Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

Nói phải đi đôi với làm

TP - Trao đổi với Tiền Phong, PGS. TS Trần Đình Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), cho rằng, vấn đề chỉnh đốn Đảng đã được Hội nghị T.Ư 4 nhận thức sâu sắc hơn về sự cấp bách của vấn đề. Điều quan trọng nhất hiện nay là biến quyết tâm thành hành động đúng đắn, nói phải đi đôi với làm.

Một hành động hơn nhiều bài diễn văn
Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương Đảng vừa qua là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh dù rất khó, rất phức tạp nhưng không thể không làm vì nó liên quan sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Ông có suy nghĩ gì?
Tôi rất đồng cảm và đánh giá rất cao những ý kiến mà Tổng Bí thư trình bày trước Hội nghị BCHT.Ư lần thứ 4 vừa rồi. Đó là những suy nghĩ rất thẳng thắn, nêu lên những vấn đề rất cấp bách và nghiêm trọng hiện nay mà Đảng đang phải giải quyết. Vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng không mới, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, đã chỉ đạo làm nhưng kết quả còn rất hạn chế.
Đa số đảng viên đều nhận thấy như vậy nhưng lần này, khi người đứng đầu Đảng nhìn thẳng vào sự thật và dùng những từ ngữ với tính chất nghiêm trọng như thế thì thực sự là rất mới mẻ. Nó thể hiện một lần nữa Đảng nhận thức sâu sắc hơn sự cấp bách của vấn đề, và trách nhiệm của BCHT.Ư đối với sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Tổng Bí thư cũng bày tỏ sự day dứt trước một câu hỏi đó là vì sao công tác xây dựng đảng được Trung ương rất coi trọng, đã có nhiều nghị quyết, nhiều cuộc vận động sâu rộng, nhưng tình trạng suy thoái trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn?
Câu hỏi đồng chí Tổng Bí thư đặt ra cũng chính là day dứt, trăn trở, nỗi niềm không chỉ của riêng tôi mà còn là của tất cả những ai còn nặng lòng với Đảng, mong muốn Đảng tiếp tục song hành cùng nhân dân, lãnh đạo đất nước.
Chúng ta có nhiều chủ trương hay, có nhiều nghị quyết đúng nhưng hành động trong thực tiễn chúng ta chưa làm được bao nhiêu. Hay nói cách khác, điều quan trọng nhất tôi muốn nói ở đây là chúng ta nói phải đi đôi với làm và phải gương mẫu từ trên xuống. Bác Hồ từng nói nhân dân ta coi một hành động gương mẫu hơn nhiều bài diễn văn hùng hồn. Người dân qua việc làm của từng đồng chí ủy viên trung ương mà nhận ra giá trị đích thực của mỗi người.
Chúng ta có thể hô hào rằng phải tiết kiệm, phải chống tham nhũng, nhưng một hành động thực tế có giá trị hơn ngàn lần lời hô hào như thế. Người dân không chỉ nghe lời nói mà còn xem xét hành động để kiểm chứng.
Thực tế, Đảng cũng không thể giấu giếm khuyết điểm vì người dân, với trăm tai nghìn mắt của mình thì không có gì có thể qua mắt người dân được.
Khó dễ cũng tự lòng mình
Một trong những giải pháp được đưa ra là tự phê bình và phê bình và được coi là một trong những khâu mấu chốt nhất. Qua thực tế công tác của mình, ông có chia sẻ gì về điều này?
Tôi nghĩ rằng việc phê bình và tự phê bình là rất quan trọng, nhưng chúng ta không thể chỉ dựa vào sự tự giác. Thực tế cho thấy công việc này lâu nay rơi vào hình thức, chưa đi vào thực chất. Vì vậy, để làm việc này tốt, tôi nghĩ phải có sự hỗ trợ tích cực của tập thể và đặc biệt là phải có sự tham gia của nhân dân.
Tôi đề nghị cần phải trở lại làm theo cách của Bác Hồ là mở hội nghị chỉnh đốn (trước đây gọi là chỉnh huấn, chỉnh quân, làm rất có kết quả) ở từng cấp, bắt đầu từ cấp cao. Tự kiểm điểm công khai từng người. Trừ những việc thuộc bí mật quốc gia, bí mật an ninh quốc phòng, còn lại đều công khai. Càng công khai minh bạch thì càng chứng tỏ “Đảng ta quang minh chính đại”, càng được nhân dân tin tưởng.
Khi Đảng đã coi việc làm này là cấp bách, mang tính sống còn đối với Đảng rồi thì phải ưu tiên tập trung thực hiện.
Tuy tôi biết rằng đây là việc khó, rất khó nhưng như Bác Hồ đã dạy: “Khó dễ cũng tự lòng mình”. Tôi tin rằng, nếu làm được như vậy thì việc chỉnh đốn, xây dựng Đảng lần này sẽ tạo ra một luồng sinh khí lành mạnh, sẽ làm cho uy tín của Đảng ta được nâng cao.
Báo chí có vai trò rất quan trọng
Nhiều năm nghiên cứu và từng trải công tác xây dựng Đảng, ông trăn trở điều gì hiện nay?
Đó là phải làm sao phát huy mạnh mẽ dân chủ trong Đảng cũng như dân chủ trong toàn xã hội. Ngay như việc tự phê bình và phê bình thì chỉ có hiệu quả thực chất khi tinh thần dân chủ được phát huy trong tổ chức Đảng.
Người dân một khi còn tin vào Đảng, yêu mến Đảng, mong muốn Đảng tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo thì họ mới phẫn nộ và lên tiếng trước những sai trái của các cán bộ trong bộ máy của Đảng và trong các cơ quan nhà nước. Bác Hồ từng nói một cách rất dễ hiểu rằng dân chủ là để cho dân được mở miệng.
Có như thế thì những suy thoái mới nhanh chóng được phát hiện và đẩy lùi, bộ máy của Đảng và chính quyền các cấp sẽ ngày càng trong sạch, vững mạnh và người dân ngày càng tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng.
Trong việc này thì báo chí đóng vai trò rất quan trọng, là cầu nối để qua đó lãnh đạo Đảng lắng nghe tiếng nói của nhân dân. Một thực tế là nhiều vụ tham nhũng lớn từ trước đến nay đều có công rất lớn của báo chí. Tôi hiếm khi thấy một tổ chức Đảng nào tự phát hiện và xử lý được tham nhũng, hầu hết là do nhân dân và báo chí phát hiện, đấu tranh mới được đưa ra ánh sáng.
Cảm ơn ông.
Cao Nhật (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét