Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

Công bằng xã hội

TT - Có nhiều cách hiểu về công bằng xã hội. Trên một trang web của cánh tả Pháp, đất nước đang trong danh sách những xã hội tư bản hiếm hoi mà nhà nước còn bao cấp y tế, giáo dục và cả nhà ở..., chớ chưa chịu đầu hàng trước những thúc ép gọi là “kinh tế thị trường”, công bằng xã hội được nhìn, thấy và tính toán các quyết sách căn cứ trên những thang bậc xã hội sau:
1- Nhóm đứng trên tất cả là nhóm của những người sở hữu thật nhiều.
2- Nhóm kế tiếp là nhóm “khá giả thoải mái” gồm công chức cao cấp, cán bộ cao cấp, cán bộ trung cao, nghị sĩ, một số người hành nghề tự do, một số nhà buôn, nghệ nhân... Trong bối cảnh giá nhà cửa cao vòi vọi, vẫn không ngại nghĩ đến một căn hộ thứ hai.
3- Nhóm “vừa đủ sống”, như giáo viên, nhà buôn lẻ, công nhân viên, công nhân lành nghề... Nhóm này đông nhất và rất quan tâm đến sức mua của mình: đối với họ, một xu là một xu, và những ngày cuối tháng là “cheo leo”.
4- Nhóm “(hầu như) chẳng có gì”: cận kề hay dưới ngưỡng nghèo, phải hưởng trợ cấp các loại, việc làm tạm bợ... Nhóm này ở Pháp có đến 7 triệu người.
Sự phân loại trên thể hiện một trật tự kinh tế xã hội dựa trên tư bản chủ nghĩa...và thể hiện sự bất bình đẳng xã hội. Tất nhiên, mỗi nước mỗi hoàn cảnh khác, song có lẽ phân nhóm xã hội ở đâu cũng có thể thành bốn nhóm như đã nêu trên.
Có nhiều cách thức bảo hiểm xã hội khác nhau. Ở Mỹ, nhà nước không dấn thân tham gia, bằng cớ là Đảng Cộng hòa một lần nữa không chịu duyệt ngân sách bảo hiểm y tế miễn phí, hỗ trợ y tế... của ông Obama, và nhường sân cho các tổ chức từ thiện kiểu Bill Gates... Ở Pháp, vẫn là nhà nước chu cấp, tuy rằng sau này cũng đã có những mon men đến kiểu Mỹ. Song dẫu sao cho đến nay Nhà nước Pháp vẫn chưa bỏ cuộc trong các lĩnh vực y tế và giáo dục miễn phí, kể cả đại học, nhất là nhà ở cho thuê với giá tương đối do lẽ quyền có chỗ ở là một quyền của người dân và đảm bảo công bằng xã hội cũng từ những điều hết sức cơ bản như quyền có chỗ ở.
Điều này càng rõ nét ở VN khi cho đến nay, một chỗ để ở chính là vấn đề lớn nhất cho rất đông người, khi mà chương trình “nhà ở xã hội” còn nhiều vướng mắc chưa giải quyết! Ngược lại, ở VN ngày càng có nhiều người có nhà cao cửa rộng, không chỉ một mà nhiều cái. Ở những nước đi trước trong thực thi công bằng xã hội, thuế đánh trên tài sản (nhà) được thu hằng năm, tương ứng với trị giá những căn nhà đó. Nếu cần đảm bảo công bằng xã hội thì đây chính là con đường mà nhân loại đã đi. Ngược lại, phí lưu hành nước nào cũng có, song hiếm thấy nước nào thực thi công bằng xã hội bằng phí lưu hành xe cộ! Nhất là khi ở Việt Nam, cái xe, nhất là xe máy, chưa hẳn là một dấu hiệu của sự giàu có: trong đại đa số trường hợp chính là “đôi chân” của người dân, kể cả thuộc nhóm “đủ sống”.
DU LONG

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/472593/Cong-bang-xa-hoi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét