Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

"Việt Nam là một đất nước, không phải là chiến trường"

Trong những năm mà báo chí gọi là "đêm trước đổi mới" đầy khó khăn và ấu trĩ, ở TPHCM có nhiều chuyện "xé rào" tìm các mô hình kinh tế vượt khỏi cơ chế quan liêu bao cấp. Vì thế, trong đối ngoại mới có chuyện năng nổ kéo mời quốc tế đến với Việt Nam. Ông Vũ Hắc Bồng, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM, đã từng làm "MC" cho ba sự kiện đón chào khách quốc tế đến với TPHCM những năm đó...

Việt Nam là một đất nước, không phải là chiến trường
Năm 1985 có sự kiện ngoại giao gây tiếng vang khắp thế giới: lần đầu tiên sau chiến tranh, TPHCM đón một đoàn tới 70 đại diện doanh nghiệp Mỹ.
Ông Phan Văn Khải (lúc đó là Chủ tịch UBND thành phố), ông Mai Chí Thọ (Phó bí thư Thành ủy) được Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh đặc cách chỉ định đứng ra tiếp đón khách. Đại sứ Vũ Hắc Bồng, Giám đốc Sở Ngoại vụ, là trưởng ban tổ chức điều hành cuộc gặp mặt lớn diễn ra tại đại sảnh của UBND thành phố, một tòa nhà cổ rất đẹp.
Ông Bồng nhớ lại: "Tôi được phân công làm MC. Người dịch là anh Lương Văn Lý, lúc đó là chuyên viên Sở Ngoại vụ, sau này thành một phó giám đốc rất giỏi nghiệp vụ và nhất là giỏi tiếng Anh, Pháp. Trong bối cảnh ấy, cả khách và chủ đều lạ lẫm nhau sau bao năm không gặp gỡ vì chiến tranh và cấm vận. Nhất là phía Mỹ, họ rất chập chững. Công việc chuẩn bị phải rất văn minh, lịch sự, đàng hoàng. Ủy ban lệnh phải tạo sự thoải mái từ xuất nhập cảnh, sân bay phải sạch sẽ, đón tiếp ân cần, khách sạn chu đáo, an ninh cứ làm việc của mình nhưng không được gây ấn tượng hiểu lầm...".
Cuộc gặp gỡ diễn ra buổi sáng. Giới thiệu ngắn gọn sao cho cả phiên dịch chỉ mất 10 phút. Thế là khó lắm. Vì ta xưa nay quen nói dài. Giới thiệu chủ tọa, khách mời, chú ý giới thiệu ông Nguyễn Xuân Oánh và bà luật sư Nguyễn Phước Đại, những trí thức Sài Gòn trước 1975. Sau đó là dành thì giờ cho khách tha hồ hỏi.
Một điều đặc biệt là đoàn doanh nhân nhưng các câu hỏi về kinh tế thì ít mà về chính trị và hậu quả chiến tranh thì nhiều. Thắc mắc cả những chuyện như tại sao không giữ tên Sài Gòn. Phải lấy thí dụ như ở nước họ, cũng lấy tên Washington DC vậy. Và những câu hỏi kiểu như: các ngài giải quyết thế nào với hơn 1 triệu lính chế độ Sài Gòn cũ, tại sao phải đưa đi cải tạo, như thế có phải là đi tù không? Các ngài cầm súng giỏi, làm kinh tế kém, sẽ xây dựng đất nước thế nào, các ngài làm gì để Việt Nam và Mỹ xích lại gần nhau? Việt Nam làm gì để hòa hợp hai miền Nam-Bắc? Toàn các vấn đề lớn và thời sự lúc đó.
Để tạo sự thoải mái, sau phần trao đổi là tiệc chiêu đãi bàn tròn, 10 người một bàn, khách và chủ nhà xen kẽ để tiếp tục trao đổi chiều sâu tay đôi tay ba. Khách được khuyến khích muốn hỏi gì thêm thì hỏi. Ông Mai Chí Thọ, ông Phan Văn Khải và một số chuyên gia các lĩnh vực liên quan thay nhau trả lời. Để cuộc trao đổi không một chiều, buồn tẻ và cứng nhắc, phía chủ nhà Việt Nam cũng hỏi lại: các ngài cảm nhận và đánh giá thế nào về Việt Nam và TPHCM, có khó khăn gì khi mở quan hệ với Việt Nam, các ngài có mong muốn và yêu cầu gì?...
Tựu trung, khách rất ấn tượng về thành phố 10 năm sau chiến tranh đang hồi sinh dù rất nhiều khó khăn. Có người dùng chữ "thần kỳ" (miracle). Điều họ còn thắc mắc là việc đối xử với người của chế độ cũ, vấn đề tập thể hóa và cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Ông Vũ Hắc Bồng, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM. Ảnh TBKTSG
Sau cuộc tiếp xúc, khách được mời thăm địa đạo Củ Chi lúc đó còn khá hoang sơ, gây ấn tượng rất lớn.
Ông Bồng kể chuyện vui, trong bữa tiệc ở đại sảnh UBND, một khách Việt Nam nêu câu hỏi: trong đời, các ngài sợ gì nhất? Sợ bị phá sản, có người đáp ngay. Người khác: sợ nói dối. Sợ tuổi già. Một vị vui cười: sợ vợ nhất. Bất ngờ, một khách Mỹ bảo, ông sợ Nhà Trắng, Lầu Năm Góc nhất, vì "nếu họ nói khác, làm khác, cuối cùng, người thiệt thòi là chúng ta".
Sau cuộc gặp gỡ lớn này, báo chí thế giới rộ lên thời gian dài chủ đề làm thay đổi cái nhìn cũ về Việt Nam. Tràn ngập hình ảnh và những phóng sự "Việt Nam là một đất nước, không phải là một chiến trường".
"Dù sao thì hôm nay ngài đã có mặt ở đây"
Lần thứ hai ông đại sứ Bồng làm MC là cuộc tiếp đón Tổng thống Pháp Mitterand vào năm 1993, cũng ở tòa nhà kiến trúc cổ UBND thành phố. Bà Tôn Nữ Thị Ninh lúc đó là Vụ trưởng Bộ Ngoại giao dịch cho Chủ tịch UBND TPHCM Trương Tấn Sang. Buổi tiếp này có mời GS. Trần Văn Giàu, vị chủ tịch đầu tiên của Sài Gòn năm 1945. Tổng thống Mitterand nói một câu ý nghĩa: "Tôi hân hạnh được biết ngài hôm nay và cả trước đây, rất tiếc nước Pháp đã bỏ mất nhiều cơ hội". GS. Trần Văn Giàu đáp nhẹ nhàng: "Dù sao thì hôm nay ngài đã có mặt ở đây".
Trước khi lễ kết thúc, đại sứ Bồng dẫn tổng thống ra balcon ngắm nhìn đại lộ của thành phố. Tổng thống Pháp chỉ tay ra phía tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước trụ sở ủy ban và nói: "Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một đảng viên tiền bối của chúng tôi".
Trong chương trình có mục hướng dẫn đoàn khách dạo phố, đi qua đường Nguyễn Huệ, rẽ về Đồng Khởi có ghé vào nhà thờ Đức Bà một chút vì không phải ngày lễ. Tổng thống rất vui đi giữa một thành phố xinh đẹp, bình yên, không gian kiến trúc Pháp cổ xưa. Ông còn ngạc nhiên sửng sốt khi ngang qua đường Nguyễn Huệ bỗng có một người đàn ông Việt Nam ngả mũ chào, chỉ kịp nói một câu tiếng Pháp: "Tôi bày tỏ sự kính trọng ngài. Tôi là một thầy giáo bình thường ở đây". Cả vị tổng thống và các phóng viên nước ngoài đều có ấn tượng tốt đẹp về con người và cuộc sống nơi đây.
Lúc chia tay Chủ tịch Trương Tấn Sang ở sân bay, vị tổng thống nói một câu đầy xúc động: "Hai nước chúng ta cùng nắm tay đi lên và vĩnh viễn chôn vùi đi quá khứ không đẹp".
Tôi phải hòa nhập với địa đạo kháng chiến như lòng tôi mong muốn"...
Trong số những sự kiện đón tiếp và làm MC đáng nhớ nhất mà đại sứ Bồng kể lại có cuộc đón Chủ tịch Cuba Fidel Castro vào tháng 5-1995.
Cuộc đón tiếp lớn tổ chức ở dinh Thống Nhất, với nhiệm vụ phải làm cho đậm chất Việt Nam-Cuba vốn có mối tình thân thiết. Khách mời lên tới 700 người. Ngoài lãnh đạo trung ương và thành phố, có cả lãnh đạo các tỉnh gần gũi như Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... Ông Nguyễn Minh Triết, lúc đó là Bí thư Bình Dương, cũng tham dự.
Ông Vũ Hắc Bồng chỉ một số kỷ vật trong sự nghiệp ngoại giao của mình - Ảnh: Tuổi Trẻ
Trong cuộc họp mặt, có cả một người chắc chắn đã chiếm được tình thương, mối quan tâm của Cuba, đó là chị Phan Thị Quyên, người gắn liền với tên người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Có cả nữ đại tá anh hùng Hồ Thị Bi, anh hùng phi công tình báo Nguyễn Thành Trung..., những đại biểu của cuộc chiến đấu mà nhân dân Cuba từng dõi theo và hết lòng ủng hộ. Có một khoảnh khắc xúc động và thân tình dành cho các đoàn đại biểu các nơi lên phát biểu và trực tiếp trao tận tay món quà của mình cho Fidel.
Có những chi tiết vui và lạ lùng: Fidel cao trên dưới hai mét nên cái giường cho ông nằm phải sửa dài hai mét rưỡi. Fidel còn nhớ hỏi xem phía chủ nhà có gặp khó khăn gì không khi phải lo giường ngủ cho một người có chiều cao như ông. Khi đi thăm Củ Chi, ông đòi chui hầm địa đạo. Dù cửa hầm đã phải sửa lớn ra để đón khách, nhưng ông cao lớn thế, đi lại được trong hầm không phải chuyện dễ dàng. Mọi người ngập ngừng lo vấn đề an toàn, nhưng Fidel bảo, ít ra các đồng chí cũng phải để tôi hòa nhập với địa đạo kháng chiến như lòng tôi mong muốn khi đến đây chứ. Và ông chui xuống địa đạo, đi một đoạn hầm cho thỏa nguyện vọng.
Trước khi đoàn ra về, Tư lệnh Bộ đội thành phố Phan Trung Kiên tặng Fidel một thanh kiếm quý. Fidel đáp lễ cảm ơn và nói: "Hy vọng chúng ta không bao giờ phải rút kiếm ra khỏi vỏ một lần nào nữa".
Sau đó, theo yêu cầu của Fidel, chương trình phải dẹp bớt vì Fidel muốn dành hẳn một buổi chụp hình chung với anh chị em phục vụ, vì ông biết họ rất sốt ruột. Nào là đoàn tháp tùng, bảo vệ, các anh chị em lo ăn ở, nhà khách, chiến sĩ công an, lái xe..., không sót một bộ phận phục vụ nào. Ông còn tự tay ký tên lên hết số hình đó một cách trân trọng. Khi MC Bồng cảm ơn, Fidel còn cười vui: thấy không, tôi còn... khỏe lắm.
Fidel nói, ông sẽ không mặc quân phục như thường lệ, để diện bộ đồ do Tổng bí thư Đỗ Mười vừa tặng, may đo tại chỗ, lấy liền. Trong cuộc tiễn đưa tưng bừng ở sân bay, Fidel nói với Bí thư Thành ủy Võ Trần Chí, rằng ông vừa được sống qua những ngày quá đẹp ở Việt Nam, hơn tất cả những gì cần phải ca ngợi.
Đại sứ Vũ Hắc Bồng không nghĩ mình có thêm nghề "MC" với bao ứng xử hóc búa. "Nghề" này có gì vui không? Có chứ. Và ông kể lại thời kỳ tiếp xúc quốc tế, giải quyết việc ra đi hợp pháp chấm dứt di tản bằng đường biển, và việc quân đội Việt Nam ở Campuchia. Công việc và khách quốc tế nhiều đến nỗi Bộ Ngoại giao phải cử một nhóm công tác đặc biệt thường trú tại TPHCM để phối hợp với thành phố. Các vị lãnh đạo của ngành như ông Nguyễn Cơ Thạch và các thứ trưởng có mặt gần như thường xuyên tại đây. Một thuận lợi là lãnh đạo Thành ủy, ủy ban sát cánh giải quyết những việc nóng bỏng.
Một lần trong cuộc tiếp các nhà báo quốc tế, có mặt cả Chủ tịch Hunsen, Bộ trưởng Thạch giới thiệu Chủ tịch UBND Mai Chí Thọ sẽ làm người chủ tọa hội nghị, làm "MC" - Bộ trưởng Thạch giới thiệu ông Thọ là một "powerful man" - con người đầy quyền lực. Ông Bồng nhớ lại, "MC Thọ" đã quay sang nói nhỏ với mình một cách hóm hỉnh: "Cậu Thạch cho tớ lên mây, chứ tớ có cảm tưởng tớ đang là "chủ tịch... hộ khẩu" thì đúng hơn". Chắc ai cũng còn nhớ lúc đó vì vấn đề an ninh nên chuyện nhập hộ khẩu cực kỳ căng thẳng, nhiều người nhờ cậy ông giúp....
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét