Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Bao giờ hết "chạy dự án"?!

Nhìn từ những vụ việc như Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ Tài chính hay Thứ trưởng Bộ Y tế, kê khai, công khai tài sản, luân chuyển cán bộ...là không đủ chống tham nhũng trong giới cán bộ, công chức nhà nước.
Một tin đáng chú ý đầu năm là công an phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông Trần Anh Tuấn, nguyên Phó vụ trưởng vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, bộ Tài chính vì tội "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" của một số tổ chức, cá nhân với số tiền lên đến 80 tỷ đồng-một con số không hề nhỏ.
Các bản tin dùng chữ "nguyên", có thể gây hiểu nhầm là ông Tuấn đã tham ô trong thời gian ông đã không còn làm ở bộ Tài chính. Tham ô - phải gọi đúng từ này hành vi của ông Tuấn bởi  ông này thực sự đã lợi dụng chức vụ của mình để thực hiện các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền của những doanh nhân tưởng rằng ông này có thể dùng quyền hạn của mình để chạy dự án cho họ.
Cụ thể, như ông Trần Đức Dương, giám đốc một doanh nghiệp ở Hải Phòng tháng 7.2011 đã được ông Tuấn, khi đó đang làm phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, bộ Tài chính gợi ý chạy gói thầu thi công xây dựng trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) với tổng mức đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Ông Tuấn đã đòi 5 tỷ đồng, thực tế đã nhận 1,5 tỷ đồng nói để sử dụng "bôi trơn", chạy dự án. Cũng thủ đoạn tương tự, ông Tuấn đã kiếm đựoc 1,2 tỷ đồng từ một doanh nghiệp ở phố Hòa Mã, Hà Nội để chạy dự án cho đại học Hùng Vương. Tuy nhiên, số tiền lừa đảo lên tới trên 75 tỷ đồng khác đối với những tổ chức, cá nhân nào chưa được công bố và số tiền này có thể không đòi lại được do bị can Trần Anh Tuấn đã kịp bỏ trốn ra nước ngoài từ tháng 11.2011.
Với những cán bộ cấp vụ như ông Trần Anh Tuấn, khi dự án không chạy được thì ông này bị coi là lừa đảo nhưng nếu dự án được chấp thuận thì có thể nói, ông này đã thành công trong việc "bán quyền ăn tiền". Bởi lẽ, ở vị trí phó vụ trưởng một vụ quan trọng của bộ Tài chính trong việc lên kế hoạch, phân bổ tiền ngân sách, ông Tuấn có thể gây ảnh hưởng, chạy chọt, "bôi trơn"...các bộ phận khác trong bộ.
Từ trường hợp này, có thể gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng tham nhũng trong bộ máy nhà nước thực tế đã không giảm cho dù các cơ quan có nhiệm vụ chống tham nhũng hiện nay như Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương, Thanh tra Chính phủ mấy năm nay đã triển khai nhiều biện pháp mới như: bắt buộc kê khai rồi mới đây là yêu cầu kê khai rồi công khai tài sản, thanh tra trách nhiệm trong việc triển khai phòng, chống tham nhũng ở đơn vị; luân chuyển cán bộ...
Chưa có một thống kê đầy đủ nào về số lượng cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng bị phát hiện trong từng năm, số tiền tham nhũng tăng, giảm...mặc dù Thanh tra Chính phủ vẫn họp báo công bố các kết quả thanh tra hàng quý. Trong hàng loạt các báo cáo của các bộ, ngành trong buổi "đối thoại về phòng chống tham nhũng" tổ chức cuối năm 2011, mặc dù ngành nào cũng nêu thực hiện hàng chục cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực phụ trách nhưng việc chỉ điểm ai, hành vi nào, mức độ tham nhũng trong các ngành đó đều rất mờ nhạt, không cụ thể.
Ở các cơ quan tư pháp, số lượng các vụ tham nhũng có rõ ràng hơn chút. Theo báo cáo mới nhất của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì trong 5 năm: 2007-2011, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố 1.406 vụ với 3.035 bị can-tức là mỗi năm khởi tố khoảng 280 vụ/600 bị can. Đáng chú ý năm 2010, theo tổng hợp của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, trong 9 tháng đầu năm 2010 thì số vụ đem ra truy tố, xét xử về tội danh tham nhũng lại giảm: do trong thời gian này, số vụ khởi tố chỉ còn 188 vụ với 373 bị can, giảm 23%. Còn từ 1.10.2010 đến 30.9.2011, số vụ khởi tố là 220 với 449 bị can, đã truy tố 219 vụ với 456 bị can; xét xử sơ thẩm 229 vụ và 501 bị cáo. Còn từ đó đến nay, chưa có kết quả tổng hợp mới hơn.
Nhưng có một điều dễ thấy, nhiều vụ việc có những bằng chứng tham nhũng khá rõ ràng, thường do cơ quan công an điều tra, phát hiện nhiều hơn vẫn chưa khẳng định đúng tên của căn bệnh này ở đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước.
Trước vụ Trần Anh Tuấn, ai cũng biết đến vụ Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã dùng ảnh hưởng của mình, "vay" tiền của doanh nghiệp -Công ty BV Pharma với số tiền trên 2 tỷ đồng. Tuy khoản vay có lãi suất nhưng thấp hơn nhiều so với lãi suất thị trường vào thời điểm vay. Nhưng với mức chênh lệch lãi suất từ các khoản vay đó, ông Quang có thể nói đã hưởng lợi trong khi đứng ở vị trí là thứ trưởng, quản lý doanh nghiệp. Cho nên, một biểu hiện của sự lạm quyền, là khi doanh nghiệp bí vốn, đòi trả lại. Ông Quang còn bị xác minh, kết luận là sử dụng bằng (tiến sĩ) giả và mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật ông này với hình thức cảnh cáo và yêu cầu cơ quan cấp trên của ông Quang xử lý hành chính ông này theo thẩm quyền.
Một chuyên viên đã nhiều tuổi tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói với người viết bài này: "Chống tham nhũng cái gì? Bây giờ họ tinh lắm, ngửi thấy cái gì có mùi tiền thì mới làm, làm nhanh lắm. Không phải tự nhiên người ta đua nhau "chạy" bằng được vào các vị trí, bộ phận có thể ra tiền như cấp phép, xét duyệt dự án...hoặc có thể có điều kiện thăng tiến nhanh".
Một trong những nguyên nhân do giải thích cho hiện tượng tham nhũng, lạm quyền để gây nhũng nhiễu, vòi tiền của cán bộ, quan chức nhà nước được nêu trong Đối thoại phòng chống tham nhũng là thu nhập còn thấp. Có những tính toán, khảo sát cho thấy, nếu chỉ với mức lương, bổng hiện hành, chỉ đủ cho cán bộ, chuyên viên trong các bộ, ngành nhà nước sống bình thường trong...1 tuần và 3 tuần còn lại, họ phải tìm kiếm các cách khác nhau để sống. Có những người trình độ, khả năng thì có các khoản thu từ việc viết  lách báo cáo, tham gia các nhóm nghiên cứu, hội nghị, hội thảo; có những ngành thì có cán bộ, chuyên viên có các khoản thu nhập thêm mang tính "dưỡng liêm" như ngành kiểm toán, thanh tra, kiểm sát... nhưng cũng có nhiều người ở vị trí không thể làm gì phải làm thêm bên ngoài hoặc ở những vị trí như cấp giấy phép, cấp đăng ký...thì hiện tượng nhũng nhiễu, tham ô sẽ trắng trợn, phổ biến hơn.
Mặc dù nói rằng, lương bổng, thu nhập thấp chỉ là một lý do thúc đẩy một bộ phận cán bộ, công chức tham nhũng, còn nhiều lý do khác về cơ chế, thiếu sự giám sát, lòng tham...Nhưng tình trạng để lương bổng, thu nhập của khối doanh nghiệp cách khá xa với khối hành chính, sự nghiệp hiện nay cũng có thể nói đang gây quan ngại cho các nỗ lực chống tham nhũng ở khối cán bộ, công chức các bộ, ngành.
Đã từ lâu, có nhiều tiếng nói từ nhiều cán bộ, công chức cho rằng, họ ở mức thu nhập quá thấp nhất là so với các mức lương của ngành điện, ngân hàng, dầu khí, than-khoáng sản...được công bố trên báo. Mặc dù đòi hỏi sự cào bằng là khó nhưng dường như sự chênh lệch này đang gây nên những "ấm ức" trong giới cán bộ, công chức khu vực hành chính-sự nghiệp và nó có thể kích thích, thúc đẩy những hành vi thiếu liêm chính ở khu vực này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét