Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Vụ Đoàn Văn Vươn: Một tiền lệ nguy hiểm

Bài này mình đã viết cách đây 5 ngày (tính đến hôm nay là 7 ngày – MTH), có sự OK của Báo Thanh Niên. Nhưng cứ chờ mãi, ngày qua ngày, mỏi mòn mà bài viết chẳng được in. Xem lại, thì bài viết của mình rất điềm đạm, không hề quá khích, và sự cảnh báo thì chắc chắn những ai đọc đều nhận ra ngay. Thế mà… Thôi thì gửi cậy nhờ Mai Thanh Hải in Blog vậy, dù mình vẫn thiết tha muốn bài này được in trên báo giấy.
Thanh Thảo
Vụ việc cưỡng chế thu hồi đất đai, dẫn tới xô xát đổ máu ở xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng-TP Hải Phòng) đang là vụ rất nóng, gây chấn động cả nước trong những ngày gần đây.
Trước hết, cần tìm nguyên nhân vì sao vụ việc trên lại xảy ra?.
Chính quyền, ở đây cụ thể là UBND huyện Tiên Lãng, đã làm trái luật đất đai năm 1993, khi thời hạn giao đất cho dân khai phá sản xuất, theo qui định là 20 năm, thì huyện “qui định lại” là 14 năm, thậm chí ít hơn.
Đây chỉ nói riêng về việc tuân thủ pháp luật, thì chuyện UBND huyện Tiên Lãng tự ý “sửa luật” dù với bất cứ lý do gì cũng không thể chấp nhận được.
Với một vùng đất lấn biển, người dân khi được giao đất đã phải đổ bao công lao khó nhọc và tiền của, thậm chí cả xương máu của mình, để biến nó thành một vùng đất sinh lợi, thì lẽ ra, chính quyền phải hết sức khuyến khích và tạo mọi điều kiện dễ dàng nhất để người dân lao động làm ra của cải vật chất, không chỉ cho gia đình mình, mà còn đóng góp cho kinh tế của địa phương và xã hội.
Nếu ngày xưa, Nguyễn Công Trứ đã rất thành công, khi chỉ huy nhân dân Thái Bình lấn biển tạo ruộng đồng, thì ta phải hiểu, ngoài tài năng và tấm lòng vì dân của Nguyễn Công Trứ, còn có pháp luật của triều Nguyễn, công nhận quyền sở hữu và tạo những điều kiện tốt nhất cho dân khai phá đất đai, được hưởng thụ từ những thành quả lao động của mình.
Triều đình phong kiến đã làm được việc, mà lẽ ra bây giờ chúng ta phải làm tốt hơn, để khuyến khích người dân khai phá và tận dụng quĩ đất, quĩ biển vì sự phồn vinh của đất nước.
Thời Pháp thuộc, tại Nam Bộ đã nổ ra một vụ tranh chấp đất đai đẫm máu giữa nông dân với điền chủ, được sự tiếp tay của chính quyền thuộc địa, gọi là vụ “đồng Nọc Nạn”.
Máu những người nông dân bị cướp trắng đất đai của mình đã đổ ra ngay trên những mảnh ruộng mà họ đổ mồ hôi khai phá tạo dựng.
Cách hành xử theo kiểu kẻ cướp của chính quyền thực dân Pháp đã góp phần đưa đến cuộc Cách mạng tháng Tám 1945.
Với người nông dân, đất đai là máu thịt của họ, vì thế không thể cho phép bất cứ một địa phương hay cá nhân nào, có thể tự quyền tự ý dẫm đạp lên pháp luật, trong những quan hệ pháp lý về đất đai với nông dân.
Nếu để những vụ việc như ở Tiên Lãng xảy ra, mà không có bàn tay can thiệp quyết liệt của nhà nước pháp quyền, thì tất yếu sẽ dẫn tới một tiền lệ hết sức nguy hiểm: Từ nay, các cấp chính quyền huyện hay xã, có thể mặc sức tự đặt ra những “lệ làng” về quyền sử dụng đất đai, được gọi một cách văn vẻ là “điều chỉnh luật cho phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương”.
Như thế, thì những chủ trương đúng đắn của nhà nước, như giao đất lấn biển, giao rừng cho dân quản lý và khai thác, vô hình trung biến thành “cái bẫy” để bẫy nông dân.
Vì sau một thời gian ngắn người nông dân bỏ công khai phá hay tạo dựng những vùng đất sinh lợi, họ có thể bị mất trắng thành quả của mình, nếu đất đai bị thu hồi và mang “đấu giá cho thuê”.
Những chủ nhân thực sự của đất đai ấy, cũng không thể nào thuê được chính đất đai mình khai phá, dù họ được quyền tham gia đấu giá.
Lý do vì sao thì ai cũng hiểu.
Nhân dân, nhất là nông dân trong cả nước đang chú mục theo dõi vụ tranh chấp thu hồi đất lấn biển ở Tiên Lãng, sẽ được giải quyết như thế nào.
Đừng bao giờ để những vụ việc như thế trở thành một tiền lệ nguy hiểm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét