Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Công trình... trả nợ!

Câu chuyện về "công trình trả nợ" xem ra mới chỉ có phần mở đầu. Tuy nhiên, nếu như hàng ngàn tỷ đồng của dân, của nước nếu cứ tiếp tục được hoàn thành vượt mức để trả nợ như thế, lại là là điều cần phải có giải pháp xem xét cẩn trọng để điều chỉnh.
Thời bao cấp, đi qua bất kỳ một công trình lớn nào cũng thấy nổi bật cái băng rôn to đùng với nội dung y chang nhau: "Công trình chào mừng Đại hội...", "Công trình chào mừng kỷ niệm 30 ngày thành lập...". Kết cục của mọi sự chào mừng hay kỷ niệm ấy gần như không khác nhau: Tất cả đều được "hoàn thành" đúng kỳ hạn (thậm chí chưa hoàn thành cũng phải coi như hoàn thành).
Chào mừng và "hậu" chào mừng
Và chỉ ít lâu sau, cái thì xuống cấp, cái thì hư hỏng. Phần hậu của chào mừng là chuyện đã qua. Tìm đâu thấy phần trách nhiệm của ai, nhất là, chẳng lẽ khi trước khen ngợi, ca tụng, chúc mừng thành công vượt bậc mà bây giờ lại lôi nhau ra... kiểm điểm?
Nỗi buồn của cái sự "ấu trĩ" nhiều dụng ý lấp liếm, bao che ấy dần đã bớt đi khi kinh tế thị trường đem sự khắt khe của chuẩn mực, kỹ thuật phân định rõ ràng cái có thể và điều không thể. Chẳng hạn, một chu trình của thai nhi là chín tháng mười ngày thì không thể bắt ép người mẹ phải đẻ non cho đúng ngày tốt, giờ lành.
Trong xây dựng hay chế tạo một chiếc máy bay cũng thế, không thể nóng vội, đốt cháy giai đoạn vì sẽ tạo ra những sai lầm khó có thể sửa chữa được. Đây là giai đoạn của sự chuyển tiếp, nói nôm na là chúng ta đã khôn hơn một chút khi hiểu rằng muốn cho xi măng đông cứng hoàn toàn theo đúng yêu cầu kỹ thuật, phải có thời gian.
Đất nền muốn đạt đến độ ổn định để chịu tải cho một con đường cũng cần đến thời gian lún, nén cần thiết... Vô số các thông số kỹ thuật một khi được "nhất trí" thì tưởng chừng như sự cáo chung của căn bệnh thành tích đã đến hồi rung chuông vàng, hết đất sống. Xã hội có thể được thở phào vì không còn thắc thỏm với cái nỗi lo "hậu chào mừng", tương lai của cái thời sau kỷ niệm?
Ấy thế nhưng cuộc đời không nghĩ thế. Gần đây, trước sự quyết liệt rất đáng trân trọng của ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, hàng loạt công trình đã được thực hiện đúng tiến độ, "trả nợ" đúng và đủ (thậm chí quá mức yêu cầu) kỳ hạn "thanh toán" mà Bộ trưởng đưa ra.
Nhưng người xưa dạy là cái gì thái quá cũng không tốt, kể cả lòng tốt.
Trước hết, phải nói rằng dư luận rất tán đồng cách làm một là một, không là không của Bộ trưởng Bộ GTVT bởi đó là cách thực thi nền kỹ trị theo lối công nghiệp. Nó góp phần thay đổi cái tư duy đủng đỉnh yêu thích sự chậm giờ, trễ nải của kinh tế tiểu nông. Nó ra thông điệp thực sự về cái nguyên tắc của rạch ròi không được bờm xơm, quanh quất. Nó nói rằng thay đổi là điều tối thượng và không ai được quyền đánh trống bỏ dùi...
Tuy nhiên, sự quyết liệt về chính trị, quản lý không thể bắt kỹ thuật quyết liệt... chạy theo!
Chẳng hạn, tình trạng xe bus thảm thê thế mà bắt cán bộ Bộ GTVT đi xe bus đến công sở thì không thể không trễ giờ làm - trễ nhiều đến mức đi xe bus mà không phải làm việc, và ai cũng được nhận lương thì quá ư là tốt. Vậy là, cái công thức thi đua, chào mừng tưởng đã đi rồi bỗng nhiên sống lại.
Công trình của Dự án nâng cấp QL 18 đoạn Mông Dương - Cửa Ông hoàn thành sớm hơn... tám giờ so với hạn mức
Tại sao, tại sao và tại sao?
Suy cho đến cùng, ngày trước vì chào mừng nên ép buộc cái sự đẻ non. Ngày nay để trả nợ Bộ trưởng, để chào mừng sự tại vị của  giám đốc hay tổng giám đốc (nói nôm na là để giữ yên cho cái ghế của thủ trưởng trực tiếp) nên các công trình thi nhau chào mừng theo kiểu mới(!)
Nhờ cái sự tỉnh táo mới mẻ của tư duy này nên công trình Cụm cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng sau khi trảm tướng, được hoàn thành nhanh như có gió thần phong (kamikaze) hỗ trợ. Công trình của Dự án nâng cấp QL 18 đoạn Mông Dương - Cửa Ông hoàn thành sớm hơn... tám giờ so với hạn mức 31.12.2011 - sớm hơn hai tháng so với hợp đồng... gốc. Có nghĩa là trong ba tháng thi công, người ta đã hoàn thành được khối lượng công việc bằng cả hai năm rưỡi thi công trước đó(!)?
Cái đúng hạn, vượt thời gian quá sức tưởng tượng buộc cái tư duy kỹ thuật phải nghiên cứu. Rất nhiều câu hỏi đặt ra: Nếu nền đường cần đến hàng năm để ủ nén thì vì sao không cần nữa? Tại sao bê tông bây giờ đông cứng nhanh hơn thời trước? Tại sao ngày xưa đổ lỗi cho thời tiết không thuận lợi, bây giờ ông trời bỗng dưng đổi tính nết?... Tại sao và tại sao là những câu hỏi  mà bệnh thành tích xuôi (thời bao cấp) hay thành tích ngược (thời kinh tế thị trường) chẳng khi nào trả lời nổi.
Bằng chứng dường như đến ngay tức thì (tuy câu trả lời thì chưa dài dài): Báo chí cho biết công trình Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng vừa mới hoàn thành sau khi  Bộ trưởng GTVT "trảm tướng" đã bị dột, bị thấm ướt khiến hành khách bị trượt ngã, bị đe dọa rất nguy hiểm (Sài Gòn Tiếp thị, 3.1.2012)...
Trong khi đó, báo GTVT ngày 25.12.2011 viết: Việc đưa nhà ga mới chính thức đi vào hoạt động là một sự kiện "trọng đại", là bước ngoặt, mang tính "lịch sử" cho không chỉ ngành hàng không Việt Nam..., mang tầm cỡ "4 sao" sau thời gian trì trệ, chậm trễ đã trở thành hiện thực..., bảo đảm chất lượng và mỹ thuật theo như thiết kế. Có lẽ, lâu nay chưa thấy một công trình xây dựng nào được tung hô ầm ĩ thành trọng đại, lịch sử như thế. Chỉ tiếc là những chữ trọng đại, lịch sử, 4 sao trong bài báo trên đều để trong ngoặc kép?
Câu chuyện về "công trình trả nợ" xem ra mới chỉ có phần mở đầu. Tuy nhiên, nếu như hàng ngàn tỷ đồng của dân, của nước nếu cứ tiếp tục được hoàn thành vượt mức để trả nợ như thế, lại là là điều cần phải có giải pháp xem xét cẩn trọng để điều chỉnh.
Xin kính đề nghị với Bộ trưởng Bộ GTVT: Dù ông có bức xúc về chậm tiến độ hay thiếu năng lực đến mấy cũng cần phải đưa ra một thời hạn hợp lý về kỹ thuật chứ không thể hoàn thành một công trình trong ba tháng bằng tiến độ hai năm rưỡi và sớm hơn những hai tháng so với hợp đồng gốc.
Xin kính đề nghị với Bộ trưởng Bộ GTVT: Dù ông có bức xúc về chậm tiến độ hay thiếu năng lực đến mấy cũng cần phải đưa ra một thời hạn hợp lý về kỹ thuật chứ không thể hoàn thành một công trình trong ba tháng bằng tiến độ hai năm rưỡi và sớm hơn những hai tháng so với hợp đồng gốc.
Những ý kiến viết trong bài này chỉ mang tính chất phản biện vì người viết không thể có đủ căn cứ để phân tích (chờ ít lâu nữa có thể sai nhưng chắc là phần lớn đúng). Tuy nhiên, mới có 10 ngày mà Nhà ga sân bay Đà Nẵng chưa mưa đã dột, chưa tạt đã ướt thì cũng có thể phần nào thấy trước được sự chào mừng cho việc trả nợ nó tạo ra những hệ lụy khó lường... Chẳng lẽ, ít lâu nữa ông lại "trảm tướng", lại tiếp tục tìm đến việc chào mừng sự chào mừng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét