Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

Trăn trở với bữa ăn gia đình

Ông bà Tuấn - Thoa kính mời các ngài lãnh đạo đi đám cưới đại gia 50 tỉ đến dùng cơm cùng gia đình tại địa chỉ: số.............

SGTT.VN - Lạm phát, giá cả tăng cao trong thời gian dài đã bào mòn dần khả năng chi tiêu hộ gia đình. Chúng tôi tiếp xúc trực tiếp với một số đối tượng tiêu dùng, để phần nào phản ánh được thực tế hiện nay.
Bữa cơm gia đình chiều ngày 3.3.2012 tại nhà của ông bà Tuấn – Thoa, ngụ tại khu dân cư Vườn Lài, quận Tân Phú trở nên buồn tẻ. Bởi nhìn vào mâm, ông Tuấn đã chép miệng: “Lại trứng chiên”. Đến khi ông Tuấn ăn đúng một chén cơm rồi dằn chén dằn đũa đứng dậy, bà Thoa tức tưởi: “Chỉ có hơn 2 triệu đồng đi chợ, tui không biết làm sao mua thức ăn ngon…”
Ăn vào sổ tiết kiệm
Nhiều gia đình phải tính toán chi li cho từng bữa ăn. Ảnh mang tính minh hoạ. Nguồn: Internet. 

Bà Thoa kể, thu nhập của gia đình được gần 6 triệu đồng/tháng. Tiền thuê nhà, điện, nước đã hết 2 triệu đồng. Phần đóng tiền học cho đứa con lớn và mua sữa cho đứa con nhỏ cũng ngốn gần 2 triệu/tháng. Tiền đi chợ mỗi tuần chỉ còn chừng 500.000 đồng. Tính ra mỗi ngày khoảng 70.000 đồng cho cả ba bữa ăn của gia đình. Bà Thoa nói: “Năm ngoái còn sổ tiết kiệm 5 triệu đồng, lấy ra bù dần vào tiền chợ. Nay tui chẳng còn tiền dành dụm. Hàng ngày đành mua món rẻ, nấu mặn mà một chút mới đủ thức ăn”. Bình gas trong nhà sắp hết, bà Thoa lại lo mua gas hết gần 500.000 đồng, tiền đi chợ sẽ càng bóp lại.
“Tui chẳng biết làm sao nữa”, bà vừa khóc vừa nói. Đứa con lớn của bà Thoa nói: “Lâu rồi nhà con không ăn món thịt heo nướng cuốn bánh tráng, bò bíttết khoai tây chiên mà ba con rất thích”. Con của bà Thoa cho biết: “Ngán nhất là mì gói”. Loại mì thịt bằm giá 5.200 đồng/gói đã được thay bằng loại mì 3.500 đồng/gói để còn tiền mua thức ăn khác, bà Thoa cho biết.
Mua ít đi
Tại siêu thị Lotte Mart ở quận 7, bà Hường nhà ở đường Lê Văn Lương, lục tung các vỉ thịt đóng gói sẵn để tìm vỉ có trọng lượng nhỏ chừng 150 – 200g. Bà Hường cho biết: “Một năm trước với một triệu đồng đi siêu thị, tôi có thể mua cả xe với đủ thịt, cá, rau cho cả tuần. Còn bây giờ với một triệu đồng, tôi phải tính toán cho kỹ kẻo thiếu trước hụt sau”. Bà nhấn mạnh: “Tôi đi chợ theo khoản tiền mình có, chứ không còn đi chợ theo nhu cầu ăn uống của gia đình. Có lúc thấy cá rô ngon, cũng không dám mua”. Chính vì vậy mà “gần 20 năm làm nội trợ, điều bây giờ tôi mới làm được là trong tủ lạnh gần như không còn thức ăn thừa mỗi ngày”, bà cho biết thêm.
Theo tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 của cả nước tăng 1,37% so với tháng 1. Đây là mức tăng khá thấp so với các tháng 2 cùng kỳ trong mười năm lại đây (chỉ đứng sau mức tăng thấp nhất 1,17% của tháng 2.2009). Dù vậy, tính theo năm, chỉ số giá đã tăng 16,85%.

Ngay cả với gia đình có thu nhập cao, thì chi tiêu cho nhu cầu ăn tăng lên, nhưng các khoản khác phải giảm. Bà Nguyễn Thị Hoa, cư dân khu vực Phú Mỹ Hưng cho biết: “Tiền chợ là khoản chi chỉ chiếm chừng 20 – 25% trong chi tiêu gia đình hàng tháng, hiện nay thì tiền chợ cho gia đình tôi gồm ba người đã tăng từ 7 lên 12 triệu đồng/tháng (tăng 71%), chiếm đến 32 – 35%, làm mất đi các khoản chi cho ăn tối bên ngoài, giải trí”.
Hết cách xoay trở
Cô bé Minh Thư học ở trường Trường Chinh (Tân Bình) mếu máo đề nghị mẹ: “Đừng để con ăn cơm nhà bà ngoại nữa. Con ngán quá. Bà kho thịt với trứng, ăn hết rồi còn dư nước thịt bà lại mua củ cải cho vào kho tiếp”. Mẹ cô bé thương con, cũng đành chịu vì với chi phí chỉ chừng 15.000 đồng/ngày, chị biết mẹ chị khó có thể làm được phần ăn dinh dưỡng theo sở thích của bé. Ngay cả việc Minh Thư xin thêm tiền ăn sáng, chị cũng không thể, dù chị biết rõ với 10.000 đồng, con chị chỉ có thể mua gói xôi hoặc gói mì gói không thịt trong căntin của trường.
Bà Trần Thị Mến, ngụ ở quận 10 than thở: “Tôi tiết kiệm đủ cách từ chỉ mua món rẻ theo mùa, mua món rẻ theo khuyến mãi, giảm số lượng hàng mua… nhưng bây giờ tới lượt bình gas lên gần nửa triệu đồng, nếu quay lại thời nấu ăn bằng bếp than, tôi không biết phải tính sao vì nhà chung cư không có chỗ chẻ củi mồi, quạt than khói um sùm ảnh hưởng đến hàng xóm…”
Những người làm việc bên ngoài, ăn cơm hàng cháo chợ vốn được xem là bình dân, cũng đang lo lắng, vì từ đầu tháng 3 đến nay nhiều quán ăn đã bắt đầu tăng giá, cơm trưa vỉa hè đã lên 25.000 – 30.000 đồng/phần (tăng giá khoảng 10%). Cơm trưa văn phòng có ghế ngồi sạch sẽ một chút giá lên đến 40.000 – 45.000 đồng/phần. Hủ tíu bán vỉa hè 20.000 – 30.000 đồng/tô. Phở bò trở thành món “xa xỉ” với mức giá từ 45.000 – 75.000 đồng/tô (tuỳ nơi)…
Bích Thuỷ 

 http://sgtt.vn/Tieu-dung/161440/Tran-tro-voi-bua-an-gia-dinh.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét