Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Vật lộn trong khó khăn

Năm 2011 được coi là năm có khó khăn chồng khó khăn: Chi phí sản xuất đầu vào như giá điện, giá xăng, giá nguyên vật liệu, giá thuê mặt bằng… gia tăng dẫn đến nhu cầu về vốn cũng gia tăng.
Trong năm qua, Chính phủ cũng đã có nhiều nguồn lực để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nhưng theo ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV VN - đến nay vẫn có thể khẳng định khó khăn lớn nhất của các DNNVV vẫn là tiếp cận nguồn vốn vay từ các NHTM và các tổ chức tài chính khi chỉ có khoảng 20% DN là vay được vốn.
Khó tiếp cận vốn
Trong một hội thảo về hỗ trợ chính sách tài chính cho các DNNVV được Viện Chiến lược và Chính sách tài chính tổ chức cuối tháng 12.2011, ông Tô Hoài Nam chỉ ra ba nguyên nhân, trong đó ông Nam  nhấn mạnh nguyên nhân lãi suất tiền vay quá cao, lên tới 23%, nên rất ít DN có khả năng kinh doanh để đạt được mức lợi nhuận đủ cao để trả lãi NH. Ngoài ra, đại diện Hiệp hội DNNVV cũng cho rằng, thủ tục vay vốn năm qua “quá phức tạp và quá sức đối với DN ngay cả khi Chính phủ có chính sách ưu đãi”. Bà Nguyễn Bích Ngọc - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính dẫn chứng thêm, có tới 48% DNNVV bị NH từ chối cho vay vốn mà không rõ lý do.
“Điều này cho thấy sự thiếu minh bạch và không thống nhất trong thủ tục và quyết định cho vay của các NHMT đối với khu vực DNNVV” - bà Ngọc nói. Cho nên, loại dịch vụ mà hiện nay các DNNVV áp dụng từ NH chủ yếu là mở tài khoản, chuyển tiền, thanh toán, vay vốn. Tỉ lệ các DNNVV được bảo lãnh tín dụng quá nhỏ, chỉ khoảng 1%, thanh toán quốc tế khá thấp khoảng 18,5%; và không có DN nào sử dụng cho thuê tài chính.
Vụ phó Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Phụng cũng cho rằng, các biện pháp can thiệp bằng chính sách thuế không quan trọng bằng việc giúp DN tiếp cận vốn. Vì không có vốn thì DN không phát triển được. “Tại các hội thảo thì nói rất hay, dành chính sách ưu tiên, nhưng khi DN đưa hồ sơ đến thì cán bộ tín dụng cho biết sợ Điều 165 về cố ý làm trái, gây thất thoát tài sản; nên hồ sơ phải tốt. DN lại phải làm đẹp hồ sơ mà thực tế là đang khó khăn. Cả nền kinh tế chúng ta đang chạy theo cái này” - ông Phụng nói.
Các DNNVV khó tiếp cận được nguồn vốn vay từ các NHTM và các tổ chức tài chính.
Các DNNVV khó tiếp cận được nguồn vốn vay từ các NHTM và các tổ chức tài chính.
Chỉ 20% DNNVV có thể trụ được
Theo Hiệp hội DNNVV, những khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng  đã đẩy khoảng 20% DNNVV vào tình trạng khó có thể tiếp tục hoạt động (đứng trên bở vực phá sản). Ngoài nhóm này, 60% DNNVV đang chịu tác động của khó khăn kinh tế nên sản xuất sút kém hoặc bị đình trệ (chi phí sản xuất tăng cao do tác động của lạm phát, giá thành sản phẩm tăng không cạnh tranh được nên bị mất thị phần, gia tăng lượng hàng tồn kho, doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm nên không đủ vốn để duy trì sản xuất). Chỉ có 20% DNNVV còn lại là ít bị ảnh hưởng và có thể trụ vững được (do ít phụ thuộc vào nguồn vốn vay và được các lãnh đạo có kinh nghiệm dẫn dắt). Như vậy là có tới 80% DNNVV gặp khó khăn trong năm 2011.
Trước đó, số liệu trong 10 tháng năm 2011 của Bộ KHĐT cũng cho thấy, trong số DN 6.100 DN (chiếm 1,1 tổng số DN đang tồn tại) bị giải thể, ngừng hoạt động, ngừng nộp thuế chủ yếu là DNNVV có khả năng cạnh tranh thấp và tiềm lực tài chính yếu. “Toàn bộ mọi vấn đề đã lộ rõ, tình hình DN đã mất dần khả năng thanh toán”- Phó GĐ Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV TPHCM Trần Bửu Long khẳng định. “Khi NH ngưng không cho vay dự án đang đầu tư của DN, dự án bị dang dở, điều này ảnh hưởng đến cân đối dòng tiền và làm tăng rủi ro tài chính, nếu kéo dài có thể dẫn đến phá sản” - ông Long nói.
TS Phạm Thị Thu Hằng - GĐ Trung tâm hỗ trợ DNNVV (VCCI): Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011 – 2015 đang trong giai đoạn soạn thảo, hoàn thiện với sự chủ trì của Bộ KHĐT và sự tham gia của hầu hết các bộ, ngành đưa ra mục tiêu sẽ có thêm 450.000 DNNVV và tạo ra thêm 4 triệu việc làm. Dự thảo cũng đưa ra 8 nhóm giải pháp: 1- Hoàn thiện khung pháp lý về gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của DN. 2- Hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng cho DNNVV. 3- Hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới trong các DNNVV. 4- Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị cho các DNNVV. 5- Đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp cho DNNVV. 6- Cung cấp thông tin hỗ trợ DNNVV và xúc tiến mở rộng thị trường cho DNNVV. 7- Xây dựng hệ thống tổ chức trợ giúp phát triển DNNVV. 8- Quản lý thực hiện kế hoạch phát triển DNNVV.
Lưu Thuỷ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét