Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Kinh tế Việt Nam 2012: Dễ bị tổn thương

(TBKTSG Online) - Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2012 được các chuyên gia kinh tế dự báo là chịu tác động tiêu cực từ bên ngoài và dễ bị tổn thương về vĩ mô, tài chính.
Quan điểm nêu trên được tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đưa ra tại diễn đàn “Dự báo kinh tế 2012-2015” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) và tạp chí Kinh tế - dự báo tổ chức tại Hà Nội hôm 10-1.
Ông Thành bổ sung thêm rằng, rủi ro bất ổn vĩ mô còn hiện hữu. Thêm vào đó Việt Nam lại bắt tay tái cấu trúc nhiều lĩnh vực. Do vậy, cho dù những mục tiêu đề ra năm 2012 vẫn khá cao thì dự báo tăng trưởng GDP khả năng đạt từ 4,7% đến 6,5%. Lạm phát có khả năng giữ ở mức một con số nhưng có thể đánh đổi với tăng trưởng thấp.
Thách thức đặt ra là làm sao ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát mà không bóp nghẹt sản xuất-kinh doanh trong bối cảnh đầu tư giảm, thị trường xuất khẩu co hẹp… “Vấn đề là sự uyển chuyển trong thực thi chính sách tiền tệ, tài khóa và tỉ giá”, ông Thành nói.
Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng có những nhận định tương tự như dự báo của ông Thành.
Theo ông Mại, các chuyên gia kinh tế đánh giá Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong các nền kinh tế châu Á trước sự biến động của kinh tế thế giới vì tình trạng lạm phát cao, doanh nghiệp chưa đủ mạnh, thâm hụt ngân sách lớn và hoạt động của hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Năm 2012, nền kinh tế nước ta vừa phải khắc phục hậu quả 2011, vừa bắt đầu tái cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng mới.
Ông Mại cho rằng, các kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2012 tùy thuộc vào tình hình kinh tế thế giới diễn biến theo chiều hướng nào và việc Việt Nam chủ động ứng phó với mọi biến động thị trường ra sao. Song chủ yếu tùy thuộc vào 5 yếu tố:
1/ Đổi mới đồng bộ, nhanh chóng thể chế chính trị, kinh tế, chính sách vĩ mô trên cơ sở tư duy mới.
2/ Nâng cao hiệu năng quản lý nhà nước.
3/ Các doanh nghiệp có ý chí, chiến lược kinh doanh, marketing, tích tụ và phát triển nhân lực để thiết lập thế và lực trên thị trường trong và ngoài nước.
4/ Khôi phục lòng tin của nhân dân bằng môi trường dân chủ thực chất, khuyến khích các ý tưởng mới, sáng kiển của mọi người dân để chấn hưng kinh tế
5/ Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu, rõ ràng trách nhiệm người đứng đầu.
Ông Mại nhận định thêm: “Nếu chậm đổi mới nhanh chóng và đồng bộ thì nước ta phải đối mặt với nhiều rủi ro khi kinh tế thế giới biến động phức tạp. Do đó kinh tế của nước ta sẽ khó đạt tăng trưởng 5% đến 5,5%, nguy cơ tụt hậu so với nhiều nước trong ASEAN và châu Á càng hỉện hữu”.
http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/sukien/69527/Kinh-te-Viet-Nam-2012-De-bi-ton-thuong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét