Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Tướng Thước: “Vụ Tiên Lãng là một tổn thất chính trị lớn”

Ghi chú: Đây là bản đầy đủ đăng trên blog Hoàng Hường, những đoạn tô màu đỏ sẫm được biên tập cắt bỏ khi đăng trên Tuần VN.
Blog Hoàng Hường/TVN

Tướng Thước: “Vụ Tiên Lãng là một tổn thất chính trị lớn”

Hoàng Hường thực hiện

Nói cho cùng, dù là chủ trương đúng hay lý lẽ đúng, mà chủ trương ấy đẩy người dân vào tù; chiến sĩ lực lượng vũ trang bị bắn thương tích thì việc cưỡng chế đó được mấy chục ha hay mấy trăm ha đất vẫn đều là cái giá quá đắt.
Những ngày cuối năm Tân Mão, bên cạnh những lo toan bận rộn cho ngày Tết Nguyên đán sắp tới gần, dư luận cũng không quên dành sự chú ý cho hai vụ án đang gây xôn xao: xét xử sát thủ Lê Văn Luyện, và vụ việc chống người thi hành công vụ trong việc cưỡng chế đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI, cũng không ngoại lệ. Mang nặng những tâm tư, trăn trở lão tướng 86 tuổi chia sẻ suy nghĩ của ông về ‘vụ án Đoàn Văn Vươn’.
Quá đắt!

Sự việc xảy ra tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng ngày 5/1 vừa rồi, chắc trung tướng đã biết. Quan điểm của ông như thế nào?
Theo tôi, sai lầm lớn nhất trong toàn bộ việc này là dư âm và hậu quả của nó sẽ không chỉ dừng lại ở phạm vi Tiên Lãng, Hải Phòng; mà sẽ tác động đến tình hình chung của toàn đất nước.
Những việc tranh chấp đất đai, mâu thuẫn giữa nhân dân với chính quyền đã xảy ra từ cách đây 20 năm, từ những năm 1990 – 1992. Nhiều địa phương đã phải rút kinh nghiệm rồi, nhưng 20 năm sau một cấp ủy, chính quyền để xảy một sự việc như thế này là một vấn đề không thể chấp nhận được.
Sự việc đúng – sai sẽ còn phải thẩm tra nhiều trên cơ sở các văn bản luật, và Luật đất đai hiện nay vẫn còn nhiều nhược điểm; nhưng dù thế nào đi nữa thì việc để xảy ra sự việc vẫn không thể được. Chưa nói đến việc có thể có việc làm sai luật hay có những động cơ không trong sáng ở phía chính quyền địa phương đằng sau, thì cái sai càng đặc biệt nguy hiểm.
Nói cho cùng, dù là chủ trương đúng hay lý lẽ đúng, mà chủ trương ấy đẩy người dân vào tù; chiến sĩ lực lượng vũ trang bị bắn thương tích thì việc cưỡng chế đó được mấy chục ha hay mấy trăm ha đất vẫn đều là cái giá quá đắt. Tính chất chính trị của vụ việc sẽ có những tác động sâu xa đến chế độ này như thế nào?
Có thể nói, chủ trương của các cấp lãnh đạo trong hệ thống chính quyền địa phương trong vụ việc này đã không trên cơ sở vì lợi ích của quốc gia và nhân dân; đặc biệt là lợi ích quốc gia là trên hết.
Cho dù luật có thể có hạn chế, nhưng một cấp ủy vì dân sẽ biết cách hạn chế được những thiệt hại đó. Còn việc Luật hiện nay có phù hợp không thì ta phải chờ Quốc hội bàn bạc. Nhưng cấp ủy vì dân vì nước thì phải tính bảo vệ lợi ích của người dân, vì lợi ích của dân chính là lợi ích của Nhà nước. Nếu lợi ích của Nhà nước mà xung đột với lợi ích của dân thì Nhà nước ấy không phải Nhà nước của dân.
Vụ việc này cực kỳ nguy hiểm ở chỗ – như tôi đã nói – sẽ không dừng lại ở phạm vi Tiên Lãng, Hải Phòng, mà tác động đến tình hình chính trị toàn đất nước. Đặt một giả thiết, ta có 54 tỉnh thành, mà mỗi một tỉnh thành lại có một “Tiên Lãng” thì mọi việc sẽ đi đến đâu.
Để xảy ra hậu quả này, không chỉ chính quyền Tiên Lãng, mà những lãnh đạo cấp trên như TP Hải Phòng, bộ ngành phải đều phải chịu trách nhiệm. Tôi rất ngạc nhiên một sự việc nghiêm trọng như vậy đã xảy ra mà đến giờ này các cấp lãnh đạo Hải Phòng vẫn chưa hề có tuyên bố gì chính thức, vẫn chỉ để ông Chủ tịch huyện Tiên Lãng phát biểu.
Không lẽ Tỉnh ngồi đó, để mặc Huyện và Xã tự làm gì thì làm?
Dù sao vẫn còn may dân mình rất hiền lành, kiên nhẫn, và nghe theo lời của Đảng và Nhà nước. Cho nên có những việc người dân biết mình bị thiệt hại nhưng họ thấy thôi dân mất nhưng Nhà nước được thì cũng thế cả, nên người dân kiên nhẫn chứ không phải họ không biết gì đâu. Nhưng cũng có những người không kiên nhẫn, kiềm chế được thì xảy ra manh động. Đây là lỗi của những lãnh đạo cấp ủy.
Theo suy nghĩ cá nhân, khi vụ này được đưa ra xét xử, những người dân manh động bị xử 1 thì những người gây ra nguyên nhân manh động phải bị xử 2.
Lâu nay người ta thấy rằng: khuyết điểm của chính quyền, đến lúc người dân không chịu được, họ vi phạm thì chỉ dân bị kết luận, không xử lý anh chính quyền là nguyên nhân gây ra lỗi ấy nên vấn đề không được giải quyết triệt để. Bài học Tiên Lãng này chúng ta đã có từ Thái Bình năm 1997 rồi.
Nếu cứ dùng quyền lực trái pháp luật, trái lương tâm thì kết cục sẽ là cái giá đắt.
Qua báo chí, tôi đọc lời phát biểu của ông nguyên Bí thư đảng ủy xã Vinh Quang, Tiên Lãng, người đã giao đất cho anh Đoàn Văn Vươn mười mấy năm trước thấy rất nhiều vấn đề. Ông là người thế hệ trước, là người giao đất và chứng kiến người nông dân ấy vỡ hoang từ những ngày đầu. Ông cũng là người nắm rõ chủ trương và hoàn cảnh của người dân nhất.
Những anh sau này mới lên thì đã biết gì, sao nắm được những lịch sử ấy mà lại hồ đồ cho rằng “anh Vươn không có công lao gì”, rồi dùng quyền lực cá nhân áp đặt. Bất nhân!

Ông Phạm Văn Danh, nguyên Bí thư đảng ủy xã Vinh Quang:“Để thực hiện “canh bạc” với trời đất, ông Đoàn Văn Thiểu, bố của Vươn đã phải bán đàn vịt 1.000 con và 20 tấn thóc. Vươn huy động tất cả anh chị em cùng bà con, làng xóm cùng tiến ra vùng biển hoang… Nhiều năm vật lộn với trời đất được đền đáp bằng bờ kè dài chừng hai km, tạo nên bãi bồi màu mỡ, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Khu đầm còn là lá chắn vững chãi cho khu dân cư phía trong đê. Tôi và cả xã Vinh Quang không ngờ Vươn làm được và thành công”Ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng“Anh Vươn không phải người tốt. Nói đúng ra, anh Vươn chẳng có công lao gì, cũng chẳng phải là người đi đầu vì sử dụng hàng chục ha và thu lời nhưng không đóng góp gì cho địa phương. Đặc biệt từ năm 2007 đến nay, anh hoàn toàn ăn không. Anh đắp đê để thu lợi cá nhân chứ có ích gì cho xã hội”Theo Vnexpress
Chưa nói sau những việc này là động cơ gì thì còn sâu xa hơn nữa. Những người đó sao đại diện cho dân được.
Theo tôi sau vụ này, toàn bộ các cấp từ tỉnh huyện xã, đến tòa án, quân đội, công an đều phải nghiêm túc ngồi lại kiểm điểm và nghiêm khắc rà soát kỷ luật, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân.
Mọi việc cụ thể còn phải chờ cơ quan chức năng điều tra tỉ mỉ, nhưng có điều rõ ràng vụ việc Tiên Lãng là một tổn thất chính trị lớn cho uy tín của các cấp ủy và chính quyền Hải Phòng và ảnh hưởng xấu đến cả nước.
Sai nguyên tắc!
Sau sự việc đáng tiếc xảy ra, hậu quả là 6 chiến sĩ công an, quân đội đã bị thương. Dư luận cũng quan tâm việc tại sao có lực lượng quân đội tham gia vào cuộc cưỡng chế. Là tướng quân đội, ông có ý kiến gì về việc này?
Thời gian tôi làm Tư lệnh Quân khu 4 đã từng xảy ra việc thế này, thậm chí căng thẳng hơn: có hai xã trong một huyện ở Nghệ An xảy ra mâu thuẫn cũng vì đất đai một thời gian dài, hàng chục năm.
Đỉnh điểm căng thẳng đến mức bí thư, chủ tịch, xã đội trưởng cùng dẫn dân ra đánh nhau ngay trên đường quốc lộ 1 (vùng Quỳnh Lưu, Quỳnh Thiện).
Hai bí thư, hai chủ tịch của hai xã còn ra lệnh cho chỉ huy trưởng tự vệ mang vũ khí ra dàn quân, giống như hai trận địa, quyết chiến. Chúng tôi gọi là “quân ta đánh quân mình”.
Sự việc căng thẳng hết mức. Một đoàn công tác trung ương được đưa vào giải quyết, nhưng không vào được vùng “chiến sự”. Cấp trên yêu cầu tôi đưa lực lượng đặc công vào giải tỏa tình hình. Tôi lúc đó đang ở ngoài đảo, phải lập tức bay về.
Nắm tình hình xong, tôi nói với bí thư tỉnh: nếu ở đây là vài trăm tên địch, tôi đảm bảo với anh chỉ 15 phút là tôi dẹp, xong hết. Những những người dàn trận ở đây toàn là dân thường và dân quân, cũng thuộc quyền chỉ huy của tôi, sao tôi lại đưa người ra đánh quân của tôi?
Tôi giao nhiệm vụ cho anh Đại tá Tham mưu trưởng Quân khu thay mặt Tư lệnh vào nắm tình hình và giải quyết vụ việc. Cậu ta bảo tôi: em vào có khi cũng bị bắt thì sao. Tôi bảo: nếu tôi đưa cậu vào chỗ bị địch bắt, tôi sẽ suy nghĩ, nhưng vào dân bắt thì chả sao cả, cứ để họ bắt.
Tôi ra lệnh cho anh ta đi cùng vài người đeo quân phục quân hàm chỉnh tề, tuyệt đối không ai được mang vũ khí, chỉ mang duy nhất một cái loa cầm tay.
Anh ta đi vào, vừa đi vừa gọi loa yêu cầu hai bên giao vũ khí cho quân đội. Vừa kiên trì thuyết phục, vừa bình tĩnh tiếp cận dân, và chúng tôi lấy được toàn bộ vũ khí của cả hai bên.
Anh Tham mưu trưởng của tôi khi vào còn nhận ra nhiều dân quân là lính cũ ở sư đoàn. Anh ta mắng: tôi huấn luyện các anh, trang bị vũ khí cho các anh để đánh giặc bảo vệ dân chứ để anh bắn nhau và bắn dân à. Các cậu ấy kêu “ôi sư trưởng” rồi gãi đầu gãi tai.
Sau đó đoàn trung ương vào làm việc và giải quyết mọi việc êm xuôi.
Nói chung những mâu thuẫn đất đai giữa người dân với nhau, giữa chính quyền với dân cũng xảy ra nhiều, nhưng nguyên tắc là phải giải quyết bằng thỏa thuận, kiên trì, nói cho dân hiểu và hợp tác.
Chỉ đưa lực lượng vũ trang ra khi đối tượng trước mặt là địch, hoặc giúp dân chống địch.
Vụ Tiên Lãng đối tượng không phải là địch mà chỉ là người dân trong lúc quá bức xúc và mất phương hướng. Nếu các anh bình tĩnh, có trí tuệ và lương tâm của người lãnh đạo thì không bao giờ xảy ra tình huống như vậy.
Trong trường hợp quá gay cấn, bí thư, chủ tịch huyện hay tỉnh thấy cần thiết phải có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang thì họ phải chứng minh được tính cấp thiết và quan trọng của vụ việc.
Người chỉ huy quân sự khi đó cũng phải đề đạt với người chỉ huy trực tiếp và nếu cần phải xin chỉ thị từ Quân khu, đặc biệt trong những vụ việc với dân. Sử dụng quân đội như Tiên Lãng là không nên, ấu trĩ và sai nguyên tắc.
Dân không phải địch, họ bức xúc thì tìm cách tháo ngòi nổ, tìm cách làm dân hiểu, chứ đừng dồn ép họ tới mức phải chống lại chính quyền. Ở khía cạnh nào đó, chính quyền với dân như cha mẹ với con, làm con chống lại là lỗi và bất hạnh của cha mẹ.
Đây là một điểm đen của Hải Phòng, phải xử lý nghiêm để dân lấy lại niềm tin.
Phải sửa đổi!
Từng là đại biểu quốc hội trong 3 khóa, hẳn ông đã nghe nhiều về Luật đất đai và những bất cập của nó. Những vụ khiếu kiện đông người và kéo dài của người dân trong vấn đề lấy mặt bằng và đền bù đất đai cũng đã xảy ra nhiều. Trong trường hợp cụ thể của công dân Đoàn Văn Vươn có nên được coi là trường hợp điển hình để chúng ta nghiên cứu, bổ sung Luật đất đai không?
Đúng là vụ việc này có thể xem là ‘giọt nước tràn ly’ trong những mâu thuẫn và những điều luật về đất đai không phù hợp với lòng dân. Khi người dân bị thu hồi đất được đền bù 500 đồng, ngay ngày mai họ đã thấy thước đất của mình bán được 3 triệu. Đương nhiên họ không chấp nhận được.
Thời tôi còn làm đại biểu QH khóa 10 cũng đã xảy ra một việc thế này: một cặp vợ chồng vốn là cựu chiến binh ở Hoài Nhơn, Bình Định bị chính quyền thị trấn thu hồi đất. Theo thỏa thuận thu hồi là để xây dựng công trình phúc lợi công cộng. Nhưng sau những người vị chính quyền thị trấn lại chia nhau.
Thế là vợ chồng vị cựu chiến binh đi kiện. Suốt khóa 10 mỗi lần họp quốc hội tôi đều gặp họ. Tôi đã đưa việc này ra nghị trường. Cuối cùng đồng chí Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ thị cho Bình Định phải giải quyết vấn đề này.
Nhiều trí thức bày tỏ lo ngại nếu áp theo Luật đất đai năm 1993 thì đến năm 2013 sẽ có nhiều nông dân rơi vào hoàn cảnh giống Đoàn Văn Vươn. Nghĩa là vài triệu nông dân hết kỳ hạn thuê đất 20 năm để canh tác nông nghiệp. Điều gì sẽ xảy ra nếu các huyện trong cả nước đồng loại thu hồi đất để giao lại như Tiên Lãng đã làm?
Theo tôi nếu thực sự thu hồi đất vì những công trình xã hội như bệnh viện, trường học, khu quân sự hay quy hoạch phát triển thì người dân cần phải ủng hộ và hợp tác. Chính quyền phải có trách nhiệm giải thích cho dân hiểu và có những chính sách hợp lý.
Còn nếu lấy đất để giao cho những nhà đầu tư thì chỉ vì lợi ích của các doanh nghiệp thôi. Lúc ấy người dân phải được thỏa thuận về quyền lợi với doanh nghiệp. Trường hợp này chính quyền phải nghiêm túc cân nhắc và không được áp đặt.
Quốc hội cũng nên sớm bàn thảo vấn đề này.
Cuối cùng, tôi chỉ nhắc lại, Tiên Lãng là trường hợp điển hình và sẽ có tác động trên phạm vi cả nước. Nếu ta giải quyết tốt, thực hiện đầy đủ nghiêm minh theo tinh thần Nghị quyết TW 4 của Đảng, sẽ có tác động sâu rộng đến xã hội. Ngược lại, tình hình sẽ rất phức tạp.
Xin cảm ơn Trung tướng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét