Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

Hạnh phúc với số đông

Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:
Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu?
Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc,
Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.

Nếu cụ Tú Xương sống ở thời này, ắt hẳn cụ sẽ lòa mắt vì đọc phải những lời rao vặt “lẻ tẻ” kiểu này: “Loa Ascendo System F- Biểu tượng công nghệ của Ascendo, made in Germany. Hàng new, BH chính hãng 12 tháng. Giá tham khảo: 23,000$ (510,6 triệu)”(*).
510,6 triệu đồng không bớt cho một cặp loa, chưa phải là giá cao nhất, mới chỉ là một cặp loa “tầm tầm” nhập về bán đại trà! Cộng thêm cái pre-ampli, rồi mới đến cái ampli, cái mâm đĩa, cái CD, thêm cặp dây loa, dây dẫn, sợi dây nguồn, cục biến áp nữa, một dàn âm thanh Hi-End có đến hai tỉ đồng không? Chớ hỏi câu đó, “dân chơi” audiophile bỉu môi! Còn khối cặp loa “khủng” hơn thế nhiều!
Tậu về, ngay lập tức lấy cái dĩa than “Café Blues” của Patricia Barber ra nghe, chớ không thèm nghe CD, lật mặt 2, nghe bài số 12. Đến cuối bài, sẽ nghe thấy tiếng cửa sắt kéo kẽo kẹt như thiệt nhe! Giời ạ! Mua dàn Hi-End về để nghe tiếng cửa kéo! Chơi kiểu đó, khi xưa gọi là “dân chơi cầu ba cẳng”, thấy ai có gì mình cũng có!
Có điều, những cái dàn Hi-End kiểu đó đâu thể khơi khơi bày giữa đường hay trong một căn nhà hay căn hộ “tầm tầm” được, nó phải ở trong những căn hộ giá triệu đô mới xứng tầm.
Đồng rụng, đồng rơi
“Có gì mà ầm ĩ! Tui kiếm ra tiền tui xài! Hổng thấy nhờ tui mà cả ngàn người có công ăn việc làm sao?”. Thật chính xác! Hai chục năm trước, có lãnh đạo gọi đó là “thuyền lên, nước lên”. Tiếng xứ người gọi là “théorie de la percolation” là “trickle down theory”: Cứ để mặc kinh tế vận hành theo quy luật thị trường, mọi việc sẽ tự điều hòa, tiền sẽ rụng rơi từ người có nhiều xuống người có ít, đến người không có... như từ một kim tự tháp. Nói theo cụ Tú Xương là đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu. Ở đáy kim tự tháp đó là những làn sóng người từ nông thôn đổ về Hà Nội, TPHCM cùng các thành phố lớn kiếm sống, từ một công việc làm trong nhà máy, một chỗ giúp việc nhà, rửa chén, lặt rau, một xe đạp ve chai... Đó là những chứng thực thương cảm nhất của... “đồng rụng, đồng rơi”.
Nếu nhìn lại, sẽ thấy “đồng rụng, đồng rơi” ở Việt Nam khởi sự từ những chuyến “hợp tác lao động” thời kinh tế bao cấp, sau này là làn sóng “xuất khẩu lao động”. Người Việt tha phương cầu thực, nhận những công việc mà dân nước giàu và cả dân nước thu nhập trung bình “chê”, đặng kiếm tiền gửi về cho gia đình. Trong một ASEAN “hai hay ba tốc độ”, từ mấy năm nay ở Malaysia, các ngân hàng đã treo bảng “Gửi tiền về Việt Nam chỉ mất có x RM cho mỗi y RM”! Biết sao giờ, khi đây là “đồng rụng, đồng rơi” trên quy mô toàn cầu. Một bài báo của hãng tin AP năm 2009 mô tả: “Dòng người lao động nhập cư xếp hàng đợi gửi tiền về cho gia đình là một thể hiện quyến rũ nhất của toàn cầu hóa. Kiều hối cấu tạo đến hơn một phần năm GDP của những nước như Jamaica, Jordan, Lebanon, Moldova và Tajikistan năm 2007”.
Chỉ mong sao ai đó chịu thương, chịu khó chuẩn bị cho các công dân xứ mình có một chút học vấn, chút nghề nghiệp, chút ngoại ngữ, chút quy tắc xử thế... để họ không phải thua thiệt quá nhiều khi phải đi làm “cu li thế giới”. Hãy thương lấy họ thay vì trục lợi từ sự tha phương cầu thực đó bằng những khoản phí cao vòi vọi.
Đã qua rồi “đồng rụng, đồng rơi”
“Đồng rụng, đồng rơi” trong mọi hoạt động kinh tế, “đồng rụng, đồng rơi” từ sự tăng trưởng. Càng tăng trưởng càng có cái để mà “rụng, rơi”. Đó là kỳ vọng của Ngân hàng Thế giới (WB) trong những năm 1960, niềm tin tưởng mãnh liệt rằng phát triển có thể đạt được qua tăng trưởng kinh tế. Sang đến thập niên 1990, dấy lên ngày càng nhiều những chỉ trích, ngay cả trong nội bộ WB. Còn nhớ tháng 3-1990, trên tờ Tuổi Trẻ đã đăng một bài dịch từ Le Monde về những tiếng chuông đầu tiên của WB từ những kinh nghiệm “đồng rụng, đồng rơi” (trickle down) thất bại ở châu Á.
15 năm sau, Tiến sĩ Akhtar A. Awan, một nhà kinh tế Pakistan, đã đặt vấn đề: “Tại sao ngân sách hàng năm của chúng ta cũng như các kế hoạch trung, dài hạn của chúng ta, với chỉ một mục tiêu là trở thành một nhà nước chu cấp xã hội trong đó không một ai phải đi ngủ với cái bụng đói lại cứ thất bại? Câu trả lời liên quan đến sự mê tín của chúng ta với sách lược cổ lỗ “đồng rụng, đồng rơi từ tăng trưởng” mà chúng ta vay mượn từ WB”. Theo Tiến sĩ Awan, sách lược “đồng rụng, đồng rơi từ tăng trưởng” đã chỉ hữu ích cho việc làm giàu của một nhóm doanh nhân. Trong thực tế, hầu hết các lợi lộc từ tăng trưởng đó đã chỉ tuồn về cho 22 “đại gia” tộc cùng một số quan chức cao cấp và tướng lĩnh uy quyền chia phần với các gia tộc đó”. Tiến sĩ Awan gọi đó là “tăng trưởng đồng rụng, đồng rơi mà không có công lý trong sự phân bổ lợi lộc” (“Trickle down growth without distributive justice”).
Mới tháng 2-2011, văn phòng WB ở Philippines công bố một báo cáo với kết luận: “Các lợi ích từ sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm qua đã không thể nhểu xuống (trickle down) hơn một phần ba dân số vốn cứ nghèo. Khi mà GDP/đầu người đã thực sự tăng đáng kể, thì rõ ràng sự phân bổ các lợi lộc từ tăng trưởng đã không rơi xuống đáy xã hội” (“Robust growth, Stubborn poverty”).
Michael Werbowski tố giác điều ông gọi là “nền kinh tế do mafia nắm” đang hoành hành cả ở các nền kinh tế phát triển hay đang nổi lên, ngay cả tại Mỹ: “Đó là do sự thắng thế của chủ nghĩa tư bản bè phái. Chủ nghĩa này không dựa trên nền tảng là thúc đẩy tiến bộ xã hội hoặc việc rải của cải “từ trên xuống dưới”, mà là chăm chăm tìm kiếm lợi lộc cho bản thân mình, bất kể các hậu quả và tổn thất nơi xã hội của số đông” (“Mafianomics”: From “Trickle-down Economics” to outright Financial Fraud”).
Kinh bang tế thế
Khi làm kinh tế hay điều hành nền kinh tế, ít ai còn thời gian để nhớ lại rằng làm kinh tế chính là kinh bang, tế thế. Ít nhất trong khi chờ đợi kinh bang với những thành tựu mọi mặt sáng chói vốn còn khá xa vời vẫn có thể tìm cách tế thế ngay trước mắt, vì chính lý lẽ tồn tại và sự tồn vong của chính mình. Sẽ là tế thế khi bắt đầu mọi kế hoạch bằng câu hỏi: “Số đông là đâu trong các dự án này?”.
Câu chuyện về việc cắt giảm đầu tư công năm 2011 không thành cho thấy có hai vấn đề nan giải của những người có trách nhiệm đối với ngân sách. Đó là sự lúng túng trong việc xác định nên cắt giảm khoản đầu tư nào và nên giữ lại dự án nào. Dường như những người có trách nhiệm đã không nhớ đến các thang bậc chi tiêu cơ bản theo thứ tự: cái không thể thiếu được, cái cần phải có, cái hữu ích, cái thoải mái và cái xa xỉ. Trong xã hội đa tầng lớp như hiện nay, “cái xa xỉ” của hàng triệu người nghèo có khi chưa bằng cái “vứt đi” chứ đừng nói là cái “không thể thiếu được” của những người ở “thượng tầng”. Và chắc rằng những người có trách nhiệm cũng đã không đặt câu hỏi: “Số đông trong các dự án, chính sách này là ai?” để quyết định cắt hay không cắt các khoản đầu tư công. Thế cho nên mới có những câu chuyện dở khóc, dở cười rằng ở một tỉnh miền Trung nọ cứ sau mỗi mùa bão lũ là tan tác nhưng vẫn nằng nặc đòi chi mấy trăm tỉ đồng để làm tượng đài, hay ở một tỉnh khác ở miền Tây cho xây tượng đài nhưng lại cắt kinh phí làm đường giao thông trong tỉnh...!
Ước sao “thang bậc chi tiêu vì số đông” sẽ được những nhà làm kinh tế, điều hành kinh tế lưu tâm để “đồng rụng, đồng rơi” tế thế hơn.

(*) Theo VNAV, thứ Sáu ngày 7-1-2011, 15:53:41

Báo Xuân TBKTSG 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét