Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Cơ chế này, muốn từ chức cũng không dễ

Lâu nay người ta thường có tâm lý chẳng có ai từ chức, tự nhiên mình làm thì sẽ khác người.
Dự kiến trong quý I này, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ Đề án tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công chức, công vụ trong đó có quy chế từ chức.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, GS-TS Đinh Văn Mậu, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, cho rằng đặt vấn đề từ chức sẽ là không khả thi nếu vẫn giữ cơ chế quản lý cán bộ như hiện nay.
Khó có chuyện từ chức
. Là một chuyên gia nghiên cứu về nền hành chính cũng như tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề từ chức tại Việt Nam hiện nay?
+ Cách đây sáu năm, có một anh vụ trưởng của Bộ GD&ĐT xin từ chức để về làm giảng viên ĐH. Lý do từ chức là vì phương án của anh này trình lên nhưng cấp trên không duyệt mà yêu cầu phải làm theo phương án khác của lãnh đạo, bản thân anh nhận thấy không thể làm được nên đã xin từ chức.
Trong trường hợp này, từ chức không phải là một hành vi trốn tránh trách nhiệm hay có lỗi lầm, sai phạm gì mà xuất phát từ trách nhiệm của một người trước công việc mình đảm nhận mà không làm được đúng theo ý của mình. Từ chức diễn ra khá nhiều ở các nước, tuy nhiên ở Việt Nam việc này hầu như không có. Từ trước đến nay, gần như tôi chỉ thấy có một trường hợp như đã nói trên.
Nếu có quy chế từ chức, cán bộ, công chức có thể từ chức khi việc bố trí, sắp xếp cán bộ không hợp lý. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh:  HTD
Ở nước ta, tôi cũng chưa thấy có luật nào quy định về việc từ chức. Trong khi đó, rõ ràng từ chức không chỉ có ở phương Tây mà ngay cả ở ta cũng có nhu cầu và đã có trường hợp từ chức. Điều quan trọng là để từ chức trở thành một thông lệ thì phải có tính pháp lý, luật hóa hành vi này. Tôi nghĩ sau này có làm luật về công chức, luật liên quan đến tổ chức bộ máy phải đưa vấn đề này vào.
. Lâu nay hễ cứ đụng vào công tác cán bộ thì thường bị cho là nhạy cảm, chẳng hạn như vấn đề tinh giản cán bộ. Có phải vì từ chức cũng là vấn đề “nhạy cảm” thành ra hiếm hoi, thưa ông?
+ Thứ nhất là hiện nay chưa có quy định về từ chức. Hơn nữa, đa số cán bộ, công chức của ta đã có chức vụ từ trưởng phòng trở lên đều là đảng viên hoặc trước sau gì cũng là đảng viên. Cho nên muốn từ chức cũng không phải là đơn giản. Là đảng viên, khi anh xin từ chức thì đấy là quyền của công chức nhưng anh phải báo cáo với tổ chức Đảng và phải chờ Đảng có đồng ý hay không. Như vậy vấn đề từ chức không chỉ đòi hỏi cả tính pháp lý mà cả tính chính trị chi phối rất nhiều. Cho nên vấn đề từ chức ở Việt Nam là cực kỳ hiếm hoi và có thể nói là không khả thi nếu vẫn theo cơ chế như hiện nay.
Vượt qua rào cản tâm lý, văn hóa
. Vấn đề từ chức ở Việt Nam gần như chỉ dừng lại ở sự đòi hỏi của dư luận đối với một số vụ việc cụ thể gây bức xúc. Cần phải làm gì để hóa giải tình trạng này, thưa ông?
+ Vấn đề ở đây phụ thuộc vào quan điểm của Đảng đối với việc từ chức. Một khi Bộ Nội vụ đã có kế hoạch xây dựng quy chế từ chức có nghĩa là Đảng đã có chủ trương. Từ chủ trương này mới xây dựng thành quy định cụ thể. Khi ấy thì vấn đề từ chức sẽ được thực hiện dễ dàng hơn. Tuy nhiên, quy chế này phải cởi trói cho cả vấn đề pháp lý và chính trị. Ít nhất là có chủ trương cho phép cán bộ, công chức được từ chức trong một số trường hợp nào đó.
Vấn đề còn lại là khắc phục về mặt tâm lý, mặt văn hóa. Lâu nay người ta thường có tâm lý chẳng có ai từ chức, tự nhiên mình làm thì sẽ khác người. Người nổi tiếng làm chuyện khác người là chuyện bình thường nhưng người bình thường làm chuyện khác người thì chưa chắc đã hay. Đặc biệt trong quan hệ đồng nghiệp, cấp trên cấp dưới dễ đặt ra câu hỏi anh từ chức vì động cơ gì?... Cho nên để từ chức trở thành thói quen thì phải hình thành văn hóa từ chức. Mà đã gọi là văn hóa thì chẳng ai quy định, chẳng ai ra lệnh mà bản thân họ tự nguyện hành động theo chuẩn mực mà cả xã hội thừa nhận. Muốn như vậy thì phải xây dựng dần dần và thực hiện dần dần chứ không thể làm ngay được.
Từ chức còn là trách nhiệm công vụ
. Vậy theo ông, cán bộ, công chức nên từ chức trong những trường hợp nào?
+ Câu chuyện tôi kể về anh vụ trưởng từ chức ở trên là một trường hợp. Trường hợp thứ hai là do việc bố trí, sắp xếp cán bộ không hợp lý. Chẳng hạn như năng lực tôi chỉ như thế nhưng lại đặt tôi ở vị trí cao hơn mà tôi không thể làm được thì tôi có quyền từ chức. Hoặc tôi làm tốt ở lĩnh vực này mà lại bố trí tôi vào làm ở lĩnh vực khác mà tôi không thể làm tốt thì tôi có quyền từ chức…
. Còn đối với những vụ việc tiêu cực hoặc để xảy ra những sự cố đáng tiếc, gây hậu quả nghiêm trọng khiến dư luận bức xúc và mong chờ hành động từ chức của những vị đứng đầu thì sao thưa ông?
+ Trong những trường hợp này, người dân không có đủ điều kiện để kết lỗi và yêu cầu xử lý như cơ quan điều tra. Tuy nhiên, với hậu quả gây bức xúc dư luận thì người dân có quyền đòi hỏi anh với cương vị là người trực tiếp quản lý lĩnh vực không nên làm công việc ấy nữa. Còn tổ chức của anh xử lý anh như thế nào, cơ quan điều tra kết luận ra sao thì đó là câu chuyện sau này. Có như vậy thì mới thấy được tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, công chức trong thi hành công vụ. Còn đối với các cơ quan dân cử thì người dân có quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với những vị họ bầu ra.
. Xin cảm ơn ông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét