên đường phố Budapest. Hàng ngàn người đã chết ở cả hai bên các chiến hào. Ý định trừng phạt những người chịu trách nhiệm về chế độ cũ đã chín muồi. Đã có nhiều người mong muốn trả thù, sự giận dữ ở vài nơi đã dẫn đến sự quá đáng suy đồi đến cả hành hình.
Lần này, trong năm 1989 và sau đấy chuyện đó chẳng hề xảy ra.[13] Cách mạng đã là cách mạng “nhung”, tôi trích dẫn cách nói tuyệt vời của những người Czech. Không phải sở dĩ bây giờ đã không có đổ máu, bởi vì trong ba thập kỷ rưỡi bản tính con người đã thay đổi. Sự biến đổi vừa qua đã bắt đầu bằng sự thoả thuận, bằng thoả hiệp, bên cạnh các bàn đàm phán. Kịch bản biến đổi đã được các nhà lãnh đạo cũ và mới thảo luận, đã được họ “mặc cả” từng điểm một. Những người trước kia sở hữu quyền lực không chia sẻ, chẳng thử vớ lấy vũ khí, mà đã hợp tác trong việc tạo ra các thủ tục dân chủ và nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Nghiến răng làm, nhưng họ đã làm. Sở dĩ họ đã hợp tác, bởi vì bên cạnh các lý do khác họ không bị loại khỏi cả cuộc sống chính trị lẫn cuộc sống kinh tế, với điều kiện họ chấp nhận các quy tắc chơi mới.[14]
“[Giả như có thể] các vị đã thích làm cách mạng!” – người ta trích dẫn nhiều lần câu nói đã trở thành kinh điển của Antall József, thủ tướng đầu tiên của nền dân chủ Hungary, khi họ thúc bách bỏ qua sự đổi gác hoàn toàn và sự trừng phạt những kẻ phạm tội.
Ở đây các giá trị mâu thuẫn nhau căng lên chống lại nhau. Ở một bên: thay gác và thực hiện công lý, ở bên kia là đòi hỏi bất bạo lực.[15] Nếu đã nói đến cách tiếp cận chuẩn tắc, và tôi muốn thổ lộ trật tự giá trị của bản thân mình: trong con mắt tôi quan trọng nhất là đòi hỏi, rằng những biến đổi xã hội lớn hãy xảy ra mà không có đổ máu, không có hy sinh tính mạng con người và không có bạo lực, hơn là đòi hỏi rằng các bộ mặt cũ hãy biến đi, và công lý được thực hiện.[16] Nhưng tôi biết, không phải mọi người đều chia sẻ thang giá trị này, và [có người] dù bằng con đường bạo lực đi nữa nhưng vẫn muốn đòi loại bỏ và trừng phạt những người của chế độ cũ.
Việc thay elit và thực thi công lý ở nước chúng ta xảy ra như thế nào là chuyện nội bộ của Hungary. Không phải từ bên ngoài người ta ép chúng ta rằng cái gì xảy ra và cái gì bị bỏ qua trong quá trình chuyển đổi, mà chính là chúng ta đặt ra. Thế nhưng đáng để tôi nhắc đến rằng cái đã xảy ra và sẽ xảy ra trong tương lai ở Hungary và ở các nước Đông Âu khác đã có ảnh hưởng quốc tế lớn và sẽ có trong thời gian tới nữa.
Tôi chỉ muốn lưu ý đến một vấn đề duy nhất, đấy là sự biến đổi vĩ đại của Trung Quốc.[17] Trong đất nước khổng lồ này, nơi 1,3 tỷ người sinh sống, đang xảy ra sự thay đổi hệ thống. Vẫn chưa kết thúc. Liệu có xảy ra khởi nghĩa, các cuộc đụng độ đẫm máu, nội chiến với cả triệu người hy sinh hay không? Hay nó diễn ra yên bình từ đầu đến cuối? Trước mắt có vẻ như cái sau được thực hiện. Sở dĩ thế là bởi vì bên cạnh những lý do khác các cán bộ cộng sản không chống lại sự lan rộng của chủ nghĩa tư bản, mà cố gắng thu lợi về cho mình. Bí thư đảng đoạt lấy một nửa hay toàn bộ tài sản của nhà máy, việc điều khiển xí nghiệp địa phương lọt vào tay thị trưởng, con trai hay con gái vị tướng học ở trường cao đẳng quản trị kinh doanh đắt tiền để rồi giữ vị trí cao trong đời sống kinh tế. Tất cả những việc này khá  khả ố – nhưng lại đi cùng với lợi thế rằng đảng cộng sản từ kẻ thù của chủ nghĩa tư bản trở thành người mở đường cho nó. Một quá trình đồi bại, vô luân  – nhưng nó làm tiêu tan sự chống đối của các ông chủ của chế độ cũ đối với hệ thống mới, biến họ trở thành những nguời có lợi ích trong sự phát đạt của hệ thống mới.
Nếu từ đó, từ Trung Quốc, người ta nhìn vào Đông Âu, họ thấy: ở đây cũng đã xảy ra cái gì đấy thuộc loại này. Thế nhưng cái gì sẽ xảy ra, giả như họ thấy những người được cho là phải chịu trách nhiệm của chế độ cũ bị treo cổ trên cột đèn? Hay nếu không có sự hành hình, nhưng theo đúng luật hàng loạt cán bộ cũ bị bỏ tù vì các lỗi lầm cũ của họ? Nếu họ bị loại khỏi đời sống chính trị và kinh tế? Điều này dễ có thể làm họ khiếp sợ sự chuyển đổi yên bình. Khi đó họ có thể nghĩ: thế thì – thay cho việc lẻn vào chủ nghĩa tư bản một cách lặng lẽ và yên bình – hãy dùng sự đàn áp và kháng cự vô độ để  chống lại sự thay đổi hệ thống.
Không phải là sự tưởng tượng ngây thơ hay huênh hoang để khẳng định rằng ở Trung Quốc người ta theo dõi cái gì xảy ra ở Đông Âu. Đúng thế họ đã chú ý đến cải cách 1968 của Hungary, mà nó đã có ảnh hưởng đáng kể lên các bước cải cách của Trung Quốc. Với dấu ngược lại, nhưng họ cũng rất chú ý đến cái Gorbachev đã làm. Họ cảm thấy: không được phép theo gương ông ấy, vì khi đó Trung Quốc cũng tan rã đúng như đế chế Xôviết. Bây giờ họ cũng chú ý đến những diễn tiến Đông Âu, và rút ra các kết luận theo cách của họ.
Có các bài học tương tự từ sự chuyển đổi của Đông Âu cho Việt Nam và Cuba nữa. Ai không sa lầy hoàn toàn vào tư duy tỉnh lẻ, hãy nghĩ đến các tác động gián tiếp và xa hơn!

Những kết luận kết thúc

Mục đích chính của tiểu luận của tôi là để gợi ý một cách tiếp cận, một phương pháp luận. Cần tiếp cận định nghĩa thực chứng của hình thái xã hội nào đấy như thế nào? Trong phân tích lý thuyết cần tách biệt rạch ròi cách nhìn thực chứng và chuẩn tắc ra sao? Đấy tuyệt nhiên không phải là các vấn đề dễ, và cách giải quyết chúng không phải tầm thường. Tôi đã thử giới thiệu các thí dụ cho các bài toán lý thuyết này.
Như phần dẫn nhập của tiểu luận đã tuyên bố, tôi không đi vào tranh luận với những người biểu tình ở quảng trường Kossuth, cũng chẳng với các nhà bình luận các sự kiện chính trị đối nội hàng ngày có thể đọc được hay thấy được trên màn hình TV. Thế nhưng tôi hy vọng rằng những tư tưởng mà tôi trình bày ở mức khá trừu tượng, có lẽ có thể đóng góp vào sự cân nhắc điềm tĩnh tiếp sau và như thế vào việc làm dịu các cơn giận dữ.
Tất cả chúng ta, đắm mình vào việc theo dõi và đánh giá các sự kiện hàng ngày, chúng ta có khuynh hướng mất cảm giác của mình về các viễn cảnh. Chúng ta thấy cây mà chẳng thấy rừng. Việc nhắc lại các sự thực căn bản của sự thay đổi hệ thống – nhắc đến rằng đã xuất hiện nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và nền dân chủ nghị viện – có thể giúp để chúng ta phân biệt những kinh nghiệm nhỏ hàng ngày với sự biến đổi lịch sử thực sự vĩ đại.
Hầu như đã thành mốt để nói những lời miệt thị về mười sáu năm vừa qua. Tôi phản đối! Chúng ta phải nhớ lại những thay đổi căn bản để bảo vệ bản thân chúng ta chống lại các cuộc tấn công vô trách nhiệm này, và tạo thành cách nhìn điềm tĩnh hơn trong suy nghĩ của chúng ta.
Tôi muốn cổ vũ bạn đọc để họ suy ngẫm về tầm quan trọng tương đối so với nhau của các đòi hỏi và các điều kiện liên quan đến sự chuyển đổi. Nếu tôi thành công để thuyết phục họ rằng sự thay đổi hệ thống và nền dân chủ có các điều kiện tối thiểu của chúng, thì chúng ta phải cho việc bảo vệ chính các điều kiện này ưu tiên cao nhất.
Phụ lục
Sự chuyển đổi của Trung Quốc
Sau các bài thuyết trình của tôi về giải nghĩa sự thay đổi hệ thống đã diễn ra ở Trung-Đông-Âu nhiều lần người ta đã đặt ra câu hỏi sau đây: làm thế nào có thể lắp sự chuyển đổi của Trung Quốc vào sơ đồ được mô tả ở đây? Phải chăng ở Trung Quốc xuất hiện một hệ thống thứ ba, chẳng phải chủ nghĩa xã hội, cũng không phải chủ nghĩa tư bản?
Sự chuyển đổi của Trung Quốc chậm hơn nhiều so với các nước hậu xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Thế nhưng, cho dù chậm đi nữa, không đúng rằng đã xuất hiện một hệ thống mới mà các đặc điểm chính của nó tồn tại trong thời gian dài, một cách lâu bền. Không được phép đông cứng một bức tranh động thay đổi chậm thành một bức tranh tĩnh đứng yên! Trong khía cạnh các đặc trưng chính của hệ thống, ở Trung Quốc đã diễn ra những thay đổi sâu sắc trong ba mươi năm kể từ khi Mao Trạch Đông chết, và những thay đổi còn tiếp tục diễn ra.
Bảng 6.6. Tỷ lệ của khu vực nhà nước và tư nhân ở Trung Quốc (giá trị gia tăng, phần trăm, theo thành phần kinh tế

199819992000200120022003Thay đổi
Khu vực kinh doanh ngoài nông nghiệp
Khu vực tư nhân43,045,347,751,854,657,1+14,1
Khu vực nhà nước57,054,752,348,245,442,9-14,1
- nhà nước chỉ đạo trực tiếp49,540,139,637,135,234,1-6,4
- tập thể16,514,712,711,210,18,8-7,7
Tổng cộng (79% của GDP)100,0100,0100,0100,0100,0100,0
Khu vực kinh doanh
Khu vực tư nhân53,554,956,359,461,363,3+9,8
Khu vực nhà nước46,545,143,740,638,536,7-9,8
- nhà nước chỉ đạo trực tiếp33,133,033,131,229,929,2-3,9
- tập thể13,412,110,69,48,67,5-5,9
Tổng cộng (94% của GDP)100,0100,0100,0100,0100,0100,0
Cả nền kinh tế
Khu vực tư nhân50,451,552,855,557,459,2+8,8
Khu vực nhà nước49,648,547,244,542,640,8-8,8
- nhà nước chỉ đạo trực tiếp36,937,137,335,734,633,7-3,2
- tập thể12,711,310,08,88,07,1-5,6
Tổng cộng (100% của GDP)100,0100,0100,0100,0100,0100,0
Nguồn: OECD (2005b), p. 81
Bảng 6.6 cho thấy, phần của khu vực công hữu thu hẹp thế nào và phần của khu vực dựa trên sở hữu tư nhân mở rộng ra sao. Phần của khu vực tư nhân – theo cách phân loại chính thống của Trung Quốc được dùng trong bảng – ngay cả năm 2003 đã gần 60%. Chúng ta có thể bổ sung thêm, cái mà thống kê Trung Quốc gọi là “sở hữu tập thể”, đã không còn là sở hữu nhà nước cổ điển cũ nữa, mà là một hình thái lai tạo đặc biệt. Trong đại đa số các xí nghiệp “tập thể” hương trấn, chủ tịch, bí thư đảng địa phương, hay lãnh đạo xí nghiệp hầu như đã kiếm được vai trò chủ sở hữu. Tuy trong tay tôi không có số liệu thống kê toàn quốc mới hơn, từ các báo cáo từng phần có thể thấy phần của khu vực tư nhân so với của khu vực công hữu sau 2003 vẫn tiếp tục tăng. Đặc trưng thứ nhất của hệ thống tư bản chủ nghĩa, vai trò ưu thế của sở hữu tư nhân hoặc đã thịnh hành, hoặc đã gần (ngày càng) trở nên thịnh hành.
Người ta đã thủ tiêu cơ chế điều phối quan liêu của nền kinh tế chỉ huy từ lâu rồi, hay chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp. Cơ chế thị trường đã  trở thành cơ chế điều phối chính của các hoạt động kinh tế. Bảng 6.7 cho biết rõ điều này. Ngay năm 2003 (tuỳ tính chất của sản phẩm) 87-97 phần trăm sản phẩm được thị trường định giá chứ không phải theo giá cố định do bộ máy quan liêu quy định. Đặc trưng thứ hai của hệ thống tư bản chủ nghĩa, sự điều phối của thị trường chiếm ưu thế, đã thịnh hành rõ rệt.
Bảng 6.7. Tỷ lệ giá trị các giao dịch theo giá thị trường ở Trung Quốc (phần trăm)

197819851991199519992003
Tư liệu sản xuất
Giá thị trường01346788687,3
Giá do nhà nước điều tiết02318642,7
Giá do nhà nước quy định1006436161010
Bán lẻ
Giá thị trường33469899596,1
Giá do nhà nước điều tiết01910211,3
Giá do nhà nước quy định974721942,6
Các mặt hàng nông nghiệp
Giá thị trường64058798396,5
Giá do nhà nước điều tiết22320471,6
Giá do nhà nước quy định9337221791,9
Nguồn: OECD (2005b) tr. 29
Liên quan đến điều kiện thứ ba, ở đây cái gây khó khăn là lời nói không đi đôi với việc làm, là sự tách rời giữa thuật hùng biện được tuyên truyền ầm ỹ và thực hành thực tế. Tôi đã bàn vấn đề này ở tiểu luận thứ ba (tr. 59-61)* . Trong khi đảng cộng sản không phủ nhận Marx, Engels, Lenin, thậm chí Stalin cũng không, trong các bài phát biểu trước công chúng và trong các nghị quyết được đưa ra một cách long trọng, và nhấn mạnh sự trung thành của đảng với tư tưởng Mao Trạch  Đông, còn trong thực tiễn điều hành thì đảng cộng sản đã từ bỏ sự thù địch với chủ nghĩa tư bản từ lâu rồi. Ngày xưa là không thể tưởng tượng nổi trong một đảng kiểu bolshevic, còn bây giờ trong điều lệ đảng chính thống cũng cho phép rằng “nhà tư bản” có thể là đảng viên của đảng cộng sản. Tầng lớp lãnh đạo của đảng cộng sản và tầng lớp elit kinh tế chủ sở hữu tư bản chủ nghĩa và elit quản trị ngày càng gắn bó hoà quện vào nhau. Sự hoà quện xảy ra theo nhiều hình thức. Các cán bộ đảng, các công chức hàng đầu do đảng cộng sản bổ nhiệm và các vị tướng tiến hành các hoạt động kinh tế. Và ngược lại, những người lãnh đạo của thế giới kinh doanh, trong số đó các chủ sở hữu của các tài sản khổng lồ, nhận được các chức vị chính trị, thí dụ được bầu thành đại biểu quốc hội hay hội đồng nhân dân địa phương (tức là đảng nhấc họ lên các cương vị này), hay họ lọt vào ban lãnh đạo của các tổ chức đảng, cũng có thể họ trở thành lãnh đạo số một của một số tổ chức đảng. Quá trình gắn bó hoà quện còn tiếp tục mở rộng nhờ các mối quan hệ gia đình. Nếu không phải bản thân quan chức đảng, thì là vợ ông ta, anh em ông ta hay con cái ông ta trở thành “nhà tư bản”, và ngược lại, họ hàng của “nhà tư bản” thâm nhập vào bộ máy của đảng cộng sản. Ngay trước mắt chúng ta hình thành một tầng lớp lãnh đạo mới, có cơ cấu kỳ lạ mà tầng lớp đó có lợi ích sâu xa đối với sự mở rộng và tồn tại của hệ thống tư bản chủ nghĩa (Qian, 2003; Economist, 2007).
Hoặc đã có thể nói được rồi là, đặc trưng thứ ba của hệ thống tư bản chủ nghĩa – đặc trưng chính trị – thịnh hành, hay chí ít có thể tuyên bố rằng Trung Quốc đang tiến thẳng tắp theo hướng này.
Nhiều tiểu luận của cuốn sách, trong đó có tiểu luận này, đã chỉ ra rằng nền dân chủ không phải là điều kiện cần của sự tồn tại của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa cũng có thể hoạt động dưới các hoàn cảnh của chế độ chuyên chế. Lịch sử đã ban cho Trung-Đông-Âu  sự may mắn lịch sử đặc biệt rằng hai loại chuyển đổi – hệ thống xã hội chủ nghĩa được thay bằng hệ thống tư bản chủ nghĩa và nền độc tài được thay bằng nền dân chủ – đã trùng nhau. Tính kép tốt lành này đã không được ban cho Trung Quốc. Ở Trung Quốc các điều kiện tối thiểu của nền dân chủ không được thoả mãn. Chẳng hề có chuyện có hệ thống đa đảng, có sự cạnh tranh của các hệ tư tưởng và các trào lưu chính trị tranh đua nhau, có các cuộc bầu cử tự do. Quyền lực nhà nước giáng đột ngột xuống mọi hoạt động tổ chức độc lập, mọi phong trào biểu lộ các nguyên tắc khác với các nguyên tắc chính thống. Trong khía cạnh này chế độ cũ vẫn tiếp tục tồn tại (Economist, 2005; Human Rights Watch, 2007). Trong lúc giữa sự chuyển đổi của nền kinh tế việc dẫn chiếu mang tính đạo đức giả đến chủ nghĩa Marx-Lenin hơi gây bối rối, thì hợp hơn nhiều là ý thức hệ “chuyên chính vô sản” không dung thứ việc bày tỏ ý kiến chính trị độc lập, thần thánh hoá quyền lực nhà nước cứng rắn.
Tóm lại: sự chuyển đổi của Trung Quốc không phải là “phản thí dụ” để bác bỏ lý thuyết được trình bày trong tiểu luận này. Nó có thể được lắp vào sơ đồ phân tích, mà cuốn sách này – và trong đó tiểu luận này- phác hoạ ra, mà không có khó khăn gì. Thậm chí, tôi có thể mạnh bạo đưa ra khẳng định mạnh hơn: chính sơ đồ lý thuyết này cho một công cụ có thể dùng tốt để phân tích sâu sự biến đổi của Trung Quốc.
Phụ lục về quá trình chuyển đổi của Việt Nam (do người dịch thêm vào để tham khảo)
Phần này chỉ đưa ra vài nhận xét chủ quan của người dịch về sự chuyển đổi ở Việt Nam. Sự giống nhau giữa chuyển đổi ở Việt Nam và Trung Quốc là khá rõ và dễ hiểu. Tuy nhiên, có vài điểm cần nhắc đến. Bất chấp sự thực rằng công cuộc “đổi mới” của Việt Nam bắt đầu từ 1986, chậm hơn Trung Quốc 8 năm, nhưng việc tự do hoá giá cả đã diễn ra sớm hơn ở Việt Nam, sự chuyển đổi của hệ thống ngân hàng ở Việt Nam cũng sâu hơn. Có nhiều nghiên cứu về chuyển đổi ở Việt nam, nhưng chưa có những nghiên cứu tổng kết chi tiết và sâu. Dưới đây là vài số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Bạn đọc có thể so sánh với các bảng  6.1, 6.6 và tự đưa ra các kết luận.
Bảng 6.8: Tỷ lệ đóng góp vào GDP của các thành phần kinh tế (%)
Năm:200020012002200320042005200620072008
Khu vực Nhà nước38,5238,4038,3839,0839,1038,4037,3935,9334,35
Khu vực ngoài N.N48,2047,8447,8646,4545,7745,6145,6346,1146,97
Khu vực FDI13,2813,7613,7614,4715,1315,9916,9817,9618,68
Tổng số100,0100,0100,0100,0100,0100,0100,0100,0100,0
Nguồn: CSO
So với mấy dòng cuối của bảng 6.6 của Trung Quốc ta thấy từ năm 2000 trở đi đóng góp của khu vực nhà nước ở Việt Nam đã luôn luôn dưới 40% GDP (tức là của khu vực tư nhân trên 60% GDP). Chưa có số liệu để so sánh với hai phần trên (phần doanh nghiệp) của Trung Quốc, song bảng 6.9 và các bảng tiếp theo cho ta hình dung về cơ cấu, cũng như đóng góp của hai khu vực.
Bảng 6.9. Cơ cấu doanh thu thuần theo thành phần kinh tế (phần trăm)

20002001200220032004200520062007









Doanh nghiệp (DN) Nhà  nước54,9151,2451,1546,3841,2138,8535,8231500
DN ngoài N.N25,0929,0230,3533,5737,0539,4441,9647,30
DN FDI20,0019,7418,5020,0521,7421,7122,2221,20
Tổng số100,00100,00100,00100,00100,00100,00100,00100,00
Nguồn: GSO- Điều tra doanh nghiệp & Niên giám Thống kê 2008
Có thể thấy tỷ lệ doanh thu thuần của khu vực kinh tế nhà nước giảm liên tục, trong khi của khu vực tư nhân tăng liên tục và từ năm 2005 tỷ lệ của khu vực tư nhân đã vượt quá 60% và đạt gần 70 vào năm 2007. Đây cũng là một chỉ số cho thấy khu vực tư nhân vươn lên mạnh mẽ ra sao.
Bảng 6.10 cho chúng ta biết cơ cấu lao động trong các khu vực doanh nghiệp được đăng ký. Xu hướng tương tự cũng xuất hiện trong lĩnh vực công ăn việc làm. Từ 2004 số lao động làm tại các doanh nghiệp nhà nước trên tổng số lao động làm trong các doanh nghiệp có đăng ký đã dưới 40% và đến 2007 chỉ còn gần 24%.
Bảng 6.10: Cơ cấu lao động của các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh  (%)

20002001200220032004200520062007









DN Nhà nước 59,0553,7648,5243,7739,0032,6728,2923,90
DN ngoài N.N29,4233,8036,6539,6142,9047,7650,1853,30
DN FDI11,5312,4414,8416,6218,1119,5721,5222,80
Tổng số100,00100,00100,00100,00100,00100,00100,00100,00
Nguồn: GSO, Điều tra doanh nghiệp & Niên giám Thống kê 2008
Bảng 6.11: Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế phân theo thành phần kinh tế (%)
Năm:20002001200220032004200520062007
Khu vực Nhà nước34,231,431,429,327,425,122,420,0
Khu vực ngoài N.N24,527,027,027,628,931,233,435,4
Khu vực FDI41,341,641,643,143,743,744,244,6
Tổng100,0100,0100,0100,0100,0100,0100,0100,0
Nguồn: CSO, Niên giám thống kê 2008
Về giá trị sản xuất công nghiệp ngay từ năm 2000 đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước chỉ khoảng  34% và đến 2007 chỉ còn 20%. Vai trò của các doanh nghiệp FDI là rất quan trọng và chúng ta cũng thấy sự yếu kém tương đối của sản xuất công nghiệp của khu vực tư nhân trong nước (tuy sự phát triển cũng hết sức ngoạn mục).
Về thương nghiệp bán lẻ (hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng) khu vực tư nhân đã áp đảo từ lâu.
Bảng 6.12: Cơ cấu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phân theo thành phần kinh tế (%)
Năm:200020012002200320042005200620072008
Khu vực N.N17,816,716,215,715,012,912,710,79,8
Khu vực ngoài N.N80,681,779,980,281,283,383,685,686,8
Khu vực FDI1,61,63,94,13,83,83,73,73,4
Tổng100,0100,0100,0100,0100,0100,0100,0100,0100,0
Nguồn: CSO, Niên giám thống kê 2008
Tuy các số liệu không hoàn toàn có thể so sánh được với nhau (giữa Việt Nam với Trung Quốc cũng như với các nước Đông-Âu) song có thể nói những biến đổi ở Việt Nam cũng hết sức sâu sắc và cũng khớp với sơ đồ phân tích của Kornai.
Tài liệu tham khảo:
Berend T. Iván (2001): Capitalism trong Baltes, P. B., Smelser, N. J. (ed.) International Encyclodedia of the Social & Behaviorial Sciences. Vol. 3, Elsevier, New York, pp. 1454-1459.
Böröcz, F., Róna-Tas, A.  (1995): Small Leap Forward: Emergence of New Economic Elites. Theory and Society, Vol. 24. No. 5. pp. 751-781
Csite, A., Kovach I. (1997): Piacigazdaság és gazdasági elit 1993-1997 (Nền kinh tế thị trường và elit kinh tế 1993-1997). Politikatudományi Füzetek, MTA Politikai Tudományok Intézete, Budapest.
Csurgó, B.,  Himesi, Zs.,  Kovach I. (2002): Elitek és politikai preferenciák (Các elit và sở thích chính trị). Trong Kurtán S., Sándor P., Vass L., (ed.): Magyarország politikai évkönyve 2001-ről, (Niên giám chính trị Hungary năm 2001), 1. kötet.  Demokrácia Kutatások Magyar Központja Közhasznú Alapítvány, Budapest, pp. 318-336.
EBRD (2005): Transition Report 2004. EBRD, London.
EBRD (2006):  Economic Statistics, www.ebrd.com/country/sector/econo/stats/sci.xls
Economist (2005): The cauldron boils. Economist,Sept. 29.
Economist (2007): Caught between right and left, town and country. Economist, March 8.
Ferge Zsuzsa (1996): A Rendszerváltsás megitélése (Đánh giá sự thay đổi hệ thống). Szociológia Szemle, 1.sz. pp. 51-74.
Fisher, S., Dornbusch, R. (1983): Economics, McGraw-Hill, New York.
Fogarassy, E. (2001): Visszamenőleges igazságtétel Közép-Kelet-Európában, a rendszerváltsás után (Thực hiện công lý hồi tố ở Trung-Đông-Âu, sau thay đổi hệ thống). Jogtudományi Közlöny, 56. évf. 9. sz. pp. 381-387.
György, P. (2006): Kádár János – a forradalom évfordulóján (Kádár János – nhân ngày kỷ niệm cách mạng). Élet és Irodalom, November 10. 50 évf. 45 sz. p. 16.
Halmai, G. (2006): Facing with the Legacy of Human Rights Violations. Post-communist Approaches to Transitional Justice. Trong Gómez Isa, F., de Feyter K. (ed.): International Protection of Human Rights: Achievements and Challeges. University of Deusto, Bilbao, pp. 639-656.
Hankiss E. (1989): Kelet-európai alternativák (Những lựa chọn khả dĩ Đông-Âu). Közgazdasági és Jogi Könyvkiadó, Budapest.
Heilbronner, R. L. (1980): The Worldly Philosophers. Simon and  Schuster, New York.
Heilbronner, R. L. (1991): Capitalism. Trong Eatwell, J., Milgate, M., Newman, P. (ed.) The New Palgrave. A Dictionary of Economics, Vol. 1. MacMillan, London, pp. 347-353.
Human Rights Watch (2007): China: Repression Spikes as People’s Congress Closes.  http://china.hrw.org/press/china_repression_spikes_as_people_s_congress_closes
Kende, P. (2000): Igazságtétel (Thực hiện công lý). Beszélő, III. folyam, V. évf. 3. sz. pp. 86-90.
Kolosi, T., Sági, M. (1999): Change of system – change of elit. Trong Spéder Zs. (ed.) Hungary in Flux. Kramer, Hamburg, pp. 35-55.
Kontler L. (1993): Előszó (lời nói đầu). Trong Kontler L. (ed): Tulélők. Elitek és társadalmi változás az újkori Európában (Những người sống sót. Elit và sự biến đổi xã hội ở Châu Âu cận đại). Atlantisz, Budapest, pp. 7-9.
Kornai J. (1997): “Thay đổi hệ thống có nghĩa là gì và không có nghĩa là gì” trong Lịch sử với những bài học, NXB Tri thức, 2008, tr. 54-85, bản điện tử tại: http://www.kornai-janos.hu/online%20pub%20masnyelv.html
Kornai J. (2002): Hệ thống xã hội chủ nghĩa, NXB Văn hoá Thông tin.
Kovach, I. (ed.) (2002): Hatalom és társaldalmi változás: A posztszocialismus vége (Quyền lực và sự biến đổi xã hội. Hậu chủ nghĩa xã hội chấm dứt). Napvilág Kiadó, Budapest.
Kövér, Gy. (2002): A felhatalmazás íve (Vòng cung uỷ quyền). Új Mandátum Könyvkiadó, Budapest.
Lakatos E. (1942): A magyar politikai vezetőréteg 1848-1918 (Tầng lớp lãnh đạo chính trị Hungary 1848-1918). Tác giả tự xuất bản, Budapest.
Laki, M., Szalai, J. (2004): Vállalkozók vagy polgárok? A nagyvallalkozók gazdasági és társadalmi helyzetének ambivalenciái az ezredforduló Magyarországán (Các nhà kinh doanh hay các công dân? Tính nước đôi của tình trạng kinh tế và xã hội của các nhà kinh doanh lớn ở nước Hungary lúc giao thiên niên kỷ). Osiris Kiadó, Budapest.
Lengyel Gy. (1989): Vallalkozók, bankárok, kereskedők: A magyar gazdasági elit a 19 században és a 20 század első felében (Các nhà kinh doanh, các nhà bank, các thương gia: elit kinh tế Hungary trong thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20). Magvető Kiadó, Budapest.
Lengyel Gy. (1997): A gazdasági elit átalakulása (sự biến đổi của elit kinh tế). Közszolgálati Tanulmányi Központ, BKE, Budapest.
Mankiw, N. G. (2001): Principles of Economics, Second Edition. Hartford College Publishers, New York.
OECD (2005b): Economic Surveys: China. OECD, Paris, vol. 13
Péter L. (1993): Az arisztokrácia, a dzentri és a parlamentáris tradíció a XIX századi Magyarországon  (Tanagf lớp quý tộc, truyền thống quý tộc mới và nghị viện ở Hungary thế kỷ 19). Trong Kontler L. (ed.):  Tulélők. Elitek és társadalmi változás az újkori Európában. Atlantisz, Budapest, pp. 191-241.
Pryor F. L. (2005): Market Economic Systems. Journal of Comparative Economics, Vol. 13. No. 1, pp. 25-46.
Pryor F. L. (2006): Economic Systems of Developing Nations. Comparative Economics Studies, Vol.48, No.1, pp. 77-99.
Qiuan, Y. (2003): How reform worked in China. Trong Rodrik, D. (ed.): In search of prosperity: Analytic Narratives on Economic Growth. Princeton University Press, Princeton, pp. 297-333.
Rainer M. J. (2000): Az újratemetés felmutatta az ősbűnt (Sự cải táng cho thấy rõ tội tổ tông)  – do Seres László phỏng vấn, Élet és Irodalom, okt. 20. 44. évf. 42. sz.
Sági Matild (2006): A lakossági elégedettség alakulása (Diễn biến của sự bất mãn của dân cư). Trong Szivós  Péter, Tóth István György: Feketén-fehéren. Tárki monitor jelentések, 2005.  Tárki, Budapest, pp. 149-162.
Rubinstein, W. D. (1993): A brit elit iskolaztatása és társadalmi eredete 1880-1970 (Việc dạy dỗ elit Anh và nguồn gốc xã hội của nó). Trong Kontler L. (ed.):  Tulélők. Elitek és társadalmi változás az újkori Európában. Atlantisz, Budapest, pp. 117-190.
Schumpeter J. A. (1942): Capitalism, Socialism, and Democracy. Harper and Row, New York.
Spéder  Zs. (ed.) (1999): Hungary in Flux. Kramer, Hamburg.
Staniszkis, J. (1991): “Political Capitalism” in Poland. East European Politics and Societies, Vol. 5. No. 1, pp. 127-141.
Stone L. (1993): Anglia és a nyitott nemesség (Nước Anh và tầng lớp quý tộc mở). Trong  Kontler L. (ed.):  Tulélők. Elitek és társadalmi változás az újkori Európában. Atlantisz, Budapest, pp. 77-116.
Szalai, E. (1997): Az elitek átváltozása (Sự chuyển biến của các elit). Cserépfalvi Kiadó, Budapest.
Szelényi, Sz.,  Szelényi, I., Kovach, I. (1995): The Making of the Hungarian Postcommunist Elite: Circulation in Politics, Reproduction in the Economy. Theory and Society, . 24. No. 5, pp. 697-722.
Vásárhelyi Mária (2005): Csalódások oka. Rendszerváltsás alulnézetben (Nguyên nhân của những thất vọng. Sự thay đổi hệ thống nhìn từ bên dưới). MTA Társadalomkutató Központ, Budapest.


* Tôi muốn cảm ơn cộng sự của tôi, Péter Noemi, người đã giúp tôi tổng hợp và xử lý tư liệu lý thuyết liên quan đến các hệ thống và thay đổi hệ thống và những phát biểu chính trị trong những ngày này. Tôi cảm ơn sự hợp tác của Zdenek Kudra và Nagy Eszter trong những nghiên cứu làm cơ sở cho tiểu luận. Tôi mang ơn Gedeon Péter, Halmai Gábor, Kontler László, Kovách Imre, Kövér György, Timur Kurán, Madarász  Aladár và Rosna-Tas Ákos vì các lời khuyên của họ.
Đối tượng của tiểu luận này – việc làm rõ khái niệm chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, nền dân chủ và thay đổi hệ thống – khiến tôi quan tâm từ lâu. Đầu tiên mười năm trước, trong bài báo Kornai (1997) tôi đã trình bày những suy nghĩ của mình liên quan đến đề tài này. Đầu đề của bài báo khi đó (Thay đổi hệ thống có nghĩa là gì và không có nghĩa là gì) cũng gợi ý rằng nó là tiền trạm tinh thần của tiểu luận hiện tại có đầu đề tương tự. Kinh nghiệm thu được và nghiên cứu trong mười năm kể từ đó đã cho phép tôi trình bày những suy ngẫm đang lên men lúc đó, bây giờ ở dạng trau chuốt hơn. Để tránh sự trùng lặp bài báo mười năm trước không được tôi chọn vào cuốn sách này.
[Nguyễn Quang A dịch từ nguyên bản tiếng Hungary: Mit jelent a “rendszerváltsás”? trong cuốn Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, dân chủ và thay đổi hệ thống (Szocializmus, kapitalizmus, demokrácia és rendszerváltás, Akadémiai Kiadó, 2007, tr.112-135); các chú thích đánh dấu * tiếp theo là của người dịch].
* Quảng trường Kossuth ở trước toà nhà Quốc hội nổi tiếng của Hungary, mang tên một lãnh tụ cách mạng tư sản lỗi lạc của Hungary, Kossuth Lajos.
[1] Nguồn của các đòi hỏi có thể thấy ở trên: “158 năm qua chưa có sự phản bội như vậy – 158 éve nem volt elyen árulás”, Magyar Nemzet Online, 2006, oktober 7. Vài trích dẫn thêm. “Một bộ phận những người phát biểu tại quảng trường Kossuth muốn hiến pháp mới dựa trên luận thuyết sacra corona [Szent Korona-tan, truyền thống lịch sử bất thành văn tạo cơ sở cho hiến pháp Hungary từ thời lập quốc mà tư tưởng nhà nước Hungary luôn dựa vào, N.D.], muốn quốc hội lập hiến, sự thay đổi hệ thống” (Nguồn: Magyar Nemzet Online, 2006, szeptember 21). “Kết thúc long trọng ngày kỷ niệm, tự do thật sự và sự thay đổi hệ thống sẽ là quốc hội lập hiến được tổ chức ngày hôm đó”. (Nguồn: Kitartanak a Kossuth téri tüntetők, Figyelő, 2006, október 16). “… người ta cũng đã thúc giục sự thay đổi hệ thống, bởi vì theo các diễn giả đã chẳng ai hỏi ý nguyện của nhân dân xem họ muốn sống tại Hungary dưới hình thức nhà nước như thế nào”. (Nguồn: Rendszerváltást követeltek a Kossuth téren. Magyar Nemzet Online, 2006. oktober 5). “Hai diễn giả đã nhấn mạnh rằng cần … hiến pháp mới, sự thay đổi hệ thống mới, bộ luật hình sự mới”. (Nguồn: Új alkotmány, új rendszerváltás kell. Hírszerző báo Internet, 2006. november 4).
[2] Đáng tiếc, ở đây chúng ta lại phải tính đến một sự lẫn lộn khái niệm nữa, chủ yếu trong giới những người không quen với cặp đối lập “thực chứng verus chuẩn tắc” [positve versus normative] được sử dụng trong lý luận khoa học. Khá phổ biến là những nhận xét thuận lợi, việc nêu ra lập trường chuẩn tắc tán thành được gọi là ý kiến “tích cực- positive”, còn các đánh giá bất lợi được coi là “tiêu cực-negative”. [Trong tiếng Việt không có sự lẫn lộn đó, nếu dịch đúng nghĩa của positive và negative tuỳ theo ngữ cảnh (positive: dương, tích cực, khẳng định, thực chứng; negative: âm, tiêu cực, phủ định,-), N.D.]. Chiến dịch làm rõ khái niệm là vô vọng đối với hai cách dùng từ “positive” này. Tôi chỉ giới hạn ở cách sử dụng thứ nhất của từ positive (thực chứng) trong những giải thích riêng của tôi (tức là đối lập với “chuẩn tắc-normative”), còn nói về các đánh giá tôi sẽ luôn dùng các từ đồng nghĩa, thí dụ (với tích cực-positive) dùng các tính từ “thuận lợi”, “tán thành”, (với tiêu cực-negative) “bất lợi” hay “không tán thành” như các cặp từ đối lập. Đối với người khác – chí ít đối với các nhà phân tích chuyên nghiệp, các nhà nghiên cứu, các thầy giáo – tôi cũng khuyến nghị như vậy, nhưng tôi không tin là nhiều người sẽ làm theo khuyến nghị này.
[3] Tiêu chuẩn thực chứng là: các cá thể thuộc cùng loài sinh sôi lẫn nhau, và có khả năng tạo ra con có khả năng sinh sôi.
[4] Bảng tổng quan về 26 nước xã hội chủ nghĩa được công bố trong Hệ thống xã hội chủ nghĩa (2002), được cập nhật với những thông tin mới, có thể thấy ở cuối tiểu luận thứ 7 của cuốn sách này (tr. 159-162).
[5] Tổng quan ngắn gọn về truyền thống trí tuệ sử dụng khái niệm chủ nghĩa tư bản và đối sánh hai hệ thống lớn với nhau có thể thấy trong các công trình sau đây: Berend (2001), Heilbronner (1980), (1991).
[6] Các nhà khoa học xã hội đương thời chia rẽ trong việc sử dụng các cách tiếp cận được phác hoạ ở trên. Để minh hoạ hãy ngó tới hai cuốn sách giáo khoa có uy tín và phổ biến rộng rãi trong các đại học, cao đẳng Mỹ. Fischer-Dornbusch (1983) sử dụng cặp khái niệm “chủ nghĩa tư bản versus chủ nghĩa xã hội”, ngược lại Mankiw (2004) thì tránh dùng.
[7] Cùng với các cộng sự của tôi chúng tôi đã rà soát tất cả các số của các báo [kinh tế] Heti Világgazdaság, Magyar NarancsHitel xuất bản vào thời kỳ đầu thay đổi chế độ. Khoảng các năm 1992-1993 bắt đầu lác đác xuất hiện từ chủ nghĩa tư bản trong các bài viết.
Gần đây György Péter nhắc tới sự làm thinh đặc biệt, ngượng ngùng này: “… năm 1989 tuyên bố và hứa hẹn hệ thống đa đảng, và hầu như đã chẳng ai nói về chủ nghĩa tư bản cả. Chính phủ này thay chính phủ khác, và tất cả đều có lý do để dè chừng không cho dân cư biết thực tế của chủ nghĩa tư bản” (György, 2006).
* Năm 1919 với sự lãnh đạo của Kun Béla cách mạng vô sản Hungary thắng lợi, chính quyền Xôviết Hungary được thành lập (khủng bố đỏ), sau đó bị đánh bại và thay thế cho nó là chính thể chuyên chế của Horthy với khủng bố trắng (thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa). Chính quyền của tổng thống Salvador Allende theo đường lối xã hội chủ nghĩa đã bị Pinochet làm đảo chính lật đổ năm 1973 và thời kỳ Pinochet cai trị Chile sau đó không phải là chế độ dân chủ mà là một nền độc tài (thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa).
[8] Tiểu luận số 5 (tr. 85-88 của cuốn Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, dân chủ và thay đổi hệ thống) đã có bàn về giải nghĩa khái niệm nền dân chủ. Không thể tránh khỏi một chút trùng lặp giữa trình bày ở đó và ở đây, tuy nhiên ở đây tôi có đưa ra các quan điểm mà tôi chưa đề cập trong tiểu luận số 5. [Có trong Lịch sử với những bài học, tr. 86-149].
[9] Tiểu luận số 3 (tr. 55-59 của Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, dân chủ và thay đổi hệ thống) đã nhấn mạnh: sự phân biệt chính giữa những người cộng sản và những người xã hội dân chủ là họ đối xử ra sao với các thủ tục của nền dân chủ. Người cộng sản sẵn sàng không coi các thủ tục này ra gì, chiếm quyền lực bằng vũ lực, và một khi đã chiếm thì không muốn rời bỏ. Họ coi dân chủ là “hình thức”, là các quy tắc chơi rỗng tuếch. Ngược lại, người dân chủ xã hội không bao giờ vượt qua các quy tắc thủ tục dân chủ, sau khi thắng trong bầu cử họ muốn lên nắm quyền, và sẵn sàng từ bỏ sự nắm quyền trong trường hợp thua trong bầu cử. [Bản tiếng Việt: http://www.kornai-janos.hu/online%20pub%20masnyelv.html
[10] Sự gắn bó nhất quyết với hình thức chính thể dân chủ có vị trí rất cao trong thang giá trị của riêng tôi. Tôi trình bày lập trường chuẩn tắc của mình trong tiểu luận số 5 (tr. 97 của Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, dân chủ và thay đổi hệ thống). [http://www.kornai-janos.hu/online%20pub%20masnyelv.html
[11] Sự phê phán nói chung về chủ nghĩa tư bản hiện nay gắn chặt với sự công phẫn chống toàn cầu hoá. Trong đó nhiều loại quan điểm, trong nhiều trường hợp mâu thuẫn nhau, pha trộn với nhau. Họ coi sự bóc lột của các nước giàu đối với các nước nghèo và kém phát triển là đáng phẫn nộ. Hay họ coi cuộc cạnh tranh do sự tham gia chặt hơn vào thương mại quốc tế gây ra cho các nước kém phát triển là quá nguy hiểm, họ sợ công ăn việc làm trong nước bị cạnh tranh. Việc khảo sát trào lưu chính trị và trí tuệ có ảnh hưởng lớn này vượt quá khuôn khổ của tiểu luận này.
* Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc 1918 mà Áo-Hung là một bên thất trận, Hungary chấm dứt chế độ liên hiệp với Áo quay trở lại Vương quốc Hungary (lãnh thổ gồm Hungary hiện nay chiếm khoảng 1/3 diện tích, 2/3 còn lại là một phần của Áo, Slovenia, Serbia, Croatia, Rumani, Ukraina, Slovakia). Tình hình Hungary rối ren, năm 1919 chính quyền cộng sản được thiết lập rồi sụp đổ. Các nước thắng trận đã chia lại lãnh thổ của Vương quốc Hungary và Hiệp ước Trianon được ký năm 1920.
* Cuộc chiến giải phóng (szabadságharc) 1848-1849 là cuộc chiến đấu bảo vệ thành quả của cách mạng tư sản Hungary 1848 chống lại sự can thiệp từ bên ngoài. Cuộc chiến tranh tự vệ bị thất bại, Hungary lại thuộc sự đô hộ của chế độ Habsburg; theo thỏa hiệp (kiegyezés) với Áo năm 1867 Hungary chưa hoàn toàn độc lập nhưng được tự trị ở mức cao.
* Trong chế độ độc tài, thì xu hướng này có thể (trong chế độ độc tài không nhân từ thì chắc chắn ) được củng cố và chỉ những kẻ tồi mới lên đỉnh. Vì thế sự cạnh tranh trong lĩnh vực chính trị là rất quan trọng, đó là một trong những lý do vì sao chế độ dân chủ ưu việt hơn hẳn xét về dài hạn. Tỷ lệ của nền độc tài nhân từ là nhỏ và luôn chuyển sang dân chủ sau một thời gian không dài, còn nền độc tài không nhân từ thì có rất nhiều và nó có thể duy trì rất lâu.
[12] Về các cuộc tranh luận và các nỗ lực dàn xếp ở Hungary xem Fogarassy (2001), Halmai (2006), Rainer (2000). Một phần của các tác phẩm này cũng đề cập đến các quá trình tương tự xảy ra ở các nước hậu xã hội chủ nghĩa khác.
[13] Trong các thành viên mới của EU, Rumani là ngoại lệ, nơi lúc ban đầu của thay đổi hệ thống người ta tử hình Ceausescu và vợ ông ta.
[14] Về mặt hình thức, trong các cuộc đàm phán bàn tròn đã không có thoả thuận ngăn cản việc truy cứu trách nhiệm theo các thủ tục luật hình sự (xem Rainer, 2000). Thế nhưng, việc bỏ qua các vụ án trong diễn tiến thật của các sự kiện trong các năm muộn hơn chứng tỏ rằng cả hai bên đã ngầm hiểu các thoả thuận như vậy.
[15] Tôi còn quay lại các vấn đề thực hiện công lý và bất bạo lực, cũng như thế lưỡng nan về lựa chọn giữa các giá trị mâu thuẫn nhau gắn với các vấn đề đó trong tiểu luận thứ 7 (của cuốn Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, dân chủ và thay đổi hệ thống, tr. 141-143).
[16] Theo Kende (2000), có thể trong đầu các năm 1990 Hungary đã đi quá xa trong khía cạnh này. Có lẽ khi đó vẫn có thể áp dụng được các thủ tục thực hiện công lý tương thích với tính bất bạo lực của chuyển đổi. Vấn đề, tất nhiên, là ngày nay, 15-18 năm muộn hơn, liệu còn khả thi hay không.
[17] Tôi còn quay lại sự chuyển đổi của Trung Quốc trong Phụ lục của tiểu luận này.
* Xem bản tiếng Việt Chủ nghĩa xã hội thị trường, thị trường xã hội chủ nghĩa tại:
http://www.kornai-janos.hu/online%20pub%20masnyelv.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét