Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

Bây giờ mà có về quê…

Bây giờ mà có về quê…
  
                                                        
cảnh gói bánh ngày tết(ảnh minh họa)
      
Bà ngoại tôi họ Dương, quê ở làng Vinh Hiển, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Họ Dương là một họ lớn, ruộng lúa bề bề, nhiều người thành đạt và sang trọng như cái tên làng. Nhưng là phận gái, bà tôi không được học hành, mười sáu tuổi đã đi lấy chồng, nuôi dạy một bầy em chồng rồi đẻ cho họ Lê mười người con cả trai lẫn gái. Khi ông tôi với hai người cậu lớn tập kết ra miền Bắc, bà gánh vác một gia đình đông con chỉ nhờ vào mấy sào ruộng công điền.
        Suốt năm tất bật với ruộng vườn heo gà, nhưng ngày giỗ, ngày Tết bao giờ bà tôi cũng gác lại công việc để về quê thắp hương cho cha mẹ và thăm anh chị. Người anh của bà là ông Giáo Hương cũng có hai người con đi tập kết, các dì các cậu đều học giỏi, là tấm gương mà bà vẫn thường lấy ra để nhắc nhở con cháu.
       Vào những ngày cuối tháng chạp, khi lúa đã cấy xong, bà tôi bắt đầu làm bánh mứt để chuẩn bị Tết. Cả nhà phụ bà đổ bánh in trong cái khuôn gỗ, cùng lúc tiếng dầu chiên bánh mè reo giòn trong bếp, rồi tiếng dện bánh nổ thình thình như tranh với tiếng dện bên hàng xóm. Lo lắng và hồi hộp nhất là khi đổ bánh thuẫn: nếu lửa không vừa đủ cho bột, trứng và đường dậy lên như những bông hoa đang nở, thì đó là điềm báo một năm mang đến tin buồn. Xong bánh, bà chuyển sang làm mứt: mứt dừa, mứt bí, mứt gừng, thứ nào cũng được làm từ cây trái bà trồng trong vườn cho kịp mùa Tết.
       Tôi giúp bà lấy những cái thẩu bằng thủy tinh cất trong tủ chè, rửa thật sạch, lau khô rồi cẩn thận xếp bánh mứt vào. Những thẩu bánh đẹp nhất bà chia ra hai phần đều nhau: một phần để chưng trên bàn thờ nhà tôi, một phần để bà mang về cúng tổ tiên họ Dương. Nhìn bà chuẩn bị giỏ quà Tết, lòng tôi sung sướng vô bờ vì đây là dịp duy nhất trong năm, nhờ kỳ nghỉ Tết, tôi được bà cho về thăm Vinh Hiển.
       Hai mươi tám tháng chạp, bà cháu tôi đón xe lam từ Đồng Cát vô đến Quán Vịt thì xuống xe, đi bộ gần cây số đường đất đã thấy hiện ra lũy tre xanh bao quanh làng Vinh Hiển. Tôi vừa chạy lon ton theo bà, vừa thèm thuồng ngước nhìn những tổ chim dồng dộc treo lủng lẳng trên ngọn tre. Nhà ông Giáo là nhà ngói nền cao lát gạch hoa chứ không phải nhà tranh nền đất như nhà tôi. Bà Giáo lau chùi nhà cửa sạch bóng, các cậu ngồi học nghiêm trang, tôi rón rén ra hái trái trứng cá trên cây, nghe gió xuân rười rượi từ cánh đồng Lai Dương thổi lên da thịt.
       Từ Vinh Hiển đi về hướng Tây Nam sẽ đến chợ Liên Chiểu, gần đó là hồ sen xưa rộng đến 5 hecta, một trong mười thắng cảnh của Quảng Ngãi, thường được gọi là “Liên trì dục nguyệt” (Trăng tắm ao sen). Xa xa, núi Xương Rồng và núi Chóp Vung in bóng trên nền trời. Do địa thế đó mà trước đây Vinh Hiển được chọn làm nơi đặt nhiều cơ quan của Liên khu 5 và trở thành mục tiêu thả bom của máy bay Pháp, khiến ngôi nhà họ Dương từng bị đổ sập. Thời chống Mỹ, khi chiến tranh lan rộng, làng Vinh Hiển trở thành nơi quần thảo của hai phe. Lính Mỹ dùng xe ủi phá sạch nhà dân, đắp một con đường xuyên qua làng để chuyển quân và vũ khí. Khu vườn nhà ông bà Giáo bị cày xới tan hoang, gia đình phải dời ra thị xã một thời gian rổi chuyển hẳn vô Sài Gòn.
        Nhờ những lần về làng Vinh Hiển với bà ngoại, tôi mới làm quen với Nguyễn Thiện Tường, một người anh họ xa cùng tuổi, sinh ra và sống ở quê ngoại Vinh Hiển từ nhỏ. Gia đình anh cũng chịu cảnh ly tán trong chiến tranh giống hệt gia đình tôi. Rồi Tường và tôi cùng ra học ở trường Trần Quốc Tuấn, cả hai đều say mê văn chương, tập tành viết văn, làm báo. Vào đại học, chúng tôi học chung ở Văn khoa Sài Gòn, hết chiến tranh lại cùng học ở Đại học Tổng hợp Hà Nội. Vậy mà khi ra trường, kẻ về Nam người ở Bắc, bẵng tin nhau đến gần 30 năm.
       Hè năm nay tôi mới có cơ duyên gặp lại Tường, không phải ở làng Vinh Hiển thân yêu mà ở một thị trấn cao nguyên xa xôi có tên là Winterberg. Tường định cư trên nước Đức đã hai mươi năm. Tôi có ba ngày lang thang trong cái thị trấn thanh bình và xinh đẹp ấy, đêm về hàn huyên chuyện cũ với Tường. Chuyện vòng vo nào rồi cũng kéo về với cảnh và người làng Vinh Hiển, cái làng mà anh đã lấy tên đặt cho đứa con trai đầu, bây giờ ở xa tít mù khơi.
       Một buổi chiều, khi lái xe đưa tôi đi qua con đường giữa những ngôi nhà lợp bằng đá chẻ trên triền đồi cỏ xanh dờn dợn sóng nắng, Tường lại hỏi thăm về làng Vinh Hiển. Tôi kể Tường nghe là một người cậu con ông bà Giáo, gọi bà ngoại tôi bằng cô ruột, định cư ở Mỹ, có lần viết thư cho anh, tâm sự: “Ước gì năm nay em được về làng mình ăn Tết”. Người anh là nhà giáo Dương Hội mới viết một bài thơ để trả lời em:
                                Bây giờ mà có về quê
                       Cũng như Lưu Nguyễn  xưa về trần gian
                                 Vườn xưa nhà cũ hoang tàn
                       Phôi pha kỷ niệm, ngỡ ngàng bước chân
                                 Đâu còn bóng mẹ đầu sân
                        Chờ con về Tết mỗi lần xuân sang.
 
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG


Về quê khi chưa nuối tiếc

Thứ Bảy, 14/01/2012


(TT&VH) - Giữa năm 2011, GS.TS.nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương tặng tôi cuốn tạp văn Bây giờ mà có về quê… (NXB Phụ nữ). Đọc chầm chậm cuốn sách, tôi vừa muốn giới thiệu ngay với độc giả TT&VH vừa muốn để dành. Lý do muốn để dành vì cuốn tạp văn này chở nặng không khí cuối năm, khi người tha hương đều nhớ nhà và muốn về quê ăn Tết.
Bây giờ mà có về quê… gần như được tuyển từ những tạp văn ông viết nhiều năm trên các báo Tết gộp thành.
Đa phần những bài tạp văn in trên báo Tết, đều nói về nỗi nhớ nhà, sum họp bên người thân đã là vui như… Tết. Có những nỗi nhớ hiện hình như một “kế hoạch” thực thi được. Nỗi nhớ nằm trong tầm tay dạng này khiến các bến xe, nhà gia, sân bay chật ních những người là người về quê ăn Tết. Lại có những nỗi nhớ thật xa vời, như một hoài niệm. Các bài viết trong Bây giờ mà có về quê… như những hoài niệm.
Với GS Huỳnh Như Phương, nỗi nhớ ấy là ngày ông nội dẫn hai người con trai đi biền biệt không về để lại những người đàn bà tháng ngày mong ngóng. Tản văn Ống giã trầu của nội không miêu tả khói lửa chiến tranh, nhưng hiện đằng sau con chữ là xiết bao khốc liệt của một thời khi cậu trai Huỳnh Như Phương lớn lên thiếu vắng hơi ấm của cha ông mình.
Đọc Bây giờ mà có về quê… giống như ngắm nhìn hồi ức đẹp và buồn được vẽ từng nét chậm bởi Huỳnh Như Phương. Những ai từng lớn lên ở quê sẽ xốn xang trong lòng khi chia sẻ cùng tác giả về một góc vườn nhà ngoại, nơi có giếng nước mát lành giờ thuộc về người khác. Tản văn Giếng mát trong vườn nhà ngoại vẫn còn đó, nhưng còn trong ký ức tươi tắm một nỗi niềm.
Có thể nói, GS Huỳnh Như Phương viết tản văn về những sự đã mất, nuối tiếc khôn nguôi. Sự nuối tiếc này lây sang người đọc, vì đa phần người tha hương ở các đô thị hiện giờ cũng đang để mất những gì mà lẽ ra họ “nắm gọn trong tay”. Vì sao thế? Vì mưu sinh, danh lợi hay vì điều gì khác mà năm nào, mỗi dịp Tết đến ở hai đầu Hà Nội và Sài Gòn người ta lại chen chúc nhau về quê như thể đang… chạy loạn.
Chen nhau về Tết dù gì cũng còn lắm điều hay khi còn người xưa, cảnh cũ đợi mình. Nhưng nhiều người về Tết thế này mới buồn, càng về càng buồn, như bài thơ của nhà giáo Dương Hội trả lời thư một người em trong tản văn dùng đặt tên cho cuốn sách: Bây giờ mà có về quê/ Cũng như Lưu Nguyễn xưa về trần gian/ Vườn xưa nhà cũ hoang tàn/ Phôi pha kỷ niệm, ngỡ ngàng bước chân/ Đâu còn bóng mẹ ngoài sân/ Chờ con về Tết mỗi lần Xuân sang. Không để những nuối tiếc phải đeo theo người, Tết này tôi nhất định về quê sớm để nhìn thấy “bóng mẹ ngoài sân” sau bao ngày xa cách.
Trần Hoàng Nhân
http://www.thethaovanhoa.vn/173N20120114055820952T133/ve-que-khi-chua-nuoi-tiec.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét